Chiến công bắn rơi máy bay B-52 đầu tiên của bộ đội Tên lửa phòng không
Ngày 12/4/1966, B-52 ném bom đèo Mụ Gia. Bác Hồ chỉ thị cho đồng chí Đặng Tính, Chính ủy Quân chủng Phòng không - Không quân (PK-KQ): "B52 đã đánh ra miền Bắc. Phải tìm cách đánh cho được. Trách nhiệm này, Bác giao cho các chú PK-KQ".
Tháng 6/1966, Bộ Chính trị họp dưới sự chủ tọa của Bác Hồ thống nhất chủ trương “Sớm đưa TLPK vào nam Quân khu 4 để nghiên cứu đánh B-52”.
Tháng 8/1966, Trung đoàn 238 do Trung đoàn trưởng Nguyễn Văn Hội chỉ huy được lệnh đưa trung đoàn vào Quân khu 4 thay Trung đoàn 236 rút ra củng cố lực lượng, bảo vệ Hà Nội.
Cũng trong những ngày đó, Trung đoàn trưởng được triệu tập lên Bộ Tổng tham mưu. Phó tổng tham mưu trưởng Trần Quý Hai thay mặt Quân ủy giao nhiệm vụ cho Trung đoàn 238 vào Vĩnh Linh chỉ với một nhiệm vụ - phục kích, bắn rơi B-52!
Đưa TLPK vào nơi mưa bom, bão đạn, phải tính toán khá chặt chẽ. Chỉ cần một tia lửa, hoặc một chiếc xe con, máy bay L19 nghi ngờ là bom đạn trút xuống ngay lập tức. Pháo của quân đội Sài Gòn bên bờ nam sông Bến Hải, pháo, tên lửa từ hạm tàu một ngày bắn vào đất Vĩnh Linh hàng chục lần.
Cơ động một trung đoàn TLPK với 5 tiểu đoàn cùng 9 đại đội pháo cao xạ bảo vệ và hàng mấy trăm xe pháo khí tài với những chiếc xe cồng kềnh dài trên dưới 20 mét, nặng 40-50 tấn vào đến bắc Bến Thủy đã là kỳ công, vượt sông Gianh, tới đất lửa Vĩnh Linh càng kỳ công hơn.
Đã vậy, độ dung sai về kỹ thuật của TLPK và khí tài hết sức chặt chẽ. Những cái sóc rung nảy trên chặng đường hành quân xa, với những con đường bị đánh phá tơi tả, lồi lõm sẽ làm sai số các khối điện tử trong các xe điều khiển.
Nghe kể lại những khó khăn này, Bác Hồ suy nghĩ một lát rồi nói:
- Muốn bắt cọp, phải vào hang cọp mà bắt!
Hiểu ý Bác dạy muốn tiêu diệt B-52 phải vào tận nơi nó gây tội ác mà tiêu diệt. Toàn đơn vị quán triệt lời Bác dạy, khẩn trương chuẩn bị mọi mặt để lên đường.
Khối xe cộ, binh khí, kỹ thuật khổng lồ cơ động trong đêm, không một ánh đèn để tránh tai mắt quân thù.
Hàng chục ngàn bộ đội, thanh niên xung phong, nhân dân Quân khu 4 hộ tống Trung đoàn TLPK 238 và 9 đại đội pháo cao xạ đi tới đích.
Nhiều bộ đội, thanh niên xung phong, nhân dân Quân khu 4 đã anh dũng hy sinh trên đường hộ tống đoàn xe.
TLPK vượt ngầm Bùng trong đêm đen, 24 cô thanh niên xung phong mặc áo trắng đứng thành hàng làm cọc tiêu, mặc bom đạn của giặc Mỹ đánh phá, để đoàn xe vượt qua an toàn.
Tiểu đoàn 84 định vượt cầu Cầy. Cầu bị địch đánh gãy. Đạn tên lửa, khí tài đành nằm trên bãi trống. Trời gần sáng. Bà con dỡ nhà, chặt cây... ngụy trang che mắt quân thù. Máy bay trinh sát L19 cả ngày quần đảo, xăm soi vẫn không phát hiện được. Trời tối, cả tiểu đoàn tiếp tục lên đường.
Hai chiến sĩ lái xe Gát 63 chở đầy đạn cao xạ. Trời sáng, chiếc xe chưa kịp tới địa điểm trú quân. Cả đàn máy bay Mỹ thi nhau bổ nhào bắn phá. Lái chính bị thương vào mắt, lái phụ bị thương vào chân, tay nhưng vẫn lái xe chạy về khu vực trú quân an toàn.
Hai chiếc xe kéo xe cabin trên đường hành quân bị địch đánh. Anh em cho xe lao xuống hố bom lấy đất phủ kín. Kẻ địch bị mất mục tiêu. Đến đêm, quân ta kéo xe lên, sửa lại máy móc tiếp tục lên đường. Cả đoàn xe tới đích, cán bộ, chiến sĩ nhanh chóng bắt tay vào xây dựng trận địa.
Đại tá Đặng Tính, Tư lệnh kiêm Chính ủy Quân chủng PK-KQ vào thăm đứng trên trận địa của trung đoàn thán phục nói:
- Đưa được cả trung đoàn cùng khối binh khí, kỹ thuật khổng lồ này vào tới chiến trường “lửa” an toàn là một huyền thoại. Triển khai chiến đấu, đem được cả khối binh khí, khí tài xuống lòng đất mà kẻ thù không hay biết là hai huyền thoại. Giấu được quân, giấu được binh khí, khí tài, xe cộ là ba huyền thoại. Chỉ còn một huyền thoại nữa là chờ các đồng chí bắn rơi B-52 trên đất lửa!
Tại đây, Tư lệnh được tận mắt nhìn thấy hàng ngàn bộ đội, thanh niên xung phong, nhân dân Đặc khu Vĩnh Linh vào rừng cách xa hàng chục kilômét chặt cây đem về ngụy trang trận địa cao xạ, tên lửa.
Mảnh đất miền Trung nắng nóng như ngồi trong chảo lửa, một ngày phải thay bốn, năm lần ngụy trang. Ngày nọ tiếp ngày kia như vậy, đủ biết bộ đội TLPK phát được sóng bắn rơi B-52 sau này công phu biết nhường nào!--PageBreak--
Chiến đấu trên mảnh đất nhỏ hẹp, sự khống chế của các loại hỏa lực của địch gây cho ta biết bao khó khăn. Quân địch luôn luôn thay đổi trang bị, vũ khí. Chúng thường sử dụng một máy bay từ xa lượn vòng chiếu lade để nhiều chiếc khác tiếp cận phóng tên lửa. Chiến sĩ ta chưa phát hiện máy bay địch, tên lửa đã nổ giữa mục tiêu.
Trước khi bắn rơi B-52 của Mỹ, trung đoàn có gần 2.000 cán bộ, chiến sĩ mà thương vong trên 500 người. Trung đoàn trưởng Nguyễn Văn Hội cũng bị thương.
Cùng lúc đó, các tiểu đoàn hỏa lực 81, 83 bị trúng bom và tên lửa. Tiểu đoàn 82 trên đường hành tiến cũng bị địch đánh thiệt hại nặng. Tiểu đoàn 5 lắp ráp tên lửa bị oanh kích, 15 quả tên lửa biến thành khói bụi. Chỉ huy, chiến sĩ Tiểu đoàn 84 cũng bị thương vong, khí tài bị đánh hỏng. Như vậy 4 tiểu đoàn hỏa lực đều bị thiệt hại.
Trung đoàn buộc phải dồn quân số, vũ khí, khí tài thành một bộ hoàn chỉnh đưa về Tiểu đoàn 84 để đáp ứng với nhiệm vụ, đồng thời điều động tiểu đoàn trưởng Nguyễn Đình Phiên cùng sĩ quan điều khiển Lê Hỷ thuộc Tiểu đoàn 82 và một số đồng chí khác của Tiểu đoàn 81 bổ sung cho Tiểu đoàn 84.
Như vậy, cơ quan chỉ huy, thực hành chiến đấu có Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Đình Phiên, sĩ quan điều khiển Lê Hỷ, trắc thủ góc tà Phạm Viết Ngoạn, trắc thủ cự ly Nguyễn Văn Ngận, trắc thủ phương vị Trần Hồng Tính. Đây là những cán bộ, chiến sĩ sáng giá đã đánh nhiều trận, hạ nhiều máy bay Mỹ.
Tiểu đoàn bố trí trận địa T5 ở Nông trường Quyết Thắng, Vĩnh Linh, T5 ở địa hình rừng núi lại gần biển, nên việc bố trí đội hình chiến đấu cũng rất khó khăn. Tên lửa chỉ bố trí được 50% cơ số đạn. Từ bộ phận chỉ huy, khí tài điều khiển đến trận địa hỏa lực cũng cách nhau hàng trăm mét.
15h30’ ngày 17/9/1967, Bộ Tư lệnh B5 thông báo cho trung đoàn - có tín hiệu B-52 bay vào đánh phá khu vực Vĩnh Linh. Tiểu đoàn được lệnh chuyển cấp.
Theo lệnh của Tiểu đoàn trưởng, sĩ quan điều khiển truyền lệnh cho các xe khí tài mở máy kiểm tra.
Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Đình Phiên ngồi trước màn hiệu sóng (viko) đưa từ rađa nhìn vòng P12 sang xe chỉ huy, điều khiển. 3 trắc thủ góc tà, cự ly, phương vị sẵn sàng ở tư thế chiến đấu.
Rađa nhìn vòng báo, hướng tây nam có nhiễu mạnh. Tiểu đoàn trưởng ra lệnh cho sĩ quan điều khiển hạ cao áp, mở ăngten thu nhiễu. Sau khi kiểm tra, Lê Hỷ khẳng định ngay là nhiễu của B-52. Trên mặt hiện sóng của các trắc thủ góc tà, phương vị, cự ly, cũng hiện lên những giải nhiễu đậm.
Rađa nhìn vòng lúc này báo sang - có tín hiệu B-52 vào cự ly Y, phương vị X độ cao H km.
- Sục sạo mục tiêu phương vị X, cự ly Y, độ cao H km - tiếng Tiểu đoàn trưởng vang trong cabin. Các trắc thủ lúc này cũng đồng loạt báo cáo “nhiễu B52”.
Lê Hỷ ra lệnh cho các trắc thủ: Kiểm tra mục tiêu.
- Mục tiêu vào đến cự ly Y km. Tiểu đoàn trưởng ra lệnh:
- Tiêu diệt B-52! Điều khiển đón B góc! Ngòi nổ vô tuyến! Cự ly phóng Y km! 2 quả đạn! Gián cách...!
- Mặt đất rung chuyển! Hai con rồng lửa nối đuôi nhau vọt lên không trung. Trên màn viko hiện lên hai chấm sáng. Các trắc thủ, sĩ quan điều khiển đồng thanh reo to:
- Hai đạn, điều khiển tốt!
- Ánh chớp lóe lên trên mặt hiện sóng. Quả đạn thứ nhất, nổ! Quả đạn thứ hai, nổ! Mục tiêu tan ra như những hạt cát, lấp lóe, lả tả trên màn hiện sóng.
- Cùng lúc, đài quan sát mặt trận thông báo: “B-52 bốc cháy, lao xuống biển!”. Lúc đó là 17h5’.
Nửa tiếng sau, các chiến sĩ Cồn Cỏ báo cáo với Ban chỉ huy Đặc khu Vĩnh Linh là họ nhìn rất rõ chiếc B-52 bốc cháy ngùn ngụt, đâm rầm xuống biển làm dựng lên một cột nước khổng lồ.
- 1h đêm hôm đó (18/9/1967), Phó tổng tham mưu trưởng Phùng Thế Tài sau khi kiểm tra chính xác B-52 bị TLPK bắn rơi trên vùng trời Vĩnh Linh, mừng quá, quên cả những quy tắc, gìn giữ sức khỏe của Bác, đã cầm ống nói báo cáo với Bác. Ông vừa: "Thưa Bác...", thì Bác đã ngắt lời, nhỏ nhẹ:
- Chú Tài hả! Đã bắn rơi B-52! Phải không?
Và, cũng chỉ hai ngày sau (ngày 20/9/1967) Bác gửi điện khen. Nội dung điện có đoạn: “Bác rất vui mừng được tin ngày 17/9/1967 Vĩnh Linh lập công xuất sắc, lần đầu tiên bắn rơi máy bay B52 của giặc Mỹ. Thay mặt Trung ương Đảng và Chính phủ, Bác đặc biệt gửi lời khen đồng bào, cán bộ, chiến sĩ Vĩnh Linh đã đánh giỏi, bắn trúng, chiến thắng vẻ vang. Vĩnh Linh thật xứng đáng là tiền tuyến anh hùng của miền Bắc XHCN”.
Tiểu đoàn 84 Trung đoàn 238 cũng được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Quân công hạng Nhì, phần thưởng cao nhất của các đơn vị thời đó.
Bác Hồ thăm bộ đội Tên lửa, trước ngày đơn vị ra quân đánh thắng trận đầu, bắn rơi máy bay Mỹ (26/8/1965). |
40 năm đã qua, kể từ ngày TLPK khu vực Vĩnh Lĩnh bắn rơi chiếc B-52 đầu tiên trên miền Bắc, các chiến sĩ, bộ đội TLPK đã vượt qua mọi hy sinh, gian khổ thực hiện lời dạy của Bác Hồ: “Muốn bắt cọp, phải vào hang cọp”.
Từ lời dạy của Bác, Bộ đội TLPK đã liên tiếp bắn rơi B-52, lập nên chiến công hào hùng 12 ngày đêm Điện Biên Phủ trên bầu trời Hà Nội, tạo nên bước ngoặt quan trọng để quân và dân ta kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Hiện nay trong 42 danh mục di tích lịch sử, văn hóa của tỉnh Quảng Trị, mà Ủy ban nhân dân tỉnh dự kiến đề nghị Chính phủ và Bộ Văn hóa Thể thao - Du lịch công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia như: địa đạo Vĩnh Linh, cầu Hiền Lương, cột cờ bên sông Bến Hải là trận địa TLPK T5, Nông trường Quyết Thắng, xã Vĩnh Khê, huyện Vĩnh Linh, trận địa đã bắn rơi chiếc B52 đầu tiên trên miền Bắc.
(Theo lời kể của Đại tá Nguyễn Văn Hội, nguyên Trung đoàn trưởng Trung đoàn Tên lửa 238)