Chuyện chưa kể về Chuyên án BK63

Thứ Hai, 16/11/2015, 16:15
Tháng 4/2015, Chuyên đề ANTG đăng loạt bài tư liệu 4 kỳ "Hồ sơ chuyên án bắt gián điệp đầu tiên ở miền Bắc" viết về Chuyên án BK63 trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước của lực lượng an ninh. Sau khi bắt một gián điệp biệt kích do CIA đánh ra Bắc, Cơ quan an ninh đã sử dụng chính điệp viên này vào trò chơi nghiệp vụ suốt 10 năm trời.

Dù trước đó đã có một vài người viết về Chuyên án BK63, nhưng loạt bài này là lần đầu tiên công bố rất nhiều tư liệu mới về chuyên án và thân phận của nhân vật, vì vậy thu hút sự quan tâm đặc biệt của bạn đọc trong và ngoài nước. Vào ngày 30/4/2015, báo Newsweek của Mỹ đã sử dụng những tư liệu của loạt bài này để viết lại đăng trên báo của họ. Tuy nhiên, vẫn còn những chuyện đằng sau loạt bài này...

1. Một ngày cuối tháng 9/2015, tôi bất ngờ nhận được một lá thư của bạn đọc. Trong thư, ông giới thiệu tên là Đỗ Hội, nguyên là cán bộ Phòng Bảo vệ Chính trị, Công an tỉnh Quảng Ninh, người trực tiếp bắt giữ gián điệp Phạm Chuyên khi Chuyên đang ẩn náu ở nhà năm 1961. Vì vậy khi Chuyên đề ANTG đăng bài về Chuyên án BK63, ông đã đọc hết cả 4 kỳ báo. Dù bài báo đã viết khá đầy đủ về chuyên án nhưng ông muốn cung cấp thêm tư liệu về chuyên án này mà bài báo chưa viết.

Năm nay đã bước sang tuổi 85 nhưng ông Hội vẫn còn khỏe mạnh, minh mẫn. Vì thế nhắc lại chuyện tham gia bắt gián điệp Phạm Chuyên cách đây nửa thế kỷ, ông kể vanh vách tên từng người trong đơn vị.

Ông Hội kể rằng giữa tháng 4/1961, đang công tác tại Phòng Bảo vệ Chính trị Công an khu Hồng Quảng, ông được Trưởng phòng Lê Tuấn giao nhiệm vụ cùng đồng chí Nguyễn Nhàn về xã Tiền An, huyện Yên Hưng điều tra thông tin Phạm Chuyên, một kẻ đã vượt tuyến từ năm 1959, đã trở về và có khả năng hoạt động gián điệp. Sau khi về làm việc với chính quyền xã, tổ trinh sát nắm lại tình hình để chọn hướng điều tra. Thông tin đáng lưu ý lúc ấy là khi lên núi Đầm Thùa lấy củi thì bà Trời bất ngờ thấy ở gần nhà Phạm Ốc có một người đàn ông lạ ngồi trong bụi rậm, xung quanh có rất nhiều quần áo. Khi thấy bà, người này úp mặt trên đầu gối như che mặt rồi gừ lên một tiếng nghe sởn tóc gáy, tưởng ma, bà vứt cả dao lẫn củi bỏ chạy về nhà. Khi Công an huyện cử cán bộ đến gặp bà Trời để hỏi chuyện này thì bà nói rằng người ngồi trong bụi rậm hôm ấy là Phạm Ốc, hôm đó thấy bà đi núi một mình nên định trêu bà thôi. Ốc đã đến nhà xin lỗi bà. 

Thiếu tướng Lê Mai hiện vẫn đang giữ cuốn tự thuật về cuộc đời của điệp viên Ares - Phạm Chuyên.

Phạm Ốc chính là em trai Phạm Chuyên, và rõ ràng trong việc này có nhiều bất thường. Sau khi báo cáo tình hình với Giám đốc và Trưởng phòng, các trinh sát “lục tung” mọi mối quan hệ của gia đình Phạm Chuyên. Trong vai một thầy giáo về nhận công tác ở xã, đang trong thời gian chờ nhận lớp, ngày ngày trinh sát Đỗ Hội đi khắp các gia đình trong xóm chào hỏi, làm quen để chuẩn bị cho việc dạy học được thuận lợi.

Chỉ sau nửa tháng, trinh sát Đỗ Hội đã gây dựng được một cơ sở để nắm tình hình trong gia đình Phạm Chuyên. Nguồn tin của cơ sở cho biết có rất nhiều điều bất thường trong sinh hoạt của gia đình Chuyên khi hai em Chuyên là Phạm Đắc, Phạm Ốc có những hoạt động không bình thường; bà mẹ Chuyên hàng ngày đi chợ đều mua nhiều thức ăn; thậm chí đến bữa cơm, dù chỉ có 3 người ở nhà nhưng trên mâm có những bữa lại có 4 cái bát, 4 đôi đũa, có lần anh này đã nhìn thấy Phạm Chuyên đang ngồi trong buồng. Từ những thông tin này, đã dần khẳng định Phạm Chuyên đã trở về và có nhiều hành động mờ ám.

Đêm 6/6/1961, các trinh sát đã bắt Phạm Đắc khi đang trên đường đi tiếp tế cho Phạm Chuyên và thu một máy phát tin, lương thực. Sau khi Đắc bị bắt, các trinh sát vẫn tiếp tục giám sát gia đình Phạm Chuyên. Nguồn tin cơ sở cho biết sau khi biết em bị bắt, Chuyên đã bỏ trốn lên núi, nhưng vẫn lén về nhà lấy lương thực. Một kế hoạch vây bắt được vạch ra là vừa huy động lực lượng bao vây để Chuyên không có cơ hội bỏ trốn, nhưng sẽ vận động gia đình khuyên Chuyên đầu thú, vừa giám sát chặt để có thể bắt giữ Chuyên ngay tại nhà.

Trưa 17/6/1961, khi nhận được tin Chuyên đang trốn trong nhà và thủ sẵn vũ khí trong người, trinh sát Đỗ Hội lập tức báo cáo cho Giám đốc. 14 giờ chiều, khi lực lượng vây bắt do Giám đốc Công an tỉnh chỉ huy đã khép chặt ngôi nhà, trực tiếp Đỗ Hội và một cán bộ khác của Phòng Bảo vệ Chính trị vào nói chuyện với bà mẹ Chuyên. Đề phòng Chuyên sẽ manh động chống đối quyết liệt, sau khi đưa bà mẹ Chuyên ra khỏi nhà, Đỗ Hội cùng một trinh sát nữa đã vào buồng bắt giữ Chuyên khi Chuyên đang nấp trong cót thóc, trong tay là khẩu súng ngắn.

Ông Hội kể rằng sau khi bắt Phạm Chuyên, ông không tiếp tục tham gia chuyên án mà nhận nhiệm vụ khác. Sau đó ông được cử đi học, rồi chuyển lên Bộ Công an, tham gia vào đoàn chuyên gia sang Campuchia, rồi chuyển công tác về Công an tỉnh Nam Định, vì vậy mà không còn liên lạc với những đồng đội cũ. Khi đọc báo ANTG ông mới biết những chuyện sau này của Chuyên án BK 63 và bất ngờ khi biết những chuyện về cuộc đời ông Phạm Chuyên mấy chục năm sau.

Ông Đỗ Hội kể lại chuyện bắt gián điệp Ares - Phạm Chuyên cách đây nửa thế kỷ.

2. Quả thực, ngay cả tôi khi bắt đầu lấy tư liệu để viết loạt bài này cũng không nghĩ ông Phạm Chuyên còn sống tới năm 2014 mới mất. Bởi khi được lãnh đạo Cục Chính trị, Tổng cục An ninh, cho đọc hồ sơ chuyên án, tất cả cũng dừng lại ở thời điểm năm 1969, khi chuyên án kết thúc. Trong cuốn sách “Đội quân bí mật, cuộc chiến bí mật”, một cuốn sách dày hơn 300 trang của tác giả Sedgwick Tourison, nguyên là sĩ quan phân tích tin của Cục Tình báo quốc phòng Mỹ và đã từng làm nhiệm vụ tình báo thời chiến với lục quân Mỹ ở Việt Nam, đã rất kỳ công khi ngoài việc dựa vào hàng ngàn trang hồ sơ được phía Mỹ giải mật, ông ta còn trực tiếp phỏng vấn hàng chục người từng là gián điệp biệt kích bị bắt khi xâm nhập miền Bắc và được trả tự do sau năm 1975, các nhân viên CIA.  Cuốn sách được NXB Hải quân Mỹ xuất bản năm 1995.

Qua các nguồn tư liệu và phỏng vấn các nhân chứng từng tham gia việc huấn luyện Phạm Chuyên, Sedgwick Tourison viết về Phạm Chuyên thế này: "Ông Phạm Chuyên là một điệp viên từ vùng Đông Bắc của Bắc Việt Nam. Một nhân vật từng được thấy các báo cáo điệp báo của Chuyên từ Bắc Việt Nam đã nhắc lại điều ông ta thu thập được về Chuyên: Điệp viên Ares? Chắc chắn tôi biết hắn. Tôi đã đọc hồ sơ của hắn. Hắn ta có nhiều tên, nhưng tên thật là Phạm Chuyên. Hắn ta đi Nam năm 1959 và chúng tôi đã tuyển hắn. Chúng tôi đã phái hắn trở về Bắc tháng 2/1961. Hắn vẫn liên lạc với chúng tôi ít nhất đến năm 1969 và chúng tôi không bao giờ biết hắn thực sự làm việc cho chúng tôi hay cho họ (Công an Bắc Việt). Một sĩ quan vốn đã biết Chuyên cũng có suy nghĩ như sau: Chuyên ư? Tôi được phái đến Huế và tôi là phiên dịch trong thời kỳ anh ta ở đó. Theo tôi anh ta xuất hiện vào năm 1959 và được tuyển mộ năm 1960. Một số người trong tổ chức của Tuyến (tức trùm mật vụ Trần Kim Tuyến) cho rằng  có thể anh ta làm việc cho Hà Nội và có thể được điều vào Nam. Nếu anh ta thực sự làm việc cho họ thì điều đó không làm tôi ngạc nhiên, vì không phải là lần đầu tiên một việc như vậy xảy ra...".

Dù đã gặp rất nhiều nhân chứng từng biết Phạm Chuyên và đã có khoảng lùi gần 20 năm sau cuộc chiến tranh Việt Nam, nhưng cuối cùng Sedgwick Tourison cũng không lý giải được Phạm Chuyên là ai và cuối cùng số phận của điệp viên này thế nào. Bởi trong bản danh sách dài những gián điệp biệt kích bị bắt tại miền Bắc và trả tự do sau năm 1975 không có Phạm Chuyên.

Còn trong các tư liệu về Chuyên án BK63 mà tôi được cung cấp, tất cả quá trình lực lượng an ninh bắt giữ, cảm hóa Phạm Chuyên hợp tác để cùng tham gia "trò chơi nghiệp vụ" với CIA và cơ quan tình báo Việt Nam Cộng hòa đều được tập hợp rất đầy đủ. Chuyên án BK63 do Bộ trưởng Bộ Công an Trần Quốc Hoàn trực tiếp chỉ đạo Cục Bảo vệ Chính trị thực hiện.

Đây được coi là một chuyên án kinh điển của lực lượng An ninh nhân dân trong kháng chiến chống Mỹ khi đã đấu tranh thành công với CIA trong suốt gần 10 năm; chuyên án đã 13 lần vượt qua sự kiểm tra an ninh của trung tâm tình báo địch, cung cấp 307 tin giả, câu móc và bắt giữ hàng chục tên gián điệp biệt kích, thu giữ 1 tàu cùng hàng chục tấn vũ khí, khí tài hiện đại của trung tâm tình báo địch tiếp tế cho BK63. Số vũ khí này sau đó Bộ Công an đã giao cho Bộ Quốc phòng đưa vào chiến trường miền Nam đánh Mỹ. Không những thế, qua chuyên án, ta đã nắm được hầu hết âm mưu, biết trước hoạt động bắn phá của Không quân Mỹ trong chiến tranh leo thang phá hoại miền Bắc tại Quảng Ninh để kịp thời sơ tán nhân dân…

Ngôi nhà của gia đình ông Phạm Chuyên ở xã Tiền An, nơi ông đã sống đến những ngày cuối đời.

3. Sau khi tập hợp tất cả những tư liệu ấy, có một câu hỏi làm tôi vẫn muốn tìm câu trả lời, đó là cuộc sống của Phạm Chuyên - điệp viên Ares ra sao sau khi kết thúc Chuyên án BK63? Những cán bộ đã từng tham gia chuyên án ngày ấy giờ còn có thể gặp được ai? Khi tôi đặt câu hỏi này, các cán bộ cung cấp tư liệu bảo rằng năm 2005, Bộ Công an có tổ chức một cuộc hội thảo về Chuyên án BK63 tại Công an tỉnh Quảng Ninh.    

Và cũng nhờ một sự giới thiệu tình cờ, tôi đã có gần hết một buổi chiều ngồi với Thiếu tướng Lê Mai, nguyên Giám đốc Công an tỉnh Quảng Ninh, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát, người đã trực tiếp tham gia Chuyên án BK63 và nhiều năm sau này trở thành ân nhân của gia đình ông Phạm Chuyên. Thiếu tướng Lê Mai đã cung cấp thêm rất nhiều tư liệu về quá trình gần 10 năm thực hiện chuyên án. Sau ngày bị bắt, Phạm Chuyên chỉ đề nghị công an không bắt bà mẹ. Giữ đúng lời hứa, không chỉ bà mẹ mà tất cả các em Phạm Chuyên cũng được cho về làm ăn bình thường. Cách cư xử đầy tình nghĩa ấy đã khuất phục Phạm Chuyên hoàn toàn. Mấy chục năm sau này, các cán bộ Công an cũng luôn là những người thường xuyên giúp đỡ gia đình ông Chuyên những lúc khó khăn. Người thăm Phạm Chuyên những ngày cuối đời trên giường bệnh cũng là Thiếu tướng Lê Mai.

Nhờ vào những thông tin mới này mà loạt bài đã thu hút sự quan tâm của bạn đọc trong và ngoài nước. Bởi dù chiến tranh đã lùi xa 40 năm, nhưng những câu chuyện của lịch sử vẫn luôn có sự hấp dẫn riêng. Có lẽ vì thế mà báo Newsweek của Mỹ đã sử dụng những tư liệu của loạt bài này để viết lại đăng trên Newsweek vào đúng ngày 30/4/2015.

Nguyễn Thiêm
.
.