Chính trị và tình báo
- Phạm Xuân Ẩn: Vừa làm báo, vừa... tình báo
- Trần Quốc Hương - người thầy của những nhà tình báo huyền thoại
Nhiều ý kiến khác lại cho rằng, Tùng Phong là một bút danh tập thể. Sách do nhiều người soạn theo chỉ đạo của ông Ngô Đình Nhu. Với quan sát và hiểu biết của mình, chúng tôi cho rằng ý kiến thứ hai là hợp lý. Ông Ngô Đình Nhu khi gặp ông Trần Quốc Hương đang bị nhà Ngô bắt giam ở Huế đã từng cho ông Mười Hương biết, Chính đề có tham khảo và sử dụng một số ý kiến của ông Mười.
Vào thời điểm đó, cả ông Ngô Đình Nhu lẫn Đoàn Công tác đặc biệt miền Trung của Ngô Đình Cẩn đều chỉ biết ông Mười Hương với cái tên Trần Ngọc Trí, giáo chức tham gia đấu tranh vì hòa bình, như tự khai. Ngoài ra nhà tình báo không khai nhận thêm bất cứ điều gì. Trần Ngọc Trí vốn là tên thật của anh trai ông Trần Quốc Hương, lúc đó đang sống ở miền Bắc.
Ông Trần Quốc Hương giai đoạn bị địch bắt. |
Chi tiết này khiến một số bạn đọc có cảm giác hoài nghi, cho rằng nó có vẻ lắp ghép. Bởi lẽ, từ trong căn bản ý thức hệ lẫn trong quan hệ thực tiễn, anh em Ngô Đình Diệm - Ngô Đình Nhu hẳn phải căm thù và phản đối quyết liệt cả chủ nghĩa Cộng sản lẫn những người Cộng sản.
Song thực tế, nếu ai đã đọc "Chính đề Việt Nam" hẳn sẽ nhận thấy rõ: ông Ngô Đình Nhu (hoặc nhóm tác giả do ông Nhu chỉ đạo) vẫn đánh giá đóng góp của đường lối Cộng sản, chiến lược Cộng sản trong giai đoạn kháng chiến chống Pháp, giải phóng dân tộc là rất hiệu quả. Cuốn “Chính đề” chỉ phản đối Chủ nghĩa Cộng sản trong giai đoạn hiện tại lúc ấy - giai đoạn Đệ nhất Cộng hòa ở miền Nam - mà anh em ông đang nắm quyền lãnh đạo, vì cho rằng không còn thích hợp.
Giai đoạn đó ông Nhu, ông Cẩn biết rõ ông Trần Quốc Hương là cán bộ Cộng sản cao cấp, nhưng không biết về công tác xây dựng, chỉ huy tình báo miền Nam mà ông đang nắm. (Ông Trần Quốc Hương tất nhiên phủ nhận điều này). Có ý kiến hoài nghi cho rằng, một lãnh đạo – “lãnh tụ tư tưởng” của miền Nam như ông Nhu thì không việc gì phải tiếp xúc với tù nhân chính trị như đã đề cập. Nếu để thẩm vấn, moi tin, đã có đội ngũ mật vụ lo. Nếu là tham khảo, tranh luận, ông Nhu không cần phải… hạ mình(?)
Ông Phạm Xuân Ẩn trả lời phỏng vấn của phóng viên báo ANTG năm 2000. |
Nói như vậy, đó chỉ là người thiếu thông tin thực tế, nhận định vội vã. Cách tiếp cận của ông Nhu với ông Mười Hương, và cả học trò tình báo của ông Mười là Vũ Ngọc Nhạ hoàn toàn không phải nhằm mục đích tầm thường là dụ dỗ họ từ bỏ Cộng sản, hồi chánh... Điều mà anh em ông Diệm, ông Nhu, ông Cẩn cần và đã làm lúc đó là chính sách “chuyển hướng”, phân hóa tư tưởng những người Cộng sản bị bắt, lôi kéo những người có thực tài, có tinh thần quốc gia, dân tộc về hợp tác, ít nhất cũng là để họ không chống lại chế độ miền Nam. Trong suy niệm đó, họ không xét đến gốc gác xuất thân trong quá khứ, chỉ cầu đồng thuận trong hiện tại.
Trong hàng ngũ quan chức, chính khách nền Đệ nhất Cộng hòa, những người từng tham gia Việt Minh kháng chiến chống Pháp, những người từng mang tư tưởng cánh tả không hề hiếm. Ngay như Nguyễn Văn Thiệu chẳng phải cũng ít nhiều liên quan đến Việt Minh, đến kháng chiến hay sao?
Ông Ngô Đình Nhu đã từng đích thân đến gặp, thảo luận với cả hai nhà tình báo Trần Quốc Hương, Vũ Ngọc Nhạ trong thời gian họ bị bắt giam tại Huế. Ông Nhu gặp ông Nhạ sau khi ông này viết "Bản báo nguy chế độ" gửi Ngô Đình Cẩn, vạch ra những "nguy cơ" đe dọa sự tồn tại của thể chế chính trị và nền Đệ nhất Cộng hòa.
Gợi ý về đề cương này cũng chính là ông Mười Hương, trên đường hướng “giữ áo rách”, khuyên ông Nhạ bám Giám mục Lê Hữu Từ để làm “vốn liếng” chính trị sau bình phong thân Thiên Chúa giáo. Ông Nhạ đã khéo léo thể hiện nó trong sự đồng nhất chủ nghĩa yêu nước với chủ nghĩa dân tộc.
Ông vạch ra những nguy cơ đe dọa: các đảng phái, thế lực chính trị khác, vì địa vị và quyền lợi, họ sẽ bỏ qua chủ nghĩa dân tộc, sẵn sàng đón sự can thiệp của Mỹ, đó mới là nguy cơ chính cho một Việt Nam độc lập và thể chế Cộng hòa. Đây chính là điều mà ông Diệm, ông Nhu, những người dân tộc chủ nghĩa hết sức quan tâm.
Hai nhà tình báo huyền thoại Trần Quốc Hương, Phạm Xuân Ẩn năm 2000. (Ảnh NHL) |
Ông Vũ Ngọc Nhạ sau đó đã được thả sớm vào năm 1961 và "hợp tác" với chế độ. Tháng 7/1969, khi lưới tình báo Vũ Ngọc Nhạ - Vũ Hữu Ruật - Huỳnh Văn Trọng bị vỡ, cả ba bị bắt, ra tòa và đày đi Côn Đảo, tấm áo dân tộc chủ nghĩa của họ vẫn khá nguyên vẹn. Chính quyền Việt Nam Cộng hòa do Nguyễn Văn Thiệu đứng đầu vẫn không tin họ là tình báo Cộng sản, vẫn cho rằng CIA cho bắt họ là để chặt vây cánh của ông Thiệu. Phía ngược lại thì cho rằng họ được CIA hậu thuẫn, đặt sát bên lưng để kiềm chế Tổng thống đệ nhị Cộng hòa.
Ông Trần Quốc Hương cũng khéo léo thuyết phục ông Ngô Đình Nhu tin rằng: Việt Nam Cộng hòa của anh em Diệm - Nhu thua đứt Việt Nam Dân chủ Cộng hòa của Cụ Hồ và những người Cộng sản ở chính một điểm: Miền Bắc Cộng sản có chủ thuyết rõ ràng, miền Nam Cộng hòa thì không.
Ngay cả tư tưởng Cần lao Nhân vị cũng chỉ sao chép và biến cải chút ít, chưa đủ sức tạo nên một hệ tư tưởng, một nền tảng chính trị đủ mạnh cho Nam Việt Nam tồn tại và phát triển. Đây chính là lý do để ông Nhu cho tổ chức nghiên cứu và biên soạn “Chính đề Việt Nam”, không loại trừ việc nghiên cứu, học hỏi và phản biện hệ tư tưởng Cộng sản để áp dụng vào đường lối chính trị cho miền Nam Việt Nam.
Ông Trần Quốc Hương (giữa, hàng ngồi) và các nhà tình báo chiến lược trong một lần gặp gỡ. |
Ở bên ngoài, nhà tình báo Phạm Ngọc Thảo, một người kháng chiến cũ không che giấu nguồn gốc cũng có những nhận xét tác động tương tự. Ông Nhu thừa biết ông Thảo có người anh ruột đang là cán bộ cao cấp ở miền Bắc, nhưng không hề mảy may nghi ngờ Phạm Ngọc Thảo có chút liên hệ nào với ông Trần Quốc Hương, đã đánh giá rằng sự trùng hợp trong nhận định này là ngẫu nhiên, có tính xu thế, hợp thời cuộc, chỉ có thể tìm thấy ở những người đi ra từ hàng ngũ Cộng sản mang tinh thần dân tộc chủ nghĩa.
Khi làm tỉnh trưởng Kiến Hòa, "nhân danh và nhờ ơn Ngô Tổng thống", Phạm Ngọc Thảo đã cho thả gần 2.000 tù chính trị (hầu hết là đảng viên Cộng sản và cơ sở Cách mạng) nhưng ông Diệm, ông Nhu vẫn không trị tội. Kể cả khi nhiều quan chức khác báo cáo cho rằng Phạm Ngọc Thảo chỉ có thể là Cộng sản, là Việt Cộng nằm vùng mới làm như thế, ông Diệm, ông Nhu cũng gạt đi.
Bị bắt và thủ tiêu sau đảo chính chống Nguyễn Khánh bất thành, thân phận của Phạm Ngọc Thảo vẫn là ẩn số. Mãi 10 năm sau giải phóng, khi Đại tá, liệt sĩ Phạm Ngọc Thảo được phong Anh hùng, những người phía bên kia mới ngã ngửa.
Ngay từ khởi đầu cuộc chiến đấu, vũ khí lợi hại giúp những nhà tình báo Cộng sản giành chiến thắng đều chỉ là một: trí tuệ. Ông Ngô Đình Nhu chỉ là một trong số những người định lôi kéo họ về cộng tác, nhưng ngược lại, đều bị họ thuyết phục phần nào. Tôi nghĩ, đó không phải là thất bại. Giữ họ lại, không giết, ông Nhu đã thành công, nhận đúng nhân tài, không trở nên tàn ác hủy diệt người tài.
Trong đời, từ năm 1994, do công việc làm báo, viết báo, tôi may mắn được gặp ông Mười Hương nhiều lần. Hầu hết các cuộc gặp đều diễn ra tại nhà riêng của ông ở đường Tú Xương, Q.3, TP Hồ Chí Minh. Lần gặp nào cũng có mặt nhà tình báo huyền thoại Phạm Xuân Ẩn.
Trong số các bức ảnh đăng kèm dưới đây có hai bức do tôi bấm máy: bức ông Mười Hương ngồi cùng ông Phạm Xuân Ẩn và bức ông Phạm Xuân Ẩn đang trả lời phỏng vấn đồng nghiệp cùng báo ANTG của tôi, nhà báo Đặng Vương Hạnh. Cuộc gặp này diễn ra vào năm 2000, khi ngày bầu cử TT Mỹ đã gần kề. Hạnh nhờ tôi đưa đến nhà ông Mười để phỏng vấn. Tôi chỉ dẫn đường, làm tài xế và giúp Hạnh chụp ảnh làm tư liệu.
Tôi chưa bao giờ thấy ông Mười Hương cười. Ông cũng rất ít khi nói về bản thân hay trực tiếp trả lời. Chúng tôi hỏi gì, ông thường quay sang ông Phạm Xuân Ẩn, bảo: "Cậu giải thích cho các cậu ấy". Ông Phạm Xuân Ẩn thoải mái hơn, nói rất to, rất nhanh, hay đệm câu pha trò và đốt thuốc liên tục. Ông thường bắt đầu bằng câu: "Cái này có gì mà không hiểu...". Có vài lần, tôi cũng được theo ông Ẩn ra ngồi ở cà phê Givral trên đường Đồng Khởi, chéo góc khách sạn Continental và Nhà hát Thành phố. Lần nào đi cà phê, ông Ẩn cũng đều dắt theo con becgie to xù.
Hôm gặp ở nhà ông Mười Hương năm 2000, ông Mười và ông Ẩn đã "khai thị" cho tôi và Đặng Vương Hạnh về chính trị và bầu cử nước Mỹ. Thời điểm đó, qua theo dõi báo chí, cả tôi lẫn Hạnh đều chắc mẩm, ứng cử viên Al Gore sẽ thắng cử và trở thành Tổng thống thứ 43 của Hoa Kỳ.
Khi được chọn là ứng cử viên Đảng Dân chủ chạy đua vào nhà Nhà Trắng, ông Al Gore đang là Phó Tổng thống Mỹ. Ông giữ vị trí này suốt chẵn 8 năm, hai nhiệm kỳ dưới thời Tổng thống Bill Clinton (20/1/1993 -20/1/2001). Gore tranh cử với mục tiêu tăng phúc lợi, an sinh xã hội, tạo thêm việc làm, tăng cơ hội nhà ở cho người nghèo, giảm thuế thương mại, tiếp tục tăng thặng dư ngân sách... Chính sách của Gore và Đảng Dân chủ đang nắm Nhà Trắng nhận được sự ủng hộ to lớn của người lao động Mỹ, nhất là khối cử tri thu nhập thấp...
"Cậu giải thích cho các cậu ấy đi". Sau yêu cầu của ông Mười Hương là tràng cười của ông Phạm Xuân Ẩn: "Nhìn vậy thôi, Gore thua chắc. Chính trị nước Mỹ được quyết định bởi số đại cử tri, không nằm trong tay quần chúng dân nghèo, cử tri phổ thông. Chính sách của Gore phù hợp với đường lối dân chủ, mị dân, nhưng không ích lợi lắm cho một thể chế Cộng hòa. Gore sẽ thua, nhưng... thua đẹp!".
Quả nhiên, kết quả bầu cử sau đó đúng y như ông Ẩn đã giải thích. Cuộc tranh đua diễn ra quyết liệt với đủ cung bậc so kè, tố cáo, phân xử, mừng hụt, tuyên bố hớ..., Gore và George.W. Bush (con) - Thống đốc bang Texas vẫn ngang ngửa nhau.
Phút cận chung cuộc, Gore nhỉnh hơn, được 266 phiếu đại cử tri, trong khi ứng cử viên Cộng hòa G.W.Bush được 246 phiếu. Nhưng cuối cùng, ở bang Florida, Bush đã thắng với cách biệt ít ỏi chỉ 537 phiếu phổ thông, nhờ đó giành trọn 25 phiếu đại cử tri, nâng tổng số lên 271 phiếu đại cư tri, hơn Gore 6 phiếu, trở thành chủ nhân của chiếc ghế Tổng thống Hoa Kỳ...
Bằng cái nhìn chính trị - chính trường lão luyện, hai ông Trần Quốc Hương và Phạm Xuân Ẩn đã dự đoán kết quả bầu cử tổng thống Mỹ cực kỳ chính xác. Giờ, cả hai bậc thầy cả trong sách vở lẫn ở ngoài đời đã uống trà cùng nhau nơi không cần định mốc thời gian. Chỉ trí tuệ của họ, sự khâm phục dành cho họ là vẫn còn ở lại.