Chuyện đời của một vị tướng anh hùng

Thứ Tư, 03/09/2014, 17:35

Thiếu tướng Phan Văn Xoàn, nguyên Tư lệnh Bộ Tư lệnh Cảnh vệ, người đã dành gần hết cuộc đời cách mạng của mình với nghề cảnh vệ. Ông không chỉ là người đã có 10 năm làm cận vệ của Bác Hồ mà còn là người đã trực tiếp chỉ huy công tác bảo vệ hai phái đoàn của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Chính phủ Cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam tại Hội nghị Paris suốt 4 năm 8 tháng.

Với thành tích đặc biệt xuất sắc trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước ấy, ngày 23/7/2014, Chủ tịch nước đã ký quyết định truy tặng Thiếu tướng Phan Văn Xoàn danh hiệu "Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân". Ngày 16/8 vừa qua, Đại tướng Trần Đại Quang, Bộ trưởng Bộ Công an đã trao danh hiệu Anh hùng cho thân nhân Thiếu tướng Phan Văn Xoàn…

KỲ I: TỪ NGƯỜI CẬN VỆ CỦA BÁC HỒ TỚI VỊ CHỈ HUY AN NINH GIỮA PARIS

10 năm theo Bác

Nhờ có một cán bộ của Bộ Tư lệnh Cảnh vệ giới thiệu, tôi gặp anh Phan Hồng Long, con trai cả của Thiếu tướng Phan Văn Xoàn, đúng dịp anh từ TP HCM ra Hà Nội nhận danh hiệu Anh hùng LLVTND cho cha. Anh bảo đã hơn 100 ngày từ hôm ông cụ mất, nhưng cả 4 chị em vẫn chưa quen được cảm giác trống vắng, nhất là vào những buổi chiều thứ bảy, bởi đã thành lệ từ nhiều năm nay, bữa cơm chiều thứ bảy là bữa cơm sum họp của đại gia đình, mọi người quây quần về ngôi nhà ông ở trên đường Lý Chính Thắng, quận 3.

Nhắc tới ba, anh Long bảo rằng, trong 4 người con, anh là người có may mắn ở cạnh ông cụ nhiều nhất, cũng là người đã sưu tầm tư liệu về cuộc đời hoạt động cách mạng của ông để làm sách nên giờ đây, khi ngồi nhắc lại kỷ niệm, có nhiều chuyện tới mức chẳng biết bắt đầu từ chuyện gì nữa. Nhưng nhắc về ba, có một câu anh luôn nhớ, đó là trong rất nhiều câu chuyện, ông cụ luôn nói với các con rằng: "Ba có được ngày hôm nay tất cả nhờ vào sự tin tưởng của Đảng, của Nhà nước".

Quả thực, nhìn lại cuộc đời ông mới hiểu đó là những lời nói từ gan ruột. Bởi nếu không có Cách mạng, có lẽ ông sẽ mãi là một anh kép cải lương ở miệt vườn Cà Mau. Nhưng rồi cách mạng đã đưa ông tới với nghề cảnh vệ như một sự sắp đặt của số phận. Và trong cuộc đời làm Cảnh vệ, dấu ấn lớn nhất của ông chính là 10 năm được làm cận vệ của Bác Hồ.

Đó là ngày 19/5/1958, đúng vào dịp kỷ niệm Ngày Sinh nhật Bác, ông Xoàn được Bộ Công an trao quyết định đề bạt chức vụ Cục phó Cục Cảnh vệ và phân công phụ trách Phòng 1, Phòng bảo vệ Bác Hồ và Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Và chuyến xuất ngoại đầu tiên của ông trong vai trò cận vệ của Bác là chuyến đi Ấn Độ.

Tháng 8/1958, Bác Hồ dẫn đầu phái đoàn Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đi thăm Ấn Độ và Miến Điện. Đi làm nhiệm vụ bảo vệ Bác và phái đoàn gồm 5 người, ngoài ông Xoàn còn có 4 sĩ quan cao cấp của Bộ Công an. Đây là trách nhiệm hết sức nặng nề, nhất là ở thời điểm đó chúng ta chưa có kinh nghiệm nhiều về phương pháp, kỹ năng bảo vệ yếu nhân trong trường hợp đi công cán nước ngoài.

Có một kỷ niệm mà sau này ông hay nhắc, đó là khi đến viếng lăng mộ Gandhi, theo thông lệ mọi người phải để dép bên ngoài nhưng với Bác Hồ, bộ phận lễ tân đề nghị Bác mang dép vào luôn. Tuy nhiên Bác từ chối, xin giữ đúng phong tục của nước chủ nhà. Đôi dép vừa rời chân Bác, nằm lại bậc thềm thì ngay lập tức có tới mấy chục ống kính máy ảnh, máy quay phim vòng trong, vòng ngoài xoay quanh đôi dép Bác, người dân cũng cố chen vào để xem, tình hình bất ngờ xáo trộn.

Sau khi hội ý chớp nhoáng với Cục trưởng Cảnh vệ Hoàng Hữu Kháng, ông Xoàn đề nghị để mọi người vào lăng với Bác còn mình  ở lại để bảo vệ… đôi dép. Vậy là vừa cùng với lực lượng của bạn vãn hồi trật tự, vừa cố ra sức giải thích với mọi người rằng, Bác Hồ chỉ quen đi dép cao su, không quen dùng các loại giày dép khác. Thế rồi mọi người lắng xuống, tất cả dân chúng có mặt đều đứng xếp hàng trang nghiêm, lần lượt từng người một bước đến đặt tay lên đôi dép của Bác.

Ngày hôm sau, trên báo chí Ấn Độ đăng rất nhiều bài ca ngợi Bác, bên cạnh hình ảnh và bài viết về Bác, còn có nhiều hình ảnh và bài viết về đôi dép cao su. Còn với ông và những người lính cận vệ thì nhớ mãi kỷ niệm  bảo vệ đôi dép cao su của Bác…

Đầu năm 1960, Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn quyết định Cục phó Cảnh vệ Phan Văn Xoàn sẽ trực tiếp bảo vệ Bác Hồ. Sau này, trong câu chuyện về kỷ niệm những năm tháng bên Bác, ông vẫn nhắc tới ngày đầu tiên trở thành cận vệ của Bác. Đó là một buổi chiều, sau bữa cơm, Bác đi dạo quanh hồ trong Phủ Chủ tịch. Vừa lúng túng vừa… ngại nên anh cận vệ Phan Văn Xoàn không biết phải đi như thế nào cho phù hợp nên quyết định… đi theo sau. Thấy thế, Bác chủ động gọi lại, cùng đi bên cạnh Bác, vừa đi vừa trò chuyện một cách thân tình. Bác hỏi thăm quê quán, gia đình và tình hình đời sống đồng bào Cà Mau, Bạc Liêu. Từ giây phút ấy, không còn khoảng cách giữa vị Chủ tịch và anh lính cận vệ nữa.

Với ông, 10 năm được gần gũi bên Bác là cả một cuộc đời. Và những kỷ niệm sâu sắc về Bác luôn là những câu chuyện giản dị nhất.

Có một Tết Nguyên đán ngay sau ngày Thủ đô giải phóng, Bác gọi ông vào nói: "Chú tìm ngay một gia đình nghèo nhất Hà Nội để Bác tới thăm". Và còn dặn thêm không được để ông Trần Duy Hưng, Chủ tịch thành phố Hà Nội khi đó, biết.

Sau khi báo cáo với Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn, ông tìm được gia đình một người đàn bà làm nghề gánh nước thuê tên là Tín. Đó là một gian nhà tuềnh toàng chỉ có cái chõng tre và một ít bát đũa, xoong nồi cũ kỹ; đáng giá nhất chính là đôi thùng gánh nước. Trong nhà lúc ấy chỉ có 3 mẹ con chị, bởi chồng chị đã chết vì bệnh. Nghe ông hỏi đêm 30 Tết có đi gánh nước thuê không, chị nói lúc ấy các gia đình đều chuẩn bị đón giao thừa nên rất ít người thuê. Trước khi ra khỏi nhà chị, ông dặn đêm 30 chị ở nhà sẽ có khách tới thăm.

Những người con của Thiếu tướng Phan Văn Xoàn và lãnh đạo Bộ tư lệnh cảnh vệ tại lễ đón danh hiệu Anh hùng LLVTND.

Đêm 30 Tết, ông dẫn Bác đến nhà chị Tín. Tới cửa, thấy chị Tín đang định quẩy thùng đi gánh nước, ông nói nhỏ với chị: "Bác Hồ đến thăm mẹ con chị đấy". Vừa nghe ông nói xong, chị Tín bất ngờ tới mức để rơi cả đôi thùng gánh nước xuống đất, vừa ôm chân Bác vừa khóc: "Bác Hồ ơi sao Bác lại đến thăm nhà con?".

Bác cúi xuống nâng chị lên rồi nói: "Bác không đến thăm cô thì còn thăm ai". Hai đứa bé con chị Tín thì ngồi im nhìn Bác nói chuyện với mẹ chúng. Bác ngồi xuống chiếc chõng tre duy nhất, tặng quà cho hai đứa trẻ là cặp bánh chưng và mấy gói kẹo rồi mới ra về.

Những năm ở bên Bác, ông còn học được nhiều kinh nghiệm trong công tác bảo vệ yếu nhân. Có lần, đang đi ngoài đường, Bác chỉ ngay một người đứng giữa đám đông nói "kia là quân của chú phải không?" khiến ông giật mình bởi đó đúng là cán bộ của Cục Cảnh vệ đã hóa trang đang làm nhiệm vụ bảo vệ.

Bác nói Bác biết đó là cảnh vệ bởi khi xe Bác xuất hiện, mọi người dân vẫn đi lại bình thường, còn đồng chí này thì chỉ tập trung nhìn theo xe Bác. Bác nói với ông: "Bác phát hiện được thì kẻ địch cũng phát hiện được". Một chi tiết nhỏ ấy thôi nhưng là kinh nghiệm quý của nghề cảnh vệ về phương pháp làm việc của chiến sĩ cảnh vệ bố trí trên đường là phải xã hội hóa tốt nhất để vừa hoàn thành nhiệm vụ mà không bị lộ.

Những năm giặc Mỹ gây chiến tranh phá hoại miền Bắc, từ một tình huống của anh cảnh vệ vì quá lo lắng cho sự an toàn của Bác đã hốt hoảng mời Bác xuống hầm trú ẩn khi mới nghe báo động có máy bay địch… Bác nói: "Khi có địch phải biết bình tĩnh như khi không có địch, khi không có địch phải sẵn sàng như khi có địch". Câu nói đó trở thành một trong những phương châm của người cảnh vệ.

Anh Long kể rằng suốt 10 năm ba làm cận vệ cho Bác, chị em anh được một đặc ân, đó là vào các buổi tối thứ bảy lại được ba cho vào Phủ Chủ tịch xem phim chiếu phục vụ cho các nhân viên làm việc trong Phủ. Và có không ít lần, anh được gặp Bác. Cho tới bây giờ, đó vẫn là những kỷ niệm đáng nhớ nhất. 

4 năm 8 tháng chỉ huy việc bảo vệ hai phái đoàn cách mạng giữa Paris

Một trong những thành tích xuất sắc của Thiếu tướng Phan Văn Xoàn là đã trực tiếp chỉ huy công tác bảo vệ, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho hai phái đoàn: Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Chính phủ lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tại Hội nghị Paris.  

Giữa năm 1968, Cục phó Cảnh vệ Phan Văn Xoàn nhận chỉ thị trực tiếp từ Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn đi nhận nhiệm vụ mới, đó là phụ trách toàn bộ công tác bảo vệ an ninh cho các đoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tại hội nghị Paris.

Anh Phan Hồng Long bên tấm bằng Anh hùng LLVTND của cha.

Để chuẩn bị nơi ăn, ở, làm việc cho các đoàn sang Paris đàm phán, đoàn tiền trạm đã lên đường trước, là người chỉ huy công tác an ninh nên ông là một thành viên của đoàn tiền trạm.

Tới Paris, cùng với khảo sát nơi ăn ở, làm việc mà Chính phủ Pháp chuẩn bị cho hai phái đoàn ta, những nơi dự kiến họp Hội nghị 4 bên, các tuyến đường đi lại từ nơi ở tới nơi họp, điều ông quan tâm đầu tiên là thái độ của bà con Việt kiều và nhân dân Pháp với cuộc kháng chiến chống Mỹ và Hội nghị Paris; nắm tình hình những phần tử phản động tay sai đang tìm mọi cách chống phá để lên phương án bảo vệ cụ thể để phối hợp với Cảnh sát Paris. Với trách nhiệm là người chỉ huy an ninh và là Bí thư Đảng ủy Đoàn, ông xây dựng Nội quy bảo vệ để mọi người cùng thực hiện.

Sau khi phát hiện thiết bị nghe lén trong phòng dành cho Trưởng đoàn Xuân Thủy, ông cùng cán bộ Đại sứ quán gặp một số cán bộ, đảng viên Đảng Cộng sản Pháp nhờ các đồng chí tìm giúp nơi ở và những người bạn Pháp tin cậy phục vụ đoàn tại các nơi ở, làm việc, hội họp nhằm loại trừ khả năng tình báo đối phương cài cắm người vào và lắp thiết bị nghe trộm.

Bốn năm 8 tháng giữa Paris hoa lệ, nhưng với ông là thời gian luôn phải căng mình làm việc và cả đấu trí. Riêng với lực lượng Cảnh sát Pháp tham gia bảo vệ nơi ăn ở, hội họp, dẫn đoàn, ông đã dành không ít thời gian để gặp gỡ, không chỉ trao đổi công việc mà còn tìm hiểu hoàn cảnh gia đình mỗi người.

Có lần một nhân viên cảnh sát dẫn đường bị tai nạn, ông xin phép Trưởng đoàn được thay mặt đoàn đến thăm gia đình, dự lễ tang, chia buồn và gửi quà cảm ơn của đoàn đối với nhân viên cảnh sát trước sự có mặt của các quan chức Cảnh sát Paris. Việc làm này đã khiến không chỉ gia đình mà cả Cảnh sát Pháp cảm kích về ân tình của Đoàn Việt Nam, gây được thiện cảm của họ.

Từ mối quan hệ thân tình này  mà một số nhân viên cảnh sát đã thông báo cho ông biết trước âm mưu chống phá của bọn tay sai Mỹ và cả một số người Pháp cực đoan biểu tình, chặn đường đoàn, vì thế nên ông chủ động báo cáo trưởng đoàn có phương án thay đổi tuyến đường đi về, thậm chí thay đổi giờ họp để bảo vệ an toàn tuyệt đối.       

Sau 4 năm 8 tháng đàm phán, Hiệp định Paris được ký kết, ghi dấu vào lịch sử một thắng lợi ngoại giao quan trọng. Góp phần vào thắng lợi ấy là chiến công thầm lặng của lực lượng bảo vệ do ông chỉ huy, khi đã bảo vệ an toàn tuyệt đối cho Cố vấn đặc biệt Lê Đức Thọ, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Duy Trinh, Trưởng đoàn Xuân Thủy và Trưởng đoàn Nguyễn Thị Bình; bảo vệ tuyệt đối an toàn hơn 1.000 cuộc họp công khai, họp riêng, họp báo, phỏng vấn. Mọi thông tin có liên quan tới chủ trương, chiến lược, sách lược đàm phán của Đoàn đều được đảm bảo bí mật tới cùng; không một cán bộ, nhân viên nào trong các Đoàn bị kẻ địch mua chuộc, lôi kéo.

Nhắc lại những năm ba đi bảo vệ ở Paris, anh Long kể rằng suốt 2 năm đầu, ông không về. Những năm sau, mỗi năm ông về được một lần nhưng cũng chẳng ở nhà ngày nào mà toàn ở đơn vị vì thời gian ông về là đi họp, báo cáo công việc. Sau khi Hiệp định Paris được ký kết, khi đoàn đàm phán trở về thì ông còn phải ở lại làm nốt những công việc cuối cùng; mấy tuần sau, ông mới về qua đường Bắc Kinh rồi đi tàu liên vận về ga Hàng Cỏ.     

"Ngày trở về, ba mua quà cho chúng tôi. Món quà mà ba tặng chị gái tôi là một con búp bê Liên Xô, còn tôi được một bức tranh kiểu như tranh 3D bây giờ. Ngày ấy, đó là món quà rất lạ và tôi đã giữ cẩn thận rất nhiều năm, tới mức mỗi lần mang ra ngắm là phải đóng cửa lại rồi ngồi ngắm một mình chứ không dám khoe với bạn" - Anh Long bồi hồi nhắc lại kỷ niệm hơn 40 năm trước

Nguyễn Thiêm
.
.