Chiến công của đơn vị tình báo T65 (tiếp theo và hết)

Chủ Nhật, 25/04/2010, 15:43
Thực hiện chỉ đạo của Khu ủy, đơn vị T65 đã khẩn trương tập trung tiến hành rà soát lại mạng lưới của LLBM và đưa cán bộ về vùng giáp ranh để nghiên cứu tình hình, móc nối gây dựng lại cơ sở để thâm nhập vào thành phố, thị xã hoạt động bí mật lâu dài. Thời gian này, cuộc sống gặp nhiều khó khăn do thiếu đói,  bệnh tật, nhưng cán bộ T65 luôn đoàn kết, thương yêu đùm bọc lẫn nhau và tìm mọi biện pháp để chống đói đảm bảo hậu cần phục vụ công tác chiến đấu lâu dài...

Công tác thu tin, nắm tình hình của T65 luôn đảm bảo chất lượng, hiệu quả. Phần lớn các tin, tài liệu là do LLBM cung cấp, nên tính chính xác, độ tin cậy và giá trị sử dụng rất cao. Nổi bật là: Tin, tài liệu về toàn bộ âm mưu, tổ chức, phương thức hoạt động của Đài Cờ Đỏ, giả danh tiếng nói của những người Cộng sản để tuyên truyền xuyên tạc phá hoại nội bộ ta; về âm mưu, phương thức, tổ chức, hoạt động, những tên cầm đầu đảng Đại Việt, âm mưu dựa vào thế lực CIA để tiếm quyền ở miền Nam và ý đồ của Mỹ sử dụng Đại Việt trong chương trình bình định nông thôn; tình hình và âm mưu, phương thức, thủ đoạn hoạt động chống phá cách mạng của CIA và ngụy quyền Sài Gòn; tình hình diễn biến lực lượng quân sự Mỹ, chư hầu, ngụy Sài Gòn tại các vùng chiến thuật miền Nam (nhất là Vùng I chiến thuật), các căn cứ quân sự, kho tàng quan trọng ở Phú Bài, Đồng Lâm, Ái Tử, La Vang. Âm mưu, tổ chức hoạt động chiến tranh tâm lý, chiêu hồi; phát hiện một số tên đầu hàng, phản bội, một số tên do địch cài vào nội bộ ta; tin khẳng định Mỹ - ngụy tăng cường lực lượng quân sự là nhằm củng cố phòng tuyến đường 9, Khe Sanh chứ không phải phục vụ tấn công ra Khu IV - miền Bắc; âm mưu Mỹ - ngụy cải tổ lực lượng Cảnh sát quốc gia thành 4 khối, trong đó đặc biệt chú ý cảnh sát đặc biệt và cảnh sát dã chiến để phục vụ cho chương trình bình định nông thôn; phát hiện sớm nhiều cuộc càn quét và kế hoạch bình định nông thôn, kế hoạch "Phượng hoàng" để ta chủ động đối phó; thu thập một số loại vũ khí mới của Mỹ đưa vào miền Nam, một số bản thiết kế xây dựng căn cứ không quân, hải quân của Mỹ - ngụy ở miền Nam.

Tin, tài liệu thu được trong giai đoạn này đã đáp ứng nhiều yêu cầu của lãnh đạo Bộ Công an về nắm tình hình địch  ở miền Nam và phục vụ đắc lực sự chỉ đạo của Khu ủy Trị - Thiên - Huế đối với việc phát triển, xây dựng phong trào cách mạng địa phương và giúp Bộ Tư lệnh Quân khu tổ chức đánh địch giành thắng lợi trên chiến trường Trị - Thiên - Huế.

Trong Chiến dịch mùa khô 1967, ta giành thắng lợi lớn trên chiến trường, đưa phong trào cách mạng miền Nam nói chung, Trị - Thiên - Huế nói riêng phát triển mạnh mẽ. Trước bước phát triển mới của tình hình, ngày 29-9-1967, đồng chí Bộ trưởng chỉ thị điều động đồng chí Phan Xu - Tổ trưởng T65 ra miền Bắc báo cáo tình hình, nhận nhiệm vụ mới và kết hợp bồi dưỡng chính trị, nghiệp vụ. Do tình hình chiến trường diễn biến nhanh chóng, đồng chí Phan Xu được lệnh khẩn cấp trở lại địa bàn Trị - Thiên - Huế. Trước khi lên đường trở lại chiến trường, đồng chí Phan Xu được đồng chí Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn gặp gỡ động viên và giao nhiệm vụ cụ thể.

Quán triệt chỉ thị của đồng chí Bộ trưởng, lãnh đạo T65 đã khẩn trương vạch kế hoạch phục vụ Tổng tấn công và nổi dậy dịp tết Mậu Thân 1968. T65 đã chủ động cử cán bộ vào An toàn Khu để nắm chủ trương của Khu ủy, phối hợp với an ninh địa phương triển khai 3 mũi trinh sát thâm nhập sâu vào thị xã Đông Hà - Quảng Trị và áp sát phía bắc và nam thành phố Huế. Trước và trong suốt thời gian tổng tấn công và nổi dậy, T65 đã đảm bảo bí mật, an toàn tất cả mạng lưới bí mật và phát hiện được một số đầu mối mới. Đặc biệt, T65 đã phối hợp với An ninh Trị - Thiên - Huế tiêu diệt nhiều tên sĩ quan ác ôn địch chạy trốn, bắt khai thác nhiều tên tình báo Mỹ - ngụy và thu được nhiều tài liệu quan trọng của địch.

Trong điều kiện vô cùng khó khăn, gian khổ, bị địch kiểm soát gắt gao, T65 đã khắc phục và thực hiện tốt chỉ thị của lãnh đạo Bộ về tiếp nhận quản lý, khai thác tù binh và tài liệu địch. T65 đã tranh thủ được sự giúp đỡ tận tình của An ninh Khu để tổ chức tốt 2 đợt khai thác tại chỗ trong vòng 3 tháng liền, qua đó thu được nhiều tin, tài liệu quan trọng, nhất là tin về hệ thống tổ chức, phương thức hoạt động, mạng lưới cộng tác viên của CIA ở Sài Gòn và các vùng chiến thuật ngụy ở miền Nam, mâu thuẫn giữa CIA và DIA (Cơ quan Tình báo quân sự Mỹ) để đánh giá tình hình và cách thức chống Cộng, kết luận của CIA về thất bại của kế hoạch tung gián điệp, biệt kích ra miền Bắc và sự chuyển hướng của chúng tập trung khai thác số cán bộ, bộ đội ta bị chúng bắt rồi đánh trả lại miền Bắc, về các đảng phái phản động có thế lực mạnh ở miền Nam. Sau khi khai thác sơ bộ, T65 đã tổ chức đưa nhiều tù binh Mỹ - ngụy và hồ sơ tài liệu của địch ra Hà Nội an toàn.

Cán bộ, chiến sĩ Công an miền Bắc lên đường làm nhiệm vụ chi viện cho an ninh miền Nam, năm 1968.

Sau Tổng tiến công và nổi dậy tết Mậu Thân 1968, ta và địch đều chủ trương lấy hoạt động quân sự là chủ yếu để giải quyết cục diện chiến trường Trị - Thiên - Huế.

Về phía địch, Mỹ - ngụy tiếp tục dùng lực lượng quân sự phản công quyết liệt làm cho cách mạng miền Nam nói chung và Trị - Thiên - Huế nói riêng gặp nhiều khó khăn, tổn thất lớn, lúc này là đường dây liên lạc từ Trị - Thiên - Huế vào Sài Gòn và ra  miền Bắc đều bị cắt đứt. Cũng như một số lực lượng khác, Lực lượng An ninh Trị - Thiên - Huế bị tổn thất nặng nề. Trước tình hình đó, Trung ương Đảng chỉ đạo Khu ủy Trị - Thiên - Huế phải nhanh chóng khôi phục, phát triển phong trào cách mạng Trị - Thiên - Huế.

Nhằm tăng cường lực lượng cho an ninh địa phương, ngày 29/8/1968, Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn quyết định bàn giao T65 cho An ninh Trị - Thiên - Huế trực tiếp quản lý chỉ đạo, Bộ chỉ đạo hướng dẫn về mặt nghiệp vụ. Tháng 9/1969, Hội nghị An ninh Trị - Thiên - Huế ra chỉ thị cho các lực lượng an ninh điệp báo, trong đó có T65 "phải đưa dần cán bộ về vùng giáp ranh, xây dựng lại bàn đạp, móc nối cơ sở, xây dựng lực lượng bí mật, gây dựng lại phong trào giải quyết thiếu đói".

Thực hiện chỉ đạo của Khu ủy, đơn vị T65 đã khẩn trương tập trung tiến hành rà soát lại mạng lưới của LLBM và đưa cán bộ về vùng giáp ranh để nghiên cứu tình hình, móc nối gây dựng lại cơ sở để thâm nhập vào thành phố, thị xã hoạt động bí mật lâu dài. Thời gian này, cuộc sống gặp nhiều khó khăn do thiếu đói,  bệnh tật, nhưng cán bộ T65 luôn đoàn kết, thương yêu đùm bọc lẫn nhau và tìm mọi biện pháp để chống đói đảm bảo hậu cần phục vụ công tác chiến đấu lâu dài. --PageBreak--

Về công tác, mặc dù địch càn quét truy lùng ráo riết nhưng cán bộ, chiến sĩ T65 không hề nao núng tinh thần, quyết tâm bám sát địa bàn và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Có đồng chí bị địch bắt nhưng kiên quyết không khai báo, đầu hàng giặc. Có đồng chí trên đường công tác bị địch phục kích đã kiên cường đánh trả tới giọt máu cuối cùng để bảo vệ đồng đội, bảo vệ tài liệu không bị rơi vào tay giặc. Những tấm gương chiến đấu hy sinh anh dũng đã để lại những ấn tượng sâu sắc trong lòng đồng đội, nhân dân, cán bộ địa phương.

Khi T65 được bàn giao cho An ninh Trị - Thiên - Huế, mặc dù lực lượng của đơn vị còn lại rất mỏng do Bộ điều động một số cán bộ trinh sát và giao thông đi công tác khác và một số đồng chí được đưa ra Bắc chữa bệnh và đào tạo nghiệp vụ, nhưng với nỗ lực cố gắng rất cao, T65 đã tích cực triển khai các mặt công tác điều tra, nghiên cứu tình hình địch, củng cố mạng lưới bí mật và đường dây giao thông liên lạc đã bị đứt trong tổng tiến công. Đây là bước chuẩn bị cho một giai đoạn đấu tranh mới và tạo tiền đề phát triển về sau.

Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, từ tháng 8/1968 đến 1/1973, T65 được An ninh Trị - Thiên  - Huế giao nhiệm vụ vừa trực tiếp làm công tác điệp báo vừa hướng dẫn nghiệp vụ điệp báo cho an ninh địa phương, nghiên cứu khai thác hồ sơ địch, tham gia công tác phản gián và chịu trách nhiệm về công tác địch tình của Khu ủy. T65 do một đồng chí Phó ban An ninh Khu trực tiếp phụ trách. Hồ sơ nghiệp vụ của T65 do tổ Điệp báo An ninh Khu quản lý. T65 trực tiếp báo cáo kết quả công tác và xin ý kiến chỉ đạo của đồng chí Phó ban An ninh Khu, đồng thời cũng gửi báo cáo cho Bộ (Cục Sưu tập K49) bằng điện đài và giao liên. Địa bàn hoạt động của T65 lúc này chuyển từ phía bắc Quảng Trị vào phía nam Thừa Thiên (giáp Quảng Nam) là chủ yếu.

Được sự quan tâm chỉ đạo của An ninh Trị - Thiên - Huế và với sự nỗ lực quyết tâm cố gắng rất cao của cán bộ, chiến sĩ, T65 đã từng bước củng cố tăng cường tổ chức, đào tạo huấn luyện cán bộ mới được bổ sung, nghiên cứu địa bàn hoạt động, rà soát, đánh giá lại mạng lưới, tổ chức lại các tuyến giao thông liên lạc và xây dựng hậu cứ tại Km số 3 núi Bạch Mã (Phú Lộc) hoạt động cho đến ngày giải phóng. Tổ chức chắp liên lạc và chỉ đạo các cơ sở bí mật... cung cấp một số tin quan trọng về tình hình lực lượng, hệ thống bố phòng hậu cần của Bộ Tư lệnh Vùng I chiến thuật, tình hình Phật giáo Ấn Quang, tình hình và tổ chức của cảnh sát phục vụ bình định nông thôn, báo trước các cuộc hành quân của địch xuống các xã, sự phát triển của các tổ chức đảng phái phản động chuẩn bị giải pháp chính trị ở miền Nam, danh sách những tên cầm đầu ngụy quân, ngụy quyền, cảnh sát đặc biệt, an ninh quốc gia. Đặc biệt đã thu được nhiều tin chính xác về tình hình bố phòng, lực lượng địch tại Vùng I chiến thuật, nhất là những tin phục vụ trực tiếp Bộ chỉ huy quân sự ta chủ động kế hoạch đối phó giành chiến thắng trong Chiến dịch Đường 9 - Nam Lào.

Từ ngày 28/1/1973 đến 30/4/1975 là thời kỳ T65 tăng cường lực lượng, mở rộng địa bàn  hoạt động và phát triển mạng lưới cơ sở bí mật, chỉ đạo công tác thu tin phục vụ chủ trương chủ động tấn công địch, giành lại vùng bị địch lấn chiếm, giành dân, phát triển lực lượng cách mạng, chuẩn bị sẵn sàng tổng tấn công giải phóng hoàn toàn miền Nam.

Sau Hiệp định Paris 1973, địch tăng cường các hoạt động quân sự lấn chiếm các vùng tranh chấp, mở rộng vùng chúng kiểm soát ở nông thôn, đồng bằng và thành thị, gây cho ta rất nhiều khó khăn. Thực hiện Chỉ thị 21 của Trung ương về tấn công địch giành lại đất, giành lại dân, trong tháng 4 và tháng 5/1974, Khu ủy Trị - Thiên  - Huế đã tổ chức hai hội nghị quan trọng về chống bình định nông thôn của địch, nhằm đánh giá tình hình địch ta và bàn các biện pháp tấn công địch, mở rộng vùng giải phóng.

Trong thời điểm này, T65 tập trung thực hiện các nhiệm vụ công tác trọng tâm là thu tin, nắm tình hình địch phục vụ quân dân địa phương tấn công tiêu diệt trong chiến dịch giải phóng Trị - Thiên - Huế. Ngoài ra, T65 còn có nhiệm vụ phối hợp với lực lượng vũ trang và du kích địa phương đấu tranh chống  địch lấn chiếm, phá vỡ kế hoạch bình định nông thôn, phối hợp với an ninh địa phương, tổ chức các trận đánh tiêu diệt địch.

Nhờ tổ chức tốt công tác mạng lưới bí mật, T65 đã thu được nhiều tin, tài liệu rất quan trọng và có giá trị như phản ứng của Thiệu, phản ứng của địch và dư luận các tầng lớp quần chúng về Hiệp định Paris trước và sau khi ký; kế hoạch đánh phá Hà Nội bằng B52 thất bại buộc Mỹ phải ký Hiệp định Paris, khả năng ngụy không thi hành Hiệp định Paris và chuẩn bị chiến tranh lâu dài, báo cáo trước tin về "kế hoạch  tràn ngập lãnh thổ", lấn chiếm vùng tranh chấp, vùng giải phóng khi có lệnh ngừng bắn; tin Thiệu sử dụng bọn phản động người Bắc di cư vào Nam đánh phá phái đoàn Liên hiệp đình chiến tại Cồn Hến (Huế), các kế hoạch "bình định nông thôn", "cộng đồng tái thiết", "cộng đồng tự vệ", tình hình phát triển của các đảng phái phản động ở miền Nam, âm mưu ý đồ của những người cầm đầu các phái Phật giáo ở miền Nam đối với cả hai phía. Đặc biệt, T65 cũng đã thu được nhiều tin nhận định khả năng Mỹ không thể đem quân trở lại Việt Nam ngay cả trong trường hợp chế độ Thiệu sụp đổ.

Tin về việc CIA và Phủ Đặc ủy Trung ương tình báo ngụy tiến hành nghiên cứu, tuyển chọn cán bộ, bộ đội của ta bị bắt hoặc đầu hàng ở chiến trường miền Nam để đánh trả lại ta, làm sơ sở giúp Bộ Công an tổng kết và chỉ đạo công an các tỉnh miền Bắc, tập trung đấu tranh làm thất bại phương thức này của địch.

Ghi nhận những chiến công và thành tích xuất sắc T65 đã đạt được trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, nhân dịp kỷ niệm lần thứ 55, Ngày truyền thống của Lực lượng Tình báo CAND, Đảng, Nhà nước đã tặng thưởng cho tập thể đơn vị T65 danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân và 2 cá nhân của đơn vị được truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân đó là liệt sĩ Hoàng Kiềm và liệt sĩ Hoàng Thị Thí

N.Đ.C.
.
.