Bộ sưu tập âm nhạc của trùm phát xít Adolf Hitler

Thứ Sáu, 04/04/2008, 14:00
Hơn 60 năm sau Thế chiến II, một bộ sưu tập các tác phẩm âm nhạc của trùm phát xít Adolf Hitler đã được phát hiện. Bộ sưu tập cho thấy sự hâm mộ của Hitler đối với những tác phẩm của các nghệ sĩ thuộc chủng tộc mà Hitler cùng đám tay chân của y luôn cho là "hạ đẳng".

Bộ sưu tập âm nhạc của Hitler được phát hiện

Lev Besymenski - một cựu quân nhân, nhà sử học và giáo sư giảng dạy tại Học viện Quân sự Moskva qua đời ở tuổi 86. Trước khi qua đời ông đã tiết lộ với tạp chí Tiêu điểm (Der Spiegel) của Đức một sự thật: trong hơn 60 năm qua ông đã cất giữ bộ sưu tập âm nhạc của trùm phát xít Adolf Hitler.

“Bộ sưu tập các tác phẩm âm nhạc của Adolf Hitler cho thấy Hitler thật sự yêu thích các nghệ sĩ gốc Do Thái”. Đó là đánh giá của Lev Besymenski về bộ sưu tập âm nhạc gồm hàng trăm đĩa hát của trùm phát xít Adolf Hitler.

Không mấy người nghĩ rằng một kẻ theo chủ nghĩa bài Do Thái lại là một tín đồ cuồng tín của các nghệ sĩ gốc Do Thái. Hitler sở hữu một bộ sưu tập âm nhạc gồm rất nhiều tác phẩm của các nghệ sĩ gốc Do Thái và thường xuyên thưởng thức chúng khi bị căng thẳng do áp lực công việc.

Trong một tài liệu đã ố vàng vì thời gian, Lev Besymenski viết: “Không thể tin được rằng, một kẻ bài Do Thái và thù ghét người Nga như Adolf Hitler lại sưu tập và thưởng thức rất nhiều tác phẩm âm nhạc của các tác giả người Do Thái và Nga”.

Giữa tháng 5/1945, Lev Besymenski - Đại úy thuộc lực lượng tình báo quân sự của Phương diện quân Belarus số 1 nhận được nhiệm vụ cùng 2 sĩ quan khác kiểm tra lại toàn bộ khu vực tổng hành dinh bao gồm cả khu vực hầm ngầm của Hitler.

Besymenski là một sĩ quan tình báo có năng lực và thông thạo tiếng Đức. Anh đã từng phiên dịch quá trình hỏi cung Thống chế Friedrich Paulus ở Stalingrad năm 1943 và gần nhất là dịch lời khai của viên tướng Đức Hans Krebs để thông báo với lãnh tụ Stalin rằng Hitler đã chết.

Theo mệnh lệnh, Besymenski đã kiểm tra khu nhà tổng hành dinh của Hitler một cách kỹ càng. Bỗng nhiên viên sĩ quan phụ trách việc canh giữ khu vực nói với Besymenski và 2 viên sĩ quan cùng đi rằng họ có thể lấy thứ gì đó làm vật kỷ niệm.

Trong khi những người khác lấy các thứ như huân, huy chương và đồ quý giá thì Besymenski lại nghĩ tới những thứ khác. Anh yêu cầu viên sĩ quan phụ trách mở một vài cánh cửa sắt lớn được khóa bằng loại khóa đặc biệt. Khi những cánh cửa mở ra họ thấy một khung cảnh hoàn toàn khác.

Mỗi căn phòng gồm nhiều hòm gỗ xếp dài cạnh nhau và tất cả đều đã được đánh số thứ tự. Những người Đức làm việc tại đây nói rằng số hòm đó vốn được chuẩn bị để chuyển đến Berghof - dinh thự của Hitler tại vùng Bavaria. Các hòm đựng đầy bát đĩa và các vật dụng khác.

Besymenski  đã lấy đầy một hòm các đồ kỷ niệm và sau đó mang về Moskva trên một chuyến tàu đặc biệt. 46 năm sau, con gái của Besymenski đã tình cờ phát hiện ra những vật kỷ niệm đó trên căn gác mái ngôi nhà của gia đình tại vùng nông thôn gần Moskva.

Đó là vào tháng 8/1991, một mùa hè dễ chịu ở vùng nông thôn Nikolina-Gora gần Moskva. Gia đình Besymenski có khách đến thăm và sau bữa trưa là thời gian thư giãn cùng bạn bè. Besymenski nhờ cô con gái lên căn gác áp mái lấy giúp ông mấy chiếc vợt cầu lông.

Khu gác tối và chật chội với các thùng sách xếp xung quanh. Besymenskaya – con gái của  Lev Besymenski  hiện nay đã 53 tuổi, nhớ lại: “Tay tôi chạm vào thứ gì đó rắn. Đó là một chồng các đĩa hát loại cũ”. Tất cả đều được đóng một dấu hình chữ nhật cùng mẩu ghi chú khiến Besymenskaya như cứng hết người lại vì kinh ngạc: trên mẩu ghi chú ghi rõ Fhrerhauptquartier - Tổng hành dinh. Quốc trưởng.

Lev Besymenski đã rất không thoải mái khi nói chuyện với con gái mình về những đĩa hát đó. Lý do của sự căng thẳng là do có lẽ Besymenski lúc đó đã là một nhà sử học đáng kính và giáo sư của một Học viện quân sự tại Moskva đã cố gắng che giấu để mọi người không nghĩ rằng ông là kẻ cướp những đĩa hát đó.

Không lâu sau, trong một cuốn sách viết về Hitler, Besymenski đã thú nhận rằng ông đã mang về từ Berlin một số đĩa hát trong bộ sưu tập tìm thấy tại tổng hành dinh của Hitler vào năm 1945. Thời kỳ đó không chỉ có Besymenski là cố gắng mang một vài vật kỷ niệm về từ Berlin. T

Tuy nhiên, là một người yêu âm nhạc, Besymenski đã lấy những thứ phù hợp với sở thích cá nhân của mình. Trước chiến tranh, Besymenski là khách thường xuyên của Nhà hát Moskva. Sau khi Besymenski qua đời năm 2007, con gái của ông là Besymenskaya đã cho phép các phóng viên của tạp chí Der Spiegel (Đức) được xem bộ sưu tập khoảng 100 đĩa shellac. Phát hiện này đã thu hút chú ý của rất nhiều nhà nghiên cứu âm nhạc và sử học.

Đam mê âm nhạc của Adolf Hitler 

Hầu hết đĩa nhạc được giữ trong các album màu đỏ và xanh. Mỗi album gồm nhiều đĩa hát đã được phân loại. Một số đã bị xước hoặc vỡ nhưng được bảo quản tốt. Sau kiến trúc, âm nhạc cũng là một sở thích của Hitler.

Trong thời gian ở Vienna (Áo),  Hitler thường xuyên đến nhà hát opera để thưởng thức âm nhạc của Beethoven, Wagner, Liszt và Brahms. Cứ theo tư tưởng chính trị của Hitler thì chỉ có âm nhạc Đức là có giá trị. Tuy nhiên, bộ sưu tập đĩa hát của Hitler lại bao gồm những tác phẩm âm nhạc được sáng tạo và thể hiện bởi những nghệ sĩ thuộc những chủng tộc mà bản thân Hitler gọi là “hạ đẳng”, trong đó bao gồm một số nhà soạn nhạc Nga như Pyotr Tchaikovsky, Alexander Borodin và Sergei Rachmaninov.

Besymenski bản thân cũng là người Do Thái nên đã rất ngạc nhiên với việc tìm thấy các tác phẩm âm nhạc của các tác giả Liên Xô nổi tiếng trong bộ sưu tập đĩa hát của Hitler tại khu hầm ngầm. “Đó là những tác phẩm âm nhạc cổ điển được trình diễn bởi những dàn nhạc nổi tiếng nhất ở châu Âu và Đức  với những giọng ca danh giá nhất thời đó...”.

Ví dụ như lô đĩa hát được đánh số 840 bao gồm bản aria “Cái chết của Boris Godunov” của nhà soạn nhạc Nga Modest Mussorgsky (1839-1881) được trình bày bởi danh ca giọng nam trầm Feodor Chaliapin. Bộ sưu tập đĩa hát tìm thấy tại New Reich Chancellery còn có tác phẩm của Artur Schnabel - nghệ sĩ piano người Áo gốc Do Thái. Artur Schnabel đã rời khỏi nước Đức ngay sau khi Quốc xã lên nắm chính quyền năm 1933 nhưng bà mẹ của ông do ở lại nên đã chết trong trại tập trung Theresienstadt.

Trong những đĩa nhạc đó có một số được đích thân Adolf Hitler ghi chú: “Yêu thích - favourist” và tất cả đều là tác phẩm của các nghệ sĩ Do Thái. Ví dụ như tác phẩm của Tchaikovsky được nghệ sĩ violon  Bronislaw Huberman người Ba Lan gốc Do Thái biểu diễn. Chắc chắn Adolf Hitler đã biết rõ về gốc tích của tác giả này vì Bronislaw Huberman  đã thành lập Dàn nhạc Palestine năm 1936 (hiện nay là Dàn nhạc của những người yêu nhạc Israel), và rằng khi đó Bronislaw Huberman đang phải sống trong cảnh lưu vong. Ngoài ra, không ai được biết những tác phẩm khác có được Adolf Hitler nghe thường xuyên không hay chỉ là những vật sưu tập bình thường.

Adolf Hitler cũng là người có kiến thức về âm nhạc. Cho dù là tại phòng làm việc ở Berlin hay tại khu nghỉ Obersalzberg đều có sự hiện diện của rất nhiều tác phẩm âm nhạc thuộc bộ sưu tập riêng của Adolf Hitler. Hitler thường mang theo mình những đĩa nhạc ưa thích và khi nào cảm thấy mệt mỏi hoặc căng thẳng Hitler thường đuổi tất cả mọi người xung quanh đi rồi một mình ngồi lặng lẽ nghe nhạc.

Những đĩa nhạc được Lev Besymenski tìm thấy tại phòng làm việc của Hitler ở Berlin là những đĩa nhạc Hitler thích nhất.  Khi còn nhỏ, Adolf Hitler đã từng học dương cầm nhưng không hề có tài năng bẩm sinh về lĩnh vực này.

Hanskarl von Hasselbach - bác sĩ riêng của Hitler sau này đã tiết lộ: Adolf Hitler thậm chí còn không thể huýt sáo cho đúng điệu. Theo Rochus Misch nhân viên phụ trách radio và là người sống sót cuối cùng trong hầm ngầm của Hitler thì Hitler thường yêu cầu người phục vụ mở nhạc sau mỗi lần Hitler khiển trách hoặc mắng mỏ đám tướng lĩnh dưới quyền.

Mỗi khi không vui Hitler thường tìm đến âm nhạc và đối với Hitler âm nhạc đã trở thành liều thuốc tốt nhất. Do vậy nên Hitler không còn để tâm đến xuất xứ của những tác phẩm mà Hitler yêu thích.

Roger Moorhouse - nhà sử học và là tác giả của cuốn sách “Ám sát Hitler” cho rằng, nếu thực sự những tác phẩm âm nhạc đó là của Hitler thì có thể cho thấy thế giới nội tâm của Hitler hoàn toàn đối lập với những giá trị chính trị mà Hitler theo đuổi. Việc là người Nga hay gốc Do Thái cũng không ảnh hưởng đến vị trí tác phẩm của người nghệ sĩ trong bộ sưu tập âm nhạc của Hitler. Tôi có cảm giác thế giới quan của Adolf Hitler có sự tách biệt hoàn toàn giữa nghệ thuật và chính trị.

Tiến sĩ Kennaway thuộc Đại học Standford – nhà nghiên cứu âm nhạc nổi tiếng chuyên về thời kỳ Quốc xã cho rằng: “Tôi không ngạc nhiên lắm về sự lựa chọn của Hitler thể hiện qua bộ sưu tập. Chính sách với âm nhạc của chính quyền Quốc xã rất tạp nham và rời rạc.

Igor Stravinsky (1883 – 1971) nhà soạn nhạc Nga nổi tiếng được biểu diễn tại Đức thời kỳ đó nhờ ông ta được biết đến là người có tư tưởng cánh hữu thân Quốc xã, còn trường hợp Béla Bartók (1881 - 1945) - nhà soạn nhạc và nhạc sĩ Hungary - là do Hungary là đồng minh của Đức Quốc xã.

Quan điểm nhất quán trong chính sách của chính quyền Quốc xã là bài Do Thái nhằm vào chủng tộc Do Thái và người Do Thái, nên những tác phẩm của các nghệ sĩ Do Thái như Schnabel và Huberman tưởng như không có chỗ đứng".

Trong cuốn sách “Mein Kampf” (Cuộc chiến của tôi) Adolf Hitler đã bộc lộ quan điểm riêng về văn hóa Do Thái: “Chưa từng có nền nghệ thuật Do Thái và bây giờ cũng không có”.

Hitler viết rằng, trong cả hai lĩnh vực hàng đầu của nghệ thuật là kiến trúc và âm nhạc chẳng có dấu ấn nào của người Do Thái. Mặc dù vậy không chỉ có bản thân Hitler mà cả những tay chân của Hitler đều hiểu được giá trị của những tác phẩm của các nghệ sĩ gốc Do Thái. Lính Mỹ cũng đã phát hiện thấy rất nhiều đĩa hát trong một cái hang ở Berghof năm 1945.

Đó là một phần khác của bộ sưu tập các đĩa hát được sưu  tập cho Hitler và các tướng lĩnh cao cấp của Đức Quốc xã. Trong thời gian nghiên cứu ở Mỹ, nhà sử học Philipp Gassert của Trường đại học Heidelberg đã tiếp cận được với một số đĩa hát trong đó. Giống như những đĩa hát được phát hiện ở Moskva, chúng cũng được gắn những nhãn kiểm kê nhỏ.

Thỉnh thoảng Lev Besymenski cũng nghe những đĩa hát của ông mang về từ Berlin cùng với bạn bè. Thỉnh thoảng ông cho một số nhạc sĩ mượn chúng bao gồm nhà nhạc trưởng Kiril Kondrashin và các nghệ sĩ piano nổi tiếng như  Emil Gilels và Jakow Sak. Besymenskaya cho biết sẽ suy nghĩ cẩn thận về việc sẽ làm gì với bộ sưu tập đĩa hát bởi đó cũng là một phần của lịch sử

T.V (Theo Der Spiegel)
.
.