"Binh chủng đặc biệt" trên Đồi 82
- Người thợ máy biệt động kiên cường
- Chuyện hậu duệ nhà Trần là biệt động Sài Gòn
- Câu chuyện đẫm nước mắt về tình mẫu tử của nữ chiến sĩ biệt động thành
Các đại biểu bất ngờ và xúc động khi nghe loa xướng lên: "Xin mời binh chủng y tế lãnh cờ…", những tràng pháo tay vang lên, nữ hộ sinh Nguyễn Thị Xoa (Sáu Xoa) trong quân phục quân giải phóng được cử làm đại diện bước lên lễ đài đón nhận cờ hiệu đỏ thắm có thêu 4 chữ vàng "Binh chủng đặc biệt" từ tay đồng chí Nguyễn Văn Linh - Bí thư Xứ ủy Nam kỳ với niềm vinh dự, tự hào...
Tại nơi đó, nay là Đồi 82 Khu lưu niệm truyền thống Ban Dân y miền Nam và đền thờ liệt sỹ Ngành Y đã được xây dựng để tưởng niệm và tri ân đời đời 523 liệt sỹ, là chiến sỹ áo trắng đã hy sinh tuổi thanh xuân vì độc lập tự do của dân tộc, vì sức khỏe của cán bộ, quân dân trong vùng căn cứ cách mạng.
"Binh chủng đặc biệt" áo trắng tóc dài
Từ năm 1961, Trung ương đã chủ trương thành lập tổ công tác đặc biệt chuyên lo việc chi viện cho chiến trường miền Nam về mọi mặt. Sau Đồng khởi, cách mạng Miền Nam đã chuyển biến mạnh mẽ và đấu tranh vũ trang kết hợp chính trị, binh vận khiến cho chính quyền Ngô Đình Diệm lung lay, đối phó.
Vợ chồng anh hùng Đoàn Thúy Ba - Tạ Minh Khâm. |
Nhiều cán bộ, y tá, hộ sinh khắp miền Nam hoạt động công khai, bán công khai hành nghề, với mục đích tập trung chăm sóc, cứu chữa thương cho du kích, cán bộ hoạt động nằm vùng, thu mua thuốc men, dụng cụ y tế cung cấp cho bộ đội chiến đấu tại các chiến trường. Lúc này, tại Miền Bắc, nhiều lớp đào tạo cán bộ y tế để chi viện cho chiến trường Miền Nam được mở ra, đặc biệt là chuyên về ngoại khoa để phục vụ ngay cho chiến trường đang ngày càng ác liệt.
Tháng 9-1961, đoàn cán bộ y tế đầu tiên gồm 4 bác sĩ, 9 y sĩ khởi hành vào Nam theo đường Trường Sơn và tiếp đến vào mùa khô 1962, 29 bác sĩ, 26 y sĩ và 4 dược sĩ xuất phát từ Hà Nội đến Làng Ho, Quảng Bình rồi tỏa đi các chiến trường Miền Nam. Nguyên Bộ trưởng Y tế, PGS - TS Trần Thị Trung Chiến kể lại: "Ngày đó, được “đi B" phục vụ chiến trường là nguyện vọng, tâm huyết của sinh viên trường Đại học Y và Đại học Dược".
Trong đoàn cán bộ y tế vào Nam, có những cán bộ như: bác sĩ Nguyễn Văn Thủ, nguyên Phó Giám đốc Y tế Nam bộ thời kháng chiến chống Pháp. Lúc chuẩn bị lên đường, Bác Hồ cùng Bộ trưởng Bộ Y tế Phạm Ngọc Thạch mời ăn cơm chia tay, Bác ân cần dặn dò: "Về Nam phải làm gì, lo cho dân ra sao để có thể chiến đấu lâu dài và phải trường kỳ bồi dưỡng sức dân".
Trong đoàn cán bộ y tế ngày đó, còn có các bác sĩ mà sau này là những cây đa, cây đề của ngành y tế nước nhà như: bác sĩ Hồ Văn Huê, Nguyễn Thị Thành, Đoàn Thúy Ba, Trương Công Trung, Dương Quang Trung, Bùi Sĩ Hùng, Dương Tử Hùng, Nguyễn Văn Hoa, Nguyễn An Thạch…
Bác sĩ Nguyễn Văn Thủ là Trưởng ban Dân y thuộc Trung ương Cục Miền Nam đã xây dựng hệ thống y tế giải phóng Miền Nam từ những ngày đầu tiên, sau 3 tháng 10 ngày hành quân theo đường Trường Sơn từ Bắc vào đến Tây Ninh.
Y bác sĩ tiêm phòng dịch cho trẻ em vùng căn cứ kháng chiến. |
Trong rất nhiều tấm gương, câu chuyện điển hình về những cán bộ y tế Miền Nam những năm tháng đầu tiên trong căn cứ R, có một nữ bác sĩ đầu tiên vượt Trường Sơn trở về Miền Nam chiến đấu, phục vụ chiến đấu là Anh hùng lao động, Thầy thuốc nhân dân Đoàn Thúy Ba - Nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế.
Bà tên thật là Đoàn Hồng Hoa, quê ở xã An Thới, huyện Mỏ Cày Nam, tỉnh Bến Tre là một trong những học trò xuất sắc của bác sĩ Trần Hữu Nghiệp lên đường tập kết năm 1954. Tốt nghiệp bác sĩ năm 1962, bà xung phong trở về Miền Nam được bác sĩ, Bộ trưởng Phạm Ngọc Thạch đồng ý, nhưng ai cũng ái ngại cho dáng vóc ốm yếu, mảnh mai của bà sợ không vào đến Tây Ninh.
Nhưng kỳ diệu thay, sau 6 tháng băng rừng, vượt núi, đội bom đạn, bà cùng đồng đội đã vào đến Miền Nam và nhanh chóng bắt tay vào củng cố mạng lưới y tế cách mạng của tỉnh Bến Tre. Thời gian này cả một trời đau thương, tang tóc ập xuống cuộc đời bà: mẹ mất sớm, cha bị địch giết hại, chồng hy sinh… Căm thù giặc và nén đau thương để hoạt động, hai năm sau bà được điều động về Trung ương Cục bố trí phụ trách Bệnh viện Hoàng Lệ Kha trong căn cứ R.
Người thầy của bà, bác sĩ Trần Hữu Nghiệp đã viết: "Sự trở về của bác sĩ Thúy Ba lúc đó có tác dụng động viên rất lớn đối với nữ cán bộ y tế đang công tác tại các chiến trường miền Nam. Sự có mặt của cô ở chiến trường miền Nam đã được nhà báo Pháp Madeleine Riffaud và nhà báo Ba Lan Valensa nhắc đến trong các bài báo về những chiếc áo trắng trong rừng xanh".
Trong suốt thời gian phục vụ kháng chiến chống Mỹ, bệnh viện Hoàng Lệ Kha đã tiếp nhận điều trị hơn 1.500 bệnh nhân là cán bộ Trung ương Cục, Miền với tỷ lệ tử vong thấp nhất dù điều kiện, trang thiết bị, thuốc men thiếu thốn trăm bề. Chính bác sĩ Trương Văn Việt - GĐ Bệnh viện Chợ Rẫy từng kể: kim tiêm thiếu không có nhiều, chích đi chích lại nhiều lần đến lụt kim phải mài lại, khử trùng để tiếp tục tiêm…
Cũng chính tại nơi đây, trái tim từng đau buồn héo hon của bà đã sống lại với niềm vui, hạnh phúc. Bà đã kết duyên cùng Sư trưởng Sư đoàn 9 Tạ Minh Khâm, người đồng hương Mỏ Cày, Bến Tre. Cuộc đời bà cũng từ đây mở ra một trang mới: 15 năm vun đắp hạnh phúc, cả bà và chồng lần lượt được phong tặng, truy tặng danh hiệu Anh hùng.
Những bông hoa trắng ngần giữa màu lửa đỏ
Sau khi hết hạn tập kết, chính quyền Ngô Đình Diệm bắt đầu thực hiện dã tâm chia cắt hai miền đất nước và thiết lập nền Cộng hòa đệ nhất tại miền Nam. Do đó, chính quyền cách mạng bắt đầu rút vào hoạt động bí mật, củng cố và xây dựng lực lượng, chuẩn bị cho cuộc đấu tranh lâu dài. Lực lượng y tế cách mạng dựng lên nhiều trạm y tế hộ sinh khắp các nơi từ nông thôn đến thành thị. Lúc này chính quyền Diệm- Nhu lê máy chém khắp miền Nam, tiến hành đấu tố, bắt bớ, tra tấn, thủ tiêu nhiều cán bộ nằm vùng hòng uy hiếp tinh thần cách mạng trong nhân dân.
Nữ dược sĩ Ngọc vận chuyển thuốc vào kho C83 Trung ương Cục. |
Nhiều cán bộ y tế bị địch bắt giết hại để trả thù. Để bảo toàn lực lượng, ta chủ trương cho các cô đỡ, y tá tạm thời giải nghệ về làm dân thường, tránh tai mắt kẻ địch. Nhiều nữ cán bộ y tế bị địch bắt giam cầm tại các nhà tù Sài Gòn, Thủ Đức, Bà Rá, Mỹ Tho, Biên Hòa và đày ra địa ngục trần gian Côn Đảo, nhưng khi thoát khỏi ngục tù, các chị lập tức trở về địa phương xây dựng và củng cố lại cơ sở hoạt động cách mạng. Nhiều lớp y tá, hộ sinh được mở khắp nơi khắp các tỉnh Tây Nam bộ, Đông Nam bộ…
Chẳng bao lâu, “binh chủng đặc biệt” này được hỗ trợ tiếp sức từ những cán bộ y tế chi viện từ Miền Bắc vào, trong đó rất nhiều cán bộ miền Nam tập kết nên đội ngũ lớn mạnh không ngừng, có mặt khắp các nơi, khắp các chiến trường. Nhiều tấm gương anh hùng, dũng cảm xuất hiện được tuyên dương như: Huỳnh Thị E, y tá Bến Tre, Lê Thị Hiếu Tâm, y sĩ Mỹ Tho…
Theo bác sĩ Trần Hữu Nghiệp kể lại: từ sau Mậu Thân 1968 đến ngày giải phóng miền Nam 30-4-1975, riêng tỉnh Tiền Giang đã có 169 chị em thuộc "binh chủng đặc biệt" đã hy sinh, trong đó có 16 nữ y sĩ và hàng chục nữ hộ sinh, cô đỡ, y tá, cứu thương…
Với hoạt động ngụy trang che mắt địch tại các trạm y tế, hộ sinh… trên QL4 chỉ vài chục cây số qua các huyện Châu Thành, Cai Lậy và Cái Bè (Tiền Giang nay là QL1A) đã có 108 nữ cán bộ y tế đã ngã xuống. Sự thật, hoạt động của các trạm y tế, hộ sinh chủ yếu là chăm sóc sức khỏe nhân dân, chăm sóc và che giấu du kích, bộ đội, cán bộ hoạt động nằm vùng tại các hầm bí mật…
Tại tỉnh Kiến Tường (nay là Long An) thuộc vùng trũng của Đồng Tháp Mười, sau Tết Mậu Thân 1968 Tổng tiến công và nổi dậy, địch tăng cường bố ráp, càn quét khắp nơi tìm và diệt lực lượng cách mạng. Chỉ một thời gian ngắn, Kiến Tường đã mất sáu nữ hộ sinh, 3 y sĩ và 9 cô đỡ y tá dưới họng súng kẻ thù. Địch tăng cường lực lượng y bác sĩ xuống làm chủ các bệnh viện Kiến Tường, Mộc Hóa do bác sĩ Mỹ trực tiếp chỉ đạo, điều hành.
Kẻ địch rất thâm hiểm khi đánh dấu ký hiệu trên hồ sơ bệnh nhân thuộc diện nghi ngờ liên quan đến Việt cộng, chúng xử lý vết thương, phẫu thuật bằng hành động cưa cắt cho cụt tay chân, triệt tiêu ngay từ những đứa bé, diệt tận gốc mầm mống có nguy cơ chống lại Mỹ- ngụy. Địch cũng dùng kế đào tạo hàng trăm ngàn khóa y sĩ, y tá đưa về làng xóm nông thôn thực hiện "bình định" nhưng thực chất là thám báo, gián điệp, tay sai.
Mổ cấp cứu trên xuồng ba lá ở Đồng Tháp Mười. |
Lúc này, lực lượng "binh chủng đặc biệt" của cách mạng cũng tìm mọi cách trà trộn vào bộ máy y tế của địch để hoạt động và kịp thời phát giác các hành động gây hại và những tên gián điệp, mật thám, chỉ điểm "Thiên Nga, Phượng Hoàng" báo cho tổ chức mật tiêu diệt. Nhiều hoạt động cứu chữa thương binh của "binh chủng đặc biệt" đảm trách tưởng chừng như không thể vượt qua được giữa lằn ranh sống chết đầy nguy hiểm trước họng súng kẻ thù.
Đầu năm 1973, có 113 thương binh đang nằm trong công sự điều trị. Một y tá phụ trách 20 thương binh trong cánh rừng tràm của Đồng Tháp Mười mênh mông. Ban đêm các chị thay nhau đi mua dầu đốt đèn, thay bông băng, tiêm thuốc, gùi nước sạch về lọc phèn cho thương binh uống… bị địch phát giác, 3 nữ cán bộ y tế với 2 nam đã cõng 60 thương binh nặng dời đi nơi khác an toàn, liên tục cõng suốt đêm, sáng hôm sau địch càn quét nhưng không thấy bóng người…
Thiếu thuốc men, dụng cụ y tế để điều trị cho thương binh giữa Đồng Tháp Mười mùa nước lũ lên cao, nhiều chị em hoạt động trong lòng địch tạo uy tín với vợ con sĩ quan ngụy đã thu tóm được nhiều nguồn thuốc để chuyển ra vùng kháng chiến. Sử dụng các bàn mổ lộ thiên tại các mô đất cao và dễ dàng che dù bạt ngụy trang tránh máy bay địch phát hiện.
Trong cuộc chiến đấu ngoan cường đó, đã có rất nhiều chị em hy sinh, bị địch bắt tù đày tra tấn dã man như cô đỡ xinh đẹp Phạm Liên Nguyệt xứ Mỹ Tho, cô Nguyễn Thị Nhàn "hoa khôi" nữ hộ sinh bệnh viện Đồn Đất, cô Võ Thị Minh Ngoạn …”Binh chủng đặc” biệt của đội quân tóc dài miền Nam đã góp phần không nhỏ cho thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của quân dân miền Nam, họ là những bông hoa rất đẹp màu trắng tinh khôi nở rực rỡ giữa thời lửa đỏ…
* Ảnh trong bài: Tư liệu Ban Dân y Miền Nam.