“Chúng tôi kỷ niệm sinh nhật Người bằng cách chiến đấu quyết liệt hơn”

Thứ Năm, 28/05/2015, 16:40
"Tất cả chúng tôi đều mong muốn Bác Hồ vào thăm Sài Gòn khi Bác còn sống nhưng chúng tôi đã không làm được điều mơ ước đó. Chúng tôi rất đau đớn. Bây giờ chúng tôi kỷ niệm sinh nhật Người bằng cách chiến đấu quyết liệt hơn để giành độc lập, tự do cho Tổ quốc"...

1. Khoảng 9 hoặc 10h tối, hai du kích đem đến một nồi cơm hãy còn nóng, một đĩa thịt heo rán, một ấm trà, ba cái ly, ba cái dĩa và ba cái muỗng. Vừa ăn xong, anh Ba nói có cấp trên sắp đến gặp chúng tôi. Giây lát, ba người đàn ông xuất hiện, dẫn đầu là một ông cao lớn - khoảng 40 tuổi, mặc quần áo kaki với vẻ bề ngoài đĩnh đạc, nhoẻn miệng cười chào chúng tôi:

"Nếu các anh thật sự là những nhà báo quốc tế, các anh sẽ được thả. Còn nếu các anh là gián điệp CIA, các anh sẽ bị xử theo luật Nhà nước Campuchia vì các anh đã xâm nhập lãnh thổ Campuchia trái phép. Trong khi chúng tôi kiểm tra, các anh sẽ được đưa tới một nơi an toàn. Tôi đã phân công sĩ quan này - ông ta hướng về phía anh Ba - anh ấy sẽ chịu trách nhiệm về tính mạng của các anh. Hãy làm theo lời anh ấy, mọi việc sẽ tốt đẹp".

Khoảng một giờ sau, chúng tôi được lệnh chuẩn bị di chuyển. Vội vã thu dọn những bộ quần áo hãy còn ướt vào túi xách, tôi, Michael và Beth băng qua sân trường, bước dọc theo lối mòn ngoằn ngoèo lầy lội rồi leo lên chiếc xe bán tải cùng với anh Ba và một người lính với khẩu AK, tên là Tư.

Xe chạy, thỉnh thoảng lại dừng lại khi có những ánh đèn nhấp nháy từ những cánh rừng hai bên đường. Người lái xe nháy đèn trả lời. Trong rừng, vài người bước ra, họ trao đổi với nhau điều gì đó mà vì tối quá, tôi chẳng rõ họ là ai. Cuối cùng, xe dừng lại trước một ngôi nhà khang trang, kiểu nhà sàn truyền thống của người Campuchia. Sau khi toán áp giải nói chuyện với chủ nhà, chúng tôi được lệnh leo lên cầu thang và được đưa đến một căn phòng lớn phía sau. "Nghỉ đi" - anh Tư bảo chúng tôi rồi chỉ vào chiếc giường lớn có trải chiếu.

Ngày đầu tiên khởi sự bằng một không khí khá thân thiện: "Các anh ăn no không?". Michael trả lời là cơm rất ngon và nói thêm rằng trà nóng khiến chúng tôi mau khát. Anh Tư cười: "Các anh may mắn lắm mới còn sống. Nếu có súng trong xe, các anh khó mà được an toàn". Nói xong anh đứng dậy, cho biết cấp trên của anh sẽ đến hỏi chúng tôi vài câu: "Quan trọng là các anh nên nói thật".

Người hỏi chúng tôi rõ ràng là một cán bộ phản gián. Trong bộ quần áo kaki, súng  ngắn ở thắt lưng, xà cột khoác trên vai, nhìn ông ta có vẻ nghiêm khắc. Sau khi hớp nhanh một ngụm trà, ông ta vào đề ngay: "Tại sao các anh  tới đây?".

Michael - một lần nữa lại trả bài. Người cán bộ phản gián nhướng mắt: "Như vậy tại sao máy bay trực thăng Mỹ lại phát lời yêu cầu giúp đỡ ba nhân viên Chính phủ Mỹ trốn thoát khỏi vùng giải phóng?" - Michael ngạc nhiên: "Tôi không hề nghe bất cứ lời phát thanh nào như thế và tôi cũng không hiểu tại sao người ta gọi chúng tôi như thế" - "Các anh quan hệ như thế nào với CIA?" - "Chúng tôi không có quan hệ với CIA. Chúng  tôi là những phóng viên độc lập của các tờ báo Sant Louis Post Dispatch, The Christian Science Monitor và Dispatch News Service International".

Elizabeth Pond, ảnh chụp khi cô đi viết bài ở Đông Nam Á.

Viên cán bộ phản gián tiếp tục hỏi tới hỏi lui và lắc đầu như không tin bất cứ điều gì mà Michael vừa nói. Sau gần nửa giờ, ông ta ra dấu kết thúc rồi bỏ ra ngoài.

Trời đã tối, anh Tư trở lại, đưa cho chúng tôi mấy trang giấy vở học sinh và dặn chúng tôi trả lời những câu hỏi đã được nêu sẵn. Sau khi ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, tên tuổi từng thành viên trong gia đình, tên và địa chỉ tờ báo, chúng tôi phải liệt kê tất cả những chuyến đi của chúng tôi đến Paris, Sài Gòn, Phnôm Pênh, Lào, ghi cả ngày tháng và nội dung tóm tắt những bài báo mà chúng tôi đã viết từ những địa danh đó cùng những nhà báo mà chúng tôi biết ở những nơi đó.

Chưa hết, chúng tôi phải trả lời rằng mình có viết báo cáo cho CIA không và cuối cùng là tên tuổi, địa chỉ của những ai biết rõ nhân thân chúng tôi.

Khi viết tờ khai, tôi nghĩ có hai câu hỏi quan trọng, một là về mối quan hệ với CIA - mà dĩ nhiên là cả ba chúng tôi đều dứt khoát bác bỏ, hai là yêu cầu khai ra những nhân vật mà chúng tôi quen biết. Cả ba chúng tôi cố sức lục lọi trong trí nhớ những tên tuổi có thể quen thuộc đối với những người bắt giữ chúng tôi để may ra có chút hy vọng nào đó.

Tôi kể ra một loạt: Wilfred Burchett, một nhà báo Australia, người đã đến Hà Nội cũng như đã từng sống trong vùng giải phóng với "Việt Cộng" ở miền Nam Việt Nam; Harrison Salisbury, Tổng biên tập của tờ New York Times mà những tường thuật của ông từ miền Bắc Việt Nam cuối năm 1966, đã tố cáo với người dân Mỹ bản chất thật sự của những cuộc oanh tạc do Không quân Mỹ thực hiện, tên vài nhà ngoại giao nước ngoài, cả những nước trung lập và Cộng sản, tên những quan chức Mỹ chống chiến tranh Việt Nam như Thượng nghị sĩ Fulbright, Mansfield, McGovern và McCarthy…

Quân Giải phóng chiến đấu tại chiến trường Campuchia.

Chúng tôi mất gần hai ngày để kê khai. Một ngày nữa trôi qua rồi người cán bộ phản gián trở lại. Đọc xong bản khai của chúng tôi, ông nói như một thầy giáo khó tính: "Những lời khai của các anh chưa đầy đủ và cũng chưa thành khẩn. Các anh phải viết lại và quan trọng là phải khai báo chính xác".

Sau khi ông ta đi khỏi, Michael trở nên bi quan hơn bao giờ hết. Thế đã xong đâu, anh Tư đột ngột gọi Michael ra ngoài. 20 phút sau Michael trở về, mang theo một tin xấu: "Họ nói với tôi rằng Cơ quan thông tấn United Press International (UPI) đã đưa tin chúng ta bị bắt. UPI nói chính xác về họ tên chúng ta nhưng không hề nói chúng ta là nhà báo, mà gọi chúng ta là "nhân viên Mỹ".

2. Đêm thứ ba, khi chúng tôi đang ngủ thì có người bước vào phòng. Ngồi dậy, tôi thấy đó là anh Tư. "Chuẩn bị đi" - anh Tư nói.

Chúng tôi nhét vội quần áo và mấy thứ đồ đạc linh tinh vào túi xách. Anh Tư bảo chúng tôi trùm xà rông quanh đầu rồi khoác AK dẫn đường. Cả ba chúng tôi từng người một đi theo anh, sau lưng chúng tôi còn có bốn người nữa. Chuyến đi bộ chỉ kéo dài vài phút rồi lên xe bán tải. Một chiếc xe gắn máy từ đâu trờ đến với hai du kích súng trên lưng. Họ là người dẫn đường.

Không ai nói chuyện với ai khi xe chạy. Thỉnh thoảng, y như đêm đầu tiên, ánh sáng đèn pin nhấp nháy từ những lùm cây và một trong những người lính trên xe bấm đèn đáp trả. Xa xa phía chân trời, những ánh hỏa châu được bắn đi từ những căn cứ Mỹ lóe sáng, lúc thì bên trái, lúc bên phải, lúc trước mặt chúng tôi.

Trời vẫn còn tối, có thể xe đã chạy được hai hoặc ba tiếng. Đến khi nó dừng lại trước một căn nhà gỗ lớn, chúng tôi lại được lệnh che mặt bằng tấm xà rông. Anh Tư vòng ra phía sau, bảo Michael rằng cả ba phải nhanh chóng vào nhà. Căn nhà giống như một kho thóc, còn phòng của chúng tôi có mấy tấm ván rộng kê sát nhau trên hai con ngựa gỗ. Quá mệt mỏi, nằm xuống là tôi thiếp đi ngay.

Chúng tôi bắt đầu làm quen với cuộc sống thường nhật. Tập thể dục khi trời còn mờ tối. Sau bữa ăn sáng với cơm nóng, trà và vài miếng thịt kho, chúng tôi tiếp tục viết tờ khai. Đôi khi chúng tôi nghe tiếng đạn pháo nổ từ xa. Vào sáng sớm hay lúc xế chiều, chúng tôi còn nghe cả tiếng bom B-52. Bữa chiều vẫn là nồi cơm nóng, thịt kho và một ấm trà. Ăn rồi lại viết, cố gắng nhớ lại ngày tháng và nơi chốn của những bài báo đã được đăng tải nói về cuộc chiến tranh. Buổi tối, từng người một đi ra ngoài và đó là lúc giặt giũ quần áo. Rồi lại viết dưới ánh đèn dầu, rồi ngủ.

Xe tăng Mỹ càn quét ở Campuchia.

Một buổi chiều, sau khi chúng tôi đã nộp tờ khai, viên sĩ quan phản gián quay trở lại, cùng đi với ông còn có một thanh niên nói được tiếng Pháp. Ông ta hỏi Michael bằng tiếng Việt, vẫn những câu hỏi đầy nghi ngờ, còn anh chàng nói tiếng Pháp thì khuyên Beth nên khai hết sự thật, đồng thời anh ta nêu ra nhận xét, rằng những chiếc máy ảnh của chúng tôi nhìn rất lạ, không phải là loại mà các nhà báo thường dùng.

Như mọi lần, cuộc hỏi cung lại tạo ra sự hoang mang cho chúng tôi, nhất là khi ông ta kết luận: "Các anh chắc chắn là nhân viên của Chính phủ Mỹ. Dù chúng tôi chưa nắm rõ các anh là người của CIA, của quân đội hay bên chiêu hồi nhưng chúng tôi vẫn coi các anh là nhân viên Mỹ".

3. Buổi chiều ngày thứ ba kể từ khi đến nơi ở mới, chúng tôi được lệnh phải lên đường thật nhanh. Vẫn anh Tư dẫn đầu như thường lệ. Đến gần một lùm cây, tôi thấy có một chòi canh trên cây thốt nốt và một chiếc hầm mới đào sát gốc cây. Ra hiệu cho chúng tôi ngồi xuống, anh Tư khom người đi nhanh về phía trước. Vài phút sau anh quay lại, vẫy tay bảo chúng tôi tiếp tục di chuyển.

Ngày hôm đó, chúng tôi phải đi ba lần. Căn nhà đầu tiên mà chúng tôi dừng lại là một căn nhà tranh. Sau 15 phút, mấy chiếc xe gắn máy chở chúng tôi đến căn nhà thứ hai, to hơn nhưng cũng chỉ được nửa tiếng, chúng tôi phải đi bộ sang căn nhà thứ ba - là một cái chòi. Theo anh Tư thì xe tăng, trực thăng Mỹ và quân đội Sài Gòn đã tấn công căn nhà giống như kho thóc, nơi chúng tôi đã ở. Chúng đã giết cả gia đình người Campuchia sống ở đó rồi châm lửa đốt sạch. "Nếu chúng tôi không kịp thời đưa các anh đi, các anh đã chết rồi" - anh Tư nói.

Ở trong chòi ba ngày, chúng tôi lại đi và lại trải qua hàng loạt những nơi trú ẩn khác. Cảm giác mất khái niệm về thời gian bắt đầu tác động đến cả ba người. Để khỏi quên, chúng tôi thường tìm một chuyện gì đó khác thường, đánh dấu mỗi thứ Năm nhằm ghi nhớ một tuần nữa đã trôi qua kể từ ngày thứ Năm đầu tiên lúc chúng tôi bị bắt.

Một đêm khi chúng tôi đang di chuyển thì đột ngột chiếc xe bán tải dừng lại. Như thường lệ, những bóng đen ở bên đường bước đến gần. Anh Ba ngồi cạnh tôi cũng chuẩn bị xuống để trao đổi với họ. Bằng một cử chỉ rất hồn nhiên, anh tháo thắt lưng có khẩu súng ngắn và băng đạn đặt lên đùi tôi rồi nhảy khỏi xe. Tôi nghĩ nếu anh Ba biết tiếng Anh, có lẽ anh sẽ nói với tôi: "Giữ giùm mình một lát nhé". Không rõ anh ta cố ý thử tôi hay đó là một điềm lành?

Ngày 19/5/1970 là một ngày quan trọng. Đó là ngày Phật đản và ngẫu nhiên năm đó lại trùng hợp với ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Sau bữa ăn tối, anh Tư mời chúng tôi đến gian chính của ngôi nhà, ngồi uống trà trên sàn tre. "Các anh có biết hôm nay là ngày gì không?" - Anh Tư hỏi và tự trả lời - "Đó là ngày sinh của Bác Hồ. Các anh có biết Bác Hồ là ai không?".

Tôi thấy Michael thoáng giật mình nhưng ngay sau đó, anh nói dĩ nhiên anh biết Bác Hồ là ai. Giọng anh Tư trầm buồn: "Tất cả chúng tôi đều mong muốn Bác Hồ vào thăm Sài Gòn khi Bác còn sống nhưng chúng tôi đã không làm được điều mơ ước đó. Chúng tôi rất đau đớn. Bây giờ chúng tôi kỷ niệm sinh nhật Người bằng cách chiến đấu quyết liệt hơn để giành độc lập, tự do cho Tổ quốc".

Anh lấy từ túi áo một cuốn sách nhỏ màu đỏ cho chúng tôi xem. Ở trang bìa là một dòng tiếng Việt: "Tiểu sử tóm tắt của Chủ tịch Hồ Chí Minh". Bên trong là bức ảnh chân dung của Người.

(Còn tiếp)

Cao Trí (Lược dịch từ hồi ký “Forty days with the Enemy”)
.
.