Chư Mo Ray lưu dấu
Và, dưới chân ngọn núi ấy, bên dòng sông Sa Thầy dài như tiếng chiêng ngân, đã từng có 12 ngôi làng của người dân Campuchia tị nạn suốt nhiều năm. Họ trốn chạy khỏi sự truy lùng của Khmer Đỏ, dựa vào đại ngàn, dựa vào ân tình và sự giúp đỡ của chính quyền, nhân dân Việt Nam để tìm lại cuộc sống yên bình, quật cường đứng lên giành lại đất nước.
Đại tá Diệp Xuân Cung và Đại tướng Bun Thoong trong một lần gặp gỡ. |
1. Để được nghe lại câu chuyện đặc biệt ấy, một ngày đầu mùa khô năm 2019, chúng tôi cùng những người lính biên phòng Kon Tum đến thăm một con người đáng kính, một người bạn lớn của Việt Nam đang sống bên kia biên giới. Trong căn nhà ở thị trấn Bâng Kon Seng, thành phố Ban Lung, tỉnh Rattanakiri, Đại tướng Bun Thoong, nguyên Ủy viên Thường trực Trung ương Đảng Nhân dân Campuchia, nguyên Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Vương quốc Campuchia rộn ràng đón khách.
Món quà mang từ Việt Nam sang được Đại tá Diệp Xuân Cung, nguyên Phó Chỉ huy trưởng Bộ đội biên phòng Kon Tum cùng các cán bộ của Bộ đội biên phòng Kon Tum trao cho Đại tướng Bun Thoong làm tôi rất ngạc nhiên. Không phải cao lương mỹ vị hay nhân sâm, thuốc bổ nhập ngoại mà chỉ đơn giản là 5 chục trứng vịt lộn và 3 kg trà Thái Nguyên ướp hoa nhài. Cái nóng "khô khan rừng khộp, khô gầy rừng le" của cao nguyên không khiến câu chuyện của chúng tôi bớt đi háo hức. Hai cựu chiến binh tuổi đời gần chạm ngõ 80 nắm tay nhau ôn lại thuở tráng niên dưới chân núi Chư Mo Ray, nơi có tán rừng Ja Booc, họ đã có những năm tháng kề vai sát cánh trên chiến hào chống kẻ thù chung.
Ngay trong những ngày tháng đấu tranh giành độc lập dân tộc, chàng thanh niên ưu tú Bun Thoong từng được sang Việt Nam học tập. Những năm tháng đó khiến Bun Thoong hiểu được tấm lòng của người Việt với đất nước Campuchia anh em. Đất nước độc lập, Bun Thoong trở về quê hương. Nhưng, chưa được bao lâu, Rattanakiri quê hương ông bắt đầu bị Khmer Đỏ chia cắt thành những "công xã" tập trung với cách cai quản độc tài, truyền bá tư tưởng chống Việt Nam và cấm nhân dân hai nước giao thương, qua lại với nhau. Trong năm 1975, đã có trên 2.000 người ở các tỉnh Đông Bắc Campuchia chạy lánh nạn sang khu vực Sa Thầy, tỉnh Kon Tum của Việt Nam.
Không những thế, nhằm gây mối thù hằn dân tộc, bọn diệt chủng Pol Pot - Ieng Sary chọn cách loại trừ những người ủng hộ Việt Nam, từng học tập ở Việt Nam. Bởi vậy, khi nắm được thông tin, tháng 7-1975 có hơn 120 người Campuchia chạy nạn vào sâu trong xã Mo Rai, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum, ông Bun Thoong cùng bạn bè gồm Bun Lâm, Xô Keo, Thao Chuông, Khăm Len - những cán bộ ở tỉnh Rattanakiri và một số quân nhân, người dân cũng chạy sang Việt Nam lánh nạn.
Đại tá Diệp Xuân Cung, khi ấy là một trinh sát viên của Công an nhân dân vũ trang (CANDVT) Gia Lai - Kon Tum nhớ lại: "Khi ấy, những người theo đoàn tị nạn của Bun Thoong đã đến trình bày với Thiếu tá Hoàng Thành, Chính trị viên Đồn CANDVT 673 xin được tị nạn, lánh nạn diệt chủng. Sau đó, phía Khmer Đỏ đã sang huyện Sa Thầy, làm thủ tục xin đưa số dân này về nước. Nhưng, qua điều tra nắm tình hình, chúng tôi biết những người dân xin tị nạn được trả về Campuchia đợt trước đều bị Khmer Đỏ giết hại nên chúng tôi hết sức băn khoăn, lo lắng. Thương bà con vô cùng...".
Thời điểm ấy, nhận được tin báo của trinh sát ngoại tuyến, Bộ Tư lệnh CANDVT đã báo cáo xin ý kiến Bộ Công an về việc giải quyết vấn đề người dân Campuchia chạy nạn qua biên giới. Sau khi nhận được chỉ thị của Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn, Thiếu tướng Đinh Văn Tuy, Tư lệnh CANDVT đã chỉ đạo CANDVT Gia Lai - Kon Tum tham mưu với chính quyền địa phương tổ chức tiếp nhận bà con. Đồng thời giúp đỡ thuốc men, lương thực và giúp dân lánh nạn của bạn tạm cư dọc theo trục đường 14C, đoạn từ chân đèo Ngọc Vin đến ngầm sông Sa Thầy.
Để có thể sát cánh giúp đỡ nhân dân nước bạn, Đảng ủy, Ban Chỉ huy CANDVT tỉnh Kon Tum thành lập tổ công tác Ja Boóc, gồm 6 đồng chí: Trần Đình Dũng, Diệp Xuân Cung, Đào Trọng Phồn, Thẩm, Lục và Siu Grum để phối hợp với Đồn CANDVT 673 nắm tình hình và giúp đỡ những người tị nạn. Sau này, Thiếu tướng Trần Đình Dũng, nguyên Phó Tư lệnh Bộ đội biên phòng kể chi tiết: "Việc đầu tiên ở Ja Booc là bố trí dân bạn sống thành 12 làng như bên Campuchia, sau đó tổ chức mỗi làng bầu 2 cán bộ tự quản. Khi đã ổn định chỗ ở, anh em thay nhau xuống địa bàn giúp dân dựng nhà tạm, hướng dẫn sản xuất, khám chữa bệnh, vận động ăn ở hợp vệ sinh... Cuối tháng 9-1975, CANDVT đồn Mo Ray còn cấp 9 khẩu súng quân dụng cho một số cán bộ cốt cán Campuchia, để họ tự vệ trong trường hợp Khmer Đỏ đột nhập".
Tiếp đó, UBND huyện Sa Thầy quyết định thành lập xã Ja Boóc, hướng dẫn các làng tự bầu chính quyền tự quản và lực lượng bảo vệ. Nhân dân và chính quyền 2 huyện Chư Prông, Sa Thầy giúp đỡ hàng tạ thóc giống, gia súc, gia cầm, công cụ sản xuất và đặc biệt là chia sẻ đất để làm nương rẫy, chưa kể hàng chục tấn lương thực để ăn trong những ngày giáp hạt, chờ mùa thu hoạch. Đồng thời, giao đất cho người tị nạn sản xuất, tạo mọi điều kiện để người dân Campuchia sớm ổn định đời sống, không can thiệp vào quyết định ở lại tị nạn hay trở về Campuchia...
Đại tướng Bun Thoong nói tiếng Việt rất tốt: "Những ngày ở Ja Booc suốt đời tôi không quên được đâu. Tưởng như sẽ bị chôn dưới những hố chôn tập thể, không ngờ lại được cứu giúp, CAVT Việt Nam giúp nhân dân Campuchia dựng nhà tạm, sản xuất, vận động ăn ở hợp vệ sinh, cứu đói, khám chữa bệnh. Anh Dũng, anh Cung, anh Vân và nhiều bộ đội khác ngày huấn luyện vũ trang cho các thanh niên trong đoàn người tị nạn để chờ ngày trở về chiến đấu giải phóng quê nhà Rattanakiri, đêm canh trực bảo vệ dân lành. Ơn nghĩa ấy không quên đâu. Tôi biết ăn trứng vịt lộn, uống trà Thái Nguyên là từ những ngày ở Việt Nam đấy".
Công an nhân dân vũ trang Gia Lai - Kon Tum phối hợp với nhân dân Campuchia bảo vệ buôn làng. (Ảnh tư liệu). |
Tháng 10-1977, Ủy ban Khởi nghĩa Đông Bắc Campuchia được thành lập bao gồm 5 tỉnh Stung Treng, Ratarakiri, Mondukiri, Kratie, Preah Vihear. Vậy là sau hơn 2 năm bền bỉ luyện tập, chuẩn bị dưới tán rừng Ja Boóc, cùng các khu vực tị nạn khác nằm dọc biên giới Gia Lai - Kon Tum, Ủy ban Khởi nghĩa tỉnh Ratarakiri cũng chính thức công khai hoạt động và lên kế hoạch về nước chiến đấu. Phía Việt Nam cũng đã quyết định thành lập Đoàn 578, ở bên cạnh Ủy ban Khởi nghĩa Đông Bắc Campuchia để cố vấn về mặt quân sự, chính trị... cho bạn.
Ông Bun Lâm, hiện là nghị sĩ tại Thượng viện Campuchia kể với chúng tôi rằng, khi trở về nước chiến đấu, những người bạn Việt Nam như Trần Đình Dũng, Diệp Xuân Cung, Hoàng Thanh... vẫn sát cánh cùng nhau trên chiến trường Campuchia với vai trò là chuyên viên cố vấn quân sự cho Ủy ban Khởi nghĩa tỉnh Ratarakiri. Vừa chiến đấu, vừa học hỏi những người đồng chí Việt Nam tài đảm, chân thành qua từng trận chiến, từng công việc... nhiều thanh niên lúc ở Ja Boóc cầm súng còn chưa thạo đã nhanh chóng trưởng thành và trở thành nòng cốt của cách mạng Campuchia cũng như của tỉnh Rattanakiri. Sau này, trong số hơn 2.000 người tị nạn ở Ja Boóc ngày ấy, có hơn 100 người đã trở thành cán bộ nòng cốt của chính quyền cách mạng Campuchia.
Đại tướng Bun Thoong nhẩn nha nhắc đến những cái tên như ông Khăm Len làm Chánh Văn phòng Trung ương Đảng Nhân dân cách mạng Campuchia, ông Bun Lâm, Thượng nghị sĩ Campuchia. Hay các ông Xô Keo, Thao Chuông và một số người khác làm Hạ nghị sĩ, Bí thư Tỉnh ủy, Tỉnh trưởng của 5 tỉnh Đông Bắc Campuchia tiếp giáp với hai tỉnh Gia Lai, Kon Tum. Ông Bun Thoong sau những tháng ngày chiến đấu anh dũng cũng bị thương, được phong quân hàm Đại tướng, Tỉnh trưởng tỉnh Rattanakiri, sau này được đề bạt giữ chức Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quân đội Hoàng gia Campuchia.
2. Có một câu chuyện rất nhân văn là thời điểm sang Việt Nam lánh nạn, ông Bun Thoong mang theo vợ. Và trong thời gian lưu lại Việt Nam, cậu con trai của vợ chồng ông đã chào đời trên đất Việt Nam. Một ngày, khi lên đường trở về để chiến đấu giải phóng quê hương, ông Bun Thoong dắt con trai còn bé xíu đến trước mặt người lính CANDVT Phan Thái Vân, gửi gắm: "Ngày mai tôi về nước chiến đấu. Nếu tôi có mệnh hệ gì, nhất định anh phải nuôi cháu". Nhưng, nhờ sự che chở, giúp đỡ của nhân dân và những người lính CANDVT Việt Nam, gia đình ông Bun Thoong đã an toàn và trở về Campuchia.
Cậu bé ngày ấy được cha "gửi gắm" cho CANDVT Việt Nam phòng khi bất trắc giờ đã trưởng thành và giữ chức vụ Tỉnh trưởng tỉnh Rattanakiri, Phó Chủ tịch Đảng Nhân dân cách mạng Campuchia. Cũng như cha, Tỉnh trưởng Thoong Sa Voun luôn dành tình cảm tốt đẹp nhất cho Việt Nam, bởi đâu là nơi "chôn nhau cắt rốn" của mình thì đích thị đó là quê hương.
Thoong Sa Vun đặc biệt quan tâm đến việc gìn giữ mối quan hệ đoàn kết, hữu nghị giữa chính quyền và nhân dân Rattanakiri với tỉnh Gia Lai, Kon Tum của Việt Nam, nhất là công tác phối hợp, tìm kiếm hài cốt liệt sĩ và chuyên gia hi sinh tại Campuchia. Vị tỉnh trưởng chỉ vào ngực mình, nói bằng tiếng Campuchia, đại ý: "Tôi không nói được tiếng Việt Nam nhưng cha tôi luôn dặn tôi rằng, cái tên Thoong Sa Voun của tôi với chữ "Voun" phát âm theo tiếng Việt là "Vân" chính là được đặt theo tên của bác Phan Thái Vân - một người Việt Nam có ơn với gia đình tôi".
Xuyên rừng quay về Chư Mo Ray, đêm biên giới trong veo, hương rừng bát ngát ùa theo gió. Ngang dòng sông Sa Thầy, những buôn làng tị nạn năm xưa là những rừng cao su hun hút, ánh điện sáng như sao dẫn lối về những nếp nhà của cộng đồng các dân tộc thiểu số nơi đây. Tôi cứ nhớ mãi câu chuyện của hai "người lính già tóc bạc, kể mãi chuyện biên cương" trên đất bạn.
Họ đã có một thời tuổi trẻ cống hiến cho độc lập và tự do của dân tộc, câu chuyện của họ chính là nguồn suối mát lành để vun tưới trái ngọt hoa lành cho tình đoàn kết hữu nghị giữa thanh niên hai nước. Để những người trẻ Việt Nam và Campuchia sẽ gắn bó, đồng hành bên nhau nhiều hơn nữa trong sự nghiệp kiến thiết nước nhà giàu mạnh, xứng đáng với sự hi sinh của cha anh.