Chiếu Gon làng Hới

Thứ Ba, 29/12/2020, 15:33
Dải đất phù sa làng Hới (Tân Triều, Hưng Hà, Thái Bình) bám miết sông Luộc đến dăm cây số. Phía bên kia sông là thành phố Hưng Yên. Những cánh đồng cói và đay mọc dày đặc trên triền sông. Nay kẻ Hới đổi tên Tân Triều. Tuy vậy mọi người chỉ nhớ đến cái tên nôm của nó với câu tục ngữ dân gian: "Ăn cơm Hom. Nằm giường Hòm. Đắp chiếu Hới". Bởi nghề làm chiếu ở Hới tính đã hơn 500 năm. Từ xưa đến nay chiếu Hới có tiếng đẹp và bền.


Chuyện lạ về quan "Trạng chiếu"

Trên đất nước ta có hàng chục địa phương làm nghề diệt chiếu nhưng duy nhất chỉ làng Hới có đền thờ tổ nghề. Chiếu từ đây mà vượt sông tới Phố Hiến hay về kinh thành Thăng Long rồi tỏa đi các tỉnh. Dân khắp nơi đổ về chợ Hới. Họ buôn chiếu đưa về miền Trung và phía Nam. Từ đó nghề dệt chiếu được truyền đi. Hàng năm dân nhiều nơi vẫn về dâng hương bái lễ ông tổ nghề ở làng Hới. Không ai quên ơn ông quan trạng Phạm Đôn Lễ (1457-1531) đã dạy nghề cho dân làng Hới và các vùng xung quanh. 

Cuộc đời ông thật kỳ lạ. Thuở ấy nhà nghèo cậu bé Lễ lên 3 đã phải theo mẹ đi chợ bán bánh đa kiếm sống. Cha mất sớm nên hai mẹ con phải tần tảo nuôi nhau. Nhưng không ngờ trong một ngày mưa gió do mải chơi bé Lễ bị lạc trên bến thuyền. Đêm tối ập đến, bé Lễ khóc thét vì sợ hãi. Nhưng thật bất ngờ có người bế bé lên đưa lên thuyền về nhà. Gia đình nọ thấy bé khôi ngô sáng láng nên giữ lại nuôi nấng. Đây là một gia đình giàu có ở Thanh Hóa. Họ đã chăm chút dạy dỗ con nuôi mỗi ngày một khôn lớn.

Quả nhiên cậu bé Phạm Đôn Lễ ngày càng tỏ ra giỏi giang, học hành tấn tới. Phạm Đôn Lễ học một biết mười. Thông minh bản tính trời cho và lại chăm chỉ nên Phạm Đôn Lễ vượt hẳn bạn cùng trang lứa. Khi vua Lê Thánh Tông lên ngôi (1460-1497) đã tổ chức thi cử để kén chọn nhân tài. Phạm Đôn Lễ dự thi ngay từ khóa đầu tiên năm 1481. Kết quả không ngờ. Các kỳ thi Hương, thi Hội ông đều được nêu danh đầu bảng. Sau đó vào kinh dự thi Đình thì Phạm Đôn Lễ đoạt luôn giải Trạng Nguyên. Cuối cùng ông trở thành Trạng nguyên Tam nguyên đầu tiên và hiếm có trong lịch sử khoa bảng thời phong kiến.

Đến khi về quê vinh quy bái tổ không ngờ Trạng nguyên Phạm Đôn Lễ mới hay mình chỉ là con rơi trong gia đình. Người cha nuôi đã kể câu chuyện cách đây 30 năm trên bến sông. Ông không đành lòng giấu chuyện mà đã đưa con nuôi về chợ Hới tìm gia đình. Đó mới chính là quê cha đất tổ của Trạng nguyên. Không ngờ người mẹ năm xưa vẫn còm cõi ngồi bán hàng. Bà luôn hy vọng con trai sẽ quay về. Hai mẹ con đã gặp nhau sau bao ký ức buồn vui.

Trạng nguyên được bổ nhiệm làm quan và đã đưa mẹ lên kinh nuôi dưỡng. Vài năm sau bà mất, Phạm Đôn Lễ đã về quê chịu tang mẹ. Ở đây ông mới biết rõ làng Hới đã có nghề đan chiếu bằng tay. Thế rồi trong lần đi kinh lý sang bên Trung Quốc (Thời nhà Minh), ông đã đến Quế Lâm học được nghề làm chiếu và mua cả một bộ khung dệt. Lòng ông canh cánh nỗi nhớ quê hương và chỉ mong trở về. Sau khi hoàn thành công việc, ông đưa khung dệt và các dụng cụ đã mua về làng. 

Ông trực tiếp phổ biến chi tiết các công đoạn dệt chiếu cho các nghệ nhân giỏi trong làng. Từ đó dân làng Hới chế tác khung dệt theo mẫu. Chiếu làng Hới đẹp hơn trước nhiều và dệt lại nhanh. Làng nghề phát triển nhanh chóng. Dân tứ phương dồn về chợ Hới ngã ba sông. Sau này Trạng nguyên Phạm Đôn Lễ về quê sinh sống và mất tại đây. 

Dân làng Hới đã tôn ông là Phúc Thần và lập Đền Quan Trạng để thờ. Đồng thời dân quanh vùng vẫn gọi ông là "Trạng chiếu". Đền thờ tổ nghề dệt chiếu được ra đời ở làng Hới chính vì lẽ đó. Dân quanh vùng vẫn tới làng Hới vào ngày mùng Sáu tháng Giêng hàng năm để tế lễ tưởng nhớ ông.  

Chọn chiếu xem biên - Người hiền xem mặt

Điều thú vị trong nghề dệt chiếu này là khâu làm đẹp bằng tay. Ấy cũng là một sự lạ trong không ít nghề thủ công. Nay đã có máy móc công nghiệp dệt hàng trăm chiếc chiếu trong một ngày. Nhưng khâu cuối cùng vẫn phải do bàn tay tài hoa của con người xử lý. Đó là các khâu kết biên, in hoa và hấp. Ngay cả chuyện phơi nắng chống mốc cũng phải dùng đến bàn tay người thợ. 

Nhất là việc khâu vắt mép chiếu (kỹ thuật đường biên) có chặt thì chiếu mới đẹp và bền. Hàng trăm năm qua các cụ đã dạy: "Chọn chiếu xem biên-Người hiền xem mặt". Đó là cái hơn của chiếu làng Hới. Chiếu dệt càng dầy đường biên càng phải chặt. Riêng chiếu Kế có đường mép viền vải hay lụa màu thì càng bền hơn. Chiếu nào biên nấy, luôn phải bảo đảm chất lượng cho dù làm thủ công (dùng 8 năm đường biên mới lỏng). Khách hàng xa mấy cũng về chợ Hới buôn chiếu chính vì độ bền và họa tiết sinh động.

Máy dệt chiếu ở làng Hới.

Chiếu làng Hới có nhiều loại mà người tiêu dùng thường tìm mua. Bên cạnh chiếu Đậu là chiếu Hoa, chiếu Lễ, chiếu Cỗ và chiếu Cưới. Ấy là chưa nói đến các họa tiết còn được dệt chiếu theo yêu cầu khách hàng. Xã Tân Lễ hiện có khoảng 3.500 hộ thì tới 80% gia đình có xưởng làm chiếu. Khi chúng tôi đến một phân xưởng ở gần đình làng mới hay họ làm theo đường dây chuyền. Từ khâu chuốt cói, đay, hoặc lác, mây trước khi chọn đưa vào máy dệt đến khâu vắt biên, rồi in hoa đều nhịp nhàng nhanh chóng. Ông tổ trưởng trải một tấm chiếu hoa khoe thành phẩm với chúng tôi với nụ cười mãn nguyện. 

Rồi ông ngẫu hứng đọc mấy câu: "Màn hoa lại trải chiếu hoa/ Bát ngọc lại phải đũa ngà mâm son". Niềm tự hào về chiếu của Hới luôn rạng rỡ trên từng khuôn mặt. Một bà chỉ lên kho chiếu nói đến chiều là xe tải tới chở hết vèo. Rồi bà cười xởi lởi với những vết son còn vương trên môi.

Hiếm xã nào như Tân Lễ khi có tới 10/14 thôn được nhà nước công nhận Làng nghề dệt chiếu cổ truyền. Cho dù hiện thị trường có hàng chục loại chiếu khác nhau. Từ chiếu gỗ đến chiếu tre, trúc, nhựa. Ngay kể cả trong làng có nhà đã dệt chiếu ni lông nhưng không gì bằng chiếu cói. Năm nào xã Tân Lễ cũng tổ chức thi dệt chiếu giữa các làng với nhau. Các nghệ nhân kiểm tra mẫu và cho điểm từ những chi tiết cụ thể. Sau đó mới cộng điểm để trao giải cho những chiếc chiếu đẹp nhất. Bởi người dân Tân Lễ luôn lấy làm tự hào với du khách vì độ dày êm và mát của chiếu Hới. 

Bất ngờ ông tổ trưởng cho biết dân quanh vùng vẫn còn nhớ ngạn ngữ: "Rượu Me-Chè Thái-Gái Hải Triều". Hải Triều là tên mới của làng Hới (thuộc xã Tân Lễ). Nói đến nhan sắc các cô gái làng Hải Triều chúng tôi sực nhớ đến Nguyễn Thị Lộ, thiếp yêu của danh sĩ Nguyễn Trãi. Chúng tôi hỏi loại chiếu Gon là loại chiếu gì. Ông mỉm cười nói chính là chiếu xưa dệt bằng cọng cây Lác mọc ở đầm lầy. Chiếu sợi Gon nhỏ trắng và êm.

Em ở Hải Hồ bán chiếu Gon

Ngay sau đó ông tổ trưởng chỉ đường cho chúng tôi tới đền thờ Lễ Nghi học sỹ Nguyễn Thị Lộ. Thì ra làng Hới một thời còn có tên Hải Hồ nơi cô gái xinh đẹp Nguyễn Thị Gấm (tên khai sinh của Nguyễn Thị Lộ) ra đời năm 1400. Gấm lớn lên ngày càng xinh đẹp. Cha nàng là một Nho học kiêm làm thuốc nên sớm dạy con học hành đến nơi đến chốn. Cô Gấm chăm chỉ tu dưỡng và thông cả tứ thư ngũ kinh. Phần nào cô còn có kiến thức kinh dịch, y, lý, số. Chữ lại viết rất đẹp. Nhưng không ngờ cha cô đột ngột qua đời. Cuộc sống gia đình suy sụp nghèo túng. Gấm cùng mẹ đan chiếu đi bán kiếm tiền nuôi các em nhỏ. 

In hoa trên chiếu.

Chiếu Gon làng Hới có tiếng khắp nơi. Từ đó cô Gấm theo các tàu thuyền mang chiếu lên thành Thăng Long. Do bản tính thông minh và nhanh nhẹn. Cô hay dẫn đường cho bà con dân làng mang chiếu đi bán ở kinh đô. Họ thường gọi cô là Lộ (vì thông thạo đường đi lối lại). Thêm nữa ngày đó giặc giã quấy nhiễu và hay bắt bớ dân chúng. Sau này Gấm còn giúp một người cậu trong họ buôn cả chuyến thuyền chiếu lên kinh. Trụ sở tập kết ở gần vùng bến sông Hồng nên cô Gấm đã đổi tên là Nguyễn Thị Lộ để giữ kín thân phận. 

Do phải đi lại làm ăn Nguyễn Thị Lộ đã gặp Nguyễn Trãi ở kinh thành. Trong thời gian này Nguyễn Trãi cũng bị quản thúc tại Đông Quan (Thăng Long). Ông bị quân nhà Minh giám sát. Nguyễn Trãi ở lui ra ngoại thành gần sông Hồng và mở lớp dạy học ở vùng Khuyến Lương. Ông thường dạo chơi đó đây để nắm vững dân tình. 

Tích truyền Nguyễn Trãi tình cờ gặp cô gái bán chiếu xinh đẹp nên đưa lời chọc ghẹo: "Nàng ở đâu đi bán chiếu gon/ Phải chăng chiếu bán hết hay còn/ Xuân xanh chừng độ bao nhiêu tuổi/ Đã có chồng chưa, được mấy con". Không ngờ cô bán chiếu lại đối đáp rất ngọt ngào tình tứ: "Thiếp ở Hải Hồ bán chiếu gon/ Hỏi chi chiếu bán hết hay còn/ Xuân xanh chừng độ trăng tròn lẻ/ Chồng còn chưa có hỏi chi con". Thấy cô bán chiếu vừa xinh đẹp thông minh lại dịu dàng Nguyễn Trãi dò tìm rồi xin cưới về làm vợ thứ. Từ đó Nguyễn Thị Lộ về ở hẳn thành Đông Quan cùng chồng.

Bị ảnh hưởng tư tưởng của Nguyễn Trãi cùng lòng căm thù giặc Minh, Nguyễn Thị Lộ rất hăng hái bàn cách tìm đường cứu nước. Hai năm sau Nguyễn Thị Lộ cùng chồng trốn vào Thanh Hóa giúp Lê Lợi dựng cờ khởi nghĩa và xưng vương (1418). Sau mười năm nằm gai nếm mật quân khởi nghĩa Lê Lợi đã chiến thắng và đánh đuổi quân Minh ra khỏi biên cương (1428). Nước nhà trở lại độc lập và tự chủ, thoát khỏi ách đô hộ giặc phương Bắc lần thứ tư. Triều đại Lê Sơ hình thành với quốc hiệu Đại Việt. Sau đó Nguyễn Trãi được phong tước và nhậm chức Lại bộ Thượng thư kiêm Quản côn khu mật viện. 

Còn vợ ông Nguyễn Thị Lộ sau được phong là Lễ Nghi Học sỹ (thời vua Lê Thái Tông). Trong thời kỳ này sử sách còn ghi: "Thị Lộ đã cảm hóa được Lê Thái Tông, thuyết phục vua chăm chỉ đèn sách, lại giúp vua nhiều ý kiến để sửa trị nước".

Án oan trời thấu

Nhưng rồi đến năm 1442, sau khi vợ chồng Nguyễn Trãi đã về Côn Sơn hưu trí thì bất ngờ xảy ra vụ án "Vườn vải" khủng khiếp. Năm đó vua Lê Thái Tông đi kiểm dịch quân cơ vùng Đông Bắc. Khi trở về vua đã vời Nguyễn Thị Lộ theo giá về cung. Trên đường nhà vua và tùy tùng đã nghỉ lại qua đêm ở Lệ Chi Viên (Gia Bình-Bắc Ninh).

Chuyện đâu có ngờ vua Lê Thái Tông đột ngột qua đời. Nguyễn Thị Lộ bị gán tội giết vua. Đồng thời Nguyễn Trãi bị kết tội chủ mưu và bị chu di tam tộc. Cuộc hành quyết đẫm máu đã xảy ra. Nguyễn Trãi cùng hàng trăm người thân thích bị chém đầu. Trong khi đó Nguyễn Thị Lộ bị nhốt rọ dìm chết dưới sông Hồng. Vụ án thấu trời mãi 22 năm sau mới được vua Lê Thánh Tông minh oan cho Nguyễn Trãi vô tội (năm 1464).

Nhưng có điều từ hàng trăm năm nay cái chết của Nguyễn Thị Lộ vẫn không được các triều đại minh giải. Oan vẫn còn uẩn khuất. Đó là một khoảng trống "Nghìn thu khó rửa xong trường hận" (Trần Lê Văn). Cũng từ đó dân làng Hới lập đền thờ tỏ lòng thành kính và minh oan cho Lễ Nghi Học Sỹ Nguyễn Thị Lộ. 

Năm tháng trôi đi. Thần dân quanh vùng tôn bà là Đức thánh mẫu. Thể hiện lòng tưởng nhớ đến tài đức và công ơn của bà đã đóng góp trong công cuộc đánh giặc ngoại xâm đem lại độc lập cho nước nhà. Người coi đền cho chúng tôi biết xã Tân Lễ đã cho lập "CLB Lễ Nghi Học sỹ Nguyễn Thị Lộ". Đây là nơi lập quỹ khuyến học, khuyến tài nhằm thúc đẩy phong trào học tập phấn đấu của con em dân làng.

Chung quanh đền có nhiều câu đối, bài thơ của nhiều thế hệ ca ngợi bà. Chúng tôi bồi hồi đọc những vần thơ của chính người dân làng Hới viết: "Người đi để lại bồi hồi/ Cùng Sao Khuê sáng trọn đời núi sông". Ai nấy đứng lặng bên tượng Lễ Nghi Học sỹ. Hồ sen phía trước ngát hương với mùi trầm tỏa lan. Ngỡ như hồn bà còn quanh quất đâu đây trong nỗi oan khiên với "Ngày đi mấy lá chiếu gon/ Đường về một gánh nước non bời bời".

Vương Tâm
.
.