Cần một nguồn tin phối kiểm

Thứ Ba, 24/01/2017, 14:45
Đó là cụm từ bất chợt nảy sinh, tôi dùng để gọi là góp phần động viên thủ trưởng của mình - đồng chí Lê Văn Vĩnh (Bảy Vĩnh), Anh hùng lực lượng vũ trang - Cụm trưởng Cụm Tình báo chiến lược H67, thuộc Đoàn Tình báo J22, Tổng cục II Bộ Quốc phòng, cách đây tròn 46 năm, vào một ngày trung tuần tháng 5 năm 1970 ở căn cứ của đơn vị tại xã An Phước, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre, về một nguồn tin quan trọng, đơn vị đã báo cáo khẩn cấp về Trung tâm mà cả tháng sau không có hồi âm.

Chạnh lòng trước gương mặt đượm buồn và lời ca cẩm của ông, tôi ngỏ lời đồng cảm. "Sự việc có liên quan tới sinh mệnh chính trị của đồng đội, đồng chí mình. Có lẽ vì thế mà cấp trên cần có nguồn tin phối kiểm". Trầm ngâm giây lát, thủ trưởng của tôi khẽ gật gật đầu và không nói gì thêm nữa.

1. Hơn nửa năm sau cái sự kiện gây cho Cụm trưởng của tôi buồn phiền day dứt ấy, ông được triệu tập về "R" họp. Hồi đó trung tâm tạm lánh sang đất Campuchia vì căn cứ ở Việt Nam địch đánh phá ác liệt, ông đi bằng đường công khai, vì có đầy đủ giấy tờ của chế độ Sài Gòn, nên chỉ sau 2 tuần lễ đã có mặt tại đơn vị.

Sau cuộc họp chung nghe ông phổ biến một số nhiệm vụ cấp bách, Cụm trưởng kêu tôi sang hầm làm việc của ông. Nhìn thái độ vui vẻ hồ hởi của thủ trưởng, tôi đoán chuyến về trung tâm vừa rồi chắc có rất nhiều chuyện hay, hàm chứa nhiều điều quan trọng, bí mật mà chưa được phổ biến chung cho toàn đơn vị.  Rít hết nửa điếu thuốc rê, nhả khói mù mịt cả căn hầm, ông vô đề ngay:

- Ba Dương (tên của tôi ở chiến trường) còn nhớ chuyện Mười Lăng không?

- Dạ! Nhớ chứ anh Bảy. Chuyện thực hư ra sao hả anh?

- Y bị ta bắt rồi. Thiệt là chuyện "động trời". Hồi đó, y bị địch bắt, tra tấn hết sức dã man, què một cẳng tay, y vượt ngục trở về căn cứ, đơn vị tập trung điều trị, cho nghỉ ngơi an dưỡng, bồi bổ sức khỏe phải mấy tháng sau mới hoàn hồn. Vì Mười Lăng rất giỏi võ thuật, giỏi xạ kích nên trung tâm giao cho phụ trách huấn luyện một đại đội trinh sát với trên 60 lính trẻ. Anh em đều hăng máu chiến. Nắm được tâm lý đó, Mười Lăng kích động - "Quê hương đang chìm trong khói lửa bom thù. Còn chúng ta ở đây tối ngày tập với luyện. Tập thế đủ rồi. Tao sẽ về chiến trường đánh giặc. Đứa nào chịu chơi thì theo tao. Thằng nào "sọc dưa" thì thôi. Cứ yên tâm ở lại hậu cứ cho an toàn. Nhưng cấm không được hé răng cho ai biết. Trốn vào vùng máu lửa để đánh giặc chớ… trốn ra miền Bắc đâu mà sợ. Nhưng nếu cấp trên biết sẽ "cản mũi kì đà" đó.

Bộ Tư lệnh Cảnh sát Sài Gòn được tiếp quản vào sáng ngày 30-4-1975.

Lời của Mười Lăng đánh trúng tâm lý lớp trẻ. Mà đâu phải chỉ lớp trẻ, nói tới chuyện về quê chiến đấu thì ngay lớp già cũng bừng bừng khí thế. Tác giả bài viết này còn nhớ thời chưa vào chiến trường, đơn vị có rất nhiều các anh miền Nam tập kết. Anh nào cũng nằng nặc xin đơn vị cho được về Nam chiến đấu. Huống chi bây giờ, bám trụ tạm thời trên đất bạn Campuchia, chỉ đi bộ mấy chục phút đồng hồ tới gần biên giới là đã nghe tiếng pháo, bom ì ầm ở quê nhà. Máy bay đủ loại quần thảo tối ngày trên bầu trời quê hương.

Ai mà không nôn nóng trở về. Thế là cả đơn vị của Mười Lăng đồng lòng xuất quân. Để đảm bảo bí mật, bất ngờ, họ xuất quân vào quãng nửa đêm để gần sáng về tới biên giới rồi vượt biên luôn. Lịch trình không đảm bảo, vì không dám đi theo lộ lớn mà phải đi vòng theo lối mòn nên trời sáng bảnh vẫn chưa tới đường biên. Gặp một đơn vị vũ trang đang nghỉ ở mấy lán phía trước, họ tấp vô hỏi đường. Thật không ngờ đó là Trung đội Vũ trang của Đoàn J22 do Chủ nhiệm chính trị Ba Khắc chỉ huy được cử đi "đón" họ. Khi nhận được mật báo, Chủ nhiệm Ba Khắc cho xuất quân luôn. Họ đi bằng Honda (hai người một xe) nên đã tới địa điểm tập kết trước cả tiếng đồng hồ. Mười Lăng tái mặt chưa biết xử sự ra sao thì nhà chính trị Ba Khắc vô đề trấn an ngay:

- Lãnh đạo Đoàn cử chúng tôi đi "đón" các đồng chí trở về đơn vị ngay. Mấy ảnh rất hoan nghênh tinh thần dũng cảm sẵn sàng chiến đấu của các đồng chí. Nhưng phải chờ lệnh của cấp trên. Toàn đơn vị đang chuẩn bị trở về bám trụ địa bàn hoạt động. Tâm trạng chúng tôi cũng như các đồng chí. Sốt ruột lắm rồi. Đã có chỉ thị của Mặt trận giải phóng về chiến dịch mới. Mời các đồng chí về đơn vị sẽ được phổ biến cụ thể và nhận bổ sung quân số, vũ khí để đồng loạt xuất quân. Tôi, anh Mười (Mười Lăng) và một số đồng chí yếu thì đi xe máy. Còn tất cả hành quân bộ. Cần hết sức khẩn trương để kịp dự cuộc họp chiều nay tại đơn vị.

Thực ra chiều hôm đó chả có cuộc họp nào cả. Tất cả số anh em chiến sĩ được tập trung tại lán hội trường nghe Chủ nhiệm chính trị chấn chỉnh ý thức tổ chức  kỷ luật, trấn an tư tưởng. Riêng Mười Lăng được đưa sang đơn vị vệ binh quản thúc luôn.

2. Về nhân vật Mười Lăng. Anh ta là trinh sát ở một cụm tình báo. Hoạt động xông xáo, dũng cảm. Nhiều chuyến công tác ở những cửa ngõ khó khăn ác liệt đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Nhiều năm được cấp trên khen thưởng về thành tích công tác và chiến đấu. Trong một chuyến công tác đột kích vào vùng địch kiểm soát, Mười Lăng bị địch bắt.

Dù chúng tra tấn ác liệt nhưng Mười Lăng vẫn cắn răng chịu đựng, giữ tròn khí tiết không khai báo. Vì có kẻ chiêu hồi phản bội, biết rõ tông tích Mười Lăng nên anh ta được di lý về Tổng nha Cảnh sát quốc gia tại số 258 đường Võ Tánh (nay là đường Nguyễn Trãi). Tổng nha là một trụ sở rộng lớn. Cổng chính ở đường Võ Tánh. Còn có 2 cổng phụ phía đường Cộng Hòa (nay là Nguyễn Văn Cừ). Mười Lăng được đưa về giam tại khu cổng phụ thứ 2 ở gần phía ngã 6 Cộng Hòa. Đó là khu vực đặc biệt, ngay dân Sài Gòn thời đó cũng không thể biết đó là cơ sở gì vì không mấy khi có người ra vào.

Như đã nêu ở phần trên, vào một ngày trung tuần tháng 5 năm 1970, Cụm H67 nhận được báo cáo của một cơ sở bí mật nội thành với nội dung tóm tắt: "Có một người tên là Mười Lăng, một Đại úy Việt Cộng bị bắt, giam tại khu vực đặc biệt tại Tổng nha. Ban đầu, người đó giữ tròn khí tiết. Vì bị tra tấn dã man và bị mua chuộc nên sau này đã đầu hàng khai báo và nhận làm việc cho địch. Có tin, lực lượng đặc biệt đã dùng "khổ nhục kế" với người này, tạo thương tích nặng trong tra tấn rồi tạo cớ sơ hở trong một đêm chuyển tù binh từ trung tâm đô thành ra một trại giam ngoại thành, người này đã trốn thoát để trở về đơn vị cũ tiếp tục hoạt động nhằm thực hiện kế chui sâu, leo cao trong hàng ngũ Việt Cộng".

Bản tin đặc biệt trên cố nhiên Cụm trưởng Bảy Vĩnh cho điện gấp về trung tâm, nhưng trong lòng vẫn phấp phỏng, vẫn ngóng chờ một nguồn tin khác để phối kiểm. Tin được chuyển đi rất lâu mà không có hồi âm. Có lẽ cấp trên cũng đang chờ thêm một nguồn tin khác. Thời đó, tác giả bài viết này công tác ở bộ phận nghiên cứu Tổng hợp các nguồn thông tin của đơn vị, với kinh nghiệm nghề nghiệp có thể  phán đoán nguồn tin là chính xác. Có thể báo cáo đó là của một cơ sở bí mật nằm ngay trong Tổng nha cảnh sát quốc gia.

Song, trong khối cảnh sát của chế độ Sài Gòn có tới 3 khu vực mà các điệp viên của ta đều nhằm vào để thu thập tin tức, bao gồm: Tổng nha cảnh sát, Cảnh sát đặc biệt và Cảnh sát đô thành. Riêng khu vực Tổng nha, Cụm H67 đã xây dựng được ít  nhất 2 cơ sở bí  mật. Nằm trong mạng lưới của  2 điệp viên gạo cội của đơn vị - Điệp viên mang bí số H6 (tự Sáu Trí - Nguyễn Đức Trí). Tham gia kháng chiến chống Pháp.

Năm 1954 không đi tập kết. Được giao nhiệm vụ bám trụ tại Sài Gòn để hoạt động với quân hàm sĩ quan cấp úy thuộc Tổng nha Cảnh sát. Do yêu cầu nhiệm vụ, đầu thập niên 60 của thế kỷ trước ông được cấp trên điều động về giữ chức vụ Cụm trưởng A20 (sau này đổi bí số thành H67). Căn cứ bám trụ tại mật khu Bời Lời (Trảng Bàng - Tây Ninh) và năm sau được điều về "R" giữ cương vị Đoàn trưởng đoàn Tình báo chiến lược J22. Ông Bảy Vĩnh thay thế chức Cụm trưởng H67. Chắc chắn H6 phải có người thân tín ở đó.

Điệp viên mang bí số H9 còn "hoành tráng" hơn dẫu rằng H9 là người được H6 cảm hóa xây dựng thành cán bộ của ta. H9 (bí danh Chín Nghĩa) còn có bí số H3 (Ba Lễ - Nguyễn Văn Lễ) là tên thật của điệp viên này. Đó là một điệp viên thượng hạng của đơn vị lúc bấy giờ. Ông đã kinh qua nhiều chức sắc trong bộ máy chính quyền Sài Gòn thuộc lực lượng Cảnh sát. Đặc biệt đã đắc cử dân biểu hạ nghị viện Sài Gòn khóa 1967 - 1972 và được bố trí ở một vị trí thế lực trong Ủy ban An ninh Quốc phòng Hạ viện.

Vì vậy mà mấy chuyến Cụm trưởng Bảy Vĩnh nhận chỉ lệnh của cấp trên đột kích vào Sài Gòn và Phước Long điều nghiên một số mục tiêu quan trọng phục vụ chiến dịch Mậu Thân đều do H9 trực tiếp dẫn đi bằng xe hơi của Ủy ban An ninh Quốc phòng. Với vị trí như thế, chắc chắn H9 có cơ sở bí mật ở Tổng Nha Cảnh sát và ở bộ phận có thể biết thông tin thuộc dạng như Mười Lăng. Suy luận thì như thế, song rất có thể sự phản bội của Mười Lăng lúc đó chỉ có một nguồn tin cung cấp nên cấp trên của chúng tôi thận trọng là lẽ đương nhiên. Thận trọng nhưng không mất cảnh giác, không để xảy ra tình huống đáng tiếc.

3. Tết Nhâm Tý (1972) tôi được Cụm trưởng Bảy Vĩnh giao cho tiếp xúc một cơ sở bí mật của binh vận địa phương với tinh thần: "Nếu đủ điều kiện, sẽ tiếp nhận trường hợp này, bổ sung vào mạng lưới bí mật của đơn vị".

Theo lời của một cán bộ binh vận: "Cơ sở này đã mất liên lạc với tổ chức từ sau Tết Mậu Thân. Muốn móc nối để tiếp tục nhận được sự chỉ đạo của tổ chức và báo cáo một số thông tin quan trọng".

Cuộc gặp diễn ra vào chiều ba mươi tết tại trạm đón tiếp của đơn vị chúng tôi.

Khách là một thanh niên xởi lởi, vui tính, chừng ba chục tuổi. Anh tỏ ra rất vui mừng vì sau bao năm gián đoạn mới được gặp lại tổ chức.

Theo tâm sự của khách, anh mang quân hàm Trung sĩ truyền tin thuộc Sư đoàn 7, quân lực Việt Nam Cộng hòa, trực tiếp sử dụng máy PRC25. Trận càn gần đây ở địa bàn Cai Lậy bên Mỹ Tho, đơn vị anh chết và thương vong mấy chục người, trong đó có lính truyền tin. Tranh thủ lúc tinh thần binh lính hoang mang, tìm nơi ẩn nấp, anh đã thu gom một bộ PRC25, 3 khẩu tiểu liên AR15 và 1 khẩu M79, cất giấu và ngụy trang rất kỹ trong lùm cây bên bờ một con kênh. Khách ngước nhìn tôi, hạ thấp giọng - "Anh Ba tính coi, kiếm một người có giấy tờ hợp pháp, qua khỏi bắc Rạch Miễu, tôi đón ở bên đó rồi đưa tới nơi cất giấu. Đêm sẽ đưa người ra lấy".

Tiệc tất niên hôm ấy khách thể hiện "đẳng cấp rượu" của mình: 1 chọi 4 (tôi và 3 trinh sát). Rượu vào, lời ra. Anh tâm sự nhiều chuyện trong thành khiến các trinh sát đều há hốc miệng mà nghe. Với riêng tôi, lại nhặt ra nhiều  điều không ổn. Cơ sở nội tuyến mà mê thoát y vũ đến bệnh hoạn; hết lời ca ngợi sức mạnh của không lực Hoa Kỳ và cuộc sống xa hoa của chế độ Sài Gòn… tôi thầm nghĩ cơ sở bí mật này đã biến chất rồi.

Chia tay tôi tỏ lời cám ơn thông tin khách cung cấp. Kiếm kế hoãn binh rằng "Người có đủ điều kiện thực hiện, đi công tác xa chưa về. Đợi ít ngày nữa sẽ móc nối liên lạc". Tôi báo cáo tình tiết sự việc và xử lý tình huống của tôi với Cụm trưởng Bảy Vĩnh. Ông trầm ngâm suy nghĩ rồi khẽ gật đầu, buông một câu cảm thán “tiếc nhỉ”! Giá như có thêm bộ PRC25 thì tuyệt vời.

Hai tuần sau, có một vụ bị bắt tại bến phà Mỹ Tho. Người của đơn vị nào đó đã rơi vào bẫy của tên Chín Trận - Vị "khách" mà tôi đã gặp. Thật hú vía!

Những sự việc xảy ra thời chiến cách đây gần một phần hai thế kỷ. Ngẫm lại nó vẫn là bài học kinh nghiệm quý báu trong mọi giai đoạn lịch sử về tính cẩn trọng và tinh thần cảnh giác Cách mạng.

Khổng Minh Dụ
.
.