Bí mật của CIA lần đầu được công bố

Thứ Tư, 11/07/2007, 08:30
Ngày 21/6 vừa qua, Giám đốc Cục tình báo Trung ương Mỹ (CIA) Hayden đã thông báo cho giới báo chí một quyết định của CIA gây chấn động dư luận Quốc tế. Đó là việc công bố 6 trang tóm tắt từ 693 trang tài liệu "mật" về những hoạt động bất hợp pháp của CIA trong những năm 60 và 70 của thế kỷ trước.

Nhưng phải đến ngày 26/6/2007, chi tiết các tài liệu trên mới lần lượt được CIA cho công bố.

"NHỮNG BỘ XƯƠNG" CỦA QUÁ KHỨ

Theo đạo luật tự do thông tin của Hoa Kỳ, các loại tài liệu mật sau 25 năm nếu không còn giá trị đối với an ninh quốc gia nữa thì được “giải mật”, nghĩa là được công bố cho thiên hạ biết.

Tất nhiên, không phải là tất cả các tài liệu bí mật nào cũng được công bố. Ám sát các nguyên thủ nước ngoài, bắt cóc các nhà báo và quan chức Xôviết, theo dõi nhiều quan chức tại Washington - đó là nội dung của hàng loạt hồ sơ lưu trữ bí mật về các chiến dịch bê bối nhất của tình báo Mỹ mà Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) dự định công bố.

Theo đương kim Giám đốc CIA Michael Hayden, cơ quan này sắp tới sẽ cho giải mật hàng trăm tài liệu nói về những chiến dịch đen tối và phi pháp của CIA được tiến hành trong giai đoạn từ đầu những năm 50 cho tới giữa những năm 70 thế kỷ trước.

Tất nhiên đây chỉ là một phần nhỏ trong số gần 700 trang tài liệu tuyệt mật đã được tình báo Mỹ thu gom để cất giữ theo chỉ thị của Giám đốc CIA là James Schlesinger.

Viên sếp của CIA lúc đó rất lo ngại về những hành động phi pháp của các nhân viên tình báo trong vụ bê bối Watergate (dẫn tới sự từ chức của Tổng thống Richard Nixon) nên đã quyết định bằng mọi cách phải che giấu những tài liệu này.

Bản thân Chính phủ Mỹ khi đó cũng muốn như vậy. Tổng thống Gerald Ford (người kế nhiệm Richard Nixon) đã ra lệnh cấm công bố những hồ sơ sau khi đọc chúng. Ngoại trưởng Henry Kissinger còn nói thẳng, việc công bố những tài liệu này “còn tồi tệ đối với nước Mỹ hơn cả vụ Watergate”.

Tờ Washington Post từ trước đã điều tra được một số chi tiết về các hồ sơ do Schlesinger ra lệnh thu thập. Ít nhất trong số này có các thông tin liên quan đến cả thảy 18 chiến dịch phi pháp do các điệp viên CIA tiến hành.

Chẳng hạn như trong đó có các kế hoạch ám sát nhiều nguyên thủ nước ngoài như Fidel Castro (chiến dịch do chính Bộ trưởng Tư pháp Robert Kennedy điều hành), Patrice Lumumba tại Congo và Rafael Trujillo tại Dominica, vụ bắt cóc và giam giữ trong suốt 2 năm một công dân Xôviết hồi giữa những năm 60.

Tiếp đó là thông tin về chiến dịch nổi tiếng bê bối “Jennifer” của CIA nhằm trục vớt chiếc tàu ngầm K-129 của Liên Xô từ độ sâu 5,5km dưới đáy biển. Cha mẹ của những nạn nhân thủy thủ trên tàu đã có thể kiện lên Chính phủ Mỹ về việc, thi thể con cháu họ đã bị trục vớt trái phép cùng chiếc tàu, sau đó lại thả xuống biển.

Các hồ sơ này cũng cho thấy, CIA đã có một loạt hành động vi phạm pháp luật một cách trắng trợn.

Trong thời kỳ cao điểm của chiến tranh lạnh, CIA đã triển khai nhiều chiến dịch “nhạy cảm” với mục đích làm mất uy tín của nhiều chính trị gia, các nhà hoạt động xã hội và nghệ sĩ nổi tiếng nước Mỹ.

Đầu tiên là tổ chức nghe trộm điện thoại của hai nhà báo Mỹ nổi tiếng Robert Allen và Paul Scott, cũng như theo dõi nhà báo Jack Anderson và phóng viên Michael Getler của Washington Post.

Từ đầu những năm 50 cho đến tận năm 1973, CIA còn có những chương trình quy mô lớn đọc trộm những lá thư được gửi từ Liên Xô và Trung Quốc tới Mỹ, trong đó có 4 lá thư mà cơ quan này xếp vào dạng “đáng ngờ” được gửi cho Jane Fonda, diễn viên và nhà hoạt động phong trào nổi tiếng phản đối cuộc chiến tại Việt Nam khi đó.

Năm 1969, CIA còn tiến hành một chương trình bí mật nhằm cài cắm các điệp viên của mình vào những tổ chức chống chiến tranh của Mỹ, với hy vọng làm rõ những mối quan hệ của họ với nước ngoài.

Chương trình này từng bị nhà báo nổi tiếng Seymour Hersh của tờ New York Times điều tra và công bố từ tháng 12-1974, cho dù những nội dung này thực chất chỉ là phần nổi của “tảng băng chìm”. Vấn đề cuối cùng được hy vọng làm rõ là mức độ tham gia của CIA trong vụ bê bối Watergate.

Tuy nhiên, không thể chờ đón thái độ hoàn toàn cởi mở của CIA trong việc cung cấp những tài liệu này.

Đơn giản chỉ cần ghé thăm trang web của CIA trên mạng sẽ thấy tài liệu được coi là “đã giải mật” này đều có không ít đoạn bị lược bỏ, khiến người ta không thể hiểu nội dung của chúng đang nói về cái gì. Trong khi nhiều hồ sơ của Bộ Ngoại giao Mỹ được giải mật theo Luật tự do thông tin (FOIA) thời hạn 30 năm có nội dung đầy đủ hơn rất nhiều.

Các tài liệu giải mật được CIA công bố thường bị gạch xoá hay sửa đổi

Các tài liệu của CIA theo một luật bất thành văn lại không hề tuân theo quy định của FOIA. Chưa kể theo nguồn tin của AFP, một số tài liệu còn có thể được “hiệu chỉnh lại”.

Theo như lời “rào trước đón sau” của  Giám đốc CIA Michael Hayden, “các tài liệu giúp công chúng có được một khái niệm nhất định nào đó về một thời điểm, cũng như một CIA hoàn toàn khác trong quá khứ”.

Nhưng Giám đốc Thomas Blanton của Cơ quan Lưu trữ An ninh quốc gia Mỹ lại có đánh giá khác: “Động cơ của Hayden là rất dễ hiểu - ông ấy muốn dọn dẹp “những bộ xương” của quá khứ khỏi ngăn tủ của CIA. Tuy nhiên, nhiều chiến dịch được giải mật của cơ quan này vẫn có thể có những ảnh hưởng nhất thời ngay trong thời điểm hiện nay”.

Ông Michael Hayden còn cho biết, cơ quan này còn dự định công bố những tài liệu nghiên cứu bí mật liên quan đến chính sách đối nội của Liên Xô và Trung Quốc trong giai đoạn 1953 đến 1973 - tổng cộng gồm 147 trang dưới các mật danh như:  CAESAR, POLO và ESAU.

KẾ HOẠCH ÁM SÁT CHỦ TỊCH CUBA FIDEL CASTRO

Vào tháng 8/1960, Richard M. Bissell, Cục trưởng Cục tác chiến của CIA gặp Đại tá tình báo Sheffield Edwards để bàn và quyết định về việc trợ giúp một đặc vụ “nhạy cảm” sử dụng bàn tay của gangster, loại băng nhóm tội phạm hình sự nguy hiểm ở Mỹ và mục tiêu nhằm vào là nhà lãnh đạo Cuba Fidel Castro.

Bissell  là một sĩ quan cao cấp được Giám đốc CIA thời đó là Allen Dulles và Tổng thống Mỹ Eisenhower tin cẩn. Còn Bissell được coi là tác giải chính của chiến dịch xâm lược Cuba bằng việc đưa hàng ngàn quân đổ bộ vào Vịnh Con Lợn năm 1961. Trong khi đó, chính Bissell cũng vạch ra kế hoạch ám sát lãnh tụ Cuba Fidel Castro.

Các sĩ quan cao cấp của CIA xác định đây là “sứ mệnh” cực kỳ nhạy cảm, một thuật ngữ để chỉ đến việc nếu bị lộ sẽ gây ảnh hưởng xấu về mặt chính trị cho chính quyền Mỹ, vi phạm nhân quyền, vì vậy, họ quyết định chỉ một nhóm nhỏ thực hiện kế hoạch ám sát Fidel Castro biết.

CIA đã tìm được Robert A. Maheu, một cựu điệp viên của Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) mà trong tài liệu gọi là “Cơ quan An ninh”. Maheu có nhiệm vụ ban đầu là xâm nhập mạng lưới tội phạm gangster và tiếp cận một số tên có khả năng thực hiện kế hoạch ám sát nhà lãnh đạo Cuba.

Không lâu sau đó, Maheu cho biết là y đã gặp Johnny Roselli vài lần ở Las Vegas, khu vực có nhiều sòng bạc và ăn chơi nhất của Hoa Kỳ. Roselli lúc đó là một trong những kẻ cầm đầu băng nhóm tội phạm gangster, thâu tóm và kiểm soát toàn bộ các cơ sở sản xuất nước đá cung cấp cho các tụ điểm ăn chơi ở Las Vegas.

Maheu báo cáo với các quan chức cao cấp CIA là Roselli có những mối liên hệ với những tay trùm cờ bạc ở Cuba trước đây để có thể tìm cách thực hiện kế hoạch.

Sau đó, các quan chức cao cấp của CIA yêu cầu Maheu tiếp cận Roselli. Còn Roselli chỉ biết Maheu với tư cách là quan hệ cá nhân và là một người quản lý các tài khoản trong và ngoài nước của công ty cờ bạc trước đây ở Cuba đã bị mất đi những quyền lợi to lớn vì Fidel Castro ra lệnh đóng cửa các sòng bạc ở nước này sau khi cách mạng thành công.

Với lý do này, Roselli sẽ nghĩ rằng mục tiêu của Maheu và các ông chủ cờ bạc là trả thù và không nghi ngờ ai đứng đằng sau. Cái giá được Maheu đưa ra là 150.000 USD nếu “đặc vụ” thành công, nghĩa là sát hại được Chủ tịch Cuba Fidel Castro.

Những kẻ vạch ra kế hoạch này đưa ra yêu cầu là làm cho Roselli nghĩ rằng Chính phủ Mỹ không dính líu và không hề hay biết gì đến âm mưu ám sát Fidel Castro.

Việc gặp gỡ, bàn bạc âm mưu này với Roselli được tổ chức vào ngày 14/9/1960 tại khách sạn Hillton Plaza ở thành phố sầm uất New York.

Hôm đó, James O'connell, người của FBI cũng có mặt với danh nghĩa là kẻ làm thuê cho Maheu. O'connell đóng vai giúp việc cho Maheu đến tận tháng 5/1962 mới thôi.

Phản ứng ban đầu của Roselli là không muốn dính líu gì đến âm mưu này. Nhưng với sự thuyết phục của Maheu, Roselli đã đồng ý giới thiệu một tên đồng bọn là Sam Gold, "nổi tiếng" cầm đầu các băng đảng tội phạm trong những người Cuba sống lưu vong để thực hiện âm mưu này.

Trong tuần lễ tiếp theo, ngày 25/9/1960, tại khách sạn Fontainebleau ở Miami Beach, Maheu được Roselli bố trí gặp gỡ Sam Gold. Trong cuộc gặp gỡ đó, Maheu thuyết phục Sam tìm cách thực hiện kế hoạch ám sát Chủ tịch Cuba.

Vài tuần sau đó, Maheu được Sam giới thiệu thêm một tên nữa là Joe. Cả Sam và Joe đều có tên trong danh sách 10 kẻ bị truy nã gắt gao nhất của Mỹ. Tên thật của Sam Gold là Momo Salvatore Giancana, thủ lĩnh băng đảng Cosa Nostra, “người kế nhiệm trùm mafia Al Capone ở Chicago. Còn Joe có tên thật là Santos Trafficante, tay anh chị quyền lực nhất Cuba thời Batista.

Trong khi bàn bạc về cách thức tổ chức ám sát nhà lãnh đạo Cuba, Sam đề nghị chúng không sử dụng súng mà dùng thuốc độc cực mạnh bỏ vào thức ăn hoặc đồ uống của Chủ tịch Fidel Castro.

Sam tiết lộ hắn quen biết một người ở Cuba có thể làm việc này. Đó là Joan Orta, một quan chức trong chính quyền Cuba, kẻ đã từng nhận được nhiều tiền từ các dịch vụ cờ bạc trước ngày cách mạng Cuba thành công. Sam nói rằng, Orta có thể tiếp cận được với Chủ tịch Fidel Castro và lúc đó Orta đang rất cần nhiều tiền bạc.

Các sĩ quan đặc biệt của CIA trong vụ này thuận theo đề nghị của tên Sam và cho bộ phận kỹ thuật nghiên cứu sản xuất 6 viên thuốc chứa chất độc cực mạnh có thể làm chết người một cách nhanh chóng. Thuốc được chế và các nhân viên CIA giao cho tên Joe. Joe chuyển những viên thuốc độc này cho Orta.

Vài tuần lễ sau, CIA nhận được tin là Orta thoái thác yêu cầu ám sát Chủ tịch Fidel Castro. Tên Joe tiếp tục tìm kiếm những kẻ khác để thực hiện âm mưu này nhưng không thành công.

Không lâu sau đó, Joe cho biết, tiến sĩ Anthony Verona, một trong những tên cầm đầu của Junta, một tổ chức phản cách mạng Cuba lưu vong ở Mỹ sẵn sàng thực hiện kế hoạch này.

Verona đòi 10.000 USD và trang bị cho một thiết bị thông tin liên lạc trị giá 1.000 USD. Nhưng sau đó chính Verona cũng không có cách nào thực hiện được việc đầu độc Chủ tịch Fidel Castro và kế hoạch bị hủy bỏ. Việc này diễn ra không lâu sau thất bại của Mỹ trong chiến dịch đổ bộ xâm lược Cuba vào Vịnh Con Lợn mà CIA cũng là tác giả chính. Những viên thuốc độc sau đó được CIA tìm cách thu lại.

Sau này, Roselli bị FBI sờ gáy về tội 6 lần nhập cảnh bất hợp pháp vào nước Mỹ. Nhưng y có “thành tích” cộng tác với CIA nên được tha. Nhưng sau đó, vào năm 1968, y lại bị rơi vào vòng lao lý vì tội lừa đảo 400.000 USD. CIA lo ngại âm mưu này bị tiết lộ nên đã yêu cầu Maheu gặp gỡ O'connel, Roselli, Sam, và những tên liên quan đến vụ này không được để lộ bí mật. Chúng hứa sẽ không yêu cầu trợ giúp từ CIA nữa trừ phi bị trục xuất.

Năm 1970, giám đốc mới của CIA là Richard Helms được cấp dưới báo cáo về vụ này và quyết định “cắt cầu” với Roselli. Còn Maheu cũng được “khuyên bảo” và được bố trí chức vụ “xứng đáng” ở CIA.

Mới đây, Chủ tịch Cuba Fidel Castro tuyên bố ông là người giữ kỷ lục thế giới về số lần thoát các âm mưu ám sát, mà theo ước tính của ông là khoảng 650 lần.

Trong một bài viết được đăng tải trên nhật báo Granma hôm 25/6/2007, Chủ tịch Fidel Castro tiết lộ: “Rất khó để chỉ rõ danh tính tất cả những người phải chịu trách nhiệm trước các vụ tấn công nhằm cướp đi sinh mạng của tôi”.

Theo Chủ tịch Cuba, các vụ mưu sát được tiến hành dưới mọi hình thức trực tiếp và gián tiếp. Chủ tịch Fidel Castro cũng lên tiếng cáo buộc Tổng thống Mỹ George W. Bush đã ra lệnh sát hại ông trước cả khi lên nắm quyền ở Nhà Trắng vào năm 2001.

Trong số tất cả các tổng thống Mỹ cùng thời, Chủ tịch Fidel Castro nhận định chỉ có ông Jimmy Carter (Tổng thống Mỹ từ năm 1977 đến 1981) và ông Bill Clinton (Tổng thống Mỹ từ năm 1993 đến 2001) là không dính dáng tới các vụ mưu sát ông.

Trong bài viết của mình, Fidel Castro đã nêu nhận định của ông: “Tôi chắc chắn rằng vì những giá trị đạo đức xuất phát từ tín ngưỡng, ông Carter đã không bao giờ ra lệnh ám sát tôi. Tôi chắc chắn ông Clinton cũng không làm điều đó”.

 (Xem tiếp ANTG số 668, thứ Tư, ra ngày 4/7/2007)

Nguyễn Khắc Đức-Thái Quân
.
.