Chiến dịch săn lùng “Package” của KGB
- Vì sao thư ký Bộ Ngoại giao Na Uy làm việc cho KGB?
- Kẻ phản bội gây thiệt hại lớn nhất trong lịch sử KGB
- Sĩ quan tình báo Putin dũng cảm cứu hồ sơ của KGB tại Đông Đức
Không phải ngẫu nhiên mà phần lớn các điệp vụ táo bạo và đặc biệt nhất lại diễn ra trong thời gian này. Chiến dịch truy lùng thông tin về bộ tài liệu siêu mật “Package” của KGB là một trong những ví dụ như vậy…
Mục tiêu phải đạt được bằng mọi giá!
Vào thời kỳ cao điểm của Chiến tranh Lạnh, tình báo Xôviết có được một số thông tin cho biết, trên những chiếc tàu thương mại của nhiều quốc gia thành viên trong NATO được trang bị một bộ tài liệu tuyệt mật có tên “Package”.
Bộ tài liệu trên chỉ được trang bị cho những con tàu đáp ứng một số tiêu chuẩn đặc biệt như: chuyên vận chuyển các nguyên liệu có ý nghĩa chiến lược như dầu mỏ, than…; tàu phải có hệ thống dẫn đường hiện đại và có tải trọng không dưới 60 ngàn tấn; kinh nghiệm về hàng hải của thuyền trưởng và thuyền phó trên tàu không dưới 10 năm.
Ngoài ra, tài liệu “Package” còn qui định không được giao cho những con tàu mà thuyền trưởng hay thuyền phó là người Hy Lạp. Theo giới lãnh đạo NATO, do người Hy Lạp thường theo chính thống giáo nên người Nga dễ dàng tiếp cận và tuyển mộ những thành phần có cùng tín ngưỡng hơn.
Theo những nguồn tin ban đầu, trong bộ tài liệu “Package” có những mệnh lệnh hướng dẫn hoạt động của tàu và thủy thủ đoàn trong trường hợp nảy sinh nguy cơ xung đột hạt nhân – trong có liệt kê danh sách những cảng biển, ngân hàng, cơ quan tài chính thuộc về các thành viên hay đồng minh bí mật của NATO có thể tận dụng được sự giúp đỡ khi có tình huống khẩn cấp.
Ngoài ra, “Package” còn chứa nhiều tài liệu hướng dẫn quan trọng khác như: cách tránh nguy cơ bị cầm giữ tại các bến cảng của Liên Xô và các nước đồng minh của họ; những biện pháp cần áp dụng khi gặp phải tàu ngầm Xôviết tại những vùng biển trung lập; những lộ trình có khả năng tới những bến cảng an toàn. Nhưng điều quan trọng nhất là trong “Package” có một cuốn sổ tay ghi lại toàn bộ mật mã hiện hành của NATO trong vòng 2 năm.
Trung tướng KGB Karpov. |
Việc đánh mất “Package” hay tiết lộ tài liệu trong đó mà không được phép của giới lãnh đạo NATO được xếp vào loại tội phạm đặc biệt nguy hiểm đối với quốc gia, cần phải trừng phạt theo những đạo luật thời chiến. Phạm nhân nhẹ nhất cũng phải chịu một án tù lâu dài.
Những quan chức có khả năng tiếp cận “Package” để tránh nguy cơ tiếp xúc với tình báo Xôviết luôn phải nằm dưới sự giám sát chặt chẽ của phản gián các nước trong NATO, thường xuyên phải trải qua các thủ tục kiểm tra, trong đó có cả trên máy phát hiện nói dối.
“Package” có thể coi là một thành quả nghiên cứu lâu dài của bộ máy quân sự tại NATO cũng như nhiều cơ quan nghiên cứu khác tại phương Tây. Nếu có được nó, Moscow không chỉ đánh giá chính xác được khả năng đối thủ chính của mình trên trường quốc tế mà còn xác định được mức độ hiểu biết của mật vụ NATO về những bước chuẩn bị của phương Đông cho một cuộc chiến tranh giả thuyết trong tương lai.
Hơn nữa, thông tin trên còn giúp không chỉ hoàn thiện phương pháp mã hóa các chương trình quân sự của Liên Xô và các nước trong khối hiệp ước Warsaw, mà còn giúp làm rõ những kênh rò rỉ thông tin trong nội bộ.
Nói tóm lại, “Package” là một trong những mục tiêu hàng đầu của mật vụ các nước trong khối Warsaw, đặc biệt những quốc gia có bến cảng nơi những con tàu được trang bị tài liệu trên của phương Tây thường xuyên ra vào. Một yêu cầu đặc biệt quan trọng nữa là phải bí mật khai thác được tài liệu trên mà NATO không thể biết.
Đơn giản là các chiến lược gia của tổ chức này sẽ nhanh chóng thay đổi các chỉ thị, hướng dẫn và mật mã một khi biết được tài liệu bí mật này đã rơi vào tay đối phương. Ủy ban an ninh quốc gia Liên Xô đã đi đến kết luận, cách tốt nhất để đạt được tất cả những mục đích trên là thiết lập được mối quan hệ cộng tác tình báo dài hạn với những đối tượng về sau có khả năng tiếp cận với “Package”.
Cơ hội đầu tiên
Vào một đêm mùa đông trên vùng biển Barents, nằm không xa bờ biển Liên Xô, có một chiếc tàu của Anh gặp nạn. Chiếc tàu xấu số giữa đêm giông bão đã va vào một tảng băng, bị thủng và đắm ngay sau đó. Gần nơi xảy ra thảm kịch có một khu trục hạm và một tàu ngầm của hạm đội Biển Bắc Xôviết vừa quay trở về sau một ca trực chiến.
Cả hai tàu đều vội vã tới nơi phát tín hiệu SOS của tàu Anh, nhưng tất cả đều quá muộn. Các thủy thủ Xôviết chỉ cứu được hai thành viên từ con tàu bị đắm, nhưng họ cũng tắt thở ngay sau đó do cơ thể gần như đã bị lạnh cóng trong nước biển mùa đông. Một trong hai người này là viên thuyền phó trong cơn mê sảng trước khi chết còn thường xuyên lặp lại từ “Package”.
Khi quay trở về căn cứ, thuyền trưởng tàu khu trục ngay lập tức báo cáo chi tiết lên cấp trên vụ cứu hai thủy thủ người Anh. Chỉ hai giờ sau, Moscow đã nắm được hết mọi chi tiết về con tàu bị đắm, cả những lời nói trước khi chết của viên thuyền phó. Con tàu đắm trên biển Barents là chiếc tàu chở quặng, được xếp vào loại có trang bị bộ tài liệu “Package”.
Thế là một nhóm sĩ quan cao cấp của KGB lập tức bay từ Moscow tới Murmansk, tổ chức ra một phân đội thợ lặn chuyên nghiệp. Ngay sớm hôm sau, tất cả đã có mặt ở vị trí con tàu đắm, bất chấp biển vẫn đang động. May mắn là con tàu chìm ở độ sâu không quá lớn. Lặn tìm nhiều giờ liên tục đã có kết quả: chiếc két sắt của viên thuyền trưởng đã được đưa lên khỏi mặt nước.
Trong đó ngoài các tài liệu của riêng con tàu, còn có cả “Package” được bọc bằng lớp vỏ policlovinyl và có dấu niêm phong bằng sáp. Tuy nhiên vì quá hấp tấp và thiếu thận trọng, các quan chức có mặt sau đó đã rạch vỏ bọc của tài liệu mà không ngờ rằng trong đó đã có một cơ chế bảo vệ bí mật. Hậu quả là một ngọn lửa trắng bùng lên rất mạnh, thiêu rụi toàn bộ tài liệu chỉ sau vài giây.
Nỗ lực mới
Nhiều năm tiếp tục trôi qua, phần lớn các tướng lĩnh lập kế hoạch săn lùng “Package” đều đã về hưu, nhưng bộ tài liệu này vẫn là một thách thức với cộng đồng tình báo Xôviết. Ủy ban an ninh quốc gia cho rằng, đã đến lúc phải thay đổi chiến thuật, cụ thể là phải tuyển mộ được một nhân vật lãnh đạo trên các tàu của NATO.
Siêu tàu chở dầu Genova của Italy. |
Tướng Karpov, người chuyên trách phối hợp các hoạt động săn lùng “Package”, đã ra lệnh lập danh sách tất cả những tàu NATO thuộc loại có sở hữu “Package” thường xuyên ra vào các cảng biển của Liên Xô. Tổng cục I (Bộ phận Tình báo đối ngoại của KGB) được giao nhiệm vụ khai thác thông tin chi tiết về tình hình tài chính của các thuyền trưởng, thuyền phó của những tàu có “Package”, thành phần gia đình các thủy thủ, thói quen và tính nết của họ – nói tóm lại là tất cả những gì có khả năng giúp cho việc tuyển dụng.
Từ đó, các cơ quan an ninh đảm trách công tác phản gián tại những cảng biển có những con tàu được KGB quan tâm thường ghé thăm lại nhận thêm một nhiệm vụ phải thông báo sớm cho Karpov về lịch cập cảng của những con tàu nói trên.
Tướng Karpov không phải chờ đợi lâu, khi trên bàn của ông xuất hiện bức điện cho biết, tại Novorossiysk vào ngày 12 tháng 10 sẽ có siêu tàu chở dầu Genova của Italy cập cảng với kế hoạch vận chuyển 150 ngàn tấn dầu thô. Con tàu quan trọng trên nhiều khả năng nằm trong danh sách được trang bị bộ tài liệu “Package”.
Kế hoạch do cơ quan của Karpov soạn thảo có tính toán trước một số điều kiện thuận lợi quan trọng. Đầu tiên là vào tháng 10 khi đó, vùng vịnh Novorossiysk thường xuyên có bão biển với những con sóng nhiều khi cao bằng một tòa nhà 3 tầng.
Điều này có nghĩa mỗi con tàu khi tìm cách cập cảng đều phải tính toán kỹ phương án thả neo sao cho tàu liên tục dịch chuyển theo hướng vuông góc với cảng, người hoa tiêu không thể ghi nhận ngay tất cả những hành động này trên bản đồ. Còn sau cả một ngày, việc ghi nhớ để lưu lại trên bản đồ là điều gần như không thể.
Thứ hai, các cơ quan mật vụ NATO cũng như thuyền trưởng các con tàu có tài liệu “Package” của họ chắc chắn đều biết rõ, dọc theo bờ biển Đen, trong đó có cả phần đáy vùng vịnh Novorossiysk là tuyến cáp biển có ý nghĩa chiến lược đi từ Bộ tham mưu của Hạm đội Biển Đen tại Sevastopol tới căn cứ hải quân tại Poti (Gruzia).
Thứ ba, theo hiệp ước La Haye, việc làm hỏng công trình liên lạc có ý nghĩa quan trọng tầm quốc gia sẽ phải hứng chịu một khoản tiền phạt lớn – cỡ 100 ngàn đôla cho mỗi ngày đường cáp biển bị gián đoạn vào thời điểm đó.
Thuyền trưởng những con tàu gây ra thiệt hại trên sẽ bị tạm giữ trên bờ không được phép trả tự do. Tài sản của họ sẽ bị tịch thu để bồi thường cho phí tổn của hãng bảo hiểm Lloyd, hãng phải chi trả những khoản tiền lớn cho bên bị thiệt hại.
“Thế thì tại sao – Tướng Karpov nảy sinh ra một ý tưởng – lại không tận dụng những điều kiện này để buộc tội Domenico Zappa, thuyền trưởng tàu Genova, về việc đã làm hỏng tuyến đường cáp chiến lược trong quá trình thả neo tàu?”. Kế hoạch táo bạo trên đã được thông qua. Ngày 11/10, Tướng Karpov cùng một nhóm sĩ quan cấp dưới, trong đó có một người thành thạo tiếng Italy, đặt chân tới Novorossiysk.
“Không gì có thể tuyệt vời hơn thời tiết xấu vào lúc này!” – Tướng Karpov đã thốt lên như vậy sau khi tìm hiểu dự báo thời tiết trong tuần tới. Theo đó, bão gió sẽ liên tục quần thảo tại vùng vịnh từ 5 đến 6 ngày. Điều kiện này đủ để thuyết phục viên thuyền trưởng Italy về việc, mỏ neo con tàu của anh ta đã làm hỏng hệ thống cáp, từ đó có thể ép chia sẻ những bí mật trong tài liệu “Package”.
Domenico Zappa nhận được bức điện triệu tập tới cơ quan quản lý cảng. Cuộc nói chuyện căng thẳng với tay thuyền trưởng kéo dài trong suốt hơn hai giờ. Zappa kiên quyết bác bỏ mọi lời buộc tội, đồng thời yêu cầu phải có hoạt động giám định rõ ràng của một ủy ban độc lập, trong đó có cả thành viên từ tòa án La Haye, hãng bảo hiểm Lloyd và cả các chuyên gia quân sự của NATO.
Màn kịch hoàn hảo
Trước sự cứng đầu của viên thuyền trưởng, Tướng Karpov sau khi tìm hiểu kỹ lưỡng đã quyết định tấn công vào mắt xích thứ hai – công dân người Somalia có tên Ali Mohammed Samantar, trợ lý hàng đầu của thuyền trưởng Zappa. Để thực hiện kế hoạch này, ông đã chọn ra Benjamin, một sinh viên gốc Phi tại Liên Xô, trên thực tế cũng là một điệp viên được KGB tuyển mộ trước đó. Benjamin sẽ đóng vai một thương gia đặt chân tới Novorossiysk để thuê tàu. Mọi bước tiếp theo để Benjamin gặp gỡ và thân quen với Samantar đã diễn ra hết sức nhanh chóng và trôi chảy.
Tại nhà hàng của khách sạn “Sovetskaya” có hai người da đen đang ngồi uống rượu. Khi đã bắt đầu ngà ngà say, một người bắt đầu than vãn, chửi rủa về việc phải chờ đợi giải quyết vụ cáp biển bị hỏng, còn người kia tiếp tục tìm cách chuốc cho bạn mình uống thêm.
Sau đó, một nhóm cảnh sát sở tại ghé chân vào đây mua thuốc lá và… tình cờ có xích mích, trước khi ẩu đả với hai người da đen. Samantar chỉ nhìn thấy một viên trung úy trẻ bị bạn mình đánh gục, trước khi bản thân cũng ngất xỉu vì một đòn đánh khác.
Vụ xung đột đã diễn ra theo đúng kịch bản Tướng Karpov vạch sẵn, với các nhân viên mật của KGB đóng vai cảnh sát. Khi Samantar tỉnh dậy trong phòng giam cách ly, Benjamin thông báo về việc họ đã lỡ tay đánh chết một sĩ quan cảnh sát. Để có thể được trả tự do, mỗi người phải nộp khoản tiền thế chân tới 100 ngàn đôla.
Tất nhiên, tay trợ lý của thuyền trưởng Zappa không thể kiếm đâu ra một số tiền lớn như vậy. Sau một thời gian tính toán với sự “tư vấn” của người bạn, Samantar hiểu rằng, mình chỉ còn một con đường duy nhất là bán thông tin về tài liệu “Package” cho người Nga. Tất nhiên để đảm bảo an toàn cho chính mình, Samantar chỉ có thể cho KGB mượn tài liệu tuyệt mật trên trong một thời gian.
Điều quan trọng là Samantar còn bật mí cho KGB về bí quyết giữ an toàn cho tài liệu trên của NATO. Theo đó, họ chỉ có thể mở túi tài liệu trong một phòng chân không – thực chất là một phòng áp suất đặc biệt không hề có oxy – nếu không tài liệu sẽ bốc cháy ngay.
Các kỹ thuật viên cao cấp của KGB đã mất tới 6 giờ để có thể nghiên cứu mở và chụp được các tài liệu “Package”, và sau đó thêm một giờ nữa để phục hồi nguyên trạng. Với chiến dịch thành công này, KGB không chỉ lấy được những tài liệu tuyệt mật của NATO mà còn chiêu mộ thành công một điệp viên quan trọng mới, người trong nhiều năm sau đó đã hợp tác với tình báo Xôviết với mật danh “Nhà tiên tri”.