Kỷ niệm 35 năm Ngày Giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc 30/4:

Chuyện chưa biết về vị tướng tình báo hai vợ

Thứ Tư, 28/04/2010, 09:45
Lẽ ra bài viết này ra đời từ dăm bảy năm trước. Song, có cái kẹt cho người viết: Lúc cao hứng định viết thì bị "cái bệnh nghề nghiệp" cản lại - "coi chừng vi phạm nguyên tắc bí mật"; tới khi phương tiện truyền thông đại chúng có nhiều bài viết về ông, rồi cả một tác phẩm điện ảnh công bố trên truyền hình nói về cuộc đời hoạt động của "viên tướng tình báo hai vợ", tôi thối chí luôn. Thiên hạ nói cả rồi, toàn những cây viết cự phách, chớ dại mà "múa rìu qua mắt thợ...".

Bẵng đi mấy năm, khi những bình luận của công chúng về vị anh hùng tình báo huyền thoại, viên tướng tình báo hai vợ, Thiếu tướng Đặng Trần Đức (tự Ba Quốc) có phần lắng xuống theo thời gian thì vào những ngày tháng 4 lịch sử này, bao kỷ niệm trong tôi về ông bùng lên khiến tôi phải cầm bút hầu mong được bổ sung những chi tiết về cuộc đời, sự nghiệp, tình cảm của ông với gia đình, đồng đội, đồng chí… mà các tác giả đi trước chưa đề cập tới.

Chuyến công tác đặc biệt

Sau hơn 8 năm hoạt động ở vùng giáp ranh với địch ở miền Đông Nam Bộ tới chiến trường sông nước Bến Tre thuộc Trung Nam Bộ, giữa năm 1974, tôi nhận được quyết định về công tác tại "tổng hành dinh" Đoàn Tình báo chiến lược J22 - căn cứ đóng tại khu vực Lộc Ninh (thị trấn duy nhất trong vùng giải phóng) thực hiện chính sách "thay quân" đối với những trường hợp hoạt động quá lâu ở vùng yếu. Tôi được bố trí làm Trưởng một bộ môn nghiệp vụ tại A44 do anh Võ Hoàng Vân làm Trưởng ban.

Chưa được nửa năm, đầu tháng 1/1975, anh Võ Hoàng Vân thông báo cho tôi: "Bộ phận A10 (Văn phòng đoàn J22) truyền đạt ý kiến của anh Tư (tức đồng chí Tư Bốn, Trưởng đoàn J22) đầu giờ chiều đồng chí sang gặp anh Tư có việc gấp. Thời đó, cán bộ cỡ như tôi - thăm thẳm nhiều năm ở chiến trường vùng yếu rồi trở thành "lính tò te" ở chiến khu mà được Trưởng đoàn triệu lên gặp riêng, quả là điều đặc biệt. Cả buổi trưa hôm đó tôi sống trong tâm trạng thắc thỏm đợi chờ cuộc gặp gỡ bất ngờ với một nhân vật đặc biệt - Vị Anh hùng đầu tiên của lực lượng Tình báo quân sự trong giai đoạn chiến tranh chống Mỹ, có tên gọi là Tư Bốn.

Đúng giờ hẹn, tôi có mặt tại lán làm việc của Đoàn trưởng ở khu vực căn cứ A10. Ông tiếp khách bằng chè Thanh Hương, thuốc lá Điện Biên bao bạc và kẹo Hải Hà (chắc là có đoàn từ Bắc mới vào). Sau khi thăm hỏi chuyện chiến trường Bến Tre, gia đình, quê quán xong, ông vào nội dung chính ngay.

- Có một việc rất quan trọng tôi cho kêu đồng chí sang để thông báo ý kiến của lãnh đạo sẽ giao cho đồng chí một nhiệm vụ quan trọng...

Tôi như nín thở, chờ nghe tiếp ý kiến của ông - "Theo yêu cầu của Trung ương, đơn vị sẽ cử một cán bộ mới ở trong thành về căn cứ, ra Hà Nội báo cáo gấp. Đi theo đường giao liên, trong khi xưa nay đồng chí ấy chỉ sống trong thành, sức khỏe yếu. Nhiệm vụ của đồng chí là sẽ tháp tùng đưa cán bộ ra Trung ương, đảm bảo tuyệt đối an toàn, với thời gian nhanh nhất. Trung ương rất cần những thông tin của đồng chí này. Kết hợp chuyến đi, đơn vị sẽ có văn bản xin thêm người và tài liệu để khi đồng chí vô sẽ đem theo luôn. Đánh nhau với Mỹ, luôn phải tính tới phương án lâu dài, dẫu rằng ngày toàn thắng đã tới rất gần.

Ông mới nói được chừng đó thì có khách đột xuất. Trưởng đoàn khẽ reo lên:

- Cha!... Sao mà linh vậy. Đang tính nói anh em sang kêu... vô đi anh Ba. Tôi đã tìm được "trợ thủ" cho anh rồi đây.

Vị khách chừng trên năm chục tuổi. Dong dỏng cao, gầy. Có lẽ vì thế mà trông ông càng cao hơn. Gương mặt hiền từ, phúc hậu. Khách vừa ngồi xuống bàn, Đoàn trưởng Tư Bốn quay sang tôi giới thiệu.

- Đây là anh Ba Quốc như tôi vừa nói với đồng chí. Có thể chiều nay hai người sẽ bàn kỹ một số việc. Những thứ cần thiết phục vụ chuyến đi, tôi đã giao cho A10 chuẩn bị. Đồng chí đã nhiều năm sống trong căn cứ, đã từng vượt Trường Sơn rồi coi cần thêm thứ gì thì đề xuất. Chuẩn bị sẵn sàng, khi có lệnh là lên đường ngay. Đoàn sẽ bố trí giao liên sử dụng 2 xe máy chở các đồng chí tới trạm giao liên nào có ôtô thì anh em quay lại. Đồng chí Dương cần lưu ý sức khỏe anh Ba. Nhớ đem theo đầy đủ các loại thuốc thông dụng...

Nghe thủ trưởng giới thiệu khách là Ba Quốc, tôi trố mắt nhìn, tưởng như vị khách mới vào kia là người từ hành tinh khác vừa rơi xuống, bởi cái tên anh nghe có vẻ quen quen, nhưng người thì bây giờ mới gặp. Tôi nhớ mấy tuần trước được nghe anh em đơn vị nói nhỏ với  nhau "có một điệp viên cực kỳ quan trọng thuộc một cụm tình báo chiến lược tên là Ba Quốc, quê miền Bắc, vào Sài Gòn từ đầu thập niên 50. Chui rất sâu, leo rất cao, tồn tại qua mấy đời tổng thống. Thời Nguyễn Văn Thiệu trở thành cán bộ cao cấp trong USAID (Cơ quan Viện trợ của Mỹ). Ông bị lộ từ khâu giao thông liên lạc. Một nữ giao thông viên (GTV) đem báo cáo của ông từ Sài Gòn về căn cứ của cụm ở Đồng bằng sông Cửu Long, về tới Tân Châu - Hồng Ngự thì bị bắt. Đơn vị thông báo khẩn cấp nên khi  cảnh sát đặc biệt tới bao vây thì ông đã chuồn khỏi nhà trước đó hơn 30 phút và được cơ sở bí mật đưa về căn cứ luôn...".

Những thông tin liên quan tới kế hoạch giải thoát GTV bị bắt cũng rất ly kỳ, giật gân. Nghe nói khi trinh sát địa bàn đi đón, phát hiện GTV bị bọn cảnh sát Hồng Ngự bắt, đã nhanh chóng trở về căn cứ báo cáo. Lãnh đạo Cụm, một mặt báo cáo khẩn cấp về J22, mặt khác bàn gấp kế hoạch giải thoát bằng cách điều cơ sở bí mật tiếp cận đơn vị thụ lý là cảnh sát Hồng Ngự.

Ngã giá bằng nửa triệu (500.000đ) tiền Sài Gòn lúc đó tương đương 14 chiếc xe môtô hiệu Honda Nhật. Cái bệnh ăn hối lộ đối với chế độ Sài Gòn đã trở thành chuyện "hàng ngày nơi phố huyện". Với số tiền trên quả là quá lớn so với một cụm tình  báo lúc đó. Vì vậy phải báo cáo gấp về trên. Hình như cũng chỉ trong 1 ngày đã có ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo J22. "Dù có phải chi tới một triệu đổi lấy GTV và tài liệu đem về cũng phải thực hiện ngay". Đơn vị tức tốc thực hiện thì "hàng" đã chuyển về "nhập kho" Tổng nha Cảnh sát Sài Gòn, vì đã hết hạn tạm giữ ở cấp quận, huyện theo quy định của luật pháp.

Tôi giật mình trở về thực tại sau câu hỏi của ông Tư Bốn:

- Nhiệm vụ là như vậy, đồng chí Thái Dương thấy sao?

- Dạ... Không sao! Việc này tôi hứa đảm bảo hoàn thành tốt. Xin hai đồng chí cứ yên tâm.

Ngày hôm sau tôi trở lại A10, chuyển cho chị em ở bộ phận hậu cần bản thống kê những thứ cần chuẩn bị cho anh Ba Quốc:  Những tăng, võng, thuốc tây, thức ăn khô, áo mưa, giày, dép, balô... và hướng dẫn anh Ba Quốc việc tập luyện trước khi lên đường. Tất nhiên chỉ tập có mức độ, đề phòng trường hợp có những đoạn đường phải đi bộ không thể đeo nặng như thời chúng tôi tập hành quân.--PageBreak--

Khoảng cuối tháng 3/1975, khi căn cứ của J22 đã chuyển xuống khu vực rừng le ở sông Tha La (phía đông núi Bà Đen) thì chúng tôi có lệnh lên đường. Hai chiếc Honda 67 đã đưa tôi và anh Ba Quốc ngược trở lại căn cứ Lộc Ninh và hôm sau đi tới trạm D4A chính thức nhập vào tuyến giao liên của Miền, để từ đó qua Bù Đăng, Bù Đốp, qua các Trạm T10, T9, T8 rồi đi Buôn Ma Thuột...

Thời điểm đó đã thuận lợi hơn cả trăm lần  thời chúng tôi cuốc bộ đi vào. Bởi đã có ôtô. Song, ngặt mỗi xe ưu tiên cho đoàn vào nên đoàn đi ra đều phải chờ đợi ở các trạm. Mỗi nơi vài ba ngày. Thời gian chờ đợi lâu nhất đó là cung đường từ trạm có bí số là T10 ra T9 thuộc địa bàn Khu 6. Phải "ăn dầm nằm dề" ở T9 tới 8 ngày (từ ngày 5/4 đến 12/4). Vì là đoàn ưu tiên nên chúng tôi được bố trí trong một chiếc lán nhỏ, đủ căng võng cho 2 người. Hai anh em căng võng sát nhau để tiện tâm sự. Biết anh buồn, sốt ruột vì bị giam chân ở T9 quá lâu nên tôi lôi ra đủ thứ chuyện nhằm giúp anh khuây khỏa.

Từ chuyện quê hương miền Bắc sau ngày giải phóng, chuyện chúng tôi tập luyện trước khi đi "B" và quá trình hành quân vượt Trường Sơn... Nhiều tối, tôi "thay đổi món ăn tinh thần" bằng việc kể chuyện phim, tiểu thuyết, kể cả của ta và nước ngoài như: "Chiếc khuy đồng", "Lửa trung tuyến", "Con chim vành khuyên", "Đất vỡ hoang", "Sông Đông êm đềm", "Rừng thẳm tuyết dày" v.v... Tôi biết anh rất chăm chú nghe, vì với anh, đó đều là những chuyện mới vì sống trong lòng địch làm sao có được mà xem, mà đọc.

Để thể hiện tinh thần "có đi có lại", anh kể cho tôi nghe nhiều chuyện ở Sài Gòn - Từ những hộp đêm, vũ trường, những sinh hoạt của dân "anh chị"', tâm trạng các giai tầng xã hội... tới đặc điểm tâm lý, cá tính, sinh hoạt, thái độ chính trị của nhiều nhân vật chóp bu trong chính quyền Sài Gòn qua từng giai đoạn. Thấy anh vui vẻ, nhiều hôm tôi mạnh dạn hỏi anh về chuyện gia đình, vợ con, quá trình hoạt động ở miền Bắc, thời gian vào Nam, Sài Gòn thời đó và bây giờ, thực chất các đảng phái chính trị của chế độ Sài Gòn... Tất nhiên phải tránh những gì thuộc về nguyên tắc nghiệp vụ để gây khó cho anh.

Hồng Ngự - Vùng căn cứ bám trụ của một cụm tình báo thuộc J22.

Càng nghe, càng thêm ngỡ ngàng về một con người tưởng như mộc mạc, lành hiền, ít nói ấy lại chứa đựng tầng tầng lớp lớp kiến thức đa dạng, uyên thâm, như một từ điển sống của cả chế độ miền Nam thời đó. Có lẽ Trung ương cần gặp ông gấp là vậy. Chắc chắn có liên quan tới kế hoạch hậu chiến của địch.

Chứng cứ từ những vết thương

Một buổi tối, đợi anh nghe xong bản tin tiếng Anh của Đài BBC, tôi hỏi:  "Anh Ba ơi! Thời kháng chiến chống Pháp, tụi em còn bé tý. Năm 1954 giải phóng miền Bắc mới đang học lớp nhất ở quê, nghe người lớn nói có rất nhiều người di cư vào Nam. Chắc có anh trong số đó?...". Anh khẽ cười, lắc đầu - "Không! Tôi đã "di cư" từ hơn một năm trước đó". Tôi há hốc miệng nhìn anh, đầy nỗi ngạc nhiên, rồi nằm xuống, đung đưa cánh võng, mơ hồ thả hồn trôi theo dòng ký ức của anh.

Hoạt động trong lực lượng Tình báo quân sự, địa bàn của Đặng Trần Đức lúc đó là Thành Hà Nội (chỉ đạo một số cơ sở bí mật trong thành). Tất nhiên có đầy đủ giấy tờ hợp pháp, để khi cần có thể vào nội thành. Một đêm cuối năm 1952, từ vùng căn cứ bí mật, anh đột về Gia Lâm gặp cơ sở để nắm tình hình tại hộp thư quy định. Khi trở ra chưa được bao xa thì bị thương do một trái moóc-chê bắn cầm canh từ một bót nào đó. Anh trở lại điểm hẹn, nhờ gia đình cơ sở đưa vào nhà thương trong nội thành, với nguyên nhân ngụy trang là bị ngã xe đạp. Vết thương chưa lành anh đã bị đưa về phòng thẩm vấn của lực lượng cảnh sát.

Được tin này, tổ chức đã cử ngay cơ sở bí mật (một nữ GTV hợp pháp của Đặng Trần Đức) tiếp cận ông chú làm việc tại Sở Liêm Phóng. Trước tình hình đó, cô gái phải  “thú thực” đó là "người yêu" của mình, đúng là bị thương do ngã xe đạp. Người chú nghiêm mặt, nói nhỏ: "Đừng có lôi thôi! Những vết thương trên người nó đã trở thành chứng cứ. Đó là mảnh moóc-chê chứ không phải ngã xe...". Cô gái lặng người, tay vân vê tà áo, trấn tĩnh lòng mình để mãi lâu sau mới nhỏ nhẹ: "Chú ơi! Vậy bây giờ phải làm sao?". "Chú có thể tìm mọi cách cho nó không bị bắt, nhưng rồi thì phải rủ nhau đi khỏi xứ này ngay. Đi càng xa càng tốt. Không qua mắt bọn "Phòng nhì" được đâu!...".

(Còn nữa)

K.M.D.
.
.