Bí mật của CIA lần đầu được công bố (tiếp theo kỳ trước)

Thứ Bảy, 14/07/2007, 13:30
Một trong những thất bại cay đắng và thảm hại nhất trong lịch sử 60 năm của CIA (1947 – 2007) là chiến dịch đổ bộ xâm lược Cuba ở bãi biển Vịnh Con Lợn năm 1961. Tài liệu mật của CIA mới được công bố có những chi tiết liên quan đến chiến dịch đáng hổ thẹn này.

CIA VÀ THẤT BẠI THẢM HẠI TRONG VỤ VỊNH CON LỢN

Kế hoạch xâm lược Cuba được vạch ra từ năm 1960 dưới thời Tổng thống Mỹ Eisenhower. Vị tổng thống già nua này đã bàn giao “di sản” cho một chính khách trẻ tuổi là John F. Kennedy.

Trong các cú điện thoại đầu tiên của J.F. Kennedy với tư cách là Tổng thống Mỹ gọi cho hai quan chức cũ được đánh giá là rất quan trọng của người tiền nhiệm Eisenhower: Giám đốc Cục Điều tra Liên bang (FBI) J. Edgar Hoover và Giám đốc Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) Allen Dulles, J.F. Kennedy thông báo và yêu cầu hai người này vẫn giữ nguyên chức vụ trong nội các mới.

CIA thời Dulles rất có ảnh hưởng tới đường lối đối ngoại của Mỹ. Về chính sách đối ngoại của Mỹ lúc đó, tân Tổng thống J.F. Kennedy cơ bản không thay đổi đường lối của người tiền nhiệm Eisenhower, trong đó có ý đồ lật đổ chế độ mới ở Cuba và chính quyền của Chủ tịch Fidel Castro. Kế hoạch xâm lược Cuba do Cục Hành động (hay còn gọi là Cục Mật vụ) của CIA vạch ra. Cục trưởng Cục Hành động của CIA lúc đó chính là Richard Bissell.

Mặc dù không xuất thân từ Cục Tình báo chiến lược (OSS), tiền thân của CIA như nhiều sĩ quan tình báo cao cấp khác, nhưng Bissell lại nhanh chóng được thăng tiến trong nghề nghiệp bí mật này. Ông ta đã từng học tại các trường đại học có tiếng là Groton, Yale (Mỹ) và cả London (Anh).

Có bằng tiến sĩ kinh tế và đã từng giảng dạy môn này tại Đại học Yale và Viện Công nghệ Massachusette, nhưng Bissell lại có khả năng hoạt động bí mật và thích công việc này.

Năm 1954, Bissell được CIA tuyển dụng. Chỉ bốn năm sau đó, năm 1958, Bissell được Giám đốc CIA Allen Dulles cất nhắc lên làm Cục trưởng Cục Hành động. Khi Kennedy lên làm tổng thống, sự thông minh và hào hoa của Bissell suýt nữa đã làm cho Kennedy định cử ông ta lên thay Allen Dulles bởi quá già - tuổi 70. Nhưng do thất bại của vụ Vịnh Con Lợn mà Bissell là tác giả chính đã hủy hoại thanh danh của ông ta.

Theo Victor Marchetti, cựu sĩ quan CIA, người đã gây chấn động làng tình báo Mỹ, khi viết cuốn “CIA và bệnh sùng bái tình báo” (The CIA and the cult of intelligence), Giám đốc CIA Allen Dulles và Cục trưởng Cục Hành động Bissell cố tổ chức cho CIA thực hiện kế hoạch xâm lược Cuba.

Còn theo Richard Reeves, tác giả cuốn sách viết về Tổng thống Mỹ J.F. Kennedy (bản dịch của NXB CAND 2004), thì vào một ngày không lâu sau khi Kennedy lên nhậm chức Tổng thống Mỹ, Giám đốc CIA Allen Dulles báo cáo kế hoạch đổ bộ xâm lược Cuba.

Trong cuộc họp này, Kennedy yêu cầu sự có mặt của chuyên gia lật đổ nổi tiếng của CIA về những âm mưu thâm độc ở Đông Nam Á là tướng Lansdale, kẻ từng đưa Magsaysay lên làm Tổng thống Philippines và Ngô Đình Diệm lên làm Tổng thống “Việt Nam Cộng hòa”. Báo cáo của CIA về Cuba do Dulles trình bày đã xuyên tạc tình hình Cuba và đánh giá sai về lãnh tụ Cuba Fidel Castro.

Thực ra thì Kennedy đã biết được kế hoạch của CIA từ trước, nhưng không hoàn toàn cụ thể.

Trước đó gần một năm, CIA đã tuyển mộ hàng ngàn người Cuba lưu vong, đưa sang Guatemala huấn luyện quân sự, chiến tranh du kích và hoạt động ám sát, lật đổ. Chiến dịch này được tiến hành theo lệnh của Tổng thống Mỹ Eisenhower từ tháng 3/1960. Nhưng những thông tin này bị rò rỉ trên báo chí.

Tờ The New York Times ngày 10/1/1961 có bài đăng trên trang nhất với cái tít giật gân: “Mỹ đã bí mật đào tạo một lực lượng chống Castro tại căn cứ ở Guatemala” của tác giả có cái tên lạ là Retalhuleu.

Bài báo còn in cả bản đồ Guatemala và được bắt đầu như sau: “Dưới chân đồi Cordillera cách Thái Bình Dương vài dặm, lực lượng biệt kích đang được hướng dẫn tập luyện các chiến thuật chiến tranh du kích, do những huấn luyện viên nước ngoài, phần lớn là từ Mỹ...”.

Còn một tờ khác cũng ở Mỹ, tờ New York Dailly cũng có bài viết về chuyện này làm như vẻ cạnh tranh tin tức khi đăng bài “Tương lai đen tối của Castro” tiết lộ... “35.000 kẻ phá hoại sẵn sàng chiến đấu, trong đó có 6.000 người Cuba chuẩn bị gây bão tố ở bờ biển...”.

Nhiều người Mỹ sửng sốt về việc Mỹ đang huấn luyện quân để chuẩn bị xâm lược Cuba. Nhưng có điều lạ là CIA lại không có động thái nào để ngăn chặn những thông tin bị lộ đó!

Ngày 11/3/1961, Giám đốc CIA A. Dulles và Cục trưởng Cục Hành động của cơ quan này là R. Bissell được gọi đến Nhà Trắng để báo cáo tường tận kế hoạch của họ.

Tác giả một cuốn sách viết về những năm tháng Kennedy ở Nhà Trắng đã tường thuật cuộc họp này khá chi tiết. Cùng với Tổng thống Kennedy, các nhân vật trọng yếu có mặt trong phòng họp Nội các gồm có Bundy (Cố vấn An ninh quốc gia), Rusk (Bộ trưởng Ngoại giao), McNamara (Bộ trưởng Quốc phòng).

Arthur Schlesinger vừa mới trở về sau một chuyến đi các thủ đô ở Nam Mỹ cũng được Kennedy mời đến.

Schlesinger sửng sốt bởi những gì nghe thấy từ miệng Dulles và Bissell và nghĩ chắc là Tổng thống Kennedy cũng vậy.

Chỉ huy của CIA đã hoàn thành kế hoạch cho một cuộc xâm nhập vào Cuba, nhỏ nhưng quy mô đầy đủ, với 750 người được tuyển từ 100.000 người Cuba sống lưu vong ở Miami, chuẩn bị sẵn sàng đổ bộ lên bờ biển miền Nam nước này ở gần một thành phố nhỏ của Trinidad. Cuộc đổ bộ sẽ diễn ra sau một loạt hành động không kích của máy bay chiến đấu của không lực Hoa Kỳ.

Cục trưởng Cục Hành động của CIA, Bissell, vốn là một giảng viên đại học, hùng hồn diễn tả kế hoạch dự kiến. Bissell nói rằng cuộc đổ bộ được mô hình hóa theo cuộc đổ bộ lớn của quân đồng minh vào Anzio, thành phố cảng của Italia năm 1944 trong Chiến tranh thế giới thứ hai.

Tuy nhiên, Bissell và Dulles không ai đả động gì đến việc trên thực tế, các sư đoàn quân Mỹ và Anh với 70.000 lính bị ghìm chân đến 4 tháng ở tại chính nơi họ đổ bộå.

Nghe xong, Tổng thống Kennedy thốt lên: "Quá ngoạn mục! Nghe cứ như là ngày D. trong Chiến tranh thế giới thứ hai, khi quân đồng minh ồ ạt đổ bộ lên đất Pháp! Các ông phải giảm mức ồn ào của chuyện này đi”.

Bissell giải thích: “Tổng thống cần phải hiểu...” và chỉ vào một điểm trên bản đồ.

Nhưng Kennedy lo ngại về hậu quả chính trị của cuộc xâm lược này. Kennedy muốn những rủi ro về chính trị có thể xảy ra trong vụ này là ít nhất, và không loại trừ khả năng rủi ro về quân sự có thể lớn hơn.

Hai nhân vật quan trọng của CIA nhìn nhau. Họ không muốn tuân theo bất kỳ điều gì mà tân tổng thống nói. Họ cố thuyết phục Kennedy.

Theo Dulles và Bissell thì nhân dân trên hòn đảo xinh đẹp này phải biết điều gì sắp xảy ra, họ phải tin vào người Mỹ đang đến Cuba, trước khi họ “mạo hiểm” chống lại quân đội và lực lượng an ninh Cuba.

Cả hai quan chức cao cấp CIA khẳng định là Chủ tịch Fidel Castro khó có thể sống sót khi đội quân biệt kích của CIA huấn luyện đổ bộ vào đất nước này.

CIA cũng đã có kế hoạch ám sát Chủ tịch Fidel Castro cùng với thời gian cuộc đổ bộ bắt đầu. Bissell đề cập đến khả năng “xấu nhất” là nếu như đội quân do Mỹ đào tạo không chống chọi được với quân đội Cuba thì chúng có thể thoát vào dãy núi Escambray gần đó và sẽ tiến hành một cuộc chiến tranh du kích chống lại cách mạng Cuba. Sau đó, Mỹ sẽ hậu thuẫn.

Trong khi Tổng thống Kennedy đang phân vân thì Giám đốc CIA Dulles nói như gây sức ép: “Đừng quên một điều. Chúng ta có một vấn đề phân tán. Nếu chúng ta rút những người này ra khỏi Guatemala, chúng ta sẽ phải chuyển họ đến Hoa Kỳ và chúng ta không thể đánh lạc hướng dư luận trong cả nước, khi nói với công chúng Mỹ rằng, khi những người lính này đang làm gì”.

Dulles còn cho biết là hiện có hơn 100 người Cuba đang học lái máy bay phản lực ở Tiệp Khắc, khi họ trở về và các máy bay MiG của Liên Xô có trên đảo, thì cuộc xâm lược Cuba sẽ như một cuộc chiến tranh thế giới...

Chủ tịch Fidel Castro trực tiếp chỉ huy chiến dịch đập tan cuộc xâm lược do CIA tổ chức năm 1961

Hóa ra việc cho báo chí “tiết lộ” kế hoạch xâm lược Cuba của CIA là có ý đồ của các chỉ huy của họ. Họ vừa dọa Cuba vừa cho rằng nhân dân Cuba sẽ tin tưởng vào việc người Mỹ đến. Đó là sự đánh giá sai của Dulles và Bissell khi trước đó họ đã bác bỏ một vài báo cáo của cơ quan xử lý tin nói rằng, Chủ tịch Fidel Castro được nhân dân Cuba ủng hộ mạnh mẽ.

Ngay sau cuộc họp đó, Bissell báo cáo với Tổng thống Kennedy là Thứ trưởng Ngoại giao Chester Bowles muốn ông ta chuyển sang làm phó cho Bowles.

Kennedy gọi cho Bowles:

- Ông không thể có Bissell.

- Thưa Tổng thống, tại sao không? – Bowles hỏi lại .

- Anh ta sẽ nắm công việc của Dulles từ ngày 1 tháng 7 – Kennedy trả lời.

Mặc dù không hoàn toàn đồng ý với kế hoạch xâm lược Cuba do CIA vạch ra, nhưng Kennedy vẫn tin tưởng vào CIA và nhất là Bissell.

Và một ngày sau đó, tức là 12/3/1961, Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Bundy cho lưu hành Bản ghi nhớ hành động của Hội đồng An ninh quốc gia, số 31, trong đó nói rõ: “Tổng thống cho phép Mỹ giúp một số lượt thích hợp những người Cuba quay trở về Tổ quốc họ. Tổng thống tin rằng kế hoạch có khả năng thực hiện tốt nhất là, theo quan điểm kết hợp quân sự, chính trị và các yếu tố tâm lý còn chưa bộc lộ đầy đủ cùng những kiến nghị mới cần phải được bàn tính và phối hợp một cách nhanh chóng. Hành động: CIA có sự tư vấn một cách phù hợp”.

Bốn ngày sau, Dulles và Bissell trở lại Nhà Trắng với một kế hoạch khác.

Theo ý của Kennedy, CIA chọn khu vực đổ bộ mới là cách một trăm dặm về phía tây so với địa điểm cũ. Địa điểm này có tên là Bahia de Cochinos (tiếng Tây Ban Nha gọi là Vịnh Con Lợn).

Một lần nữa Dulles và Bissell lờ đi khả năng thất bại vì cả hai vẫn đánh giá thấp khả năng kháng cự của quân đội và Lực lượng An ninh Cuba. Đưa Eisenhower làm thế gây sức ép với Kennedy, Giám đốc CIA Dulles muốn đặt Kennedy vào việc đã rồi.

Dulles nói: “Thưa Tổng thống, tôi biết ngài nghi ngờ vấn đề này. Nhưng tôi đã đứng cạnh chính cái bàn này và nói với Tổng thống Eissenhower về một chiến dịch tương tự ở Guatemala. Tôi tin là nó sẽ thành công”.

Dulles còn nhấn mạnh là triển vọng của kế hoạch xâm lược Cuba “còn hơn cả mong chờ của chúng ta” ở Guatemala mà trước đó sự can thiệp của Mỹ đã lật đổ được chính quyền Guatemala để dựng lên một chế độ độc tài quân sự ở nước này.

Theo kế hoạch này, CIA lập cái gọi là “Hội đồng cách mạng Cuba”, một “ban lãnh đạo” của bọn phản động Cuba lưu vong mà phần lớn là những công chức của chế độ độc tài Batista đã bị lật đổ, làm bình phong cho cuộc xâm lược của Mỹ vào Cuba.

Bissell nói rằng, CIA có người hoạt động bí mật ở Cuba và đưa ra một bản báo cáo tình báo do Ban phân tích gồm 12 thành viên cao cấp của CIA nói rằng: “Đa số người Cuba tin rằng giờ quyết định đã nằm trong tầm tay... Họ trông chờ một cuộc đổ bộ vào trung tuần tháng 4-1961 và rất tin cậy vào nó. Chế độ Castro chắc chắn đã mất lòng dân... Người ta tin quân đội Cuba đang bị xâm nhập bởi các nhóm đối địch và sẽ không chiến đấu khi có cuộc đổ bộ từ bên ngoài”.

Mặc dù Tổng thống Kennedy tỏ ra thận trọng trong kế hoạch xâm lược Cuba, nhưng cuối cùng, các quan chức cao cấp nhất của CIA đã làm cho ông ta và Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ đồng ý.

Đêm 15/4/1961, CIA đưa 6 thành viên trong “Hội đồng cách mạng Cuba” do José Miro Cardona đứng đầu bay từ New York đến Florida ngay trước khi cuộc đổ bộ diễn ra.

Đúng vào đêm 15 rạng sáng 16/4/1961, đoàn quân do CIA huấn luyện có tên là “Lữ đoàn 2506” gồm hàng nghìn người Cuba lưu vong bắt đầu đổ bộ vào Vịnh Con Lợn. Nhưng với tinh thần cảnh giác cao và sự chuẩn bị rất chu đáo, Lực lượng Cách mạng Cuba do Chủ tịch Fidel Castro lãnh đạo và chỉ huy trực tiếp đã đập tan kế hoạch xâm lược của Mỹ do CIA tổ chức thực hiện.

Hơn 1.000 tên biệt kích bị bắt. Không hề có “cuộc nổi dậy” nào ở trong nước Cuba như CIA đã nhận định. Không những thế, thông qua một trong những chiến dịch phản gián lớn nhất lịch sử này, lực lượng cách mạng Cuba đã bóc gỡ gần như tất cả những tên phản động ẩn náu và hoạt động ở trong nước.

Sau thất bại thảm hại ở Vịnh Con Lợn, Tổng thống Mỹ Kennedy đã cách chức giới lãnh đạo chóp bu của CIA. Còn những viên chức CIA, các nhà báo đã từng bị cho là đã tiết lộ những bí mật của CIA trong vụ Vịnh Con Lợn cũng bị theo dõi cho đến hơn một chục năm sau. 

Trong tài liệu mật được công bố mới đây của CIA, chính Victor Marchetti đã bị cơ quan cũ của mình tổ chức giám sát, theo dõi.

Nội dung tài liệu viết rằng: “Theo lệnh của DCI (Giám đốc CIA), việc giám sát Victor L. Marchetti được thực hiện từ ngày 23/3 đến 20/4/1972. Mục đích của việc giám sát là xem xét và ngăn chặn những hành động và các mối liên hệ của ông ta với các nhân viên của cơ quan (CIA) nhằm lấy tư liệu cho việc viết sách và viết báo về những hoạt động trước đây của CIA”.

(Xem tiếp ANTG số 669, thứ Bảy, ra ngày 7/7/2007)

Nguyễn Khắc Đức (lược thuật)
.
.