Bí mật trong "đế chế" FIFA (tiếp theo)

Thứ Ba, 29/06/2010, 11:10
Những tưởng vụ xử có thể bắn thủng được “pháo đài” FIFA và hạ bệ ngài Chủ tịch Blatter nhưng cuối cùng nó chẳng có "tác dụng giáo dục" gì mấy đến văn hóa tham nhũng và quan trọng nhất là chẳng làm sứt mẻ FIFA cũng như ông vua không ngai của nó...

Một cuộc chiến pháp lý "gãi ngứa" FIFA

Phải mất 7 năm kể từ ngày Giám đốc Tài chính FIFA Erwin Schmid nhận được chiếc phong bì chứa tờ biên nhận chuyển tiền "bôi trơn" từ Tập đoàn ISL (International Sport and Leisure), “pháo đài” FIFA mới bị nã viên đạn pháo pháp lý.

Khoảng 10h30' sáng 3/11/2005, hoàn toàn bất ngờ, công tố viên Thụy Sĩ Thomas Hildbrand xuất hiện trước tổng hành dinh FIFA tại Zurich cùng đoàn thanh tra và tờ trát yêu cầu khám xét văn phòng ngài Chủ tịch Sepp Blatter và Giám đốc Tài chính kiêm Tổng thư ký Urs Linsi. Vụ "tấn công" chỉ được tiết lộ cho báo chí vào 3 tuần sau. Đó là màn khởi đầu cuộc so găng pháp đình giữa FIFA với giới thanh tra Thụy Sĩ. Và ai là kẻ bại trận?

Và 3 năm sau nữa, phiên xử ISL hối lộ cho FIFA mới bắt đầu. Điều tra cho biết, từ năm 1989 đến 2001 (thời điểm ISL phá sản), Tập đoàn tiếp thị thể thao lớn nhất thế giới ISL đã chi "hoa hồng" cho giới chức thể thao nói chung số tiền lên đến 138 triệu frăng Thụy Sĩ. Hai bị cáo Hans-Juerg Schmid và Christoph Malms (nguyên viên chức cấp cao ISL) thừa nhận, ISL đã chi nhiều khoản "bồi dưỡng" không lưu sổ sách để đảm bảo quyền ưu tiên được kinh doanh bản quyền truyền hình các trận đấu tại World Cup cũng như những sự kiện thể thao lớn.

Để thực hiện trót lọt các phi vụ hối lộ, ISL thiết lập một mạng phức tạp với vô số công ty ma đặt tại nhiều nước - chẳng hạn Công ty Nunca, được dựng tại Vaduz (đảo quốc Liechtenstein) năm 1998; hoặc Sunbow được dựng trước đó 3 năm tại British Virgin Islands (cho đến khi sáp nhập vào Nunca ngày 8/2/1999). Những công ty ma này hoạt động bí mật đến mức không phải viên chức cấp cao nào ở ISL cũng biết. Giao dịch với Ngân hàng LGT (Đức), Sunbow có một tài khoản số 193.223.31.

Cuối tháng 5/1999 - theo tờ Der Spiegel - số tiền 36.130.220 frăng Thụy Sĩ được gửi vào tài khoản Sunbow ở LGT, chuyển đến từ tài khoản của Công ty Sporis Holding AG (thuộc ISL) từ Ngân hàng Banque Nationale de Paris, với bản ghi nhớ ghi vắn tắt "Phí mua bản quyền khai thác kinh doanh". Từ ngày 3/6/1999 đến 15/1/2001, tài khoản Sunbow tại LGT chỉ còn hơn 2 triệu frăng Thụy Sĩ. Giới điều tra cho biết, hơn 18 triệu frăng đã "được chuyển đến tài khoản những cá nhân liên quan trực tiếp hay gián tiếp đến các hợp đồng của ISL. Đó là những khoản hối lộ".

Cáo trạng 228 trang cho biết thêm, trong số người nhận có Nicolas Leoz (người Paraguay), lúc đó là Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Nam Mỹ (CONMEBOL) kiêm thành viên Ủy ban điều hành FIFA. Cụ thể, Sunbow đã chi 211.625 frăng Thụy Sĩ cho Leoz. Và trước Giáng sinh 1999, Muhidin Ndolanga - lúc đó là Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Tanzania - cũng được "cám ơn" bằng món tiền "của ít lòng nhiều" là 15.975 frăng Thụy Sĩ. Cả Leoz lẫn Ndolanga đều bác bỏ cáo buộc...

Sepp Blatter và "ông-giỏ-tiền" Jean-Marie Weber.

Nổi bật nhất trong đường dây hối lộ là Jean-Marie Weber (nguyên Phó chủ tịch ISL), người được mệnh danh "ông-giỏ-tiền", một chuyên gia bậc thầy "đi cửa sau" chịu trách nhiệm về hoạch định chi tiết việc chi cho ai và chi bao nhiêu trong chiến lược hối lộ. Weber và Blatter biết nhau từ thập niên 70, khi cả hai cùng kề vai sát cánh với Horst Dassler (Tổng giám đốc điều hành Adidas), người sáng lập ISL năm 1982. Lúc đó, Blatter là Giám đốc Kỹ thuật FIFA và Weber là trợ lý riêng  của Dassler.

Sau khi Dassler chết trẻ (51 tuổi) bởi bệnh ung thư năm 1987, Weber bắt đầu thiết lập đường dây tham nhũng giữa ISL với giới chức thể thao khi đảm nhận sứ mạng "xây dựng các mối quan hệ". Điều đáng chú ý là Weber làm cho ISL mà không hề có hợp đồng lao động chính thức nhưng được hưởng "lương cơ bản hàng năm" là 870.000 frăng Thụy Sĩ.

Nhân vật bí hiểm này thiết lập hệ thống bôi trơn cho ISL qua công ty bình phong Sporis Holding AG. Bị cáo Christoph Malms (nguyên viên chức điều hành ISL) thú nhận rằng mình cảm thấy sốc khi nhận thấy hoạt động kinh doanh của ISL dựa chủ yếu vào “văn hóa hối lộ”. "Tôi được cho biết rằng công ty (ISL) không thể tồn tại nếu không chi những khoản trên" - Malms trình trước tòa. Bị cáo Hans-Juerg Schmid (nguyên Giám đốc Tài chính ISL) cũng thuật: "Nếu chúng tôi không chịu chi, các công ty khác sẽ nhảy vào giành được hợp đồng. Đây là một trong những hoạt động nhạy cảm nhất chuyện làm ăn"...

Những tưởng vụ xử có thể bắn thủng được “pháo đài” FIFA và hạ bệ ngài Chủ tịch Blatter nhưng cuối cùng nó chẳng có "tác dụng giáo dục" gì mấy đến văn hóa tham nhũng và quan trọng nhất là chẳng làm sứt mẻ FIFA cũng như ông vua không ngai của nó. Weber bị phạt khoảng 56.000 frăng Thụy Sĩ tội biển thủ khoản tiền mà đương sự không thừa nhận; 2 người khác bị phạt tiền nhẹ hơn tội làm sai sổ sách kế toán và 3 người còn lại trắng án. Phần mình, FIFA bị phạt khoảng 94.000 frăng Thụy Sĩ tội "cản trở tiến trình điều tra" cùng tội "che giấu sự thật".

Câu hỏi lớn nhất đọng lại từ phiên xử - như lời cật vấn "vang vọng vào thinh không" của Chánh án phiên tòa Marc Siegwart đối với 6 bị cáo ISL, rằng "tôi muốn biết những ai cụ thể nhận được tiền của quý vị" - đã không bao giờ được các bị cáo trả lời (trong khi không hề có sổ lưu hay chứng từ chuyển khoản) và như vậy chẳng có bằng chứng nào thuyết phục quy kết giới chức FIFA. Chẳng trách khi được hỏi về kết quả phiên xử, Sepp Blatter đã nói rằng ông rất "hài lòng"! --PageBreak--

Con đường đi đến "ngai vàng" của Sepp Blatter

Tại đại hội FIFA ở Zurich tháng 7/1996, Chủ tịch FIFA João Havelange nói rằng, khi hồi tưởng lại 22 năm "cống hiến" một cách “tận tâm” cho con đường phát triển bóng đá thế giới, ông cảm thấy hoàn toàn mãn nguyện. Từ năm 1999, ông nói, mọi liên đoàn bóng đá quốc gia sẽ được tài trợ 1 triệu USD trong 4 năm, trích từ tiền bản quyền thu được từ hợp đồng với ISL, "đối tác và người bạn của chúng ta".

5 tháng sau, Havelange viết thư gửi Ủy ban điều hành FIFA, nói rằng mình đã hoàn thành sứ mạng và không tái tranh cử ghế chủ tịch vào năm 1998. Ngay lúc đó, những người "hiểu chuyện" đã biết rằng ghế Chủ tịch FIFA rồi sẽ thuộc về Blatter, như thể nguyện của Horst Dassler với Havelange ngày nào...

Người đầu tiên lên tiếng tranh cử là Lennart Johansson, Chủ tịch Liên đoàn bóng đá châu Âu (UEFA). Johansson không biết rằng, Blatter - ngồi trong văn phòng tại Sonnenberg (Zurich) - đã bắt đầu chơi nước "tiên hạ thủ vi cường" bằng cách vận động chiến dịch ủng hộ với hàng loạt cú điện đến giới chức thể thao khắp thế giới. Tháng 5-1998, Blatter bay đến Nairobi (thủ đô Kenya), sau khi đã gặp riêng giới chức thể thao Nam Phi, Mozambique, Angola, Lesotho và Namibia để kiếm trọn 5 phiếu. Để được châu Phi ủng hộ, Blatter hứa sẽ mang World Cup đến Nam Phi năm 2006 cũng như tài trợ nhiều hơn cho nền bóng đá Lục địa đen. Thế là Blatter coi như soán được 5 phiếu từ Johansson, người lúc đó ủng hộ Đức đăng cai World Cup 2006.

Không chỉ vận động ngoại giao suông, Blatter còn lót tay cho đối tượng nào tỏ ra còn phân vân. Farah Addo, Phó chủ tịch Liên đoàn bóng đá châu Phi (từ trần tháng 11/2008), sau này thuật lại: "Họ đã đề nghị tôi 100.000 USD để chuyển phiếu từ Johansson cho Blatter - một nửa là tiền mặt và phần còn lại là thiết bị thể thao cho quốc gia tôi. Khi tôi nói "Không", họ nói thế thì "cũng được" và "chúng tôi mong ngài hãy tạo ảnh hưởng (thiên về Blatter) đối với những người khác". Họ cứ nghĩ tôi là thằng ngu". Lúc đến Paris dự đại hội FIFA, Ado bất ngờ khi thấy quyền bỏ phiếu của mình bị tước! Sự việc khiến Ado nổi giận và dọa làm rùm beng nhưng chính Johansson lại là người can thiệp.

Theo Ado, có đến 18 đại biểu châu Phi đã bị (Blatter) mua phiếu. Tiến trình bỏ phiếu còn không ít bê bối. Do không đến được Paris trong ngày bỏ phiếu bầu Chủ tịch FIFA, Jean-Marie Kyss (Chủ tịch Liên đoàn bóng đá Haiti) đã gọi điện cho Jack Warner (Phó chủ tịch FIFA kiêm Chủ tịch Liên đoàn bóng đá Caribe - Trung và Nam Mỹ - CONCACAF) với yêu cầu công bố chiếc ghế trống của đại diện Haiti. Kyss không ngờ rằng, Warner lại là "người" của Blatter. Thế là chiếc ghế trống Haiti được Warner tự ý đưa người bạn Neville Ferguson của mình vào trám chỗ! Kết quả cuộc bầu cử: Blatter được 111 phiếu và Johansson được 80. Đáng lý tiến trình bầu phải qua vòng hai do Blatter không đủ 2/3 phiếu nhưng biết rằng không thể thắng, Johansson đã giương cờ đầu hàng sớm. Ông đã thua khi Blatter cao tay ấn với chiến lược kiếm phiếu thành công từ châu Phi.

Một năm sau, năm 1999, nhà báo Anh David Yallop tung ra quyển How They Stole The Game (Họ đã đánh cắp môn bóng đá như thế nào), tiết lộ thêm rằng Blatter thậm chí đã gửi loạt phong bì màu nâu đựng tiền, đến khách sạn Meridien tại Paris, nơi các thành viên FIFA thuộc châu Phi nghỉ chân trong chuyến sang Pháp đi bầu ghế Chủ tịch FIFA. Bị cật vấn, Blatter trả lời rằng ông quả tình có gửi phong bì cho "các bạn châu Phi" nhưng đó là tiền ứng trước trong khoản trợ cấp hàng năm (250.000 USD) cho thành viên FIFA!...

Năm 2002, khi tiến trình bỏ phiếu bầu Chủ tịch FIFA được tiến hành và Blatter tranh cử nhiệm kỳ hai, cuộc chiến nhằm vào ông lại được thực hiện. Ngày 13/5/2002 (hơn hai tuần trước khi vòng bỏ phiếu được tổ chức), Phó Chủ tịch FIFA Chung

Mong-joon (nguyên Chủ tịch Liên đoàn bóng đá Hàn Quốc) tấn công trực diện khi lên tiếng rằng "đã đến lúc nghĩ đến việc bầu một nhà lãnh đạo mới".

Phát “đạn pháo” của Chung được bồi thêm bằng loạt “bắn tỉa” của Issa Hayatou (cũng là Phó chủ tịch FIFA kiêm Chủ tịch Liên đoàn bóng đá châu Phi). Kết quả, một lần nữa, chẳng ai hạ nổi Blatter và ông lại  chiến thắng trong cuộc bầu cử 2007... Năm 2011 là thời điểm FIFA bầu lại chủ tịch. Liệu Blatter thấy đã đủ mệt để rời ngai vàng? Câu trả lời là chưa! Ông già 74 tuổi này nói rằng mình vẫn còn đủ sức chạy thêm "90 phút" nữa cho trận chung kết giành ghế Chủ tịch FIFA tổ chức vào tháng 6/2011 tại quê nhà Zurich.

"Tôi sẽ tiếp tục cống hiến tất cả tinh lực, năng lượng, kinh nghiệm và nhiệt huyết cho bóng đá" - Blatter nói tại phiên bế mạc đại hội FIFA hàng năm gần đây, dù sau 12 năm ngồi ghế chủ tịch và 35 năm với gắn bó với FIFA. Để củng cố vị trí ứng cử viên, Blatter lại hứa sẽ tăng gấp đôi tài trợ cho các liên đoàn bóng đá quốc gia, từ 120 triệu USD lên 240 triệu USD trong 4 năm tới, chưa kể một ngân sách 275 triệu USD cho "hỗ trợ tài chính".

Ông nói rằng mình thấy rất "hứng thú" trước bóng gió từ Muhamed Bin Hammam (Chủ tịch Liên đoàn bóng đá châu Á) tung ra vào tháng 2/2010, rằng đã đến lúc châu Á có một người đủ tư cách hơn ngồi ghế Chủ tịch FIFA. Tướng già Blatter xem đó như một đề nghị thách đấu. Đằng sau ông còn có nhiều đồng minh lợi hại, chẳng hạn Phó Chủ tịch FIFA Jack Warner, người nhiều năm qua đã vớ bẫm qua những cuộc mặc cả "có phước cùng hưởng" với Blatter...

Quyển sách tiết lộ nhiều chuyện động trời của "đế chế" FIFA.
Ngài Chủ tịch Blatter vỗ vỗ vào túi quần để chắc ăn rằng chiếc phong bì quý giá nhận được từ buổi gặp với Havelange tại Paris vẫn còn yên vị. Với tay lấy điện thoại, Blatter gọi cô thư ký Helen ở phòng bên: "Nói Erwin (Giám đốc Tài chính FIFA) lên ngay!". Khi gặp, Blatter đưa Erwin chiếc phong bì. Bên trong là bản ghi nhớ của João Havelange - bản ghi nhớ cuối cùng mà Havelange viết trước khi rời ghế Chủ tịch FIFA, với nội dung yêu cầu phòng tài chính FIFA phải chi cho Blatter một khoản thưởng 6 chữ số đúng vào ngày 1/7 hàng năm; bắt đầu từ tháng 7/1997. Với Giám đốc Tài chính FIFA Erwin Schmid, ông đã quen với văn hóa chi tiêu bí mật như thế. Khi giới chức Ủy ban Điều hành FIFA đi công cán, khách sạn không phải 5 sao đối với họ chẳng thể gọi là chỗ ăn nghỉ đàng hoàng!

Ngoài tiền cho chương trình công cán, mỗi thành viên Ủy ban Điều hành FIFA còn được phụ cấp 500 USD/ngày - theo Andrew Jennings, tác giả quyển sách gây chấn động Foul! The Secret World of FIFA: Bribes, Vote-Rigging and Ticket Scandals (Chơi xấu! Thế giới bí mật của FIFA: hối lộ, thao túng phiếu bầu và tai tiếng kinh doanh vé đấu).

(Còn nữa)

Mạnh Kim (tổng hợp)
.
.