Chàng trai Thủ đô hy sinh trong trận không chiến cuối cùng trên bầu trời Hà Nội

Thứ Ba, 25/12/2012, 08:45

Sau khi bắn rơi chiếc RA-5C, Hoàng Tam Hùng nhận lệnh về hạ cánh. Nhưng lúc đó, các máy bay F-4 bay hộ tống phát hiện ra chiếc RA-5C bị bắn rơi đã quay lại vây quanh chiếc MiG-21 của Tam Hùng. Hùng một mình quần nhau với 12 chiếc F-4 và sau  nhiều vòng quần thảo, anh đã bình tĩnh đưa một chiếc F-4 vào vòng ngắm. Biết có các máy bay F-4 bám phía sau nhưng anh vẫn bình tĩnh bám sát và ấn nút phóng quả tên lửa thứ hai, chiếc F-4E đã bị trúng tên lửa và rơi tại chỗ. Sau đó, Hùng tiếp tục quần thảo với đám F4 và đã anh dũng hy sinh...

Nhà Trắng - Washington D.C, trưa 14/12/1972, sau cuộc đàm phán với cố vấn Lê Đức Thọ bất thành, khi về đến Washington, Tiến sĩ H.Kissinger lập tức đến Nhà Trắng báo cáo với Tổng thống Nixon. Ngay đầu giờ chiều, Tổng thống Nixon triệu tập cuộc họp Hội đồng An ninh và yêu cầu Đô đốc Thomas Moore, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân bắt đầu chiến dịch ném bom Bắc Việt Nam- Chiến dịch Linebacker II với thời hạn 3 ngày, và có thể kéo dài nếu cần thiết.

Đô đốc Moore lập tức điện cho Đô đốc Noel Arthur Meredyth Gayler, Tư lệnh Bộ chỉ huy Thái Bình Dương và Đại tướng 4 sao John Charles Mayer, Tư lệnh Bộ chỉ huy Không quân chiến lược, yêu cầu nhanh chóng gửi bản danh mục gồm 8 mục tiêu chiến lược cần ném bom trong chiến dịch và phát mệnh lệnh để các máy bay Mỹ tiến hành ném bom các mục tiêu ở Hà Nội lúc 7 giờ tối - giờ Hà Nội ngày chủ nhật 17/12/1972.

Tuy nhiên đến phút cuối cùng,  thời điểm bắt đầu chiến dịch đã được đẩy lùi đến ngày 18/12, do lúc đó Bộ chỉ huy Không quân chiến lược ở Guam mới phát hiện ra không có đủ cơ số máy bay tiếp dầu trên không cho gần 200 chiếc B-52 tham gia chiến dịch.

Điện Kính Thiên, Hà Nội, sáng sớm 15/12/1972: Từ rất sớm, Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng tham mưu (BTTM) Quân đội Việt Nam đã nắm được ý đồ chiến lược của Mỹ. Các tin tình báo báo về các dấu hiệu không bình thường, cho thấy phía Mỹ đang chuẩn bị một chiến dịch ném bom rải thảm quy mô lớn vào Hà Nội. BTTM đã triển khai quyết liệt các biện  pháp chống lại cuộc tấn công hủy diệt của Mỹ, tất cả vào trạng thái sẵn sàng cao nhất. 

Căn cứ Không quân Andersen Guam, sáng 18/12/1972: 11h, sau khi nhận được mật điện của Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân gửi cho Tư lệnh Bộ chỉ huy chiến lược, Đại tá James R McCarthy, Tư lệnh Không đoàn ném bom chiến lược số 43, thuộc Tập đoàn Không quân chiến lược số 8 bắt đầu buổi giao nhiệm vụ chiến đấu cho các cơ trưởng B-52 tại hội trường lớn. Khi chiếc màn che tấm bản đồ tác chiến được kéo lên, cả hội trường lặng đi vì trước mắt họ là tấm bản đồ Hà-Nội! Các cơ trưởng B-52 hiểu rằng, đó không đơn thuần là một địa danh, đó sẽ là một chảo lửa, nơi không dễ trở về.

Lúc 14h 41', giờ Guam - tức 11h41' giờ Hà Nội chiều 18/12/1972, tốp 28 chiếc B-52D đầu tiên đã lăn lên đường cất hạ cánh tại sân bay Andersen. Trong tiếng gầm rú của hàng trăm động cơ B-52, 28 chiếc B-52 đã lần lượt cất cánh và hướng về phía bờ biển Việt Nam, với cự ly hơn 3.000 dặm và 8 tiếng bay, trước khi đến Hà Nội. Đến 17 giờ 18 phút, 21 chiếc B-52D do Đại tá Bill Brown, Phó tư lệnh Không đoàn ném bom chiến lược số 307, dẫn đầu đã cất cánh từ căn cứ U-Tapao, Thái lan, sau đó sẽ nhập vào với đội hình B-52 đến từ Guam để trút bom  xuống Hà Nội.

Chỉ huy sở Bạch Mai, Hà Nội, 16h chiều 18/12: Sau khi nhận được tin tình báo về tốp 30 chiếc B-52 đã cất cánh từ sân bay Andersen, Sở chỉ huy Quân chủng lập tức yêu cầu các đơn vị sẵn sàng trước 17h. Tư lệnh Lê Văn Tri và toàn bộ kíp trực ban đã sẵn sàng. Tại các sân bay, các phi công MiG-21 đã vào cấp 1. Lúc 19h15', khi tin tình báo báo về: "Tốp B-52 đã bay qua điểm 300, đang bay về Hà Nội", lập tức lệnh báo động được ban bố. Còi ủ trên nóc nhà ngân hàng, Nhà hát Lớn và Ga Hàng Cỏ đồng loạt vang lên, kèm theo tiếng loa hướng dẫn người dân xuống hầm trú ẩn.

Tại Trung đoàn 921, các phi công bay đêm dày dạn kinh nghiệm Đinh Tôn, Phạm Tuân, Vũ Đình Rạng, Trần Cung, Vũ Xuân Thiều… đã sẵn sàng cất cánh, chặn đánh đội hình B-52 theo phương án chuẩn bị. Chính trong đêm 18, chiếc B-52 đầu tiên tham gia chiến dịch Linebacker II đã bị bắn rơi trên bầu trời Hà Nội và trong những ngày tiếp theo, các phi công MiG-21 của hai Trung đoàn 921 và 927 đã cất cánh, chặn đánh các đợt tấn công của Không quân Mỹ và bắn rơi nhiều máy bay Mỹ. Cùng với chiến công của Phạm Tuân, Vũ Xuân Thiều và các đồng đội, Trung úy - phi công trẻ Hoàng Tam Hùng, chàng học sinh Hà Nội gốc Huế dũng cảm và tài hoa đã ngã xuống một ngày trước khi cuộc chiến kết thúc, sau khi đã hạ 2 chiếc máy bay địch.

Người phi công cuối cùng hy sinh trong cuộc chiến trên không

Trung úy phi công Hoàng Tam Hùng sinh ra trong một dòng họ nổi tiếng của tỉnh Thừa thiên - Huế, đó là họ Hoàng, dòng họ mà suốt từ cuộc kháng chiến chống Pháp đến kháng chiến chống Mỹ đã cống hiến cho Tổ quốc những người con ưu tú. Cụ Hoàng Anh, năm nay đã bước sang tuổi 102, là thân sinh ra liệt sĩ - phi công Hoàng Tam Hùng.

Năm 1965, khi người con trai cả của ông, anh thanh niên 17 tuổi, học sinh lớp 10 của một trong những trường nổi tiếng nhất Hà Nội, xin cụ đi khám tuyển phi công, thì cụ đang là Bí thư Trung ương Đảng, Phó thủ tướng Chính phủ. Với cương vị ấy, cụ hoàn toàn có thể sắp xếp cho người con trai cả, vốn là học sinh xuất sắc, một con đường học hành dễ dàng ở nước ngoài. Nhưng cụ đã đồng ý cho Hoàng Tam Hùng đi học lái máy bay phản lực, chiến đấu bảo vệ bầu trời Tổ quốc, mặc dù biết rằng lái máy bay chiến đấu luôn là nghề rất nguy hiểm.

Đồng bào và chiến sĩ bên xác máy bay Mỹ bị bắn hạ tháng 12/1972.

Hoàng Tam Hùng đã từng là học sinh trường mẫu giáo đầu tiên của Quân đội từ chiến khu Việt Bắc về thủ đô. Kỷ niệm của các bạn học về anh là một chàng học sinh Hà Nội gốc Huế, đúng nghĩa. Anh cao lớn, nhanh nhẹn, giỏi cả bóng rổ, bơi lội và thể dục dụng cụ, từng là thành viên đội tuyển bơi lội thiếu niên Hà Nội. Đặc biệt nữa là giọng nói Hà Nội vẫn còn một chút âm sắc Huế ấm cúng của Hùng luôn làm say mê các bạn nữ sinh Hà Nội. Nhưng cho đến lúc hy sinh, chàng học sinh Hà Nội hào hoa ấy chỉ có duy nhất một cô bạn học và một người bạn gái tâm giao, sau này là diễn viên điện ảnh nổi tiếng.

Không khí ở các trường đại học và trung học phổ thông Hà Nội năm 1965 rất sôi động. Các trận ném bom đánh phá của Không quân Mỹ với tiếng gầm rú của động cơ phản lực và những tội ác mà bom đạn Mỹ gây ra đã thôi thúc cả thế hệ học sinh, sinh viên hăng hái xếp bút nghiên lên đường. Thời khắc mà Hoàng Tam Hùng và các bạn bè cùng lứa quyết định lựa chọn cho mình nghề lái máy bay chiến đấu, chứ không phải là chiến sĩ lái xe tăng hay chiến sĩ đặc công, chính là khi cả lớp đi xem bộ phim nổi tiếng của điện ảnh Xôviết về đề tài không quân: “Khoảng trời Ban Tích”, tại Rạp Đại Đồng, phố Hàng Cót.

Cũng những năm tháng đó, các bạn nam sinh Hà Nội còn chuyền tay nhau cuốn truyện về phi công Maresev nổi tiếng, người bị thương gãy chân vẫn luyện tập để quay lại lái máy bay và tiếp tục cất cánh chiến đấu, để lại phía sau cả một câu chuyện tình lãng mạn và cô bạn gái mắt xanh với hai bím tóc nâu huyền. Rồi các chiến công đầu của các phi công Trần Hanh, Phạm Ngọc Lan bắn rơi máy bay Mỹ trong những trận không chiến đầu tiên  đã thắp lên ngọn lửa say mê với bầu trời của cả một thế hệ thanh niên lúc đó.

Một đêm đầu thu năm 1966, Hoàng Tam Hùng cùng các đồng đội từ trên chuyến tàu liên vận ở ga Hàng Cỏ đã lưu luyến vẫy tay chào Hà Nội và cô bạn học để lên đường đến sân bay sang đất nước Xôviết học lái máy bay. Cô bạn gái chưa một lần đựợc nắm tay anh chạy theo đoàn tàu, hai bím tóc đong đưa trên vai. Cô cứ chạy như vậy, cho đến khi toa tàu cuối cùng khuất hẳn phía cầu Long Biên. Năm 1969, sau 3 năm học tập tại Trường Không quân Liên Xô, Hoàng Tam Hùng về nước và tham gia chiến đấu trên máy bay MiG-17.

Tháng 9/1972, anh được lựa chọn lên học lái MiG-21 và điều về Trung đoàn Không quân 927. Tại đây, các anh hùng phi công nổi tiếng như Nguyễn Đức Soát, Nguyễn Tiến Sâm, Lê Thanh Đạo, Nguyễn Văn Nghĩa đã hướng dẫn các bài bay không chiến cho Hoàng Tam Hùng. Trung tướng - Anh hùng phi công Nguyễn Đức Soát nhớ về người đồng đội, người học viên chuyển loại của mình với sự đánh giá rất cao. Chỉ sau 5 vòng bay, Nguyễn Đức Soát đã có thể thả Hoàng Tam Hùng bay đơn. Chàng phi công trẻ tuổi thể hiện năng khiếu đặc biệt, tiếp thu rất nhanh các bài bay tập và chỉ sau hơn 1 tháng Hùng đã đủ điều kiện để tham gia trực ban chiến đấu cùng các phi công nổi tiếng của Trung đoàn. Khi Mỹ bắt đầu chiến dịch Linebacker II (18/12/1972) thì phi công trẻ tuổi Hoàng Tam Hùng đã có thể xuất kích trong đội hình chiến đấu của các máy bay MiG-21.

Sân bay Đa Phúc, Hà Nội, trưa 28/12/1972: Ngày thứ 11 của chiến dịch "Điện Biên Phủ trên không". Sau 10 ngày ném bom khốc liệt xuống Hà Nội, Hải Phòng, nhưng không lay chuyển được quyết tâm của Việt Nam, phía Mỹ đã nêu vấn đề nối lại các cuộc đàm phán ở Paris. Mặc dù hai phía sẽ gặp nhau vào đầu tháng 1/1973, nhưng Nixon vẫn ra lệnh tiếp tục ném bom Hà Nội, Hải Phòng vào ngày 28.

Gần trưa ngày 28/12, Không lực  Mỹ đã sử dụng 60 lần/chiếc B-52 từ căn cứ Andersen và U-tapao chia thành 4 đợt, có sự hộ tống của 99 lần chiếc máy bay chiến thuật tổ chức đánh  lớn vào Hà Nội và Hải Phòng. Tại Chỉ huy sở Binh chủng, Tướng Trần Hanh chủ trì kíp trực nhận định: Địch sẽ đánh lớn và quyết định giao nhiệm vụ cho Trung đoàn 927 do Trung đoàn trưởng - Phi công anh hùng Nguyễn Hồng Nhị chỉ huy tổ chức chặn đánh đội hình máy bay của Hải quân Mỹ bay vào từ hướng đông. Biên đội Lê Văn Kiền, Hoàng Tam Hùng được phân công trực chiến, sẵn sàng cất cánh.

Lúc 11h20', đội bay Kiền - Hùng cất cánh. Khi Chỉ huy sở thông báo mục tiêu phía trước, bên phải, phi công Hoàng Tam Hùng đã nhanh chóng phát hiện biên đội hỗn hợp gồm chiếc máy bay trinh sát vũ trang RA-5C(Vigilanter) và 2 chiếc F-4J của Hải quân Mỹ bay hộ tống. Mặc dù xung quanh các máy bay F-4 vây quanh rất đông, nhưng bằng một động tác cơ động chính xác, Hoàng Tam Hùng  đã kịp bám theo chiếc RA-5C . Viên Thiếu tá - phi công Hải quân kỳ cựu -Alfred Howard Agnew trên chiếc RA-5C đã phát hiện có MiG-21 bám theo, cơ động đan chéo để thoát ra, nhưng bằng động tác kỹ thuật điêu luyện, Hoàng Tam Hùng đã nhanh chóng bám sát chiếc máy bay RA-5C, đưa nó vào vòng ngắm. Lúc này chiếc RA-5C tiếp tục cơ động đan chéo để lẩn tránh, nhưng Tam Hùng đã bám sát và tìm ra quy luật cơ động của chiếc RA-5C, chờ khi nó vừa cải bằng để chuẩn bị vòng sang hướng ngược lại, anh lập tức ổn định vòng ngắm và ấn nút phóng tên lửa. Chiếc MiG-21 rung nhẹ, quả tên  lửa chìm xuống rồi lao thẳng vào chiếc máy bay RA-5C, khiến nó bốc cháy như quả cầu lửa và rơi thẳng xuống chân núi Tản Viên.

Hai phi công điều khiển chiếc RA-5C bị trúng tên lửa của phi công Hoàng Tam Hùng là Thiếu tá phi công Hải quân Alfred Howard Agnew và Đại úy Michael Firestone Haifley - thuộc Phi đoàn trinh sát vũ trang RVAH-13, tàu sân bay chạy năng lượng nguyên tử USS Enterprise. Agnew nhảy dù bị bắt sống, còn Haifley không kịp nhảy dù, chết tại chỗ. Alfred Agnew, phi công cuối cùng của Hải quân Mỹ bị bắn rơi trong chiến tranh Việt Nam, sau Hiệp định Paris cũng là viên phi công cuối cùng được trao trả cho phía Mỹ tại Sân bay Gia Lâm.

Sau khi bắn rơi chiếc RA-5C, Hoàng Tam Hùng nhận lệnh về hạ cánh. Nhưng lúc đó, các máy bay F-4 bay hộ tống phát hiện ra chiếc RA-5C bị bắn rơi đã quay lại vây quanh chiếc MiG-21 của Tam Hùng. Hùng một mình quần nhau với 12 chiếc F-4 và sau  nhiều vòng quần thảo, anh đã bình tĩnh đưa một chiếc F-4 vào vòng ngắm. Biết có các máy bay F-4 bám phía sau nhưng anh vẫn bình tĩnh bám sát và ấn nút phóng quả tên lửa thứ hai, chiếc F-4E đã bị trúng tên lửa và rơi tại chỗ. Sau đó, Hùng tiếp tục quần thảo với đám F4 và đã anh dũng hy sinh.

Vậy là ngay trong trận xuất kích đầu tiên trên máy bay tiêm kích MiG-21, chàng trai Hà Nội cùng với phi công Vũ Xuân Thiều, cũng là học sinh Hà Nội, là những người chiến sĩ cuối cùng hy sinh trong trận chiến bảo vệ bầu trời thủ đô.

Sau khi biết tin chỉ có chiếc MIG của Lê Văn Kiền về hạ cánh, Trung đoàn trưởng Nguyễn Hồng Nhị đã ngồi lặng người trong Chỉ huy sở... Bằng kinh nghiệm trận mạc dày dạn, ông hiểu rằng, Không quân Mỹ dù rất mạnh cũng không thể chịu đựng lâu hơn được. Ông cũng linh cảm rằng, chỉ còn 1, 2 ngày nữa là cuộc chiến kết thúc, trong khi những phi công dũng cảm và tài hoa của ông vẫn sẵn sàng cất cánh vào trận. Và hôm nay, ông đã đau đớn thế nào khi mất một chiến binh dũng cảm, một người con của Hà Nội và Huế mà ông rất yêu thương. Nhưng ông cũng rất đỗi tự hào, vì người phi công do chính ông đào tạo và chỉ huy đã chiến đấu dũng cảm, ngay trong trận đầu xuất kích đã lập công, bắn rơi 2 chiếc máy bay Mỹ.

Nhiều năm về sau, người  bạn gái mà phi công Hoàng Tam Hùng đem lòng yêu mến vẫn không tin là Tam Hùng - chàng trai mạnh mẽ và tài hoa ấy đã ra đi mãi mãi. Và mối tình đẹp như câu chuyện cổ tích của họ vẫn lưu truyền trong hồi ức của các thế hệ phi công. 40 năm đã trôi qua, bây giờ tên của Anh cùng hơn 200 phi công - liệt sĩ khác được khắc lên bia đá trên đồi Sóc Sơn lộng gió ngay bên cạnh sân bay Đa Phúc, nơi Anh cất cánh xung trận, và mãi mãi ra đi ở tuổi 24

Nguyễn Sỹ Hưng
.
.