Bí ẩn kho báu của Nghĩa hội Quảng Nam

Thứ Hai, 02/09/2013, 09:30

Phong trào Nghĩa hội Quảng Nam chỉ kéo dài trong 3 năm, từ 1885 (thời điểm Vua Hàm Nghi xuất bôn và hạ chiếu Cần vương) cho đến lúc thủ lĩnh của phong trào là Nguyễn Duy Hiệu sa vào tay giặc vào năm 1887. Trong khoảng thời gian ngắn ngủi đó, những con người kiệt xuất tham gia Nghĩa hội đã ghi dấu vào lịch sử dân tộc rất nhiều mốc son chói lọi, nhiều cuộc khởi nghĩa đã nổ ra, những trận đánh xuất quỷ nhập thần làm cho quân Pháp và chế độ phong kiến đương thời thất điên bát đảo.

Cùng với việc ra đời của các căn cứ Cần vương khắp cả nước như: Nghĩa Lộ, Ba Đình, Bãi Sậy, Vụ Quang, Yên Thế, Hương Sơn, Hương Khê, Hùng Lĩnh… thủ lĩnh Nguyễn Duy Hiệu của phong trào Nghĩa hội Quảng Nam đã nhìn xa trông rộng khi di dời căn cứ từ sơn phòng Dương Yên về Tân Tỉnh, Trung Lộc (nay thuộc xã Quế Lộc, Nông Sơn, tỉnh Quảng Nam). Trên ngọn núi mà ngày nay người dân địa phương vẫn gọi là núi Ông Hường (Hường Hiệu), thủ lĩnh phong trào đã cho xây dựng một tổng hành dinh với đầy đủ quân lương, khí giới để phục vụ chiến đấu lâu dài…

Người ta kể rằng, khi cảm thấy phong trào không thể cầm cự với quân Pháp và triều đình thuộc Pháp. Nguyễn Duy Hiệu đã cho quân sĩ của mình đưa nhiều báu vật cùng vàng bạc vào sâu trong núi để chôn nhằm tránh sự cướp bóc của giặc. Chuyện kho báu của phong trào Nghĩa hội Quảng Nam vẫn được người đời truyền tai nhau cho đến ngày nay, và việc đi tìm dấu tích kho báu ấy đến bây giờ đối với hậu duệ của những người từng tham gia phong trào Nghĩa hội hơn 100 năm trước vẫn là một vấn đề thời sự…

Người dân Quảng Nam ở bên này đèo Ải (Hải Vân) biết được tin  "thất thủ kinh đô" vào năm 1885 là do những người học trò trong Quảng ra kinh đô Huế để ứng thí trong kỳ thi Hương năm ấy. Cùng chạy loạn về Quảng với đám học trò còn có rất nhiều binh lính và lẫn trong đoàn người tán loạn ấy còn có một ông tú tài là sứ giả của quan đại thần Tôn Thất Thuyết có nhiệm vụ vào các tỉnh phía nam Huế để đưa tin Cần vương.

Theo tờ "mật dụ" được thông báo đến các tỉnh phía nam này, Tôn Thất Thuyết đã hiến mưu chước cho quan quân địa phương rằng: Văn thân cứ tổ chức, dân cứ nổi dậy, còn quan lại đương nhiệm thì cứ giả lờ đi… Chính vì điều này mà lúc bấy giờ ở Quảng Nam đã tránh được rất nhiều cuộc giao tranh đẫm máu, trong khi nghĩa quân chiếm thành tỉnh và đoạt chính quyền…

Theo sách "Phong trào Nghĩa hội Quảng Nam" của tác giả Nguyễn Sinh Duy do NXB Đà Nẵng ấn hành năm 1998 thì: Suốt trong tháng 6 năm Ất Dậu (1885), tin tức giao liên giữa ba tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định "long ngóng" không ngớt, và tội nghiệp thay cho con ngựa trạm phi suốt ngày đêm, nên đã bị "què chân"! Địa đầu của cực Nam nằm sâu về hướng tây - nam của tỉnh Quảng Nam, nơi sơn phòng sứ Trần Văn Dư trấn đóng đã trở thành đầu mối chỉ đạo và liên lạc giữa ba tỉnh Nam - Ngãi - Định. Do vị trí chiến lược và xã hội của một ông tiến sĩ, lại đang giữ chức Chánh sứ sơn phòng Quảng Nam, nơi tiếp cận của ba tỉnh, Trần Văn Dư đã được bầu làm chủ Nghĩa hội.

Trần Văn Dư (SN 1839), quê ở làng An Mỹ Tây, huyện Tam Kỳ (nay thuộc phường Tam An, thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam). Ông đỗ tiến sĩ năm 1875, làm quan từ chức Hành tẩu tại Viện Cơ mật, rồi lên các chức Tri phủ Ninh Giang (1876), Tri phủ Quảng Oai (1879), Hàn lâm viện thị độc (1880), Giảng tập ở Dưỡng Thiện đường dạy cho hai hoàng tử Ưng Đăng và Chánh Mông (sau này là Vua Dục Đức và Đồng Khánh), làm Án sát sứ đạo An Tĩnh (1882), biện lý bộ lại, Thương bạc sự vụ (1883), rồi cuối cùng giữ chức Chánh sứ sơn phòng Quảng Nam (1884).

Kể từ khi phong trào Cần vương được phát động, các nghĩa binh đã thực hiện nhiều đợt tấn công nhằm vào quân Pháp và quân của triều đình. Có những trận tập kích, nghĩa binh đã cận chiến dùng đoản đao tiêu diệt rất nhiều quân Pháp nên quan tuần vũ Quảng Nam lúc ấy là Hồ Lệ đã nao núng tinh thần, đành phải dâng sớ về kinh, trình bày hiện tình khẩn cấp trong hạt, thú nhận sự bất lực của mình và xin về Huế chịu tội. Vua Đồng Khánh đã chuẩn y và đưa Châu Đình Kế lên thay Hồ Lệ để làm tuần vũ Quảng Nam.

Tháng 12/1885, triều đình của Vua Đồng Khánh đã bàn bạc với quân Pháp hòng tấn công vào căn cứ sơn phòng Quảng Nam, nhằm tiêu diệt đầu não chỉ huy của cuộc kháng chiến. Trong lúc bị truy riết, thủ lĩnh Trần Văn Dư đã phải chạy đến nương náu nhờ viên án sát là Lê Văn Đạo và chính trong bước đường cùng ấy, Trần Văn Dư đã nghĩ đến người học trò cũ mà ông từng dạy học nay đã trở thành Vua Đồng Khánh. Ông quyết định sẽ ra Huế để gặp triều đình thương thuyết trên tư thế của một ông thầy dạy cũ của vua và một chân tiến sĩ khoa hoạn vượt lên trên chức sắc của Nghĩa hội.

Mặt khác, vị thủ lĩnh của phong trào Nghĩa hội còn nghĩ rằng: Tuần vũ Quảng Nam Châu Đình Kế ngày trước cũng từng đứng trong hàng ngũ chống Pháp như ông, từng theo Tôn Thất Thuyết hộ giá Vua Hàm Nghi ra đến Tân Sở (Quảng Trị), con người ấy, bụng dạ ấy chắc không đến nỗi nào. Theo chú thích của Nguyễn Sinh Duy trong sách "Phong trào Nghĩa hội Quảng Nam" thì Châu Đình Kế nguyên là tham tri bộ Công, ở trong phe chủ chiến của Tôn Thất Thuyết.

Nhưng khi vụ phản công quân Pháp thất bại ở kinh thành, Kế đổi thái độ lơ láo, từ đó dẫn tới làm hỏng nhiều kế hoạch của Tôn Thất Thuyết. Vì lẽ đó mà khi đi ngang qua thành tỉnh, Trần Văn Dư đã ghé vào để nói chuyện cùng với Châu Đình Kế mà không một chút đề phòng. Không ngờ, trong cuộc đối đáp hôm ấy, viên tuần vũ Quảng Nam tay sai cho Pháp đã xem Trần Văn Dư là tướng giặc nên đã có thái độ xấc xược với một vị tiến sĩ Chánh sứ sơn phòng. Trần Văn Dư đã giận dữ gọi Châu Đình Kế là hạng người giá áo túi cơm, cam tâm cúi đầu làm tay sai cho giặc Pháp.

Nhân đó, Châu Đình Kế đã tâu lên tên chỉ huy quân đội Pháp đang có mặt trong thành tỉnh rằng "Người này là đầu đảng của giặc, vô cùng lợi hại, nguy hiểm". Tên chỉ huy Pháp liền dùng quân luật thời chiến, đem Trần Văn Dư bắn ngay ở góc thành tỉnh, đó là sáng ngày 13/12/1885 (nhằm ngày 8/11/Ất Dậu).

Vùng đất trước đây là căn cứ Tân Tỉnh Trung Lộc của Nghĩa hội.

Sau khi Trần Văn Dư bị giết, Nghĩa hội Quảng Nam đã thống nhất cử ông Phó bảng Nguyễn Duy Hiệu lên nắm quyền Hội chủ. Nguyễn Duy Hiệu sinh năm Đinh Mùi (1847), là con trai của một phú hào ở làng Thanh Hà, huyện Diên Phước (nay thuộc phường Cẩm Hà, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam). Ông là người được gia đình cho ăn học tử tế với các bậc danh sư như: Nguyễn Đình Tựu, Lê Tấn Toán.

Năm 16 tuổi (1863), ông thi đỗ tú tài, đến năm 1876 ông đỗ cử nhân, năm 1879 thi Hội ông đỗ Phó bảng. Năm 1882, nhìn thấy ở ông một con người đức độ, học rộng, biết nhiều, Vua Tự Đức đã cử ông làm Giảng tập tại Dưỡng Thiện Đường để dạy cho các hoàng tử, đặc biệt là các hoàng tử Ưng Đăng, Ưng Kỷ, Ưng Lịch sau này là các vua Kiến Phúc, Hàm Nghi và Đồng Khánh. Khi Vua Tự Đức qua đời, để lại một triều đình rối ren việc nước cũng như việc hoàng gia.

Giặc Pháp thì lăm le nã đại bác vào cửa biển Thuận An, bên trong triều thì gian thần chạy loạn, níu chân Pháp để tìm cách chia quyền, đoạt vị, bán rẻ giang sơn… trước cảnh tình như thế, Nguyễn Duy Hiệu phẫn kích cực độ. Ông thác cớ mẹ già không ai nuôi dưỡng, nên xin từ chức về quê. Để an ủi xẻ chia với ông, triều đình Huế phong cho ông hàm Hường lô tự khanh, và từ đó trở đi cái hàm này gắn liền với tên tuổi của ông trong dân gian: Hường Hiệu, hoặc ông Hường Thanh Hà. Sử quán triều Vua Đồng Khánh gọi ông là "ngụy Hiệu", thực dân Pháp cho ông là "kẻ lục lâm", tên "Đại phiến động", nhưng nhân dân thì vô cùng trìu mến khi nhắc nhớ đến ông…

Sau 3 năm cùng với những cộng sự thân tín của mình hưởng ứng chiếu Cần vương chống Pháp trong tâm thế của một con người kiên cường, bất khuất nhưng cũng tiên lượng được đến một lúc phong trào sẽ không tồn tại được…

Cuối năm 1887, triều đình cùng với thực dân Pháp quyết tâm tiêu diệt phong trào Cần vương, nên dồn lực lượng để bao vây nghĩa quân và tiến đánh vào tận sào huyệt của Nghĩa hội ở căn cứ Tân Tỉnh, Trung Lộc. Thêm vào đó là có một số thành viên của Nghĩa hội đã lung lay tinh thần mà quy hàng theo giặc…

Sách "Phong trào Nghĩa hội Quảng Nam" của Nguyễn Sinh Duy viết rằng: Trước tình cảnh ấy, Chủ soái Nguyễn Duy Hiệu đã cùng với Phan Bá Phiến quyết định mở nhiều chiến dịch, đưa quân xuống đồng bằng để hư trương thanh thế. Nhưng, than ôi, đó cũng chỉ là dấu hiệu phụt sáng của ngọn đèn sắp tắt. Trong khi đó, quân của triều đình và quân Pháp liên tiếp mở những trận càn quét đại quy mô nhằm vào nghĩa binh của Nghĩa hội, làm cho rất nhiều hào lý và chức danh của Nghĩa hội ra đầu hàng giặc… điều đau buồn hơn là tin các thủ lĩnh Cần vương ở Bình Định như Mai Xuân Thưởng, Lê Khanh, Bùi Điền đã bị Trần Bá Lộc hành quyết từ khoảng trung tuần tháng 4 năm Đinh Hợi (1887), cộng thêm tin Hoàng giáp Phạm Như Xương cùng gia quyến 7 người bị quân khâm sai của Phan Liên lùng bắt ở nguồn Lỗ Đông thuộc huyện Hòa Vang…

Căn cứ địa Trung Lộc dù là đất "thiên hiểm" trước nay, nhưng sau khi bị quân Pháp và quân của triều đình tiến đánh thì Tân Tỉnh cũng không còn là đất "thiên hiểm" nữa. Vì lẽ đó mà Nguyễn Duy Hiệu và Phan Bá Phiến đã đem đại đội nhân mã và những người tâm phúc rút lên sơn phận An Lâm, lập đồn cứ hiểm. Lệnh triệt thoái về bên kia đèo Le được ban ra, sau khi doanh trại, căn cứ Tân Tỉnh được lệnh tiêu thổ.

Nguyễn Thân được sự động viên của triều đình Đồng Khánh đồng thời nhận được sự chi viện về tinh binh và khí giới của quân Pháp nên đã cho người đến thám sát tình hình ở căn cứ của Nghĩa hội ở An Lâm. Sau khi đã điều nghiên kỹ lưỡng địa bàn, chúng đã nhanh chóng mở cuộc bủa vây vào ban đêm. Lúc trong đồn nghe được tiếng động, thì bọn tinh binh của Nguyễn Thân đã kẹp súng xếp ập vào bắn như mưa trút. Toán thân binh canh gác vòng rào ở đồn An Lâm tán loạn, toán cận vệ không còn cách nào khác hơn là mở một con đường máu để thoát ra.

Người ta kể rằng, toán cận vệ này của Nghĩa hội có khả năng võ nghệ hết sức cao cường, đã dùng những thế phi thân, nhào lộn, vừa bắn trả, vừa cặp hai lãnh tụ Nguyễn Duy Hiệu và Phan Bá Phiến chạy vào rừng sâu ẩn nấp. Trên bước đường cùng, hai lãnh tụ của phong trào Nghĩa hội Quảng Nam đã chọn Gò May thuộc xã Phước Sơn để lập đồn cứ hiểm ẩn náu. Tuy nhiên, không lâu sau đó, đồn Gò May cũng bị quân của Nguyễn Thân tiến đánh, chúng bắt 8 người có chức sắc trong Nghĩa hội, từ chức lãnh binh trở xuống.

Gia quyến của lãnh tụ Nghĩa hội Nguyễn Duy Hiệu gồm mẹ già 85 tuổi, một người vợ, một hầu thiếp và 3 người con trai, 2 người con gái cũng đều bị bắt. Trong khi đó, Nguyễn Duy Hiệu và Phan Bá Phiến đã thoát thân có mặt ở một làng ở miệt biển An Hòa với ý định sẽ vượt biển trốn ra đảo Lý Sơn, nhưng vì sau đó biết được ngoài ấy có người Công giáo nên hai ông đã hủy bỏ ý định.

Nhận thấy Nghĩa hội đã bước vào giai đoạn suy tàn, Nguyễn Duy Hiệu đã bàn định với Phan Bá Phiến rằng: "Nghĩa hội ba tỉnh ông với tôi thật chủ trương. Việc đã không thể làm thì chỉ có thể chết mà thôi. Nhưng hai ta cùng chết một lúc là vô ích. Ông hãy chết trước. Phần tôi, tôi sẽ giải tán hội, rồi đem thân mặc cho Pháp bắt. Người Pháp tra hỏi, tôi sẽ cực lực giải thoát cho hội. Một mình tôi chết không đáng tiếc, còn Hội ta sau này có kẻ làm thành chí ta, tức là ta sống đó!".

Sự kiện này đã được Phan Bội Châu viết trong tác phẩm "Việt Nam vong quốc sử" như sau: "Phiến khẳng khái nhận lời, bèn mang đai, đội mão, quay về nơi vọng vua lạy năm lạy, rồi hướng về phía Hiệu lạy và nói: "Ông gắng sức, tôi xin đi". Phiến liền dốc túi thuốc độc, uống xong, nhắm mắt… chứng kiến xong cái chết của người đồng sự tâm phúc, Nguyễn Duy Hiệu cùng tú Nghị bí mật theo đường nước sông Trường Giang từ An Hòa trở về Thanh Hà là cố hương của mình.

Sau khi viếng bàn thờ mẹ, ông đã đi ra miếu thờ Quan Công giữa bãi cát Thanh Hà, ông thay chiếc áo lỡ bằng áo dài đen, vấn khăn đầu lại cẩn thận, ngồi xếp bằng tự tại ngay trước bàn thờ Quan Vân Trường, rồi cho người đi báo để quân của Nguyễn Thân đến bắt…

Trong số những việc làm trước khi kết thúc số phận của Nghĩa hội Quảng Nam và số phận của mình. Có việc ông Hiệu cho nghĩa binh của mình mang tất cả số vàng bạc còn lại của Nghĩa hội vào cất giấu bí mật trong lòng ngọn núi mang tên ông (núi Ông Hường). Bí ẩn này cho đến ngày nay vẫn chưa có người hóa giải…

(Còn tiếp)

Phan Bùi Bảo Thy
.
.