Bí mật trong "đế chế" FIFA

Thứ Hai, 28/06/2010, 17:20
Ai thu được lợi nhiều nhất từ World Cup 2010? Câu trả lời chắc chắn không phải nước chủ nhà Nam Phi. Theo Citi, phân nhánh nghiên cứu của Citibank, doanh thu FIFA (Liên đoàn Bóng đá thế giới) từ World Cup 2006 lên đến 1,8 tỉ USD và có thể đạt 3 tỉ USD ở World Cup 2010.

Đề cập đến FIFA, không chỉ có chuyện tiền nong. "Đế chế" FIFA - nếu có thể gọi như vậy - còn là những bí ẩn liên quan đến tham nhũng, hối lộ và những âm mưu hậu trường bí mật ít được biết...

FIFA và một thứ quyền lực phi biên giới

Tại một buổi tiệc năm 1998, João Havelange được hỏi rằng ông có cho mình là người quyền lực nhất thế giới không - loại câu hỏi thường chỉ thích hợp với nguyên thủ quốc gia. Nhưng, Havelange chỉ là chủ tịch một tổ chức phi chính phủ như FIFA (Fédération Internationale de Football Association), một tổ chức quản lý trong lĩnh vực thuần túy thể thao, đã chẳng e ngại trả lời: "Tôi đã đến Nga hai lần, được Tổng thống (Boris) Yeltsin mời cơ đấy... Tại Italia, tôi đã diện kiến Giáo hoàng John Paul II 3 lần. Khi đến Arập Xêút, tôi được Vua Fahd tiếp như thượng khách. Anh có nghĩ một nguyên thủ có thể được người ta dành nhiều thời gian để tiếp đãi như bất cứ ai như thế hay không? Đó là thể hiện của sự kính trọng. Họ (nguyên thủ) có quyền của họ, còn tôi cũng có quyền của tôi: quyền lực của bóng đá, thứ quyền lực mạnh nhất".

Bây giờ, 12 năm sau, FIFA vẫn chứng tỏ họ có một thứ quyền năng vô song, mạnh hơn cả chính phủ các nước xét ở góc độ nào đó, cũng như những đại công ty đa quốc gia chấp nhận hạ mình để xếp hàng chầu chực đợi FIFA chiếu cố cho làm nhà tài trợ. FIFA bây giờ không còn giới hạn trong lĩnh vực thể thao. Họ đã trở thành cỗ máy tiếp thị cực kỳ chuyên nghiệp và có tiếng nói nặng ký tác động đến chính trị lẫn kinh tế. World Cup giúp mang lại lệnh ngừng bắn cho cuộc nội chiến đẫm máu ở Bờ biển Ngà; có thể khiến thị trường chứng khoán các nước bại trận (tại World Cup) ngã nghiêng ngã ngửa; có thể làm một quốc gia vốn chia cắt bỗng trở nên thống nhất và đoàn kết tinh thần dân tộc.

João Havelange, "vua" FIFA từ năm 1974 đến 1998 - từng được ca ngợi với thành tích đưa FIFA trở thành đế chế hùng mạnh và giàu có. João Havelange đã làm môi giới cho nhiều “cuộc tình mặn nồng” giữa FIFA với các nhà tài trợ, trong đó có Horst Dassler (con của Adi Dassler, người sáng lập Hãng thể thao Adidas).

Như John Sugden và Alan Tomlinson viết trong quyển “Great balls of fire: How big money is hijacking world football”: "Havelange đã nhận ra tầm quan trọng của giới tài trợ ảnh hưởng như thế nào đến sự phát triển tương lai của bóng đá". Tuy nhiên, chính Horst Dassler (mất năm 1987) cũng đã đem lại nhiều rắc rối cho FIFA. Năm 1982, ông thành lập Công ty tiếp thị International Sport and Leisure (ISL). Vài tháng sau, ISL trở thành nhà quản lý các vấn đề liên quan đến tài chính và kinh doanh của FIFA.

Năm 2001, ISL phá sản, nợ nần be bét. Điều trớ trêu là không phải bóng đá đưa ISL vào tình trạng nguy kịch mà chính cung cách làm ăn của công ty: ISL dự tính tham gia thị trường chứng khoán và chuẩn bị mua hàng loạt bản quyền thuộc các ngành thể thao khác, như hợp đồng 1,2 tỉ USD mua tiền bản quyền tennis trong 10 năm. Sự sập tiệm của ISL tạo ra một lỗ thủng tài chính cho FIFA và cũng làm lộ tẩy nhiều bí mật động trời.

Đương kim Chủ tịch FIFA Sepp Blatter cho biết, FIFA mất hơn 32 triệu USD bởi vụ ISL nhưng (nguyên) Tổng thư ký Zen-Ruffinen cho rằng, số tiền trên thật ra gần 116 triệu USD. Trong chiến dịch hạ bệ (bất thành) Sepp Blatter, Zen-Ruffinen còn cáo buộc vị chủ tịch FIFA đã che đậy vụ Công ty Kiểm toán KPMG (một trong những công ty chịu trách nhiệm kiểm tra sổ sách kế toán của FIFA) có những hoạt động mờ ám, trong đó có vụ phát hành trái phiếu trị giá 420 triệu USD.

Theo Zen-Ruffinen, FIFA đã thiệt hại 500 triệu USD cho những hoạt động sai nguyên tắc tài chính, từ ngày Sepp Blatter lên ngồi ghế chủ tịch (1998) đến kỳ World Cup 2002. Tại World Cup 2010, FIFA vẫn không thoát khỏi cáo buộc tham nhũng.

Tờ Time (14/6/2010) cho biết, quyền kinh doanh vé và du lịch trọn gói đến Nam Phi năm nay đã được trao cho Công ty Thụy Sĩ Match Hospitality vốn thuộc sở hữu từ một công ty mẹ mà sếp của nó không ai khác là cậu cháu ruột Philippe của Sepp Blatter!

Bản quyền truyền hình World Cup đã mang lại nguồn thu khổng lồ cho FIFA.

Chuyện một chiếc phong bì

Mùa đông 1998, tại trụ sở chính của FIFA ở Zurich (Thụy Sĩ). Lúc đó là 7h sáng. Trong tầng hầm chứa thư, nhóm nhân viên đang phân loại các loại thư tín, fax và telex để chuyển đến các phòng ban. Tin về kết quả các trận bóng, những vụ chuyển nhượng cầu thủ, đơn xin trợ cấp từ các liên đoàn bóng đá quốc gia... tất cả đều được cập nhật đến tổng hành dinh cơ quan quản lý thể thao lớn nhất thế giới này. Đó là buổi sáng mà Erwin Schmid - Giám đốc Tài chính FIFA - nhận được một phong bì, gửi từ Ngân hàng UBS (Union Bank of Switzerland). Xé bao thư, Erwin xem chăm chú tờ biên nhận chuyển tiền. Gương mặt phúng phính của ông trở nên xanh nhợt. Ông xem kỹ lần nữa. Có gì không ổn. Có gì đó rất không bình thường.

Erwin vội vàng cầm phong bì đi ra hướng thang máy. Hai tầng phía bên trên, Tổng thư ký FIFA Joseph "Sepp" Blatter đang thư thả tựa lưng vào chiếc ghế da và đọc tờ báo yêu thích Neue Zurcher Zeitung. Chiếc tivi JVC khổng lồ đang tắt. Giờ này vẫn còn sớm để xem trận tennis mà ông thích. Phòng của Chủ tịch FIFA João Havelange chỉ ở trên cách một tầng nhưng hôm nay Havelange không có mặt. Ông về thăm quê nhà Brazil. Mọi việc được giao cho Sepp Blatter. Với Erwin, điều ông vừa phát hiện thật khó có thể chấp nhận và tin đó là sự thật, đặc biệt liên quan đến bạn mình, lại là người bạn thân nhất. Erwin từng nói với đồng nghiệp: "Cả đời tôi chỉ có một người bạn và người đó là Blatter".

Đứng trong thang máy đi lên tầng lầu Blatter, tim Erwin như muốn chùng xuống. 3 năm qua, Blatter được giao giám sát các thương vụ World Cup 2002 và 2006 - từ bản quyền bán cho các nhà đài khắp thế giới, bản quyền được phép khai thác logo FIFA đến việc được đồng ý cho in chữ "World Cup" lên lon nước ngọt và vô số sản phẩm khác. Tất cả việc kinh doanh trên đều liên quan trực tiếp ISL.

Trong nhiều năm, có vô số lời ong tiếng ve xì xầm về mối quan hệ không lành mạnh giữa FIFA và ISL, chẳng hạn các tin đồn về việc ISL hối lộ viên chức cấp cao FIFA để được độc quyền khai thác bản quyền World Cup. Tuy nhiên, Erwin gạt ngoài tai tất cả thị phi trên, cho rằng đó là thái độ của bọn "trâu buộc ghét trâu ăn". Chẳng có bằng chứng gì cả... Thế mà bây giờ ông đang cầm trong tay một bằng chứng cực kỳ thuyết phục.

Đi dọc hành lang lót thảm, Erwin đến phòng Blatter, lòng trĩu nặng. Chẳng rào trước đón sau, Erwin đưa tờ biên nhận chuyển tiền cho ngài Tổng thư ký, với nội dung ISL đã chuyển 1 triệu frăng Thụy Sĩ (khoảng 876.000 USD) vào tài khoản FIFA. Tất cả cho thấy đây là biểu hiện của một "lời cảm ơn" đầy ý nghĩa (...tiêu cực!), liên quan đến thương vụ nào đó. "Trời ạ" - Blatter gầm lên và đứng phắt dậy - "Đây là sai sót gì đó chứ. Khoản tiền này đâu liên quan gì đến chúng ta!".

Tất nhiên Erwin cũng hiểu rõ tương tự. Vậy bây giờ Blatter làm gì? Gọi cảnh sát? Tường trình sự việc lên Hội đồng điều hành hoặc Hội đồng tài chính FIFA? Đó là những điều ít nhất cần làm để chứng tỏ mình trong sạch và không liên quan đến các vụ "ăn bẩn". Tuy nhiên, Blatter đã chẳng làm như vậy. Thay vào đó, ông hành xử theo cách như một thủ đoạn bưng bít. Khoản tiền trên đơn giản được rút khỏi tài khoản FIFA và chuyển vào tài khoản cá nhân của một viên chức cấp cao FIFA!

Blatter và Urs Linsi.

Ngày 23/1/2004, tại khách sạn Abou Nawas ở Tunis (thủ đô Tusinia). Cánh phóng viên từ Cairo (Ai Cập), Cape Town (Nam Phi), Yaoundé (Cameroon), Nairobi (Kenya) bắt đầu tề tựu đông đủ cho buổi họp báo. Phía sau bục diễn giả, người ta thấy bức ảnh Tổng thống Zine El Abidine Ben Ali ngạo nghễ với bộ trang phục đính đầy huy chương. Đất nước Tunisia của ông nổi tiếng với lòng hiếu khách; đặc biệt trong tuần lễ đó, khi hàng ngàn người hâm mộ từ nhiều nước châu Phi đến để cổ vũ cho vòng chung kết Giải bóng đá vô địch châu Phi 2004. Tất nhiên Sepp Blatter không thể không có mặt; bây giờ với tư cách là Chủ tịch FIFA. Ngồi cạnh Blatter là Issa Hayatou (người Cameroon), Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá châu Phi trong 16 năm.

Từng là vận động viên điền kinh và có lần đoạt chức vô địch đường chạy 800m, Hayatou trông có vẻ mệt mỏi vì tuổi tác và cũng bởi hao tổn tinh lực trong cuộc chiến giành ghế chủ tịch với Blatter 18 tháng trước. Đích thân Hayatou đã viết thư gửi Phòng Công tố Zurich, buộc Blatter tội tham nhũng và yêu cầu tổ chức điều tra. Chiến dịch của Hayatou đại bại. Blatter vẫn phây phây và giành được 2 nhiệm kỳ liên tiếp ghế chủ tịch. Phòng Công tố Zurich nói rằng họ không đủ chứng cứ để truy tố Blatter. Ai cũng biết rồi Hayatou sẽ phải trả giá đắt tội "khi quân phạm thượng" với ngài Blatter.

Hôm qua, 22/1/2004, khi Hayatou tái tranh cử ghế Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá châu Phi, Blatter đã vận động để Ismail Bhamjee (người Botswana) được ủng hộ. Tuy nhiên, nhờ lá phiếu từ các nước nói tiếng Pháp, Hayatou lại tái đắc cử... Ngồi bên trái Blatter là Tổng thư ký FIFA Urs Linsi. Tương tự Blatter, Linsi cũng xuất thân từ khu vực nói tiếng Đức ở Thụy Sĩ. Giống sếp Blatter, Linsi cũng hói đầu. Từ khi vào FIFA lúc chuyển đến từ Ngân hàng Credit Suisse năm 1999, Linsi đã trở thành cánh tay phải đắc lực của Blatter với vị trí Giám đốc Tài chính.

Khi (nguyên) Tổng thư ký FIFA Michel Zen-Ruffinen ủng hộ Hayatou ghế chủ tịch, Linsi vẫn tỏ ra trung thành với Blatter. Sau khi lá phiếu cuối cùng (bầu chủ tịch) được đếm ở Seoul vào tháng 5/2002, người chiến thắng Blatter đã gào lên với một phóng viên Thụy Sĩ: "Ngày mai, chúng tôi sẽ xử "Ngài Trong sạch" cho các vị xem!". Thế là "Ngài Trong sạch" Zen-Ruffinen bị đá văng. Linsi vừa đảm nhận ghế tổng thư ký vừa tiếp tục giữ ghế Giám đốc Tài chính (cho đến năm 2007, khi Linsi rời FIFA)...

Tại cuộc họp báo hôm đó ở khách sạn Abou Nawas, Blatter rất vui vẻ và trả lời một cách thoải mái. Đột nhiên Andrew Jennings (phóng viên điều tra lừng danh người Anh chuyên khai thác đề tài tham nhũng trong thể thao) vớ micro và "làm khó" ngài chủ tịch với câu hỏi: "Sau hợp đồng bản quyền truyền hình và tiếp thị gần đây nhất ký với ISL cho mùa World Cup 2002 và 2006, một khoản chi bí mật gồm 1 triệu frăng Thụy Sĩ đã được ISL gửi vào tài khoản FIFA

 Chính ông, lúc ấy với tư cách tổng thư ký, lại chỉ thị "gỡ" nó ra khỏi tài khoản FIFA và lập tức gửi đến tài khoản riêng của một viên chức FIFA. Vậy người đó là ai?". Cúi xuống bàn vài giây, Blatter nói rằng, ISL hiện nằm trong tay thanh lý viên (kiểm soát các vấn đề liên quan phá sản công ty) và rằng "tôi sẽ không tranh luận trong buổi họp báo này và tôi nghĩ nó hoàn toàn lạc đề khi chúng ta có mặt hôm nay ở châu Phi cùng các nhà báo châu Phi để nói về sự phát triển của bóng đá châu Phi...".

Tất nhiên, nhà báo Jennings không chịu thua. Cuộc điều tra của ông sau đó đã làm lộ ra nhiều mảng tối u ám trong “đế chế” FIFA...

Sinh ngày 10/3/1936, trước khi bước vào sự nghiệp bóng đá, nhà kinh tế học Joseph "Sepp" Blatter là Chủ tịch Ủy ban Du lịch Valaisan (Thụy Sĩ) và sau đó là Tổng thư ký Liên đoàn Khúc côn cầu trên băng Thụy Sĩ (năm 1964). Kế đó, ông tham gia lĩnh vực báo chí và các hoạt động liên quan thể thao. Với tư cách Giám đốc Ủy ban Đối nội của Longines, Blatter có mặt trong Ban tổ chức Olympic 1972 và 1976.

Mùa thu 1975, với chức Giám đốc Chương trình Phát triển kỹ thuật FIFA, Blatter thực hiện thành công nhiều dự án của (cựu Chủ tịch FIFA) João Havelange. Năm 1981, Blatter được bầu làm Tổng thư ký FIFA rồi Tổng giám đốc điều hành từ năm 1990. Trong cuộc bầu cử Chủ tịch FIFA năm 1998, Blatter thắng Lennart Johansson ở tỉ lệ 111/80...

(Còn nữa)

Mạnh Kim (tổng hợp)
.
.