Nguyễn Hữu Hạnh, người phổ biến nhật lệnh buông súng của Tổng thống Dương Văn Minh

Chiến công thầm lặng (kỳ cuối)

Chủ Nhật, 01/05/2016, 14:10
Tháng 4-1975, đồng chí Nguyễn Tấn Thành được giao nhiệm vụ truyền đạt yêu cầu cho Nguyễn Hữu Hạnh: Nếu Dương Văn Minh lên làm Tổng thống thì tìm cách nắm giữ quân đội, tác động Dương Văn Minh kết thúc cuộc chiến có lợi cho nhân dân.


Và với cương vị Phụ tá Tổng tham mưu trưởng quân lực VNCH, Nguyễn Hữu Hạnh đã có công rất lớn trong việc kêu gọi binh lính buông súng đầu hàng theo chỉ thị của Tổng thống Dương Văn Minh. Ông cũng chính là người ra lệnh không được phá cầu để quân Giải phóng tiến vào được thuận lợi và yêu cầu tướng Nguyễn Khoa Nam – Tư lệnh Quân đoàn 4 phải tuyệt đối nghe theo hiệu lệnh buông súng.

Ông còn cung cấp nhiều tin tức chiến lược quan trọng: Khi Phước Long thất thủ, ông thông báo không có quân tiếp viện; mặt trận Buôn Mê Thuật bị bỏ ngỏ, và khi bị thất thủ thì không có đơn vị nào ở lại hậu phương. Những thông tin ấy giúp cho quân Giải phóng quyết liệt hơn, tiến bước nhanh hơn.

Thời cơ cho sứ mạng

Ngày 1-4-1975, chiến dịch giải phóng Sài Gòn đã bắt đầu được chuẩn bị theo tư tưởng chỉ đạo “thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng” với tốc độ “một ngày bằng 20 năm”. 

Ngày 14-4-1975 Bộ Chính trị phê chuẩn đề nghị của bộ chỉ huy chiến dịch đặt tên chiến dịch giải phóng Sài Gòn – Gia Định là Chiến dịch Hồ Chí Minh, phương án được thông qua lần cuối. Ta huy động vào chiến dịch này một lực lượng lớn hơn bất cứ chiến dịch nào trước đây, bao gồm cả lực lượng vũ trang và chính trị. Tất cả đều hừng hực khí thế quyết chiến quyết thắng tiến về Sài Gòn.

Đại tướng Dương Văn Minh và Chuẩn tướng Nguyễn Hữu Hạnh trong ngày 30-4-1975. (Ảnh: Tư liệu).

Tính đến ngày 28-4-1975, ta đã tiêu diệt một bộ phận quan trọng quân địch trên tuyến phòng thủ vòng ngoài và siết chặt vòng vây chung quanh Sài Gòn. Sự thất bại của chế độ Việt Nam Cộng hòa được tính từng ngày.

Trước sự tấn công như vũ bão của quân Giải phóng, Tổng thống Mỹ ra lệnh di tản người Mỹ khỏi Sài Gòn trong vòng 24 tiếng đồng hồ. Trước đó, ngày 21-4-1975, Nguyễn Văn Thiệu đã phải từ chức Tổng thống, Phó Tổng thống Trần Văn Hương lên thay. Ông ta thề sẽ “cương quyết tử chiến, dù phải hy sinh đến nắm xương tàn”. Nhưng ngồi ghế Tổng thống chưa ấm chỗ, đúng một tuần sau,

do áp lực từ dân chúng, từ các tướng lĩnh và những thành phần tiến bộ, Trần Văn Hương bị bắt buộc phải từ chức, và người dự kiến được chọn để thay thế là đại tướng Dương Văn Minh.

Qua nhiều phiên điều đình và tranh cãi căng thẳng, ngày 28-4-1975, với số phiếu ủng hộ gần như tuyệt đối của lưỡng viện quốc hội Sài Gòn, đại tướng Dương Văn Minh chính thức nhận chức Tổng thống Việt Nam Cộng hòa. Nguyễn Văn Huyền được giữ chức Phó Tổng thống và Vũ Văn Mẫu là Thủ tướng. Buổi ra mắt nội các mới dự kiến diễn ra vào sáng 30-4-1975 tại dinh Độc Lập.

Nguyễn Hữu Hạnh lúc này đang ở Cần Thơ. Ông theo dõi sát sao tình hình chính trị tại Sài Gòn và sẵn sàng có mặt như yêu cầu của Trung ương Cục miền Nam. Với một quyết định kịp thời, sáng sớm ngày 28-4, Nguyễn Hữu Hạnh từ Cần Thơ lên Sài Gòn. Chặng đường chỉ dài trên 150 cây số nhưng ông phải đi mất 12 tiếng vì đường sá đi lại rất khó khăn, quang cảnh hỗn loạn.

Cũng may nhờ nhanh nhẹn và linh hoạt, Nguyễn Hữu Hạnh vượt qua được những trạm chốt dọc đường, tránh được tên bay đạn lạc và đến Sài Gòn an toàn. Sáng sớm hôm sau, lúc 6 giờ 30 ngày 29-4 ông đến trình diện Dương Văn Minh. Lúc này Tổng thống Dương Văn Minh vừa bổ nhiệm một loạt các chức vụ mới, trong đó Tổng Tham mưu trưởng quân đội được giao cho trung tướng Vĩnh Lộc thay thế Cao Văn Viên vừa đào tẩu ra nước ngoài.

Với sự có mặt kịp thời, chuẩn tướng Nguyễn Hữu Hạnh được giao chức Phụ tá Tổng Tham mưu trưởng. Cùng đợt bổ nhiệm này, luật sư Triệu Quốc Mạnh (người của ta hoạt động trong lòng địch) được giao chức Giám đốc Nha Cảnh sát đô thành. Như vậy, hai lực lượng quan trọng của chế độ Sài Gòn là quân đội và cảnh sát đều có người của ta nắm giữ.

15 giờ ngày 29-4-1975, được sự ủy quyền của trung tướng Vĩnh Lộc, chuẩn tướng Nguyễn Hữu Hạnh ngồi vào ghế chỉ huy Bộ Tổng tham mưu. Ông gọi điện đi các quân đoàn lúc này đang rất hỗn loạn đề nghị báo cáo tình hình. Sau khi nắm được những thông tin quan trọng, ông khéo léo thông báo cho các quân đoàn biết tình hình đang rất căng thẳng, nguy kịch, Sài Gòn nguy ngập từng giây từng phút. Mục đích của Nguyễn Hữu Hạnh làm cho tinh thần các tướng tá và binh lính suy sụp, dao động, mất phương hướng và không còn ý chí chiến đấu.

Khi tướng Lê Minh Đảo xin phép rút quân qua bên này sông Đồng Nai rồi phá cầu để cố thủ, Nguyễn Hữu Hạnh đồng ý cho rút quân nhưng ra lệnh không được phá cầu. Ông cũng chỉ thị chung cho tất cả các đơn vị khác không được phá cầu, tất cả phải có quyết định của Bộ Tổng tham mưu.

Ông phác thảo nhanh một bản báo cáo chi tiết theo hướng “mành chỉ treo chuông” để trình lên Tổng thống Dương Văn Minh. Lẽ ra tướng Vĩnh Lộc là người nắm tình hình quân đội và viết báo cáo, nhưng đầu óc ông ta không còn tâm trí lo chuyện quân sự. Tướng Vĩnh Lộc ủy quyền toàn bộ cho Nguyễn Hữu Hạnh, ông ta về nhà riêng thu xếp cho vợ con đi di tản.

Chỉ thị buông súng

Ngày 29-4-1975, Tổng thống Dương Văn Minh, Phó Tổng thống Nguyễn Văn Huyền và Thủ tướng Vũ Văn Mẫu bàn bạc và ra lệnh cho Giám đốc Nha Cảnh sát Đô thành Triệu Quốc Mạnh thả tù chính trị và tạm ngưng hoạt động của ngành cảnh sát ở các quận, huyện. Đến 16 giờ chiều, chỉ huy các ban và cảnh sát của 18 quận huyện của Sài Gòn tan rã hoàn toàn. Hành động này của Dương Văn Minh nhằm thể hiện sự mong muốn được thương lượng với Mặt trận Giải phóng.

Ông Nguyễn Hữu Hạnh (bìa trái) tại Hội nghị Mặt trận Tổ quốc tại TP. Hồ Chí Minh năm 1976. (Ảnh: Tư liệu).

6 giờ ngày 30-4-1975, chuẩn tướng Nguyễn Hữu Hạnh cùng trung tướng Nguyễn Hữu Có đến dinh Độc Lập báo cáo tình hình quân sự theo yêu cầu của Tổng thống Dương Văn Minh. Sau khi nghe tình hình quân sự đang ở thế cực kỳ bất lợi do Nguyễn Hữu Hạnh và Nguyễn Hữu Có báo cáo, Nội các Dương Văn Minh vội vã họp bàn để tìm ra quyết định kịp thời. Tuy nhiên, Phó Tổng thống Nguyễn Văn Huyền muốn chờ kết quả của phái đoàn thương thuyết.

Trước đó, lúc 3 giờ chiều 29-4-1975, một phái đoàn do luật sư Trần Ngọc Liễng dẫn đầu đã đến Trại David trong sân bay Tân Sơn Nhất để thông báo về chủ trương “không chống cự” của Dương Văn Minh và đề nghị một số vấn đề cần thương thuyết. Đến gần 8 giờ sáng 30 - 4, phái đoàn Trần Ngọc Liễng vẫn chưa về.

Trong khi ấy tình hình mỗi phút càng thêm nguy ngập nên cả Dương Văn Minh, Nguyễn Văn Huyền và Vũ Văn Mẫu thống nhất quyết định đơn phương tuyên bố bàn giao chính quyền lại cho Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Thủ tướng Vũ Văn Mẫu soạn lời tuyên bố, và lúc 9 giờ Tổng thống Dương Văn Minh đọc lời tuyên bố vào máy ghi âm...

Trong lúc Dương Văn Minh đọc lời tuyên bố để thâu băng, Nguyễn Hữu Hạnh điểm nhanh một loạt các tướng chỉ huy xem có thể có ai sẽ phản ứng với tuyên bố này? Trừ những tướng tá vừa mới bị bắt và đào nhiệm, số còn lại gần như tất cả đã mất hết tinh thần kháng cự. Chỉ còn có Nguyễn Khoa Nam, Tư lệnh Quân đoàn 4 và Quân khu 4 có thể vẫn quyết “tử thủ”. Nguyễn Hữu Hạnh liền gọi điện thoại xuống Quân đoàn 4 cho tướng Nguyễn Khoa Nam báo Tổng thống Dương Văn Minh sắp ra một tuyên bố rất quan trọng, yêu cầu Nguyễn Khoa Nam phải chú ý nghe đài và tuyệt đối chấp hành mệnh lệnh của Tổng thống.

Sở dĩ tướng Nguyễn Khoa Nam cương quyết tử thủ vì Quân đoàn 4 do ông ta nắm giữ nằm trong chiến lược xây dựng mật khu của Bộ Tổng tham mưu trước khi Dương Văn Minh lên làm Tổng thống.

Ngay sau các cuộc thất thủ tại Tây Nguyên, Huế - Đà Nẵng, theo lệnh của Bộ Tổng tham mưu, tướng Nguyễn Khoa Nam đã hoàn chỉnh kế hoạch lập “mật khu” để giữ Đồng bằng sông Cửu Long làm căn cứ tiếp tục chống cự nếu Sài Gòn thất thủ. Tướng Nguyễn Khoa Nam hy vọng ông ta có thể lập được vành đai xung quanh Cần Thơ, trung tâm chỉ huy của Quân đoàn.

Trong trường hợp không giữ được Cần Thơ, Nguyễn Khoa Nam còn có phương án dựa vào tuyến biên giới Việt Nam - Campuchia với dãy núi Thất Sơn và các vùng có đông tín đồ Phật giáo Hòa Hảo, có hàng trăm hang động hiểm trở để cầm cự lâu dài và chờ thời cơ phản công. Trong tháng 4-1975, một số công trình kiên cố dự định sử dụng cho Bộ Tổng tham mưu quân lực Việt Nam Cộng hòa rút về đây đã được xây dựng.

Các tướng Lê Minh Đảo và Lê Văn Hưng cũng đặt nhiều hy vọng vào kế hoạch này. Trước đó Nguyễn Hữu Hạnh có đề nghị Lê Minh Đảo và Lê Văn Hưng quay về Sài Gòn hợp tác với tướng Dương Văn Minh nhưng cả hai đều từ chối.

Tuy nhiên, kế hoạch này đã không thể thực hiện được do một số tướng tá cấp dưới đã bỏ chạy, bộ máy chỉ huy của Quân đoàn 4 đã rối loạn đến mức không thể điều khiển được các đơn vị dưới quyền trong khi các lực lượng Cách mạng đang tấn công ở thế áp đảo. Nửa đêm 30-4, tướng Nguyễn Khoa Nam ra lệnh dỡ bỏ các bản đồ, kế hoạch, mật hiệu hành quân dưới tầng hầm của Sở chỉ huy Quân đoàn 4 và tự sát ngay trong phòng làm việc rạng sáng này 1-5 -1975...

Lại nói thu âm xong, Dương Văn Minh cho người mang ngay tới đài phát thanh trên đường Nguyễn Bỉnh Khiêm cho phát trên đài. Để tăng thêm độ quan trọng của lời tuyên bố, Nguyễn Hữu Hạnh đề nghị Dương Văn Minh phải có nhật lệnh cho quân đội. Chính Nguyễn Hữu Hạnh là người soạn thảo nhật lệnh này trình Tổng thống và được phê duyệt. Sau tuyên bố của Dương Văn Minh, Nguyễn Hữu Hạnh cho phát nhật lệnh yêu cầu quân đội và các lực lượng vũ trang Sài Gòn buông súng thi hành lệnh của Tổng thống.

Nội dung như sau: “Thưa quý vị tư lệnh quân đoàn, quân binh chủng, địa phương quân, nghĩa quân, dân quân tự vệ! Tôi, chuẩn tướng Nguyễn Hữu Hạnh, Phụ tá Tổng tham mưu trưởng thay mặt trung tướng Vĩnh Lộc, Tổng tham mưu trưởng yêu cầu quý vị tướng lĩnh và quân nhân các cấp hãy triệt để thi hành lệnh của Tổng thống Việt Nam Cộng hòa. Các cấp chỉ huy quân lực Việt Nam Cộng hòa hãy sẵn sàng liên lạc với các cấp chỉ huy quân đội của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam để thực hiện cuộc ngừng bắn và tránh không để đổ máu”.

Giờ phút lịch sử

Mọi việc xong xuôi, Dương Văn Minh, Nguyễn Văn Huyền và Vũ Văn Mẫu cùng nội các đến dinh Độc Lập chờ đến giờ “bàn giao” chính quyền cho Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam.

Đúng 11 giờ 30 ngày 30-4-1975, xe tăng của quân Giải phóng húc đổ cánh cổng dinh Độc Lập tiến vào dinh và lá cờ của Cách mạng đã phất phới tung bay trên đỉnh cột cờ ở nóc dinh Độc Lập.

Ít phút sau, đại úy Phạm Xuân Thệ, Trung đoàn phó Trung đoàn 66 và hai đại đội bộ binh đã có mặt tại dinh Độc Lập. Nguyễn Hữu Hạnh chính là người giới thiệu, hướng dẫn đại úy Phạm Xuân Thệ vào phòng khánh tiết dinh Độc Lập.

Toàn bộ nội các của chính quyền Việt Nam Cộng hòa có mặt tại dinh lúc đó gồm: Tổng thống Dương Văn Minh; Phó Tổng thống Nguyễn Văn Huyền; Thủ tướng Vũ Văn Mẫu; Bộ trưởng Quốc phòng Bùi Tường Huân; Tổng trưởng Kinh tế Nguyễn Văn Hảo; Tổng trưởng Thông tin Lý Quý Chung; Tổng trưởng Thương mại và Kỹ nghệ Nguyễn Văn Diệp; Tổng trưởng Tài chính Lê Quang Trường; Thứ trưởng Thông tin Nguyễn Văn Ba; Thứ trưởng Quốc phòng Bùi Thế Dũng; Chánh văn phòng Phủ Thủ tướng Vũ Trang Chiêm; Cố vấn quốc phòng Nguyễn Hữu Có và đặc biệt là Phụ tá Tổng Tham mưu trưởng Nguyễn Hữu Hạnh. Trong số những nhân vật lãnh đạo cao cấp kể trên, vài người không thay đổi sắc mặt, trong đó có chuẩn tướng Nguyễn Hữu Hạnh...

Sau năm 1975, Nguyễn Hữu Hạnh được Nhà nước ta tặng thưởng Huân chương Thành Đồng và là Ủy viên Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, được Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh cấp căn biệt thự ở đường Phan Kế Bính. Và từ uy tín của mình, ông được bầu là Tổng thư ký Hội Nhân dân bảo trợ Nhà trường.

Duy Tường
.
.