Chuyện đời một vị tướng – nhà giáo

Thứ Ba, 25/11/2014, 15:45

Cả một đời gắn bó với nghề Công an, đã từng giữ chức vụ Thứ trưởng Thường trực Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an), nhưng nhắc tới ông, nhiều thế hệ cán bộ, chiến sĩ trong Lực lượng Công an nhân dân (CAND) vẫn trân trọng gọi ông là thầy. Ông là Trung tướng, nhà giáo Phạm Tâm Long, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Thứ trưởng Thường trực Bộ Nội vụ, nguyên Giám đốc Công an Hà Nội, nguyên Hiệu trưởng Trường đại học An ninh nhân dân (nay là Học viện An ninh nhân dân)…

1. Đại tá Nguyễn Hữu Hòa, Giám đốc Trung tâm Thông tin khoa học và Tư liệu giáo khoa - Học viện An ninh nhân dân nguyên là Trưởng khoa Trinh sát, vẫn lưu giữ rất cẩn thận một bộ phim tư liệu ngắn đã làm cách đây nhiều năm về người Trưởng khoa đầu tiên, đó chính là Trung tướng Phạm Tâm Long.

Mở cho tôi xem đoạn phim ngắn về người thầy, người thủ trưởng cũ của đơn vị, Đại tá Hòa kể rằng, bộ phim tư liệu này do chính ông làm nhân dịp kỷ niệm ngày thành lập khoa. Dù chỉ là một đoạn phim ngắn nhưng đó là sự trân trọng của lớp hậu sinh với bậc tiền bối.

Nhưng không chỉ với Đại tá Hòa, với nhiều thế hệ sinh viên Trường đại học An ninh nhân dân xưa, mà trong số ấy giờ đây nhiều người đã trở thành tướng lĩnh, cán bộ cao cấp của Lực lượng CAND, mỗi khi nhắc tới Trung tướng Phạm Tâm Long, họ vẫn thường gọi ông bằng thầy với tất cả sự kính trọng. 

2. Với Trung tướng Phạm Tâm Long, nghề Công an đến với ông như một sự sắp đặt của số phận. Bởi trước khi đến với nghề này, ông từng là cán bộ Đoàn. Sau đó ông về làm công tác kiểm tra, tổ chức, tuyên huấn rồi được cử vào hoạt động ở vùng địch hậu, rồi được điều về giữ cương vị Phó Văn phòng, rồi Chánh Văn phòng Tỉnh ủy Sơn Tây. Sau đó, do yêu cầu công việc, ông được tổ chức điều động về công tác ở Công an Liên khu 3.

Hòa bình lập lại, ông về Công tác ở Công an Hà Nội; với thành tích xuất sắc trong công tác, ông được bổ nhiệm làm Phó phòng, rồi Trưởng phòng Bảo vệ kinh tế, Công an Hà Nội. Năm 1962, ông được cử đi học ở Học viện An ninh quốc gia Liên Xô.

Cuộc đời mỗi con người có khúc rẽ tình cờ, với ông, cái "khúc rẽ" để từ một cán bộ của Công an Hà Nội trở thành thầy giáo là năm 1964. Sau khi tốt nghiệp hạng ưu ở Học viện An ninh quốc gia Liên Xô, ông về nước với suy nghĩ sẽ trở lại đơn vị cũ để tiếp tục công việc. 

Nhưng đúng thời điểm ấy, trước yêu cầu của sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia, Hội đồng Chính phủ ra quyết định công nhận Trường Công an Trung ương là Trường đào tạo bậc đại học của Lực lượng Công an. Để chuẩn bị mở bậc đào tạo đại học chuyên ngành an ninh, cần một đội ngũ giáo viên có trình độ lý luận cao và giáo trình.

Để chuẩn bị lực lượng, Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn khi ấy đã quyết định tất cả những cán bộ Công an đi học ở Liên Xô về sẽ về thẳng Trường Công an Trung ương nhận công tác. Về Trường Công an Trung ương, anh sĩ quan Phạm Tâm Long được giao nhiệm vụ Trưởng khoa Nghiệp vụ trinh sát, một trong những khoa đầu tiên của trường.

Sau này, nhắc lại cái bước ngoặt ấy, ông kể rằng khi được giao nhiệm vụ về trường làm giáo viên, ông cũng phân vân bởi ông đang say sưa công tác trinh sát, ở đơn vị nghiệp vụ và chưa hề có tâm thế rời môi trường công tác đầy sôi động ấy để trở thành thầy giáo trong một môi trường mô phạm.

Nhưng, đã là người lính thì phải chấp hành mệnh lệnh. Nhận nhiệm vụ Trưởng khoa Nghiệp vụ trinh sát ở Trường Công an Trung ương, với trọng trách chuẩn bị cho việc đào tạo bậc đại học, vì vậy công việc đầu tiên mà ông nghĩ đến là cùng các đồng nghiệp của mình biên soạn và từng bước hoàn thiện bộ giáo trình nghiệp vụ phục vụ công tác giảng dạy cho học viên, để làm sao khi rời mái trường này họ vận dụng vào thực tế một cách hiệu quả nhất.

Bởi có một nguyên tắc mà tất cả các trường an ninh ở mọi quốc gia đều áp dụng, đó là không bao giờ chia sẻ giáo trình giảng dạy nghiệp vụ an ninh. Muốn có giáo trình đào tạo, chỉ có cách tự nghiên cứu khoa học và tổng kết kinh nghiệm thành lý luận của riêng mình.

Những thế hệ học trò cũ đến chúc mừng thầy Phạm Tâm Long nhân dịp 20-11.

Sau này, nhắc lại kỷ niệm về những ngày "khởi đầu nan" ấy, nhiều cán bộ, giáo viên của Khoa Trinh sát vẫn nhớ người Trưởng khoa Phạm Tâm Long đã chỉ đạo tất cả giáo viên của khoa đều phải tham gia xây dựng giáo trình để chuẩn bị cho việc dạy đại học. Vì thế, ngoài giờ lên lớp, các giáo viên phải xuống cơ sở tiếp cận thực tiễn, tham gia tổng kết một số chuyên án lớn của Bộ, rồi trở về viết giáo trình dạy học theo nhiều hướng khác nhau, vừa biên tập một số tài liệu hiện có cho phù hợp với yêu cầu đào tạo đại học, vừa biên soạn mới nhiều giáo trình nghiệp vụ.

Với lý luận và kinh nghiệm thực tiễn sâu rộng, nhà giáo Phạm Tâm Long đã cùng các đồng nghiệp ở Trường Công an Trung ương xây dựng  được hệ thống giáo trình giảng dạy đại học trong Lực lượng CAND và đây là sự chuẩn bị chu đáo để tháng 10/1969, khóa đào tạo đại học đầu tiên của Trường Công an Trung ương đã được khai giảng, và gọi là Khóa Đ1 (Chữ "Đ" là đại học, con số 1 là Khóa I, khóa đại học đầu tiên của ngành). Ðây là bước ngoặt lịch sử, đánh dấu một bước đột phá chiến lược phát triển của Học viện An ninh, chuyển từ tư duy và phương pháp đào tạo nghề sang tư duy và phương pháp đào tạo lý luận.

Với phương pháp sư phạm tốt kết hợp với kinh nghiệm thực tế sâu sắc, ông vừa là Trưởng khoa, rồi sau này là Hiệu phó, vừa trực tiếp tham gia giảng dạy. Cho tới bây giờ, nhiều sinh viên vẫn nhớ tới những giờ lên lớp đầy say mê của thầy Phạm Tâm Long đã giúp mỗi học viên không chỉ tiếp thu được những kiến thức chuyên sâu mà thầy luôn gợi mở cho mỗi sinh viên có một tư duy nghiên cứu. Chính nhờ phương pháp đào tạo thực tiễn kết hợp lý luận đã giúp cho nhiều lớp sĩ quan an ninh khi ra trường tiếp cận công việc rất nhanh.

Đại tá Lưu Vinh, nguyên Phó tổng biên tập Báo CAND, từng là sinh viên của trường Đại học An ninh nhân dân, kể rằng điều khiến ông ấn tượng nhất về người thầy giáo Phạm Tâm Long chính là không chỉ trong mỗi bài giảng mà với mọi vấn đề, thầy Tâm Long đều thu phục người nghe bằng cách diễn giải và quy nạp vấn đề.

Với những kinh nghiệm tích lũy được từ những ngày tự mày mò biên soạn giáo trình ấy mà sau ngày miền Nam giải phóng, trước yêu cầu phải đào tạo gấp về lý luận cho lực lượng cán bộ Công an các tỉnh phía Nam để thống nhất đường lối, thống nhất quan điểm và thống nhất biện pháp công tác trong tình hình mới, đầu năm 1976, nhà giáo Phạm Tâm Long, khi đó đang là Hiệu phó Trường Sĩ quan an ninh, được lãnh đạo Bộ Công an tin tưởng giao nhiệm vụ vào làm Hiệu trưởng Trường Bổ túc sĩ quan CAND. Đây là bước phát triển kế tiếp của Trường An ninh miền Nam thời chống Mỹ.

Nhận nhiệm vụ mới, ông lên đường với hành trang mang theo là những giáo trình mang từ Bắc vào. Nhưng, với một đối tượng học viên hoàn toàn mới, đều là những cán bộ, chiến sĩ đã có quá trình chiến đấu nhiều năm ở chiến trường nên kinh nghiệm trận mạc đã rất dày dạn. Cái họ thiếu chính là những kiến thức lý luận nghiệp vụ một cách chính thống, bài bản. Vì vậy chương trình đào tạo cũng phải thay đổi bởi các học viên đều là Giám đốc, Phó giám đốc, Trưởng, Phó Công an các quận, huyện nên thời gian học cũng không thể kéo dài hàng năm như đào tạo sinh viên chính quy. Vậy là để có giáo trình phù hợp, ông cùng các đồng nghiệp đã quyết định biên soạn lại giáo trình cho phù hợp với những lớp học đặc biệt này khi thời gian học chỉ có 3 tháng. 

Dù là Hiệu trưởng nhưng ông cũng trực tiếp tham gia đứng lớp giảng dạy các môn nghiệp vụ. Với kinh nghiệm nhiều năm từng làm trinh sát ở đơn vị nghiệp vụ cùng với phương pháp sư phạm dày dạn, những bài giảng của thầy giáo Phạm Tâm Long đã thu hút được các học viên. Vì thế dù mỗi khóa học chỉ có 3 tháng nhưng các học viên đều được trang bị đầy đủ những kiến thức nghiệp vụ, đặc biệt là lý luận nghiệp vụ.

Nhắc lại kỷ niệm những năm tháng ở mái trường đặc biệt này, Trung tướng Phạm Tâm Long kể rằng có lần ông đi công tác ở các tỉnh Nam Bộ. Khi xe đến  thành phố Mỹ Tho (Tiền Giang) thì chết máy. Trời thì tối, lái xe loay hoay mãi không sửa được buộc ông phải tìm đến đồn Công an gần đó nhờ giúp đỡ. Nhưng điều bất ngờ khi vừa thấy ông, chưa kịp để ông tự giới thiệu thì hai cán bộ ở đồn chạy đến chào thầy. Hóa ra đó là hai học viên đã từng học ở Trường Bồi dưỡng nghiệp vụ sĩ quan Công an và họ nói rằng thầy không nhớ họ nhưng họ luôn nhớ đến thầy và mái trường xưa.

Năm 1978, sau hai năm làm Hiệu trưởng Trường Bổ túc sĩ quan CAND, ông lại được lãnh đạo Bộ yêu cầu quay ra Bắc nhận nhiệm vụ mới: Hiệu Trưởng Trường Sĩ quan An ninh.

Trở lại trường cũ nhưng ông nhận trọng trách mới với yêu cầu mới đó là phải xây dựng Trường Sĩ quan An ninh trở thành trung tâm đào tạo đầu ngành của Lực lượng CAND. Để thực hiện được nhiệm vụ này, ông cùng các đồng nghiệp xác định nhà trường phải là nơi tổng kết kinh nghiệm, xây dựng thành lý luận nghiệp vụ, muốn như vậy thì phải đầu tư cho nghiên cứu khoa học, bởi lý luận nghiệp vụ an ninh là của riêng mình chứ không thể học được từ nước nào. Với định hướng này, ông yêu cầu từng giáo viên, từng khoa phòng đều phải tham gia nghiên cứu khoa học, mỗi bài giảng cho sinh viên đều phải gắn với thực tế cuộc sống để sau khi ra trường, sinh viên không bị bỡ ngỡ trước thực tế công việc ở đơn vị; ông cũng khuyến khích sinh viên nghiên cứu khoa học biến quá trình đào tạo thành tự đào tạo của sinh viên.

16 năm làm công tác đào tạo, dấu ấn lớn nhất của nhà giáo Phạm Tâm Long là đã cùng các đồng nghiệp đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học, tổng kết kinh nghiệm thành lý luận nghiệp vụ. Với cách làm này mà Trường Sĩ quan An ninh, sau này là Đại học An ninh, rồi Học viện An ninh nhân dân đã xây dựng và hoàn thiện được hệ thống giáo trình nghiệp vụ an ninh hoàn chỉnh mang đặc tính của An ninh Việt Nam. Từ một trường huấn luyện công an, đào tạo nghề, đến nay Học viện An ninh nhân dân trở thành một trong những trung tâm đào tạo đại học, sau đại học và nghiên cứu khoa học lớn của cả nước, một trường đại học hàng đầu của Lực lượng CAND.

Còn với ông, ngay cả lúc ông là Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Thường trực Bộ Nội vụ hay khi nghỉ hưu, thì nhiều thế hệ sinh viên của Trường đại học An ninh, dù sau này có người là cán bộ cao cấp của Đảng, Nhà nước, nhưng vẫn luôn trân trọng gọi ông là thầy.

3. Năm 1981, sau 16 năm gắn bó với nghề giáo, đồng chí Phạm Tâm Long rời Trường đại học An ninh về làm Giám đốc Công an Hà Nội.

Ngày ấy, đã có ý kiến lo lắng rằng ông ở trong trường lâu nên sẽ khó khi đảm nhận nhiệm vụ mới, nhất lại là với địa bàn đặc biệt như Hà Nội. Nhưng chỉ sau một năm ông giữ cương vị Giám đốc Công an Hà Nội, Bí thư Thành ủy Lê Văn Lương đã nói rằng: "Dịp anh mới về, tôi cũng hơi lo vì anh công tác ở trường đã lâu, còn bây giờ thì tôi yên tâm rồi!".

Năm 1988, ông được bổ nhiệm cương vị mới - Thứ trưởng Thường trực Bộ Nội vụ, Ủy viên Trung ương Đảng, khóa VI, khóa VII. Dù bận rất nhiều công việc nhưng ông vẫn quan tâm tới việc nghiên cứu khóa học, tổng kết lịch sử. Một cán bộ Viện Lịch sử Công an kể rằng ngày ấy, mỗi lần có dịp làm việc với ông, ông luôn dặn anh em rằng "công tác biên soạn lịch sử CAND là công việc cấp bách, thường xuyên, lâu dài, làm chậm là có lỗi, không làm là có tội với các thế hệ cán bộ, chiến sĩ". Vì thế, nhiều công trình ông trực tiếp tham gia, và ông tỉ mỉ sửa tới từng câu chữ. Ông là thành viên chỉ đạo biên soạn và là Trưởng ban duyệt cuốn "Từ điển bách khoa CAND Việt Nam" năm 2000 trong đó xây dựng hệ thống khái niệm giúp cho các trường đại học trong CAND có cơ sở nghiên cứu khóa học.

Năm 1996 nghỉ hưu, nhưng ông vẫn được lãnh đạo Bộ Công an đề nghị làm cố vấn tổng kết lịch sử Công an Việt Nam. Điều hạnh phúc nhất của ông, đó là gia đình ông bây giờ đã có 3 thế hệ làm Công an, bởi ngoài hai người con trai đều thành đạt trong sự nghiệp, cháu nội của ông cũng theo truyền thống gia đình. Và mỗi năm, đến dịp 20-11, có nhiều học trò cũ, dù có người đã là cán bộ cao cấp, đến thăm và chúc mừng thầy giáo cũ Phạm Tâm Long

Nguyễn Thiêm
.
.