Câu chuyện của tàu viễn dương đầu tiên trên thế giới

Thứ Ba, 17/09/2019, 23:25
Prinzessin Victoria Luise, tàu viễn dương đầu tiên trên thế giới, con tàu tiên phong cho loại hình du lịch dài ngày trên biển đã có một kết thúc buồn.

Khác với những con tàu du hành thường chạy với điểm xuất phát và điểm khứ hồi chung một cảng, tàu viễn dương thường không chạy tuyến khứ hồi mà ghé những bến mới liên tục. Nhiều tàu viễn dương lênh đênh nhiều tháng trên biển trước khi trở lại bến xuất phát.

Tàu viễn dương được đóng với tiêu chuẩn cao hơn tàu du hành để có thể đáp ứng những hành trình dài như vượt Đại Tây Dương. Vì hành trình vượt Đại Tây Dương kéo dài ít nhất 4 ngày nên các hãng đóng tàu đã tìm cách trang bị và cung cấp nhiều tiện nghi cho hành khách, chẳng hạn như buồng riêng, phòng hút thuốc, các món ăn thượng hạng và nhiều hoạt động giải trí như hòa tấu hay khiêu vũ.

Trước Chiến tranh Thế giới lần thứ hai, những con tàu vượt Đại Tây Dương chủ yếu chỉ mang tính chất vận tải chứ chưa không phải là để du ngoạn.

Tuy nhiên, vào thời điểm những năm 1950-1960, khi ngành hàng không phát triển, sức ép cạnh tranh buộc các hãng tàu phải tìm kiếm một hướng đi mới để thu hút hành khách và lợi nhuận. Carnival Cruise Line là hãng đóng tàu tiên phong trong việc tạo ra những con tàu sang trọng phục vụ các chuyến du ngoạn trên biển. Tải trọng của các con tàu này ngày càng lớn.

Tàu Prinzessin Victoria Luise.

Tới những năm 1980, nhiều con tàu cực lớn có thể chở tới 3.000 hành khách, và cung cấp đủ loại tiện nghi từ bể bơi, phòng tập thể dục, rạp hát mini và cả sòng bài. Trong số những con tàu khổng lồ nổi tiếng phải kể đến Freedon of the Seas của Royal Caribean hay Oasis of the Seas của STX Europe.

Quyết định đột phá

Prinzessin Victoria Luise được Hamburg-America Line (HAPAG) hạ thủy năm 1900 với tổng dung tích đăng ký (GRT) khoảng 4.409 tấn. Con tàu hoạt động tới tận trung tuần tháng 12-1906 sau một tai nạn ngoài khơi Jamaica.

Giám đốc điều hành của Hamburg America Line là Albert Ballin là người rất thành công trong việc kinh doanh những hải trình du lịch ở phía Bắc Đại Tây Dương, tận dụng các tàu chở hàng sẵn có. Ông chính là người đã nảy ra ý tưởng đóng mới một con tàu chỉ sử dụng cho các chuyến viễn dương du ngoạn.

Albert Ballin nhận ra rằng con tàu lớn nhất của hãng, Augusta Victoria, thường nằm không trong mùa Đông. Vì điều kiện thời tiết không thuận lợi, các du khách thường không lựa chọn vùng Bắc Đại Tây Dương vào khoảng thời gian này.

Bất chấp sự phản đối của các nhà điều hành khác của HAPAG cũng như những doanh nghiệp tàu biển chạy hơi nước khác, Albert Ballin đã quyết định đưa Augusta Victoria tham gia một "hải trình nghỉ dưỡng" kéo dài 58 ngày từ Cuxhaven, Đức tới Địa Trung Hải và phương Đông. Hành trình được lên kế hoạch cụ thể với từng điểm đến, từng bến cảng mà tàu sẽ ghé thăm. Chính Albert Ballin tự đảm nhận vai trò "hướng dẫn viên" trên hành trình này.

Dù hướng kinh doanh này khi đó khá thành công song các chuyến đi không dễ thực hiện nếu tiếp tục tận dụng những con tàu sẵn có. Nguyên nhân là bởi các con tàu này được thiết kế để phục vụ các mục đích khác như thương mại và vận tải hàng hóa, và chỉ có rất ít tiện nghi. Những bất cập nhanh chóng thể hiện rõ trên các hải trình dài. Hơn thế nữa, thiết kế và kích thước các tàu biển khiến chúng gặp khó khăn và hạn chế khi cần cập một số cảng nhất định. Những con tàu này thường được thiết kế để phù hợp với sự khắc nghiệt của Bắc Đại Tây Dương thay vì khí hậu phương Nam. Vì vậy Albert Ballin tin rằng người ta cần một con tàu được thiết kế đặc biệt và chỉ dành riêng cho những chuyến viễn dương du lịch, một con tàu hoạt động quanh năm chỉ vì mục đích ấy.

Năm 1899, Albert Ballin trở thành Giám đốc của HAPAG. Vài tháng sau đó, vào năm 1900, ông giao cho xưởng đóng tàu Blohm & Voss ở Hamburg đóng một con tàu đáp ứng những yêu cầu trên, và Prinzessin Victoria Luise ra đời.

Prinzessin Victoria Luise, tàu viễn dương đầu tiên trên thế giới, con tàu tiên phong cho loại hình du lịch dài ngày trên biển đã có một kết thúc buồn.

Kết cục buồn của Prinzessin Victoria Luise

So với những con tàu thời nay, Prinzessin Victoria Luise có kích cỡ khá khiêm tốn, song thực tế là rất ấn tượng nếu so với mặt bằng chung khi đó. Prinzessin Victoria Luise có thể chở được 180 hành khách cùng thủy thủ đoàn 161 người, gồm cả các nhân viên phục vụ, biến con tàu này thực sự trở thành một khách sạn trên biển hạng sang.

Các chuyến viễn dương thường hướng đến đối tượng du khách giàu có, vì vậy Prinzessin Victoria Luise được thiết kế trông giống một con tàu tư nhân hơn là tàu thương mại thông thường. Thân tàu rộng gần 16m, dài gần 125m, với lớp vỏ sơn màu trắng, hai cột buồm, một phía trước và một phía sau.

Đuôi tàu bo tròn được trang trí theo hình một chiếc nơ lớn và biểu tượng của công chúa Đức Victoria Luise, con gái của Hoàng đế Wilhelm II của Đức, cháu chắt của Nữ hoàng Anh Victoria. Khoang hạng nhất của Prinzessin Victoria Luise có tổng cộng 120 cabin với nội thất sang trọng. Trên tàu có thư viện, phòng tập thể dục và cả một phòng chiếu phim.

Bên trong tàu Prinzessin Victoria Luise.

Theo dự kiến ban đầu, chuyến đi đầu tiên của Prinzessin Victoria Luise sẽ là một hành trình vòng quanh thế giới vào ngày 28-8-1900. Từ cảng Hamburg, Prinzessin Victoria Luise sẽ đi về hướng Đông, rồi tới San Francisco (Mỹ). Từ đó, du khách đi du lịch quanh nước Mỹ bằng tàu hỏa, và rồi sẽ trở lại Hamburg bằng tàu xuyên Đại Tây Dương.

Toàn bộ chuyến đi kéo dài khoảng 135 ngày. Tuy nhiên, một cuộc đình công lớn nổ ra ở xưởng đóng tàu đã khiến tiến độ bị trì hoãn. Mãi tới ngày 16-12-1900, Prinzessin Victoria Luise mới hoàn thành và hải trình trên đã không thể thực hiện. Hành trình này mãi tới năm 1922 mới đã được thực hiện bởi Laconia of Cunard.

Prinzessin Victoria Luise bắt đầu hành trình của mình vào ngày 5-1-1901 từ cảng Hamburg, với các điểm dừng chân tại Boulogne, Plymouth và cuối cùng là New York ngày 17-1-1901. Chuyến du ngoạn đầu tiên của Prinzessin Victoria Luise bắt đầu từ New York vào ngày 26-1-1901 để tới West Indies.

Chuyến đi thứ hai, cũng bắt đầu từ New York vào ngày 9-3-1901, tới Địa Trung Hải và Biển Đen. Một tối mùa Đông năm 1906, con tàu bắt đầu chuyến du ngoạn đầy hứa hẹn mà không ai biết rằng đó sẽ là lần ra đi cuối cùng của nó. Prinzessin Victoria Luise đã có một kết thúc đáng buồn, cũng giống như thảm kịch Titanic nổi tiếng.

Đêm 16-12-1906, hoa tiêu vắng mặt tại đài quan sát song thuyền trưởng vẫn quyết định đưa tàu vào cảng trong đêm tối. Vì nhầm lẫn vị trí của ngọn hải đăng, ông để lỡ lối vào cảng, và thay vào đó lái vào phía bờ biển. Prinzessin Victoria Luise  hướng về phía Bắc với tốc độ 14 hải lý/giờ và đâm vào những tảng đá gần bờ biển. Mọi nỗ lực cứu vãn đều không có kết quả.

Toàn bộ các hành khách trên Prinzessin Victoria Luise đã được cứu sống vào sáng hôm sau song thuyền trưởng Brunswig sau đó đã tự nhốt mình trong cabin và tự sát. Một tòa án Đức sau đó đã kết luận vụ tai nạn xảy ra do lỗi của thuyền trưởng.

Chiến dịch giải cứu Prinzessin Victoria Luise diễn ra ngay sau khi con tàu mắc cạn. Tàu Bremen của Đức và tàu Duguay-Trouin của Pháp tham gia chiến dịch giải cứu và cố kéo con tàu xấu số ra khỏi các tảng đá. Tuy nhiên, những đợt sóng lớn và cơn bão trên biển đã khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn. Các động cơ của Prinzessin Victoria Luise bị hư hỏng nặng, trong khi nước tràn vào các khoang cao tới 5m.

Một trận động đất ngầm đã khiến con tàu càng mắc kẹt vào các tảng đá và người ta buộc phải từ bỏ kế hoạch giải cứu. Một bài báo trên tờ Gleaner bình luận: "…những con sóng mạnh đã khiến con tàu vỡ tan khi nó mắc kẹt vào tối Chủ nhật, mọi nỗ lực đều vô tác dụng, và giờ người ta đành để mặc nó cho số phận". Ngày 19-12-1906, người ta tuyên bố Prinzessin Victoria Luise đã hỏng hoàn toàn.

Những khởi đầu

Dù chỉ có "cuộc đời" ngắn ngủi song Prinzessin Victoria Luise đã ghi một dấu ấn lớn trong lịch sử hàng hải quốc tế và là tiền đề để Hamburg America Line nói riêng và nhiều hãng tàu biển khác nói chung phát triển ngành du lịch đường biển sau này.

Sau một cuộc nghiên cứu được Albert Ballin chỉ đạo, HAPAG đã ký một hợp đồng khác với Blohm & Voss để đóng mới con tàu thứ hai, phục vụ nhu cầu của các đối tượng khách hàng không thuộc giới thượng lưu nhưng đủ tiền để chi trả những tấm vé hạng nhất trên các du thuyền.

Năm 1904, con tàu viễn dương thứ hai có cùng mục đích như Prinzessin Victoria Luise ra đời lấy tên là Meteor, với chiều dài 91,2m, rộng 13,4m và có thể chứa tới 283 hành khách trên khoang hạng nhất. Điểm khác biệt lớn nhất giữa Prinzessin Victoria Luise và Meteor với những con tàu du lịch hiện đại ngày nay là chúng không có bể bơi.

Hiện nay, người ta đã không còn xa lạ với các chuyến du lịch dài ngày trên biển. Có thể nói đây là một loại hình du lịch có đóng góp rất lớn cho ngành du lịch nói chung. Tính trung bình mỗi năm có gần 10 tàu viễn dương được hạ thủy để phục vụ thị trường châu Âu và Bắc Mỹ; trong khi đó, cùng với sự trỗi dậy của nền kinh tế châu Á-Thái Bình Dương, loại hình du lịch này cũng bắt đầu phát triển mạnh.

Thông thường, nhiều hãng du thuyền chỉ nhận hành khách trên 21 tuổi nếu đi một mình, dưới số tuổi đó các em phải cùng đi với cha mẹ hoặc người bảo hộ trên 25 tuổi. Nếu đi sang một nước khác, hành khách cần phải có hộ chiếu và thị thực.

Thông thường tàu rời bến nào sau khi kết thúc chuyến đi sẽ trở về ngay bến khởi hành, tuy nhiên có khi bến đi và bến cuối khác nhau tùy theo lựa chọn của hành khách. Phòng trên tàu du lịch viễn dương thường được chia thành 4 loại. Mức giá cao nhất là phòng Suite, thứ hai là phòng có ban công, rồi đến phòng có cửa sổ, và rẻ nhất là phòng kín trong hầm tàu.

Các du thuyền ngày nay rất lớn như một khách sạn nổi với nhiều tầng lầu, có thể chuyên chở hàng ngàn du khách và đội ngũ nhân viên rất đông. Nhiều tàu số thuyền viên phục vụ còn đông hơn hành khách. Thực tế các hãng tàu biển kiếm lợi nhuận từ các dịch vụ khác trên tàu như sòng bài, quầy rượu, mua sắm hay các tour tham quan và giải trí tại các điểm đến trên hành trình.

Một trong những du thuyền đắt đỏ bậc nhất thế giới là Annaliesse, với chiều dài 85m và chỉ dành cho 36 hành khách. Để được bước lên con tàu này, hành khách phải mở hầu bao bỏ ra số tiền là 120.400 USD/ngày. Ngoài ra còn có những con tàu nổi tiếng khác như Queen Mary 2, với chi phí khoảng 3.900 USD/ngày.

Dương Anh (tổng hợp)
.
.