Bí mật kho báu của người Cathar: Vàng trong tay

Thứ Ba, 17/07/2018, 11:27
Sau khi leo lên đỉnh núi có một mặt là một vách đá dựng đứng, Skorzeny phát hiện một con đường mòn cổ xưa dẫn đến núi La Peyre nằm trong dãy Pyrenees. Men theo con đường này, Skorzeny và nhóm của ông ta tìm thấy một cái hang, lối vào bị che khuất bởi những bụi rậm um tùm mà bình thường không ai có thể nhận ra nó.

Ngày 16-3, nghĩa là 6 ngày kể từ khi bắt đầu cuộc săn tìm kho báu, Skorzeny đã tìm được những thánh tích vô giá của người Cathar, trong đó có cả chiếc Chén Thánh…

Ngày huy hoàng của Skorzeny

Sáng ngày 16, nhóm của Skorzeny thận trọng tiến vào hang. Đi được khoảng 800m, trước mặt họ là những đống phân dơi rất lớn, chẳng biết có từ bao giờ, bốc mùi hôi thối nồng nặc. Qua khỏi đống phân dơi, lối đi càng lúc càng thu hẹp, lắm chỗ chỉ đủ cho một người khó nhọc lách qua, thậm chí có chỗ lính SS phải dùng búa, phá đi từng mẩu đá để mở rộng diện tích. Lúc ấy, đã có ý kiến là nên dừng lại nhưng Skorzeny vẫn ra lệnh đi tiếp vì ông ta linh cảm rằng nơi chôn giấu kho báu đã gần kề.

Một phần kho báu của người Cathar.

Mất hơn 2 tiếng, nhóm Skorzeny mới vượt qua được lối đi hẹp, dài 500m và khi họ vừa qua khỏi, lòng hang bỗng mở rộng ra. Sát vách hang là những chiếc bao bằng da xếp gọn ghẽ nhưng dưới tác động của thời gian và của độ ẩm trong hang, lớp da đã mủn nát, để lộ bên trong những miếng kim loại màu vàng.

Tiến hành kiểm tra, Skorzeny đếm được hơn 20.000 đồng tiền vàng cổ, những vật thờ cúng có từ thời Salomon Đại đế gồm một chiếc bàn, một cây bạch đàn 7 nhánh, những đoạn dây xích cùng rất nhiều những thanh kiếm, những tấm khiên và vô số chén dĩa, chai lọ, tất cả đều bằng vàng.

Ở những bao khác, có 1 vương miện nạm 12 viên hồng ngọc, xung quanh khắc những ký tự cổ cùng một viên ngọc lục bảo gắn trên tay cầm của một vương trượng bằng vàng, chưa kể 400 thỏi vàng đúc thành những thanh như thanh gỗ, dài 50cm. Ngoài ra, còn có những thánh tích bằng vàng và bạc nạm ngọc trai nhưng đáng kể nhất vẫn là chiếc Chén Thánh. Được làm từ vàng khối, xung quanh thành chén là những hình chạm khắc, mô tả các lễ nghi tôn giáo của người Cathar.

Điều trùng hợp ngẫu nhiên là ngày Skorzeny tìm ra kho báu thì cũng là ngày cách đó 700 năm trước - 16-3-1244 - người Cathar đang chuẩn bị cho cuộc rút lui cuối cùng.

Xế chiều, Skorzeny gửi cho Himmler ở Berlin một bức điện chỉ vỏn vẹn có 2 chữ "Eureka" và "Sẹo" (Eureka là câu nói nổi tiếng của nhà vật lý Archimedes, sống ở Hy Lạp năm 212 trước Công nguyên, khi ông khám phá ra lực đẩy của nước, còn "Sẹo" là Skorzeny vì trên gò má của ông ta, có một vết sẹo do bị thương trong chiến tranh). Nửa tiếng sau, Skorzeny nhận được điện trả lời: "Làm tốt lắm. Hãy nhìn lên trời vào trưa mai. Đợi chúng tôi đến. Tư lệnh SS Himmler".

Giữa trưa hôm sau, một chiếc máy bay nhỏ lượn vài vòng trên pháo đài Cathar và đáp xuống bãi cỏ gần đó. Từ trên máy bay, Himmler, tư lệnh SS cùng Alfred Rosenberg, nhà tư tưởng và cũng là lý luận gia của chủ nghĩa phát xít bước xuống. Trao đổi với Skorzeny vài câu, Himmler nhận biên bản kiểm kê kho báu rồi quay về Đức.

Hôm sau nữa, một đoàn xe tải nối đuôi nhau tiến vào chân núi La Peyre. Lính SS xếp đồ châu báu vào những chiếc thùng gỗ bọc thép rồi chất lên xe. Theo kế hoạch, đoàn xe sẽ đi qua nước Áo để trở về Đức.  Đích thân Skorzeny ký tên niêm phong từng thùng một trước khi nó nằm yên dưới những tầng hầm của Ngân hàng Đệ Tam Đế chế Reichbank ở thị trấn Merkers, cách Berlin 70km.

Tại Berlin, một buổi lễ trọng đại được tổ chức để chúc mừng Skorzeny vinh thăng đại tá. Chỉ trong 6 ngày, ông ta đã làm được một việc mà suốt 700 năm, biết bao các triều đại vua chúa không làm được. Cũng trong buổi lễ, một tấm huân chương Chữ Thập Sắt - là phần thưởng cao quý nhất của Đệ Tam Đế chế được Alfred Rosenberg gắn lên ngực áo Skorzeny. Trên tấm huân chương này có khắc tên Adolf Hitler, quốc trưởng Đức Quốc xã.

Chia năm sẻ bảy

Cho đến nay, vẫn không ai biết kho báu Cathar đã được chia chác như thế nào, những ai được chia và chia bao nhiêu. Khi ra trước Tòa án tội ác chiến tranh Nuremberg, các quan chức chóp bu Đức Quốc xã đều phủ nhận về việc dính líu đến kho báu.

Bản sao chiếc Chén Thánh do Himmler làm theo bản gốc.

Lịch sử chỉ biết rằng tháng 6-1963, khi vợ của Martin Bormann, Chủ tịch Quốc hội Đức Quốc xã bị bắt tại một khách sạn tồi tàn ở miền bắc Italia thì trong vali của bà ta có 2.200 đồng tiền vàng cổ.  Những đồng tiền vô giá này gần như chắc chắn là một phần được chia từ kho báu Cathar.

Theo lời khai của vợ Bormann, ông ta gửi số vàng này đến Argentina bằng tàu ngầm, và được bà  Evita Peron, vợ của nhà độc tài Peron, khi ấy là tổng thống Argentina bảo vệ. Vẫn theo vợ Bormann, ngay cả Adolf Hitler, Herman Goring (Tư lệnh Không quân), Joachim von Ribbentrop (Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Đức Quốc xã) cùng nhiều quan chức khác cũng đã gửi tài sản cướp được đến một số quốc gia Nam Mỹ. Số liệu của Tòa án xét xử tội ác chiến tranh Nuremberg cho thấy tổng tài sản của vợ chồng Bormann chỉ riêng  ở Argentina là 2.511kg vàng, ước tính khoảng 800 triệu USD theo giá hiện tại.

Một trường hợp khác: Nữ bá tước Gisela von Westrop, vợ tướng Ernst Kaltenbrunner, chủ tịch đảng Quốc xã Áo. Vào những ngày cuối cùng của cuộc chiến tranh, bà ta đã thực hiện hơn 20 chuyến đi đến Thụy Sĩ với tư cách là Bộ trưởng Bộ Xã hội Đức Quốc xã. Trong những chuyến đi ấy, lần nào bà ta cũng mang theo hàng chục vali chứa các đồng tiền vàng và các đồ châu báu. Nó được gửi ở một ngân hàng Thụy Sĩ dưới nhiều tài khoản khác nhau.

Sau chiến tranh, người Do Thái ở nhiều nơi trên thế giới và hậu duệ của người Cathar đã gửi đơn đến tòa án quốc tế, đề nghị Thụy Sĩ công khai số tài sản này vì họ cho rằng trong số những báu vật ấy, có những thứ là của họ, bị quân Đức Quốc xã cướp khi chiếm đóng Pháp, Bỉ, Áo, Hà Lan, Rumani, Hungary, Tiệp Khắc, Ucraine… Tuy nhiên, yêu cầu của họ không được giải quyết vì Thụy Sĩ là quốc gia trung lập, và những tài khoản gửi đồ châu báu là tài khoản nặc danh.

Tháng 6-1944, quân Đồng minh đổ bộ lên Normandy, Pháp. Đến cuối năm, các quốc gia nằm trong phần phía tây châu Âu được giải phóng khỏi sự chiếm đóng của Đức Quốc xã. Tháng 2-1945, quân Đồng minh chọc thủng phòng tuyến  Siegfried, cửa ngõ tiến vào nước Đức đã mở rộng.

Nhìn thấy sự sụp đổ của chủ nghĩa phát xít, Himmler, tư lệnh SS vội vã cho di chuyển kho báu của người Cathar, nằm trong những tầng hầm Ngân hàng Đệ Tam Đế chế ở thị trấn Merkers về pháo đài Wewelsburg của ông ta rồi chôn giấu nó dưới những bức tường pháo đài. Riêng chiếc Chén Thánh, nó được đặt trong một cái hộp bằng thép, và được chôn ở một địa điểm bí mật. Theo tướng Siegfried Taubert, quản gia của Hitler thì chỉ Hitler mới có chìa khóa mở két.

Đầu tháng 3-1945, Hitler sai Himmler, tư lệnh SS mang cái hộp thép có chứa Chén Thánh đến nơi ẩn náu của mình, là một hầm ngầm nằm gần trụ sở Quốc hội Đức. Tại đó, ông ta mở nó ra và cho phép Himmler thực hiện một bản sao. Theo tướng Siegfried Taubert, quản gia của Hitler thì mục đích của ông ta là nhằm đánh lừa những ai muốn chiếm lấy Chén Thánh.

Ngày 19-3-1945, khi biết quân Mỹ chỉ còn cách pháo đài Wewelsburg 30km, Himmler ra lệnh phá hủy nó. Dưới sự chỉ huy của đại úy Heinz Macher, nhóm phá hủy hình như làm cho có lệ nên pháo đài Wewelsburg chỉ bị hư hại nặng. Lúc Sư đoàn 7 bộ binh  Mỹ tiến vào pháo đài, họ tìm thấy 1 thanh kiếm, 1 vương trượng , 1 vương miện, 1 quả cầu và 1 tấm khiên, tất cả đều bằng vàng.

Ở thị trấn Merkers, nơi đặt trụ sở Ngân hàng Đệ Tam Đế chế, lính Mỹ thuộc Quân đoàn 3 dưới sự chỉ huy của tướng George Patton đã phát hiện trong một mỏ muối gần đó 600 thỏi vàng, 750 túi đựng tiền vàng cùng nhiều đồ thờ cúng bằng vàng, được vùi sâu dưới những hầm khai thác muối. Giá trị của nó ước tính vào khoảng 250 triệu USD - thời điểm 1945 - khi vàng được bán với giá 35 USD / ounce.

Chuyện về kho báu Cathar vẫn chưa dừng lại ở đó. Năm 1983, một cựu sĩ quan SS là Albert Willi Louis Blume qua đời tại Brazil. Dưới mắt những người hàng xóm, Blume sống rất nghèo khổ nhưng khi ông ta chết, trong tài khoản của Blume ở Ngân hàng Trung ương Brazil có 141.000 ounce vàng, bao gồm các món nữ trang và các đồng tiền vàng cổ.

Theo các sử gia, Blume chỉ là một trong những "người giữ của" cho các tướng lĩnh Đức Quốc xã, và tổng giá trị kho báu của người Cathar xấp xỉ 60 tỉ USD, không kể chiếc Chén Thánh.

Báu vật biến mất

Ngày 15-4-1945, Berlin bị liên quân Anh, Mỹ, Canada, Austrlia vây hãm ở phía tây còn ở phía đông, Hồng quân Liên Xô đã chiếm được những vị trí phòng thủ ngoại vi. Ngày 18-4, Hitler ra lệnh cho một sĩ quan SS thân tín nhất của ông ta, mang chiếc hộp chứa Chén Thánh đến cảng Kiel. Tại đó, nó được đưa lên chiếc tàu ngầm U 530 đi Nam cực.

Hang núi La Peyre, nơi Skorzeny tìm thấy kho báu nay là điểm tham quan du lịch.

Ngày 30-4-1945, Hitler cùng người tình của ông ta là Eva Braun tự sát. Ngày 2-5, tro cốt của Hitler và Eva Braun được mang đến tàu ngầm U 977, cũng đi Nam cực. 34 năm sau - năm 1979, một nhóm thám hiểm của Cộng hòa Liên bang Đức tìm thấy xác 2 chiếc tàu ngầm trong một hang nước ngầm ở dãy núi Muhlig Hoffman, Nam cực. Có tin nói rằng chiếc hộp chứa Chén Thánh cùng 2 hộp tro cốt của Hitler và Eva Braun được đưa về Đức, cất ở một nơi không tiết lộ nhưng nước Đức chưa bao giờ bình luận về việc này.

Cuối cùng là trung tá Otto Skorzeny. Tháng 5-1945, ông ta đầu hàng quân Đồng Minh và bị giam giữ như một tù binh trong hơn 2 năm trước khi bị đem ra xét xử tại Tòa án tội ác chiến tranh Nuremberg. Tuy nhiên, Skorzeny không bị tuyên án bởi Hội đồng thẩm phán nhận định rằng ông ta chỉ là một người lính, thực hiện nhiệm vụ theo mệnh lệnh cấp trên.

Ngày 27-7-1948, Skorzeny trốn khỏi nơi giam giữ rồi đến Tây Ban Nha, nơi ông ta được nhà độc tài Francisco Franco cấp hộ chiếu. Suốt 4 năm sau đó, Skorzeny làm nghề kỹ sư cơ khí như trước chiến tranh. Năm 1952, Skorzeny được hưởng chính sách "bất hồi tố" do một ủy ban thuộc Chính quyền Cộng hòa Liên bang Đức ban hành, và điều này cho phép ông ta tự do đi lại.

Năm 1956, Skorzeny trở thành cố vấn cho Tổng thống Ai Cập Gamel Abdel Nasser. 2 năm sau, ông ta là cố vấn của tổng thống Argentina, Juan Peron. Ngày 5-7-1975, Skorzeny chết vì ung thư cột sống tại Madrid, Tây Ban Nha. Lúc đó Skorzeny giàu nứt đố đổ vách.

Năm 1978, một số lính SS từng tham gia áp tải kho báu Cathar từ núi La Peyre về Đức, nghe tin Skorzeny chết, đã tiết lộ rằng khi đoàn xe chở vàng đi qua nước Áo - là quê hương Skorzeny - ông ta ra lệnh ném nhiều thùng vàng xuống hồ Alpine.

Lập tức, những tay săn vàng ở khắp nơi trên thế giới đổ về vùng này nhưng Chính phủ Áo ra lệnh cấm tuyệt đối không cho phép bất cứ ai được lặn xuống đáy hồ bởi lẽ nếu quả thật Skorzeny đã ném vàng xuống, thì sự kiện tụng ra trước tòa án quốc tế để xác nhận chủ sở hữu chắc chắn sẽ xảy ra. Vụ việc sẽ mất rất nhiều thời gian cũng như rất phức tạp…

Vũ Cao (theo History)
.
.