Bí mật kế hoạch “Ông Trùm”

Thứ Ba, 22/09/2015, 19:45
Cuối năm 1973, từ căn cứ Ban An ninh T4, ông Trần Quốc Hương đã chỉ đạo Phó cụm A10 là Ba Hoàng (tức Thiếu tướng Huỳnh Huề) thực hiện một loạt chiến dịch tố cáo, tấn công chính trị bộ máy chính quyền Nguyễn Văn Thiệu. Mục đích của chiến dịch là tạo thế rối ren chính trị trong hệ thống chính quyền để Nguyễn Văn Thiệu không thể đối phó với các chiến dịch quân sự của ta ở mặt trận Tây Nguyên.

Nhiệm vụ này được ông Ba Hoàng chuyển giao cho họa sĩ Ớt (tức đồng chí Huỳnh Bá Thành, thời điểm đó là Giám đốc kỹ thuật tờ báo Điện tín). Các chiến dịch đấu tố ấy bao gồm sự kiện Ký giả ăn mày (10/10/1974); Tố cáo Nguyễn Văn Thiệu tham nhũng, buôn lậu...

Trong chiến dịch tố cáo tham nhũng, họa sĩ Ớt đã tình cờ thu được một bộ tài liệu đóng dấu tuyệt mật, tóm lược một phần chiến dịch mang mã danh "Mr Big", tức "Ông Trùm" từ cơ quan Bài trừ Ma túy Mỹ - Drug Enforcement Administration, tên gọi tắt là DEA - chi nhánh đặt tại BangKok, Thái Lan.

Tập tài liệu tuyệt mật mang mã danh “Ông Trùm” là một chuỗi chiến dịch triệt phá cắt đứt tuyến buôn sỉ ma túy của một băng nhóm tội phạm quốc tế xảy ra từ cuối tháng 7/1971.

Tuyến này được nối liền từ vùng Tam giác ma túy Lào qua các quốc gia gồm: Thái Lan - Campuchia - Nam Việt Nam - Mỹ của DEA. Đặc biệt, trạm trung chuyển ma túy tại Nam Việt Nam được lực lượng Hải quân Vùng 4 Chiến thuật (vùng đồng bằng sông Cửu Long) của Việt Nam Cộng hòa (VNCH) đóng vai trò chủ đạo trong khâu vận chuyển từ vịnh Thái Lan về Sài Gòn. Tại Sài Gòn, ma túy được hệ thống mai táng của quân đội Mỹ "tẩn liệm" vào các túi nhựa dành chứa tử thi các cố vấn Mỹ. Sau đó chúng được nhét vào quan tài phủ cờ rồi chuyển vào sân bay Tân Sơn Nhất, nhập vào nước Mỹ bằng con đường không vận.

Giang đỉnh - Loại tàu chiến trên sông được sử dụng làm phương tiện chuyên chở ma túy cho đường dây trung chuyển của Đặng Văn Quang.

DEA xác định, chiến dịch "Ông Trùm" tại Nam Việt Nam đã bắt giữ 60 người, tịch thu 51kg bạch nhiến và 3.334kg á phiện. 

Mặc dù diễn biến kế hoạch "Ông Trùm" xảy ra rầm rộ từ cuối tháng 7/1971 nhưng do Nguyễn Văn Thiệu bí mật triệt tiêu mọi nguồn phát tán thông tin nên báo chí Sài Gòn gần như hoàn toàn không hay biết hoặc không dám đưa tin.

Ngay sau khi phát hiện tập tài liệu tuyệt mật này vào cuối năm 1973, để giấu tông tích nguồn tin, họa sĩ Ớt không đăng trên báo Điện tín mà ngầm phát tán cho giới báo chí truyền thông quốc tế có mặt tại Sài Gòn. Từ đó, hàng loạt các tờ báo tại Sài Gòn và quốc tế đã nhanh chóng tung hê, điểm mặt Nguyễn Văn Thiệu là người đứng đằng sau vụ vận chuyển ma túy.

Ít ai biết, tập tài liệu tuyệt mật mang mã danh “Ông Trùm” đã được một nữ cán bộ điệp báo của cụm A10 thu được từ tay của một nhân vật có tên là LKH. Thời điểm đó, LKH là một nhân viên cao cấp thuộc Ủy ban Bài trừ Ma túy VNCH.

Logo của loại ma túy "song sư hý cầu".

LKH là sĩ quan khóa 3 Học viện Cảnh sát VNCH, tốt nghiệp hạng ưu năm 1968. Nhờ tốt nghiệp hạng ưu, LKH được đưa sang Mỹ đào tạo cử nhân Luật đồng thời tham dự khóa huấn luyện chống buôn lậu và bài trừ ma túy. Năm 1971, LKH trở về Sài Gòn bổ sung vào biệt đội tình báo cấp E, thuộc Bộ Tư lệnh Cảnh sát Quốc gia VNCH (tiền thân là Tổng Nha Cảnh sát VNCH).

Khi Nguyễn Văn Thiệu thành lập Ủy ban Bài trừ Ma túy do chính ông ta làm chủ tịch, LKH trở thành sĩ quan  cao cấp chuyên trách bài trừ ma túy. Năm 1976, LKH làm nhân viên Đặc vụ Bài trừ Ma túy thuộc tòa Đại sứ Mỹ tại Thái Lan. Năm 2004, LKH trở thành huấn luyện viên cao cấp đào tạo sĩ quan chống khủng bố, bài trừ ma túy của Mỹ.

Cũng cần phải giải thích thêm rằng, từ ngày 1/3/1971, Tổng Nha Cảnh sát VNCH cải danh thành Bộ Tư lệnh Cảnh sát. Kể từ đó, các đơn vị biệt đội chuyên ngành tình báo đều được mã hóa thành ám danh. A là Tổng thống - Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang; B là Thủ tướng; C là Tư lệnh Cảnh sát; D là Trợ lý Tư lệnh, chỉ huy các khối tình báo; E là cấp chỉ huy trực tiếp từng bộ phận nghiệp vụ tình báo chuyên biệt; F là chỉ huy các đội tình báo chuyên biệt tương đương chỉ huy lực lượng tình báo cấp tỉnh, và G là các đơn vị thi hành tương đương chỉ huy tình báo cấp huyện.

Năm 1971, LKH là cấp E của bộ phận tình báo chuyên biệt Bài trừ Ma túy thuộc Bộ Tư lệnh Cảnh sát VNCH. Còn cố vấn an ninh - tình báo Phủ Tổng thống Đặng Văn Quang là cấp B, tức quyền hành tình báo tương đương với Thủ tướng VNCH. Quang là cậu vợ của Nguyễn Văn Thiệu và là một sĩ quan quân đội nổi tiếng với những "biệt tài" tham nhũng, mua danh bán chức và hối lộ.

Tài liệu "Mr Big" của DEA về việc Hải Quân VNCH tham gia vào đường dây buôn ma túy quốc tế năm 1970 -1971.

Nguyễn Khắc Bình, lúc ấy là Tư lệnh Cảnh sát, còn đảm nhiệm cấp C tức chỉ huy cơ quan đặc biệt có tên gọi là Phủ Đặc ủy Trung ương Tình báo. Có nghĩa là, về danh nghĩa, Nguyễn Văn Thiệu là cấp A tình báo nhưng về điều hành chi tiết vẫn là Nguyễn Khắc Bình - một sĩ quan CIA. Nói cách khác, Phủ Đặc ủy Trung ương Tình báo VNCH  là cơ sở ngoại vi của CIA nằm ngoài sự điều khiển của Nguyễn Văn Thiệu.

Vốn lo sợ những cuộc đảo chính của CIA dành cho mình, Thiệu giao cho Quang lập một biệt đội tình báo riêng của Phủ Tổng thống để giám sát ngược hệ thống tình báo của Nguyễn Khắc Bình lẫn CIA.

Nguyễn Cao Kỳ cũng có hẳn một đội tình báo riêng đặt văn phòng mật tại dinh thự riêng trong sân bay Tân Sơn Nhất.

Thế là người dân đi đâu cũng gặp điệp viên. Điệp viên CIA ở Mỹ biệt phái sang Sài Gòn, điệp viên CIA ở Văn phòng Đông Nam Á Thái Lan hoạt động tại Sài Gòn), điệp viên của CIA cài cấy vào Bộ Tư lệnh Cảnh sát, điệp viên của An ninh Quân đội, điệp viên Phủ Đặc ủy Tình báo Trung ương, điệp viên của Tổng Nha Cảnh sát, điệp viên của Ủy ban Hỗn hợp Phượng hoàng, điệp viên của Nguyễn Cao Kỳ, điệp viên của Nguyễn Văn Thiệu. Thậm chí có nhiều trường hợp, một điệp viên ăn lương đủ tất cả các tổ chức đó.

Được Thiệu giao chỉ huy mạng lưới tình báo Phủ Tổng thống, Đặng Văn Quang tạo ngay một hệ thống đan xen vào tất cả các hệ thống tình báo khác. Đặc biệt là hệ thống bài trừ ma túy ở tất cả các đơn vị Hải quân.

Trong lực lượng Hải quân, Quang lập hẳn một Ủy ban Bài trừ Ma túy Hải quân, giao cho Lâm Ngươn Tánh - Phó tư lệnh -  làm chủ tịch ủy ban này. Tham mưu trưởng Hải quân Diệp Quang Thùy phụ trách Vùng 4 Chiến thuật làm Phó chủ tịch.

Thay vì thu nhận tin tình báo, hệ thống này chỉ phục vụ cho các tuyến vận chuyển ma túy từ trạm trung chuyển Campuchia vào xâm nhập từ vùng vịnh Thái Lan. Thật ra, trước khi thành lập Ủy ban Bài trừ Ma túy, Đặng Văn Quang đã thực hiện rất nhiều phi vụ vận chuyển ma túy từ Campuchia về Sài Gòn bằng hải quân.

Tài liệu mang mã danh “Ông Trùm” nêu: "Ngày 28/4/1970, được Chính phủ Washington bật đèn xanh, quân đội Mỹ lùa quân đội VNCH vượt biên xâm nhập sâu vào lãnh thổ Campuchia hòng xóa trắng hậu tuyến Trung ương Cục. Nhân cơ hội đó, Đặng Văn Quang lấy lý do hỗ trợ cuộc xâm nhập đã đưa một hạm đội 30 chiếc giang đỉnh thuộc Hải quân Vùng 4 Chiến thuật ngược dòng sông Hậu và sông Tiền tiến đến Neak Luong. Điều này không có trong bản soạn thảo kế hoạch xâm nhập của quân đội Mỹ lẫn quân đội VNCH. Vài chiếc giang đỉnh được lệnh ở lại Neak Luong chạy biểu diễn. Số nhiều còn lại tiếp tục theo đường sông tiến sâu vào Phnôm Pênh - thủ đô Campuchia để thu nhận ma túy giấu trong những bao gạo rồi các giang đỉnh đưa về Sài Gòn như con thoi. Khi kết thúc chiến dịch xâm nhập Campuchia vào tháng 6/1970, hạm đội giang đỉnh cũng ngừng chuyển ma túy".

Cũng thời điểm đó, viên trung tá Fred Dick đặc trách tổ Bài trừ Ma túy tại Sài Gòn được William Wanzeck - Chỉ huy Cơ quan Bài trừ Ma túy Đông Nam Á của Mỹ đặt tại Thái Lan - giao một nhiệm vụ bí mật là điều tra các điểm tiếp nhận ma túy tại khu vực Nam Việt Nam.

Sau một thời gian điều tra, Fred Dick phát hiện, sau khi quân đội VNCH kết thúc chiến dịch xâm nhập Campuchia, bỗng dưng ở khu vực Chợ Lớn xuất hiện lúc nhúc những ổ bán lẻ ma túy. Người ta có thể mua lẻ loại ma túy này ở bất cứ nơi đâu trong khu vực Chợ Lớn. Những đứa trẻ đánh giày, bán thuốc lá dạo và gái mại dâm đều có bán loại ma túy này. Trước kia, để bán ma túy lẻ, người ta cần có nhiều vốn. Vì vậy, hiện tượng những đứa trẻ đánh giày bán lẻ ma túy đã kích thích Fred Dick điều tra sâu hơn.

Đặng Văn Quang - Phó Chủ tịch Ủy ban Bài trừ Ma túy VNCH.

Sau nhiều ngày đóng vai gã Mỹ lãng tử thích chụp ảnh để lân la với những đứa trẻ bụi đời bán lẻ ma túy, Fred Dick nhận thấy chúng chỉ bán duy nhất một loại ma túy cao cấp đóng mác "song sư hý cầu" (Double U 0pium Globe) có xuất xứ từ vùng Tam giác vàng, sản xuất theo công nghệ Trung Quốc.

Cuối cùng, Fred Dick phát hiện nguồn cung ma túy là một bang hội kín của người Việt gốc Hoa ở Chợ Lớn do một doanh nhân tên Trần Minh cầm đầu. Bang hội này lấy hình ảnh Thái thú Mã Viện làm biểu tượng. Người này nấp dưới danh nghĩa sản xuất hàng nhựa cao cấp và là bạn thân của Đăng Văn Quang - Phó Chủ tịch Ủy ban Bài trừ Ma túy VNCH.

Hầu như không ai có thể đột nhập vào đội ngũ bang hội này ngoài những người được chính Trần Minh thử thách và tuyển dụng. Ngoài ra, Fred Dick còn phát hiện số lượng bán lẻ ma túy ở Chợ Lớn chỉ là một nhánh nhãi nhép. Số lượng lớn ma túy của bang hội kín này được bí mật điều chuyển đến một trạm tẩn liệm xác cố vấn Mỹ của quân đội Mỹ tại Sài Gòn.

Fred Dick gửi báo cáo về Trung tâm Bài trừ Ma túy Đông Nam Á của Mỹ tại Thái Lan. So sánh với những tài liệu thu thập được từ các bộ phận ở những quốc gia Đông Nam Á, Trung tâm Bài trừ Ma túy Đông Nam Á nhận rõ, có một đường dây vận chuyển ma túy khủng được đưa từ vùng Tam giác vàng vào nước Mỹ bởi một nhân vật mafia quốc tế.

Căn cứ vào những dữ liệu đó, Trung tâm Bài trừ Ma túy Đông Nam Á soạn thảo một chiến dịch tấn công tổng lực để chặt đứt đường dây vận chuyển ma túy quốc tế này. Chiến dịch mang mã danh “Ông Trùm”…

Hậu duệ ngoại tộc của Trần Minh vẫn còn sinh sống ở quận 6, TP HCM. Họ hoàn toàn không biết gì về chuyện ông ngoại Trần Minh đã từng là trùm kinh doanh ma túy ở Sài Gòn thời điểm trước năm 1975. Họ chỉ biết rằng, ông ngoại của họ là một trong những doanh nhân đầu tiên sản xuất hàng gia dụng bằng nhựa cao cấp ở Sài Gòn. Bất thần một ngày cuối năm 1971, ông ngoại của họ bị cảnh sát chính quyền VNCH ập vào nhà bắt giữ cùng một số người khác. Sau đó, họ hoàn toàn mất liên lạc cho đến nay.

Hoặc có thể họ biết rõ về ông Trần Minh nhưng không muốn nhắc lại quá khứ đen tối ấy?

(Còn tiếp)

Nông Huyền Sơn
.
.