Cha đẻ của thuốc lắc Ecstasy

Thứ Ba, 10/01/2017, 10:18
"Tôi đã cống hiến cả đời cho lĩnh vực nghiên cứu này. Sẽ có ngày, tôi hiểu được vì sao các chất xúc tác đơn giản lại làm được những điều này". Vì thế, trong khi nhiều người xem ông là hiện thân của quỷ dữ, thì cũng có nhiều người khác xem ông là một nhà khoa học có công khởi xướng tiến trình nghiên cứu khía cạnh điều trị tích cực của hợp chất hướng thần .


Dự án bí mật của chính phủ Mỹ khởi đầu kỷ nguyên thuốc gây ảo giác

Tiến sĩ Alexander Theodore Shulgin, mà mọi người thường gọi là Sasha Shulgin, sinh ngày 17-6-1925, là nhà hóa học, tâm thần dược học và còn là một nhà văn. Khi mới 15 tuổi, ông đã nhận học bổng toàn phần của Trường Harvard và hoàn thành luận án tiến sĩ ngành hóa sinh tại Đại học California, Berkely. Bắt đầu làm việc cho Công ty hóa chất nông nghiệp Dow Chemical, cũng là cơ sở chuyên nghiên cứu vũ khí hóa học.

Tiến sĩ Sasha Shulgin.

Ông nghiên cứu về thuốc trừ sâu và có rất nhiều kinh nghiệm về chất Ankaloid - chất có tác động dược lý với con người và động vật đồng thời cũng là chất "xúc tác" khiến ông quyết định nghiên cứu những loại thuốc làm thay đổi ý thức mà theo miêu tả của  cộng sự thì "Sasha bị ám ảnh bởi việc khám phá tác động của những thuốc này lên ý muốn hiểu thấu tâm can con người".

Lâu nay, chính sách dược phẩm của Chính phủ Hoa Kỳ gần như nghiêm cấm các nghiên cứu về thuốc gây ảo giác trên con người nhưng do các nhà khoa học mà tiến sĩ Sasha là nhân vật then chốt đã tìm ra được khía cạnh tích cực khiến chính phủ phải cho phép sử dụng loại thuốc "đưa ta vào thế giới của ma túy biến thành phương thuốc thần kỳ". Đầu năm 1960, các quan chức trong quân đội Mỹ từ Edgewood Arsenal tới thăm Công ty Dow Chemical.

Thời đó, sự ngây thơ của các nhà khoa học được xem yếu tố cần tận dụng của giới chủ doanh nghiệp, khi giám đốc Dow Chemical yêu cầu làm gì thì họ làm nấy. Dow Chemical giống bất cứ công ty lớn nào, họ sản xuất chất độc da cam và bom napalm, đó luôn là các hợp đồng béo bở. Phớt lờ dư luận chống đối, tẩy chay các sản phẩm của Dow Chemical trong làn sóng phản chiến, Dow đã thu về bộn tiền từ cuộc chiến tranh Việt Nam nên không có lý do gì ngăn họ ngừng sản xuất. Lần này, chính phủ mang đến Công ty Dow Chemical khuyến khích các nhà khoa học tìm ra loại hóa chất, thứ mà theo lời của một vị tướng, sẽ vô hiệu hóa mọi hoạt động của kẻ thù mà không cần phải giết họ.

Các bản báo cáo kết quả thử nghiệm vũ khí hóa học trên những tình nguyện viên cho thấy có một số tác dụng phụ rất đáng sợ. Họ mang trạng thái lo lắng đến hoảng loạn, mê sảng, co giật, thậm chí một vài người có hiện tượng loạn trí lực. Mối quan hệ giữa Sasha và Công ty Dow Chemical không còn yên ổn khi ông bắt đầu phải chịu những áp lực do phải thực hiện những việc, mà theo ông nhận định, là tội ác. Năm 1966, Sasha quyết định nghỉ việc với lý do bất đồng với những chỉ đạo nghiên cứu của ban giám đốc công ty.

Rời Dow Chemical, tiến sĩ Sasha cho xây một phòng thí nghiệm trong nhà kho ở sân sau nhà mình. Tại đây ông đã điều chế ra hàng trăm loại thuốc gây ảo giác. Ông tự nhận: "Các dụng cụ tôi thích làm là các phân tử, thứ sẽ giúp ta hiểu rõ về cách hoạt động của não". Ông càng say mê nghiên cứu về tác dụng của thuốc gây hưng phấn và ảo giác sau khi trở thành cố vấn cho Cục Chống ma túy Hoa Kỳ (DEA). Ông còn xuất hiện trước các phiên tòa với tư cách là chuyên gia, nhân chứng khi DEA cần đến. Sasha thường chia sẻ thông tin và kết quả nghiên cứu với bất kỳ ai quan tâm, chính điều này gây cho ông nhiều vấn đề.

Trong số những chất gây hưng phấn thời đó như LSD, cần sa, xương rồng thì DOM luôn đứng thứ nhất. Nick Sand là một nhà hóa học ở quận Cam, Nam California. Lúc này, Sasha đã là một chuyên gia nổi tiếng trong lĩnh vực thuốc gây ảo giác. Nick Sand tìm đến Sasha và hiển nhiên không lâu sau đó, ông này có trong tay công thức hóa học điều chế DOM từ sự chia sẻ của Sasha.

Nick Sand bắt đầu bí mật tổng hợp và phân phối DOM rồi bán nó dưới cái tên STP.  Khi LSD được coi là bất hợp pháp thì STP là sự thay thế hoàn hảo. Thông thường một liều DOM chỉ 4mg đã mang lại cảm giác nhưng các viên STP do Nick Sand sản xuất có hàm lượng đến 20mg, nó tác dụng mạnh nhưng khá chậm, thường là từ sau 1 đến 3 tiếng đồng hồ. Điều này khiến người sử dụng tưởng rằng mình dùng liều quá thấp hay không có tác dụng nên tiếp tục uống thêm và kết quả là họ chìm sâu trong trạng thái lo âu kéo dài, một số còn có triệu chứng bị rối loạn thần kinh.

Nick Sand tìm ra "khách hàng tiêu thụ" là những thành viên câu lạc bộ xe mô tô Hells Angels (Thiên Thần Địa Ngục) để phân phối STP ra khắp cả nước Mỹ. "Các khoa cấp cứu đông nghẹt bệnh nhân bị tổn thương thần kinh, mất ý thức, khả năng tự chủ" - là nội dung thường thấy trên các bản tin, bài viết của báo chí Mỹ thời điểm này. Vợ Sasha kể lại rằng, ông đã vô cùng buồn bã khi nghe những tin tức như thế nhưng trong các bài viết và thuyết trình của mình, Sasha luôn đanh thép khẳng định ông không liên quan đến việc DOM được đem bán tràn lan ngoài đường.

Thời gian này, ma túy thường liên quan đến những thanh niên bị đẩy vào cuộc chiến tranh Việt Nam. Thuốc gây ảo giác được xem là một loại ma túy vì vậy nó bị xem là một mục tiêu trong cuộc chiến chống ma túy dưới thời tổng thống Nixon. Năm 1970, chính phủ Hoa Kỳ đã thông qua một đạo luật cấm các loại thuốc gây ảo giác.

"Thần dược Penicillin cho tâm hồn"

Nạn nghiện ngập đẩy các chính khách và người dân chống lại thuốc gây ảo giác. Cho dù giới chuyên gia điều trị tâm lý bằng loại thuốc này cho rằng, nó có tiềm năng trị liệu rất cao nhưng khi xã hội phản ứng dữ dội, nghiên cứu về nó phải dừng lại. Nhưng đối với Tiến sĩ Sasha thì không phải mọi chuyện đã kết thúc. Ông bắt đầu tìm kiếm những dược chất hợp pháp khác được sử dụng cho trị liệu tâm lý.

Sasha Shulgin và vợ, đồng tác giả 2 cuốn sách Pihkal và Tihkal.

Vào giữa những năm 1970, Sasha gặp một sinh viên, người biết ông quan tâm đến thuốc kích thích thần kinh. Cô ấy đã nói với ông về MDMA (Methylene Dioxyl-Methamphet Amine) là một dạng ma túy được điều chế lần đầu tiên từ năm 1910) và nó kích thích ông nhanh chóng tổng hợp dược chất này.

Nhận ngay ra MDMA có tiềm năng to lớn trong điều trị bệnh tâm thần, Sasha liền chia sẻ với vợ ông và nhóm cộng sự đã cùng ông điều chế các loại thuốc này. Theo Tiến sĩ tâm thần học Julie Holland và cũng là chuyên gia về MDMA - "thuốc khiến người sử dụng muốn nói nhiều hơn, muốn kết nối và tham gia".

Đa số những người dùng MDMA đều có một trải nghiệm thú vị. Đó là sự thấu hiểu bản thân mà không chối bỏ, căm ghét bản thân, trong khi bệnh nhân tâm thần phải mất ít nhất 6 tháng điều trị mới đạt được kết quả đó. Một bác sĩ tâm lý hàng đầu điều trị bằng thuốc gây ảo giác là giáo sư, bác sĩ tâm lý Leo Zeff. Ông ấy sắp sửa nghỉ hưu. Sasha đưa một lọ MDMA cho Zeff và nói "có lẽ ông sẽ thích hợp với chất này". Vài ngày sau, Leo Zeff gọi cho Sasha và nói: "Tôi không nghỉ hưu nữa. MDMA thú vị quá!". Zeff đi khắp thế giới lập một hội sử dụng MDMA trong điều trị tâm lý. "Tôi đã thấy nhiều người sau 1 hoặc 2 đợt trị liệu đã có hành vi và cảm xúc thay đổi hoàn toàn. Đây là sự thay đổi lâu dài" - Leo Zeff nói.

Cuối thập niên 70, nửa triệu liều thuốc MAMD đã được các bác sĩ chuyên khoa tâm lý sử dụng trong "môi trường điều trị yên lặng". Nhưng hiệu quả vượt bậc của vị thuốc này khiến nó không thể "yên lặng" mãi được và nó đã bị rò rỉ ra ngoài cộng đồng chung. Trong khoảng những năm 1980, một số con buôn ma túy bắt đầu phân phối MDMA.

Tại các hộp đêm ở thành phố Dallas bang Texas, chúng được bán lẻ với giá 15 đôla một liều. Do chưa bị liệt vào danh sách cấm nên MDMA được sử dụng công khai rộng rãi và "tiếng tăm" của nó nhanh chóng lan rộng ra khắp Hoa Kỳ. Dân chơi đặt cho nó một cái tên đẹp - Ecstasy hay còn gọi là thuốc lắc. Đã có người nói với Sasha rằng "nó là thần dược Penicillin cho tâm hồn".

Giới tội phạm buôn ma túy đã cho ra đời những liều thuốc Ecstasy với logo bắt mắt và màu sắc sặc sỡ. Nó trông giống như kẹo nhưng người sử dụng có cảm giác "bốc hỏa" khi dùng quá nhiều, não sẽ "chết cháy". Vào mùa hè năm 1984, DEA quyết định liệt thuốc lắc vào phạm trù phạm pháp cho dù trong hàng trăm ngàn ca bị tổn thương não nghiêm trọng chỉ có 8 ca liên quan đến MDMA.

Các bác sĩ tâm lý, các chuyên gia về MDMA đã có một buổi điều trần trước quan chức DEA chứng minh đó không phải là loại thuốc nguy hiểm, không có bằng chứng cho thấy nó có tác hại lâu dài. Tuy nhiên vào ngày 1-7-1985, MDMA vẫn bị DEA phân loại là chất cấm bảng 1 - chung hạng với heroin, cocaine và những chất ma túy gây nghiện khác. Vì nó được coi là bất hợp pháp, trong khi nhu cầu sử dụng ngày một cao nên giới bào chế đã cho nhiều thành phần thay thế khác và trong nhiều trường hợp, những thành phần thay thế này là chất độc.

Năm 1991, Tiến sĩ Theodore Shulgin và vợ của mình là bà Ann Shulgin cho ấn hành quyển sách có tựa đề "PiKHAL hay Phenethylamines - Tôi đã biết và yêu" trong đó đề cập đến hàng trăm hợp chất chưa từng biết đến và cả các công thức chế tạo chúng. Quyển sách này ra đời trong thời gian chính quyền Ronald Reagan ra sức trấn áp tội phạm buôn bán ma túy và những người nghiện ma túy. Số người ngồi tù vì ma túy tăng từ 50.000 vào năm 1980 đến hơn 400.000 người vào năm 1997.

Chỉ tính riêng trong năm 2000, đã có 10 triệu viên thuốc lắc bị tịch thu. Biện hộ cho tác phẩm của mình, Sasha nói rằng, đây chỉ là một cách "bảo vệ các thành quả mà tôi đã dành cả đời để tạo ra không bị thất truyền". Theo lời vợ ông kể lại thì các đặc vụ DEA đã đến tìm nhà Sasha nhưng họ không đề cập gì đến PiKHAL vì không muốn mang tiếng là đàn áp một tác phẩm văn chương. DEA đưa ra thỏa thuận rằng, nếu ông chịu trả giấy phép và nộp phạt 25.000 đôla thì họ sẽ bỏ qua tất cả. Sasha đồng ý.

Theo nghiên cứu mới đây được công bố trên kênh The Denver Channel,  thuốc lắc hay MDMA điều trị bệnh PTSD (chứng rối loạn căng thẳng hậu chấn thương tâm lý) rất hiệu quả ở cựu chiến binh và người trưởng thành. Cứ 7 người lính Mỹ trở về từ Iraq hay Afghanistan thì có 1 người bị chứng bệnh PTSD.

"Tôi cảnh giác quá mức, luôn cảnh giác khi nào có vụ tấn công tiếp theo. Tâm trí không dung nạp được ý nghĩ là tôi đang ở nhà và được an toàn. MDMA loại bỏ mọi cản trợ, nỗi sợ phải xử lý các vấn đề. Nó giúp tôi nhận ra điều đó đã là quá khứ" - cựu binh Nicholas Blackston nói.

Trong các cuộc thử nghiệm lâm sàng được FDA (Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ) thông qua đối với liệu pháp điều trị bệnh PTSD bằng MDMA, 83% bệnh nhân không còn các triệu chứng rối loạn. Nghiên cứu này là một thành công vang dội đối với Sasha, nó  khiến ông vô cùng hãnh diện và sung sướng. MDMA giống như chiếc áo giáp che kín cơ thể nên nạn nhân có thể bơi vào vùng tối của chứng bệnh này rồi trở ra mà chẳng hề hấn gì.  Điều mỉa mai trong câu chuyện về MDMA này là trước đây, các nhà nghiên cứu MDMA buộc phải dừng lại công trình của mình vì những đạo luật khắt khe của chính phủ. Còn giờ đây, họ đang làm việc với Lầu Năm Góc để điều trị tâm lý hậu chấn thương cho các cựu binh Mỹ.

Sasha thường nói: "Rất khó dùng chuột bạch để viết thu hoạch về sự thấu cảm hoặc những câu hỏi về ý nghĩa cuộc sống". Vì thế trong thời gian nghiên cứu, điều chế các hợp chất, ông và vợ thường sử dụng thuốc cho bản thân mình trước. Sasha đã thử nghiệm trên 2.000 lần với vợ và hơn 4.000 lần với bản thân mình, tổng hợp ra hơn 230 hợp chất gây ảo giác trong suốt thời gian nghiên cứu. Tiếp sau quyển "PiHKAL", Sasha cùng vợ lại cho xuất bản quyển "TiHKAL" vào năm 1997, được xem như là sự bổ sung những thiếu sót của cuốn đầu tiên với việc bổ sung thêm… công thức tổng hợp 55 hợp chất mới.

Đến cuối đời, Sasha bắt đầu bị mất trí, theo lời vợ ông kể lại thì ông đón nhận nó rất nhẹ nhàng và ra đi cũng như thế ở tuổi 89. Có nhiều người xem ông như hiện thân của quỷ dữ, nhưng cũng có nhiều người khác xem ông là "cha đẻ của thuốc lắc", là một nhà khoa học lỗi lạc có công khởi xướng tiến trình nghiên cứu khía cạnh điều trị tích cực của hợp chất hướng thần.

Quang Dũng (tổng hợp)
.
.