Cặp điệp viên bí ẩn của Tình báo XôViết
- Người phụ nữ Tây Ban Nha bí ẩn của Tình báo XôViết
- Người hùng của tình báo XôViết trong Chiến tranh vệ quốc vĩ đại
- Sergei Vronsky – Nhà chiêm tinh bí ẩn làm việc choTình báo XôViết
Những điệp viên đặc biệt nổi tiếng trong lịch sử tình báo Xôviết như Richard Zorge, Rodolf Abel, Konon Molody được cả thế giới biết đến chính là nhờ… hoạt động của họ cuối cùng bị lộ tẩy. Còn tên tuổi của cặp vợ chồng điệp viên bí ẩn Mukasey mãi về sau này mới được công luận biết đến nhờ tiết lộ của con trai họ. Đạo diễn điện ảnh nổi tiếng Anatoli
Mukasey trong một bài trả lời phỏng vấn đã bất ngờ tiết lộ: “Cha mẹ của tôi từng là điệp viên”. Trên thực tế, cha mẹ của đạo diễn Anatoli là những điệp viên huyền thoại thực sự của cơ quan tình báo đối ngoại Xôviết với hành trang hơn 20 năm hoạt động bí mật ở nước ngoài.
Mikhail Mukasey sinh tháng 8-1907 tại ngôi làng Zamost (Belarus), trong một gia đình có truyền thống làm thợ rèn. Sau khi tốt nghiệp phổ thông, ông tới Leningrad, làm việc tại nhà máy đóng tàu Baltiski.
Hai vợ chồng điệp viên Mikhail và Elizabeth Mukasey. |
Cũng tại nơi đây, Mukasey rất tích cực vừa học tập, vừa làm việc, nên nhanh chóng được kết nạp đảng vào năm 1929. Bước tiếp theo, ông thi đậu vào Trường đại học Tổng hợp Leningrad, nơi ông được phát hiện có năng khiếu đặc biệt về ngoại ngữ.
Ông được tuyển chọn giới thiệu tới Viện Ngôn ngữ phương Đông, chuyên tập trung học tập và nghiên cứu tiếng Anh và tiếng Bengal (một ngôn ngữ phổ biến tại Bangladesh và Ấn Độ).
Trong một lần tình cờ gặp gỡ tại phòng khám nha sĩ, Mukasey đã để ý làm quen với Elizabeth Emelianova, khi đó đang là nữ sinh khoa Sinh học của Đại học Tổng hợp Leningrad. Cuộc gặp gỡ định mệnh này đã gắn kết cả hai mãi mãi trong cuộc sống gia đình cũng như hoạt động tình báo ở hải ngoại sau này.
Người nổi tiếng tại Mỹ
Tốt nghiệp Viện ngôn ngữ phương Đông vào năm 1937, Mukasey trở thành học viên Trường đào tạo tình báo của Hồng quân. Năm 1939, ông có chuyến công tác nước ngoài đầu tiên tới Los Angeles với vỏ bọc phó lãnh sự. Cùng đi với ông là cả gia đình – cô vợ Elizabeth, con gái Ella khi đó 4 tuổi và cậu con trai Tolia (chính là đạo diễn Anatoli sau này) mới được 1 tuổi.
Nhiệm vụ của Mukasey ban đầu là tổ chức tại lãnh sự quán các buổi chiếu phim, hòa nhạc, dạ hội nhằm tận dụng và thu hút sự quan tâm của người Mỹ đối với Liên Xô vào thời điểm đó. Nhà ngoại giao trẻ cần phải gây dựng mối quan hệ với các đại diện có ảnh hưởng của giới nghệ sĩ thượng lưu Mỹ, qua họ thu thập những thông tin mà tình báo Xôviết quan tâm.
Những nhiệm vụ ban đầu này không liên quan đến công tác tuyển mộ, do hoạt động hợp pháp của một điệp viên dưới vỏ bọc ngoại giao chỉ nhằm thu thập những thông tin cần thiết, qua việc tiếp cận gần hơn các đối tượng quan tâm để họ có thể cởi mở hơn nữa.
Trong số những nhân vật đã kết bạn với phó lãnh sự Mukasey, đáng chú ý có Walt Disney (Cha đẻ của chú chuột hoạt hình Mickey), một số ngôi sao của điện ảnh Mỹ thời đó như Mary Pickford, Douglas Fairbanks… Đạo diễn Anatoli vẫn nhớ rằng, mối quan tâm và say mê điện ảnh của ông được bắt nguồn từ “chú Chaplin” – ý nói tới danh hài Charles Spencer Chaplin, từng là người bạn thân thiết của gia đình Mukasey. Chaplin thường tới nhà Mukasey chơi và uống vodka.
Ông rất quý Elizabeth, gọi bà một cách trìu mến là Betsy. Có lần chính danh hài là người thường xuyên tiếp cận giới chức cao cấp tại Mỹ, đã cảnh báo vợ chồng Mukasey rằng Hitler nhất định sẽ tấn công Liên Xô. Thông tin trên ngay lập tức được gửi về Moscow.
Danh hài Charles Chaplin là người bạn thân thiết với gia đình Mukasey tại Mỹ. |
Được sự cho phép của cấp trên, viên phó lãnh sự còn tặng Charles Chaplin một con gấu nâu nhỏ, sau được danh hài nuôi ngay tại nhà mình, đến khi lớn đã gửi một sở thú tại Mỹ. Hai vợ chồng Mukasey cũng là những khán giả đầu tiên được Chaplin giới thiệu trình chiếu về bộ phim “Nhà độc tài vĩ đại” của mình.
Còn phải kể tới một người bạn nữa của gia đình là nhà văn Theodore Dreiser. Anatoli vẫn nhớ tới việc, “chú Theodore” đã từng chui xuống gầm bàn để chơi đùa với cậu bé Tolia khi đó.
Nhà Mukasey hoạt động tại Mỹ cho tới năm 1943, cung cấp cho Moscow một số lượng lớn các thông tin quan trọng, được trung ương đánh giá cao. Khi chiến tranh nổ ra, một trong những nhiệm vụ quan trọng của họ là tìm cách làm rõ liệu Nhật có đứng về phía Đức để cùng tấn công Liên Xô hay không.
Đánh giá loại bỏ khả năng này của vợ chồng Mukasey cùng nhiều nguồn tin khác đã giúp Bộ chỉ huy Hồng quân quyết định rút nhiều sư đoàn ở Viễn Đông chuyển sang chi viện cho mặt trận phía Tây góp phần chặn đứng kịp thời quân Đức. Cũng trong thời gian này, Mukasey đã phải nhận một thông tin đau buồn khi cha mẹ ông cùng hơn 30 người họ hàng khác đã bị quân phát xít sát hại tại Belarus.
Zefir và Elsa
Quay trở về Moscow sau chuyến công tác, Mukasey làm việc tại bộ phận huấn luyện của trường tình báo, còn Elizabeth được nhận một chân thư ký tại Nhà hát nghệ thuật Moscow.
Cặp vợ chồng điệp viên cùng hai con. |
Đến cuối những năm 1940, nhà Mukasey lại được giao nhiệm vụ sẵn sàng cho một “sứ mạng hoạt động trong những điều kiện đặc biệt”, ý nói tới một chuyến công tác nước ngoài dài ngày trong điều kiện của các điệp viên hoạt động bí mật. Trong lần này, hai vợ chồng buộc phải để con cái ở lại Moscow, xác định trước tinh thần phải xa chúng trong nhiều năm.
Từ năm 1955, tình báo Xôviết tại Tây Âu đã xuất hiện một cặp điệp viên mới với mật danh “Zefir” và “Elsa”. Họ chịu trách nhiệm điều hành cả một mạng lưới điệp viên rộng lớn tại một loạt các quốc gia – nhận thông tin từ các điệp viên để chuyển về Moscow, đồng thời thay mặt trung tâm truyền đạt các chỉ thị và nhiệm vụ mới.
Đây là một nhiệm vụ đặc biệt khó khăn và phức tạp – chỉ một sai lầm nhỏ cũng có thể dẫn tới sụp đổ dây chuyền của cả một hệ thống. Điều này cũng đồng nghĩa với việc, sự phản bội hay bị phát hiện của một điệp viên trong mạng lưới sẽ dẫn tới sự thất bại của cả “Zefir” và “Elsa”.
Trong nhóm tình báo này, cũng có người không bao giờ còn có cơ hội quay trở về nhà. Như “Elsa” có lần phải tới tiễn đưa một “người anh họ” đang hấp hối tại một quốc gia châu Âu. Người họ hàng này trên thực tế là một điệp viên vì giữ bí mật cho tổ chức nên đã phải chết dưới tên họ của người khác. Với vai trò “cô em họ”, “Elsa” đã ngậm ngùi tiễn đưa đồng nghiệp của mình về nơi an nghỉ cuối cùng nơi đất khách quê người.
Do liên tục truyền tin về trung tâm, chiếc máy phát vô tuyến của Elsa là đối tượng bị phản gián phương Tây truy lùng. Bà đã ngụy trang rất khéo anten máy phát dưới dạng chiếc ống của máy hút bụi, khiến khó ai có thể phát hiện ra.
Có lần khi vừa bước chân khỏi nhà, Elsa nhận thấy một số xe ôtô có anten định vị đang chạy qua chạy lại trong khu vực. Phiên liên lạc trước đó trong ngày với trung tâm kéo dài hơn thường lệ nên rất có thể sóng vô tuyến đã bị phát hiện. Đọc báo hôm sau mới biết khu phố bên cạnh đã bị các nhà chức trách tổ chức lục soát. Nhà Mukasey may mắn lại nằm sát đài phát thanh quốc gia nên bị loại khỏi vòng nghi ngờ.
Không ít lần tại Thụy Sĩ, Pháp và Israel, họ đã thoát khỏi lưới bủa vây chỉ trong gang tấc. Chẳng hạn có lần một điệp viên liên lạc tới từ Moscow để gặp gỡ trực tiếp hai vợ chồng ngay tại nhà riêng. Đúng lúc đó họ lại bất ngờ có một số khách tới thăm.
Rất may là hai vợ chồng từ trước đã chuẩn bị một chiếc hầm ẩn nấp nhỏ rất kín đáo để đề phòng những trường hợp bất trắc. Điệp viên cấp trên đã phải chui vào trong đó vài tiếng, trong khi nhà Mukasey mời khách dùng bữa.
Còn trong một trường hợp khác tại một nước châu Âu, Mukasey bất ngờ gặp con trai nữ giáo viên từng dạy tiếng Anh cho hai vợ chồng tại Los-Angeles. Khi ông vội tảng lờ đi ngang qua, chàng trai đã chạy theo gọi lại. Mukasey chỉ còn biết giả dạng với bộ mặt lạnh như tiền, bình tĩnh trả lời không biết anh ta rồi đi thẳng. Tính ra, Zefir và Elsa đã có hơn 20 năm liên tục hoạt động bí mật ở nước ngoài. Trong khi đó, những đứa con của họ đã lớn, tốt nghiệp phổ thông, đại học và chuẩn bị lập gia đình.
Cuốn hồi ký có tên “Zefir và Elsa - Những điệp viên bí mật” của vợ chồng Mukasey. |
Elizabeth được trung tâm cho phép mỗi năm được 3 đến 4 chuyến thăm ngắn ngày về nhà. Còn Mukasey rất hiếm khi có được cơ hội này. Mỗi chuyến về thăm như vậy, cấp trên phải chuẩn bị một loạt các biện pháp an ninh, do bất kỳ một sơ hở nhỏ nhất nào cũng có thể làm sụp đổ cả mạng lưới.
Có lần trung tâm cho phép cả Zefir và Elsa nghỉ phép nguyên tháng ở nhà, nhân dịp đám cưới cô con gái Ella. Hai vợ chồng Mukasey khi đó cũng biết cậu con trai Anatoli lúc đó cũng đã có bạn gái tên là Svetlana. Cả hai làm quen và rất ưng ý về cô gái này.
Họ khuyên con trai nên tổ chức đám cưới cùng dịp với chị, vì rất khó có cơ hội cả hai vợ chồng có thể về dự được. Ngay sau đám cưới, cả hai lại phải lên máy bay trở về Tây Âu ngay lập tức.
Những năm tháng cuối đời
Đạo diễn Anatoli thừa nhận khi còn trẻ ông cũng từng mơ ước được theo nghề của cha mẹ mình, tuy nhiên họ đã kiên quyết phản đối với lý do đã quá đủ số điệp viên trong gia đình rồi. Hai vợ chồng Mukasey chính thức trở về nhà vào năm 1977, bắt tay vào công tác giảng dạy cho các thế hệ điệp viên tiếp theo.
Đạo diễn Anatoli Mukasey. |
Trong lĩnh vực này, Mukasey cũng là tác giả của một loạt những cuốn sách, giáo trình dành cho các học viên tại trường đào tạo tình báo. Họ vẫn tiếp tục một cuộc sống lặng lẽ cho đến khi những hoạt động trong quá khứ có thể giải mật.
Riêng Mukasey, theo lời những người bạn thân, luôn tỏ vẻ hoài nghi về những bộ phim về đề tài tình báo, đồng thời khẳng định công việc này không hề mang nhiều sắc thái lãng mạn như mọi người vẫn thấy trên phim, mà ngược lại luôn căng thẳng, nặng nề và buồn tẻ.
Năm 2004, hai vợ chồng Mukasey cho ra đời cuốn hồi ký có tên “Zefir và Elsa - Những điệp viên bí mật”. Trong lời giới thiệu, đại tá Mukasey (khi đó đã 97 tuổi) tâm sự, “chúng tôi cuối cùng cũng có thể kể một phần nhỏ công việc của mình khi cống hiến cho nước Nga Xôviết”.
Mikhail Mukasey qua đời vào tháng 8-2008, đúng 6 ngày sau lễ sinh nhật lần thứ 101 của mình. Còn Elizabeth sống lâu hơn chồng một năm – bà mất vào tháng 9-2009 ở tuổi 97.