Chiến công thầm lặng của một nữ tình báo (kỳ cuối)

Thứ Bảy, 02/06/2007, 14:00
Tám Thảo đi thẳng lên gác, mở túi xách lấy ra hai xấp tài liệu đóng dấu “Top secret” trao cho Tư Cang, nói nhanh: “Trong lúc em xuống nhà ăn cơm, anh Tư phải giải quyết những tài liệu này ngay, để chiều đi làm, em đặt chúng trở lại đúng vị trí trong văn phòng”. Chỉ trong 15 phút, Tư Cang đã chụp xong tập tài liệu mật gồm 20 trang đánh máy.

Đời tình báo vinh quang và nghiệt ngã

Sau cuộc Tổng tiến công năm Mậu Thân, Tám Thảo vẫn tiếp tục đến làm việc tại Bộ Tư lệnh Hải quân - QĐSG. Cô đến văn phòng với túi thức ăn trên tay, với  "hảo ý" chia sẻ món ngon cho “đồng nghiệp”. Vì chút “hảo ý” này mà thủ trưởng Tư Cang nói mát mẻ: “Chà, cô thương tụi nó quá ha!”. Tám Thảo nén giận, cho thêm thức ăn vào túi, cố lấy giọng dịu dàng, nói: “Anh Tư đừng nói vậy. Không phải em thương tụi nó mà thương cho đường đi của anh đó”.

Quả là ít lâu sau, Tư Cang yêu cầu cô lấy tài liệu của địch về trận tấn công vào Sài Gòn - Gia Định. Những tài liệu đó của Bộ Tổng tham mưu QĐSG và tình báo Mỹ cô đã đọc rất kỹ, có thể kể nội dung để thủ trưởng ghi lại nhưng ông yêu cầu cô phải mang được tài liệu nguyên bản về căn cứ. Quả đó là một việc làm vô cùng khó khăn, đặc biệt sau Mậu Thân, địch sợ hãi, cảnh giác cao độ.

Nhân viên ở Phòng Tình báo và những người gác cổng vốn đã quen với hình ảnh tiểu thư Mỹ Nhung được sếp đích thân lái xe đưa về nhà, khi thì do sếp tiện đường, cùng cô đi dự chiêu đãi hoặc có khi cô tỏ vẻ mệt mỏi khiến sếp phải lo lắng.

Thế là trưa hôm ấy, chiếc xe mang biển số đặc biệt do viên thiếu tá Mỹ lái ung dung lăn bánh khỏi cánh cổng kiên cố của Bộ Tư lệnh Hải quân - QĐSG, bon nhanh trên đường, hướng về phía ngôi nhà 136B Gia Long. Cô đi thẳng lên gác, mở túi xách lấy ra hai xấp tài liệu đóng dấu “Top secret” trao cho Tư Cang, nói nhanh: “Trong lúc em xuống nhà ăn cơm, anh Tư phải giải quyết những tài liệu này ngay, để chiều đi làm, em đặt chúng trở lại đúng vị trí trong văn phòng”.

Chỉ trong 15 phút, Tư Cang đã chụp xong tập tài liệu mật gồm 20 trang đánh máy. Tài liệu ấy cùng những tin tức tổng hợp được từ nhiều phía về Mậu Thân được Tư Cang ngụy trang trong những gói nem chuyển về cấp trên.

Nhờ thái độ thân thiện, sẵn sàng chia sẻ của Tám Thảo trong “sở làm” mà cô chiếm được cảm tình, lòng tin của nhiều sĩ quan, binh lính.  Cũng nhờ viên sĩ quan Phòng Tác chiến có mối cảm tình đặc biệt dành cho Tám Thảo mà cô thường xuyên biết được hoạt động ở bộ phận này.

Một hôm, cô vô tình lắng nghe một tin quan trọng qua câu chuyện phiếm giữa các sĩ quan trong Phòng Tác chiến: “Thằng X phen này chết chắc. Nó làm kinh tài cho V.C mà chui được vào Bộ Tư lệnh Hải quân thì vừa gan, vừa giỏi. Tình báo vừa phát hiện. Lẽ ra nó bị bắt khẩn cấp nhưng nó đang nghỉ phép. Thứ hai này,  nó sẽ dẫn xác vào cơ quan. Thế là hết, thật êm!”.

Ngay sau buổi tan sở, Tám Thảo vội vàng báo tin khẩn cấp này cho Tư Cang. Vị sĩ quan X ấy nhanh chóng được cơ sở đưa về chiến khu. Sáng thứ hai, tình báo Mỹ đã giăng bẫy sẵn nhưng vị sĩ quan X bặt tăm hơi.

Cũng nhiều lần Tám Thảo bị nghi ngờ là V.C nhưng vẻ đẹp và “hoàn cảnh gia đình khá giả” đã cứu cô.

Để giữ phong cách “con gái nhà giàu”, vừa có thời gian bắt liên lạc, tin tức với cơ quan tình báo từ chiến khu, Tám Thảo từ chối đi làm ngoài giờ, dù tiền trả cho “over-time” rất cao. Một hôm, một  trung tá tình báo Việt Nam cộng hòa tiết lộ: “Thằng Morse khó chơi lắm. Nó nghi Mỹ Nhung là V.C. Tôi nói, nếu cô ta là V.C thì tất cả ở đây là V.C. Mỹ Nhung đi làm là để học thêm tiếng Anh và khoe sắc đẹp mà thôi. Cô ta là con một tư sản, đâu cần những đồng lương quèn người Mỹ trả cho cô ta!”.

Làm việc với cái thằng “mốc xì” đó tức chết được. Ai nó cũng nghi là V.C. Em đừng chơi với nó nữa!”. Tám Thảo bật cười khi nhớ lại tính đa nghi của Morse. Một lần, có người ở Phòng Tác chiến tặng cho anh ta một túi cam.  Morse tỏ vẻ lịch sự, nói lời cám ơn nhưng khi người ấy vừa bước ra khỏi phòng, Morse ném túi cam vào sọt rác. Cô mở to mắt nhìn hắn, bình thản lượm túi cam lên, trách:  Cam ngon lắm, không phải lựu đạn V.C đâu”.

Rồi cô chọn những trái ngon nhất cắt ra, mời hắn: “Thật tuyệt vời, sếp nếm thử xem. Ngọt lắm, cam thật mà!”. Morse khỏa lấp: “Phòng xa vẫn tốt hơn. Hôm trước cô vừa dịch cho tôi một báo cáo về cách ngụy trang tài liệu, thuốc nổ cực kỳ tinh vi, khéo léo của V.C trong những loại hoa quả xứ nhiệt đới này, phải không?”.

Tám Thảo hiểu tâm trạng của Morse. Anh ta mới sang Việt Nam. Cái gì anh ta cũng hoài nghi, cũng sợ, nhất là sau sự kiện Mậu Thân 1968. Nhưng với phong cách tự nhiên, thân thiện của Tám Thảo, Morse dần dần xóa đi sự hoài nghi với cô.

Khi nghe tin Bác Hồ mất, cô mặc bộ quần áo dài trắng để tang Bác Hồ hàng tháng liền. Dave - tên thiếu tá mới từ Mỹ đến Sài Gòn, thay Morse, hỏi: “Sao gần đây tôi thấy cô chỉ mặc toàn áo dài trắng?”. Tám Thảo trầm tĩnh nói: “Nhà tôi bán tơ lụa. Mẹ tôi may cho tôi hàng trăm chiếc áo dài. Tôi muốn thử hết tất cả chiếc áo dài màu trắng trước khi chuyển qua màu khác”. Dave thán phục: “Ồ, cô thật sành điệu!”.

Một buổi sáng, Tám Thảo đến từ giã Dave:

- Tôi xin tạm biệt ông trong một tuần để đi du lịch Hồng Công. Thú thực với ông, tôi thấy căng thẳng quá!

Dave trố mắt nhìn cô, sực nhớ ra điều gì:

- Tôi xin lỗi, lẽ ra tôi phải khuyến khích cô có những kỳ nghỉ thú vị. Rất tiếc, tôi vướng vào một công việc quan trọng, không thể đi cùng cô. Chúc cô có một kỳ nghỉ tuyệt vời.

Ngay ngày hôm đó, Cục Tình báo Miền đã tổ chức sắp xếp đưa Tám Thảo vào chiến khu. Đó là năm 1970.

Được sống giữa đồng đội, Tám Thảo nhanh chóng thích nghi những khó khăn vùng căn cứ.

Sau giải phóng, Tám Thảo là Phó chủ tịch phụ trách công tác tổ chức Trung tâm Nghiên cứu dịch thuật TP HCM. Cô là trung tâm đoàn kết cho hàng ngàn trí thức từ nhiều nguồn hội tụ về thành phố. Với vẻ đẹp dịu dàng, với lòng nhiệt tình, chân thành và chia sẻ, cô góp phần thuyết phục, giữ chân nhiều nhân tài cho đất nước trước làn sóng xuất cảnh dâng cao.

Cô lấy sinh mạng chính trị của mình bảo lãnh cho nhiều sĩ quan, công chức chính quyền Sài Gòn còn bị “quản chế sau cải tạo” vì  tiếc tài năng và hiểu nỗi khao khát được làm việc, được cống hiến sức lực của họ. Sau chiến tranh, với tà áo dài, Tám Thảo lại đứng trên bục giảng, lặn lội thành lập các trung tâm ngoại ngữ, nhằm đáp ứng nhu cầu học ngoại ngữ cho một thành phố lớn.

Một ngày cuối năm 2006, gặp nữ chiến sĩ tình báo Tám Thảo ở ngôi nhà riêng xinh xắn tại con hẻm đường Nguyễn Trọng Tuyển, tôi say sưa nghe cô kể về những năm tháng hoạt động tình báo. Tôi hỏi cô ấn tượng sâu sắc về những người Mỹ trong Bộ Tư lệnh Hải quân - QĐSG.

Cô nói: “Người Mỹ rất cảnh giác, rất khoa học trong sắp xếp  công việc”. “Cô có bí quyết gì để hoàn thành vai trò khó khăn của mình”. “Làm tình báo là một nghệ thuật. Mình làm nhiệm vụ nhưng đừng nghĩ mình đang làm một việc nặng nề, quan trọng, có nghĩa là phải biết “bình thường hóa” công việc mình đang được giao. Một khi sự sợ hãi lấn át mọi giác quan thì còn tâm trí đâu để đối phó, để hoạt động. Có lẽ nữ tính đã giúp tôi rất nhiều trong công tác. Dễ gần gũi mà không lẳng lơ, tạo được sự hấp dẫn mà giữ khoảng cách mới là điều khó khăn, cần có bản lĩnh giữa một môi trường thật dễ dàng bị cám dỗ. Bình tĩnh, thân thiện, chia sẻ, chân thành; tôi đã tạo được niềm tin...”.

Chắc hẳn, những chuyện tôi kể cho cháu nghe chỉ là một phần nhỏ trong cuộc đời tình báo. Vinh quang lớn nhất là hoàn thành nhiệm vụ. Còn nghiệt ngã của nghề là phải biết chấp nhận hy sinh mà không được hỏi tại sao. Anh Phạm Xuân Ẩn, người anh, người đồng chí của tôi mãi đến sau này mới được Nhà nước phong Anh hùng nhưng với tôi, với những hy sinh thầm lặng của anh ấy và cả gia đình, anh đã là một anh hùng khi tôi biết anh. Mỹ Linh - em gái kế của tôi vì nhiệm vụ cách mạng, sẵn sàng từ bỏ cuộc sống nhung lụa, vào chiến khu công tác ở Đơn vị tình báo Miền. Do áp lực công việc, trực máy theo dõi thông tin trận càn Giônxơn City của địch mà bị sẩy thai. Nhưng cô ấy vẫn vượt qua những mất mát riêng tư, lặng lẽ với vai trò người lính ngành tình báo. Bản thân tôi, vì ý thức vai trò người lính mà tôi đã nhiều lần cắn răng hy sinh hạnh phúc riêng tư. Là phụ nữ, trận chiến lớn nhất là vượt qua sự mềm yếu của chính trái tim mình...

Nói về thủ trưởng của mình - Anh hùng LLVT Nguyễn Văn Tàu, tức Tư Cang, cô Tám Thảo luôn dành một thái độ trân trọng. Hoạt động bên nhau một thời gian, Tám Thảo mới biết thủ trưởng đã có vợ. 

Vợ anh cũng là một hộp thư sống của cụm tình báo, cô Tám Thảo lặng lẽ giúp chúng tôi hoạt động. Qua quá trình công tác, chị Tư rất tin chồng và hiểu tôi. Sau ngày hòa bình, chúng tôi xem nhau như người một nhà. Những ngày nghỉ, anh Tư lái xe Jeep về Long Đất, thăm quê anh. Chị Tư ngồi một bên, tôi một bên. Lòng chúng tôi dạt dào hạnh phúc, cảm nhận cái giá quá lớn của hòa bình. Tám Thảo ngậm ngùi kể về chuyện tình của mình.

Chồng cô là một sĩ quan quân đội thời chống Pháp. Vì yêu ông mà cô đã kiên trì chờ đợi. Đất nước bị chiến tranh chia cắt, mối tình hai người cũng  phân ly hai miền đất nước. Người ấy tập kết ra Bắc. Cô vì nhận nhiệm vụ mới phải ở lại, bám Sài Gòn hoạt động.

Người ấy sau này lấy vợ,  bản tình ca đành dang dở. Mấy mươi năm đã trôi qua mà cô vẫn nhớ mãi chiếc áo len mà cô thức suốt đêm đan tặng người chiến sĩ, khi anh vào bộ đội năm nào. Chiếc áo ấy, trong đáy lòng, ông xem như một báu vật.

Khi kết hôn, cô Tám Thảo đã gần 40 tuổi, lại sống trong chiến khu, không dễ dàng có được cơ hội làm mẹ. Cô có những đứa con nuôi nhưng vẫn sống một mình trong ngôi nhà tại con hẻm đường Nguyễn Trọng Tuyển...  Trong đôi mắt cô, lấp lánh niềm lạc quan về một ngày mai tươi sáng...

Trầm Hương
.
.