Bùi Bằng Đoàn – Người trí thức đồng hành cùng dân tộc
- Nhiều hoạt động kỷ niệm 70 năm Tổng tuyển cử Quốc hội khóa I
- Phát động cuộc thi tranh cổ động kỷ niệm Ngày Tổng tuyển cử đầu tiên
Trong ký ức người con
Hôm gặp bác sĩ Bùi Nghĩa tại tư gia, tôi hé chuyện viết về cụ Bùi Bằng Đoàn, bác Nghĩa đưa cho tôi một tờ báo và nói: "Đây là bài viết mới trên báo Thanh Niên. Khá nhiều báo viết về cụ rồi, có nên viết nữa không?". Tôi bảo: "Mỗi báo viết về cụ ở góc độ khác, nay nhân dịp kỷ niệm 70 năm Tổng tuyển cử, bầu Quốc hội nước ta, được nghe bác nói về người cha của mình bài báo sinh động hơn".
Mặc dù đã nghỉ hưu lâu rồi nhưng bác Nghĩa vẫn làm nghề y, nên công việc khá bận rộn. Gặng hỏi, chần chừ mãi bác Nghĩa mới nói: "Tỉnh Cao Bằng vừa điện về cho biết có thêm những tư liệu mới về ông cụ, trong thời gian làm Tuần phủ Cao Bằng, ông cụ làm nhiều việc được lòng dân lắm. Khi nào rỗi việc bác cháu mình cùng lên đó xem sao".
Rồi bác kể cha mình đã từng làm tri huyện ở Nghĩa Hưng - Nam Định, tri huyện Thanh Ba - Phú Thọ, Đại Từ - Thái Nguyên, Tiên Du - Bắc Ninh. Khi làm tri phủ Xuân Trường - Nam Định cụ Đoàn đã đề xuất làm Dự án đắp đê Bạch Long ngăn nước mặn để khai thác hàng nghìn hecta đất cho nhân dân trồng lúa, trồng dâu. Ghi ơn công đức của cụ, người dân địa phương thời đó đã làm "Lễ tế sống vị phụ mẫu chi dân" trẻ tuổi ngay nơi nhậm chức. Con đê ấy vẫn phát huy tác dụng đến bây giờ.
Ký ức sâu đậm nhất với bác Nghĩa là thời kỳ được sống cùng cha ở Huế. Năm 1933, nội các Nguyễn Hữu Bài lâm vào cuộc khủng khoảng, Vua Bảo Đại ra đạo dụ mời cụ Đoàn vào Huế giữ chức Thượng thư Bộ Hình. Trong thời gian từ 1933 tới 1945, với cương vị này cụ đã đưa ra nhiều cải cách tư pháp, bãi bỏ nhiều quy định lỗi thời của hệ thống tư pháp cổ xưa ở 17 tỉnh, đạo thuộc Trung Kỳ. Đồng thời cụ còn tấu trình và được nhà vua chấp thuận việc biên soạn, ban hành một số luật mới có nội dung tiến bộ; tổ chức các tòa án và quy định cơ chế tư pháp tân tiến, lựa chọn và đào tạo được nhiều thẩm phán và đội ngũ nhân viên chuyên nghiệp hơn.
Cụ Bùi Bằng Đoàn. |
Sau này nhiều người được cụ đào tạo đã làm việc trong các cơ quan pháp luật của chính quyền cách mạng. "Trên công đường ở những nơi cha làm việc đều có treo một bảng thông báo "không nhận quà biếu". Bây giờ vào Huế hỏi các cụ cao niên ai cũng bảo cụ Đoàn là ông quan đức độ, thanh liêm, chính trực, thương dân". Với người thân, cụ cũng rất nghiêm khắc. "Cụ cấm không cho người nhà nhận quà của bất kỳ ai, nếu có lỡ nhận rồi thì phải tự đem đi trả".
Sau ngày Nhật đảo chính Pháp 9-3-1945 và lập nên chính phủ Trần Trọng Kim, cụ Đoàn không tham gia chính phủ mới mà trở về Bắc làm Chánh nhất Tòa Thượng thẩm Hà Nội. Chức vụ này trước đó do người Pháp đảm nhận. Từ Huế ra, gia đình cụ Đoàn được bố trí ở biệt thự số 8 phố Bô-săng, nay là phố Lê Thái Tổ.
Khi hỏi tới thời cuối năm 1945 "thời mà con làm thư ký riêng cho cha" bác Nghĩa bảo, "thôi, không nên nói nhiều về mình" và gợi ý tôi trở về quê gốc, ở đó có nhà thờ chi họ mình, còn nhiều kỷ vật. Hiện vật sẽ thay lời".
Ở "Bảo tàng nimi"
Theo chân ông Bùi Yến Quân chúng tôi đi trên nhữäng con đường bê tông vào thôn Bặt Chùa, rồi ngõ Cầu, ngõ Chùa, ngõ Khăm, ngõ Tiên. Ngõ Tiên còn gọi là ngõ Quan, vì đây là nơi có nhiều người họ Bùi làm quan, vào một ngôi nhà ba gian, hai trái, bằng gỗ lim, cột kèo đen bóng. Gian chính là bàn thờ, hai bên là các tủ để đầy các hiện vật, trên tường rất nhiều tranh ảnh.
Tôi nói vui với ông Quân: Nhà thờ chi mình bây giờ như "một bảo tàng mini". Ông cười hồn hậu và chỉ vào bức ảnh chân dung to đẹp nhất - cụ Bùi Bằng Đoàn và lấy cuộn giấy đã ngả màu vàng ố, trải dài trên ghế tràng kỷ, nói với chúng tôi về "Cây gia tộc họ Bùi" và nhấn mạnh tới nhánh mà có những bậc tài danh đã đi vào sử sách. Ông Quân dừng lại khá lâu về nhân vật lịch sử này, giới thiệu những kỷ vật của cụ Đoàn còn lưu giữ trong nhà thờ.
Ông Quân chỉ tiếp vào bức ảnh Vua Thành Thái và giải thích: Cụ Đoàn nổi tiếng là người học rộng, hiểu sâu, mới 17 tuổi (1906) đã đỗ cử nhân dưới triều Vua Thành Thái. Sau đó cụ được vào học trường Hậu bổ và đỗ thủ khoa, rồi được bổ nhiệm giữ các chức Tri huyện, Tri phủ, Án sát, Tuần phủ đến Thượng thư Bộ Hình. Sau Cách mạng Tháng Tám, Vua Bảo Đại thoái vị, thực ra cụ Đoàn muốn về làng Bặt vui thú điền viên, nhưng 2 lần có thư mời của Hồ Chủ tịch, cụ Đoàn ở lại làm cố vấn cho Chủ tịch. Bức thư đầu tiên Bác Hồ gửi cụ Đoàn ghi ngày 17-11-1945 như sau:
"Thưa Ngài,
Tôi tài đức ít ỏi, và trách nhiệm nặng nề, thấy Ngài học vấn cao siêu, kinh nghiệm phong phú. Vậy nên tôi mời Ngài làm cố vấn cho tôi để giúp thêm ý kiến trong công việc hưng lợi, trừ họa cho nước nhà dân tộc.
Cảm ơn và chúc Ngài mạnh khỏe".
Bức thư ngắn gọn, nhưng súc tích, nói được đầy đủ phẩm chất và kinh nghiệm của cụ Bùi Bằng Đoàn.
Trong phiên họp Chính phủ ngày 14-11-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đề nghị Hội đồng thành lập một ban cố vấn riêng cho Người gồm 10 vị, trong đó có cụ Bùi Bằng Đoàn.
Để đảm bảo cho bộ máy nhà nước được trong sạch, làm tròn trách nhiệm của các cơ quan hành chính, thay mặt cho nhân dân đồng thời đại diện cho Nhà nước, ngày 23-11-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh thiết lập Ban Thanh tra đặc biệt có toàn quyền nhận các đơn khiếu nại của nhân dân; điều tra, xem xét các tài liệu giấy tờ của Ủy ban nhân dân hay của cơ quan Chính phủ cần thiết cho công tác giám sát, đình chức, bắt giam bất cứ nhân viên nào trong Ủy ban nhân dân hay của Chính phủ đã phạm lỗi. Tiếp đó Bác lại ký Sắc lệnh số 80 cử cụ Bùi Bằng Đoàn, nguyên Chánh án Tòa Thượng thẩm Hà Nội giữ chức Trưởng ban.
Cuối năm 1945, Bác Hồ ký Sắc lệnh thành lập Ủy ban Nghiên cứu kế hoạch kiến thiết để nghiên cứu một kế hoạch thiết thực kiến thiết quốc gia và các ngành kinh tế, tài chính, hành chính, xã hội, văn hóa và dự thảo những đề án để trình Chính phủ. Ủy ban gồm 40 vị là những trí thức, nhân sĩ, các bộ trưởng và thứ trưởng, trong đó có Bùi Bằng Đoàn.
Một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của Chính phủ lâm thời là củng cố và tăng cường chính quyền, vì thế phải thực hiện quyền dân chủ cho nhân dân, xúc tiến cuộc bầu cử Quốc hội để quy định Hiến pháp và lập Chính phủ chính thức. Và cuộc Tổng tuyển cử ngày 6-1-1946 được thực hiện thắng lợi, nhân dân cả nước đã bầu được 333 đại biểu. Cụ Bùi Bằng Đoàn ra ứng cử và được nhân dân tỉnh Hà Đông tín nhiệm bầu vào Quốc hội.
Ngày 2-3-1946, Quốc hội họp kỳ thứ nhất bầu Ban Thường trực Quốc hội do cụ Nguyễn Văn Tố làm Trưởng ban, 2 Phó trưởng ban và 12 Ủy viên chính thức, trong đó có Bùi Bằng Đoàn.
Tại kỳ họp thứ hai của Quốc hội ngày 7-11-1946, đã bầu lại Ban Thường trực gồm 18 vị, cụ Bùi Bằng Đoàn được bầu là Trưởng ban. Ban Thường trực Quốc hội có quyền góp ý với Chính phủ, phê phán Chính phủ nếu Chính phủ làm trái lợi ích của quốc gia dân tộc. Cụ luôn luôn ở sát bên cạnh Chính phủ để thực thi các nhiệm vụ mà Quốc hội đã quyết định.
Một công việc quan trọng khác là làm sao để khối đoàn kết dân tộc được củng cố và mở rộng. Thực hiện chủ trương này, nhiều đoàn thể mới được thành lập, đặc biệt là Hội Liên hiệp quốc dân Việt Nam (Liên Việt). Một ban vận động thành lập Hội gồm 27 vị, trong đó có cụ Bùi Bằng Đoàn và ngày 29-5-1946 Hội chính thức thành lập.
Ông Quân chỉ vào những bức ảnh và một vài hiện vật, kể tiếp cho chúng tôi: Trong những ngày cuối năm 1946, chuẩn bị cho toàn quốc kháng chiến, các cơ quan nhà nước lần lượt sơ tán về Liên Bạt, trước khi rút lên Việt Bắc. Ngôi nhà riêng của cụ Đoàn trở thành trụ sở của Ban Thường vụ Quốc hội. Tối ngày 17-12-1946, cụ Đoàn cùng với cụ Vi Văn Định và Bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên về ở tại nhà cụ Đoàn. Ngày hôm sau, cụ Tôn Đức Thắng một mình đạp xe về đây trong sự đón tiếp nồng hậu của dân làng Liên Bạt.
Nhà thờ chi họ Bùi ở thôn Bặt, xã Liên Bạt. |
Giúp việc cho Trưởng ban Thường vụ Quốc hội lúc đó có hai thư ký chung là anh Xoan và anh Sinh. Anh Bùi Nghĩa - con trai út của cụ Đoàn làm thư ký riêng cho cha mình. Tại nhà của cụ Bùi Bằng Thuận - anh ruột cụ Đoàn, gần đó là nơi sơ tán của báo Sự thật, do đồng chí Trường Chinh phụ trách. Thỉnh thoảng đồng chí Trường Chinh ghé thăm cụ Đoàn và có quà tặng cụ Trần Thị Đức - phu nhân của cụ Đoàn.
Đặc biệt khi Liên Bạt được đón các chiến sĩ của Trung đoàn 48 về tập kết để chuẩn bị cho các trận chiến đấu mới. Kể từ ngày toàn quốc kháng chiến, nhất là thời gian lên ATK (Tuyên Quang), cụ Bùi Bằng Đoàn, Trưởng ban Thường vụ Quốc hội được sống và làm việc bên cạnh Bác Hồ, cạnh Chính phủ, thực hiện nhiệm vụ được Quốc hội ủy nhiệm, như tham dự các cuộc họp của Hội đồng Chính phủ để góp ý kiến trong mọi tình huống, công việc kháng chiến.
Cụ Đoàn đã không phụ lòng tin của Quốc hội, của đồng bào cả nước. Với cương vị Trưởng ban Thường vụ Quốc hội cụ Đoàn đã đóng góp vào việc cải tổ nhân sự của Chính phủ năm 1947; Chỉ đạo các đoàn đại biểu khu vực kiểm tra tình huống, lấy nguyện vọng của nhân dân góp ý cho Quốc hội và Chính phủ trong lãnh đạo cuộc kháng chiến. Thời gian ấy Bác Hồ và cụ Đoàn như hai người bạn tri kỷ. Việc bố trí nơi ở của Bác ở ATK là tuyệt mật, nhưng thỉnh thoảng Bác vẫn đến chơi thăm cụ Đoàn.
Nhân một lần đến chơi Bác tặng cụ Đoàn một chiếc gậy bằng xương trăn rất quý. Món quà này vốn là của một người dân tộc tặng Bác. Bác tặng lại gậy cho cụ Đoàn với ý "Chống gậy bấm chân cho chắc, tiến bước cùng kháng chiến". Những ngày ở ATK cụ Đoàn được Bác tặng quà, thuốc men, sổ ghi chép, trong đó có bút tích thơ của Hồ Chủ tịch. Tiếc rằng, trong thời gian kháng chiến phải di chuyển nhiều nơi nên không còn lưu giữ được.
Ông Quân dẫn tôi đến bên cạnh bức sơn mài in thơ và nói: Cụ Đoàn còn nổi tiếng về việc xướng họa thơ từ với Chủ tịch Hồ Chí Minh. Năm 1948. Hồ Chủ tịch đã tặng cụ bài thơ bằng chữ Hán:
“Khán thư sơn điểu thê song hãn/ Phê trát xuân hoa chiếu nghiễn trì
Tiệp báo tần lai lao dịch mã/ Tư công tức cảnh tặng tân thi”.
Dịch là:
"Xem sách chim rừng vào cửa đậu/ Phê văn hoa núi chiếu nghiên soi/ Tin vui thắng trận dồn chân ngựa/ Nhớ cụ thơ xuân tặng một bài".
Cụ Đoàn đã họa lại như sau:
“Thiết thạch nhất tâm phù chủng tộc/ Giang sơn vạn lý thủ thành trì
Tri công quốc sự vô dư hạ/ Thao bút nhưng thành thoái lỗ thi”.
Dịch là:
"Sắt đá một lòng vì chủng tộc/ Non sông muôn dặm giữ cơ đồ/ Biết Người việc nước không hề rảnh/ Vung bút thành thơ đuổi giặc thù".
Cụ Bùi Bằng Đoàn từ một vị Thượng thư Bộ Hình của triều đình Huế, đã trở thành một công dân của một nước Việt Nam độc lập tự do, với tài năng, đức độ của một trí thức lớn đã được nhân dân và Chính phủ tín nhiệm giao nhiều trọng trách trong bộ máy chính quyền. Trong các cương vị được đảm nhiệm, đặc biệt với trách nhiệm Trưởng ban Thường trực Quốc hội - cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Việt Nam, cụ Bùi Bằng Đoàn đã làm việc một cách tận lực, nghiêm túc, đúng quyền hạn và trách nhiệm, kể cả trong thời gian cuối lúc bị bệnh. Trong mấy năm đau bệnh nặng, cụ vẫn luôn luôn cố gắng góp phần vào công việc của Quốc hội, vào công cuộc kháng chiến của toàn dân để giành độc lập và thống nhất cho nước nhà. Cụ đã làm tròn nhiệm vụ của người đại biểu nhân dân, cho tới lúc cuối cùng.
Sự tham gia của cụ Bùi Bằng Đoàn vào Quốc hội đã khẳng định tinh thần dân tộc của một nhân sĩ, một vị cựu Thượng thư, cựu Thẩm phán của chế độ cũ góp phần củng cố Nhà nước Việt Nam dân chủ. Qua đó cũng thể hiện tài năng của Hồ Chủ tịch trong việc thu phục những nhân sĩ trí thức thuộc các lực lượng yêu nước, kể cả một số người đang "lưỡng lự" vào công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước trong những năm tháng cách mạng gặp đầy gian khó.