Chuyện đua ngựa ở Sài Gòn xưa: Đua ngựa để... "kiến thiết quốc gia"?

Thứ Bảy, 26/11/2016, 07:20
Dự thảo gần đây nhất của Bộ Tài chính được hoàn tất trình Chính phủ giữa tháng 8-2016, chốt lại với 3 loại hình vui chơi giải trí được phép đặt cược gồm đua chó, đua ngựa và bóng đá quốc tế vào chung một nghị định. Một số điều kiện cụ thể đặt ra nhằm hạn chế tiêu cực.

Cùng với đó, cũng đã có những tuyên bố sẵn sàng đầu tư nhiều tỷ đồng để xây dựng mã trường ở một số nơi, bước đầu mang lại hy vọng cho giới yêu thích bộ môn thể thao có tính giải trí đỏ đen tồn tại qua 2 thế kỷ đã bị chính thức đóng cửa vào 31-5-2011 (trường đua Phú Thọ, Q. 11, TP HCM).

Đua ngựa ngang với… xổ số kiến thiết

Đua ngựa ở Sài Gòn có từ thế kỷ XIX, chính quyền thuộc địa khi ấy xem bộ môn đua ngựa như món quà tặng cho các sĩ quan và binh lính Pháp giải trí cuối tuần. Một khoảnh đất nhỏ, nằm khiêm tốn trên cánh đồng tập trận được dùng làm trường đua, nay thuộc khu vực vòng xoay Công trường dân chủ của Q.3 và Q.10.

Nhận thấy đây là bộ môn thể thao quý tộc, có khả năng phát triển và đem về cho ngân sách thuộc địa nguồn thu lớn, Năm 1932, một nhóm thương nhân người Việt được chính quyền sở tại chuyển nhượng gần 5 ha đất để xây dựng trường đua ngựa Phú Thọ. Kể từ đây chấm dứt những cuộc đua trên cánh đồng tập trận.

Trong rất nhiều tài liệu bằng tiếng Pháp của Chính phủ Nam phần, kể cả địa chí Sài Gòn 300 năm cũng không cho thấy kinh phí đầu tư xây dựng trường đua tiêu tốn hết bao nhiêu, tuy nhiên hẳn là một số tiền không nhỏ cho một thú vui còn lạ lẫm đối với hầu hết người dân lúc bấy giờ.

Hình ảnh con Bạch Mã của Nguyễn Văn Thiệu mua từ Úc.

Ngày 11-8-1942, chính quyền Bảo Đại bắt đầu ban hành văn bản về đua ngựa và nuôi ngựa đua, nhưng rất sơ sài. Có lẽ lúc bấy giờ họ cũng chưa lường được hết sự phức tạp của bộ môn đua ngựa. Một năm sau, ngày 9-8-1943, văn bản trên được sửa đổi theo hướng quy định thành Luật đua ngựa và cá ngựa chặt chẽ và cụ thể hơn.

Tuy vậy, phải hơn 20 năm sau, đến thời VNCH đệ nhị thì bộ môn đua ngựa ở Nam Kỳ mới được cho là phát triển và tổ chức có quy củ. Bằng chứng là ngay sau khi nhận chuyển giao chính quyền từ Hội đồng quân nhân cách mạng, Tổng thống VNCH Nguyễn Văn Thiệu đã yêu cầu ngành chăn nuôi đầu tư phát triển ngựa đua.

Hưởng ứng lời kêu gọi, Chánh Hội trưởng Hội đua ngựa Sài Gòn Lý Văn Mạnh được phép nhập 5 con ngựa giống Anglo (Ả Rập) về phối giống cho đàn ngựa nhà và được báo cáo lên Tổng thống với "mức sản xuất đáng khích lệ". Kế đến, chính quyền VNCH đã lập một Ủy ban Kiểm soát liên bộ, thường trực bao gồm đại diện các Bộ Nội vụ (giữ chức Chủ tịch), Bộ Tài chánh, Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh cảnh sát quốc gia và Bộ Cải cách điền địa và Phát triển nông thôn ngư mục.

Đánh dấu cho sự phát triển đỉnh cao của bộ môn đua ngựa ở miền Nam, vào thời điểm 1971, trong danh sách chủ ngựa đăng ký với Hội đua ngựa Sài Gòn có đến 407 chủ ngựa, trong đó có rất nhiều người đăng ký 5 - 6 con ngựa đua. Cụ thể, chủ ngựa thuộc vùng Đô Thành Sài Gòn (Phú Lâm, Cây Da Sà, Phú Thọ và Bình Chánh): 103 người; chủ ngựa vùng Hóc Môn (Thuận Kiều, Bà Điểm, Trung Chánh, Chợ Cầu): 118 người; chủ ngựa vùng Hậu Nghĩa (Đức Hòa, Đức Lập, Củ Chi, Mỹ Hạnh, Đức Huệ): 77 người; chủ ngựa vùng Gò Vấp (Xóm Thơm, Xóm Gà, An Nhơn, An Hội, Thông Tây Hội): 42 người và chủ ngựa vùng Tân Bình (Bà Quẹo, Phú Nhuận, Gò Mây, Vĩnh Lộc): 67 người.

Kế đó, một loạt báo cáo thường niên qua các năm 1969, 1970, 1971, 1972, 1973 và 1974 (trong năm 1972, trường đua bị chính phủ tạm đóng cửa từ ngày 14-5, đến 20-3-1973 mới mở cửa trở lại - NV) của Hội đua ngựa Sài Gòn gởi Thủ tướng Chánh phủ, Tổng trưởng Bộ Nội vụ, Tổng trưởng Bộ Tài chánh, Tổng Giám đốc Ngân sách và Ngoại viện, Giám đốc Nha thuế trực thâu, Đô trưởng Sài Gòn, cho thấy mỗi năm Hội nộp cho ngân sách hơn 500 triệu đồng. Đây cũng là một trong những lý do chính quyền Sài Gòn luôn coi Hội đua ngựa ngang hàng với xổ số kiến thiết quốc gia.

Phát sinh tiêu cực

Có một điều khá đặc biệt, ít ai biết việc điều hành toàn bộ cuộc chơi để mang về nguồn thu khổng lồ cho ngân sách lúc ấy được đặt dưới sự toàn quyền của Hội đua ngựa Sài Gòn. Chánh quyền Sài Gòn chỉ quản lý về mặt an ninh và kiểm soát bằng văn bản pháp luật.

Văn bản được coi là "trói" Hội đua ngựa Sài Gòn cùng các giới liên hệ là Sắc luật số 053 - TT/ SLU, được Tổng thống VNCH Nguyễn Văn Thiệu ký ngày 25-12-1972. Tại mục 2, điều 4 quy định: "Khai gian số lợi tức dùng làm căn bản để đánh thuế sẽ bị phạt giam từ 6 tháng đến 5 năm, phạt vạ từ một trăm ngàn đồng đến một triệu đồng, không kể các hình phạt khác do luật lệ hiện hành dự liệu. Trong trường hợp khai gian số lợi tức phải chịu thuế, ngoài hình phạt về hình sự, can phạm phải bị xử bồi hoàn ba lần số tiền thuế đáng lẽ phải đóng cho chánh phủ”.

Trước đó, ngày 22-6-1971, Bộ Tài chính VNCH đã có văn bản ấn định tỷ lệ trích khấu trên số tiền đánh cá ngựa. Theo đó, mỗi tháng có 4 kỳ đua vào thứ bảy, 4 kỳ đua vào chủ nhật và một kỳ đua đặc biệt (ngày lễ) lấy tiền giúp các tổ chức xã hội từ thiện. Mỗi kỳ đua thu được 30 triệu đồng tiền đánh cá. Như vậy mỗi tháng có 9 kỳ đua (buổi đua) thu được 270 triệu đồng.

Theo một văn bản khác, những buổi đua đặc biệt (thứ bảy và ngày lễ) tỷ lệ trích khấu 14% cho Hội đua ngựa, 16% sung vào ngân sách Quốc gia. Còn những buổi đua thường (chủ nhật), tỷ lệ trích khấu cũng vẫn là 30%, nhưng Hội đua ngựa chỉ được hưởng 12%, còn 18% sung vào ngân sách Quốc gia. Số còn lại 70% được dành để trả thưởng cho những người trúng cá cược. Do đó, hàng tháng, trên số tiền đánh cá 270 triệu đồng, sung vào ngân sách 45.600.000 đồng.

Trong một công văn mang tính giải trình về việc sử dụng số tiền trên, đồng thời xin cứu xét tăng tỷ lệ trích khấu tiền đánh cá ngựa của ông Chánh hội trưởng Hội đua ngựa Sài Gòn Lý Văn Mạnh gởi Thứ trưởng Bộ Nội vụ Lê Công Chất đề ngày 15 - 3 - 1973, như sau: Mỗi buổi đua có 80 con ngựa đua tham gia, chia đủ 4 hạng A, B, C, D. Tham dự cuộc đua chủ ngựa được lãnh thưởng nếu ngựa về 4 hạng đầu, chủ ngựa được trợ cấp nếu ngựa về không có hạng. 

Cụ thể, mỗi tháng Hội thu 9 kỳ đua là 35.400.000 đồng nhưng phải chi cho mỗi buổi đua 3.400.000 đồng; chi phí cho nhân viên (nhân viên bán vé, nhân viên văn phòng trung ương, nhân viên an ninh trật tự, nhân viên y tế, nhân viên thú y, nhân viên kiểm soát tiền đánh cá…): 1.200.000 đồng và chi phí chuẩn bị cuộc đua (nhân viên thường trực, Ủy ban liên bộ…): 100.000 đồng. Như vậy mỗi tháng chi 9 cuộc đua hết 30.600.000 đồng, cộng với chi phí sinh hoạt của trụ sở 3.000.000 đồng/ tháng, mỗi tháng Hội chỉ còn dư khoản 1.800.000 đồng.

Tuy vậy, sau khi tham khảo ý kiến nhiều giới, ngành liên hệ, Bộ Tài chính VNCH đã bác đề nghị của Hội đua ngựa vì cho rằng việc tăng thêm sẽ ảnh hưởng đến tổng số tiền đánh cá.

Ngoài ra, theo hồ sơ của Hội đua ngựa Sài Gòn từ tháng 1-1972 đến tháng 3-1975, buổi đua đặc biệt (ngày lễ) trong tháng thường được tổ chức vào thứ năm, 16% tiền đánh cá của buổi đua này (4.800.000 đồng) được dùng để tổ chức 5 ngày lễ lớn trong năm: giỗ tổ Hùng Vương, lễ Lao động, lễ Phật Đản, kỷ niệm 1-11 và lễ Giáng sinh.

Ở những tháng không có ngày lễ kỷ niệm, số tiền trên được chuyển cho các tổ chức xã hội từ thiện.

Nhưng bắt đầu từ cuối 1972 đến 1975, ngoại trừ 5 buổi đua đặc biệt dùng để kỷ niệm các ngày lễ, 16% của 7 buổi đua đặc biệt còn lại trong năm được chuyển cho Hội Phụ nữ Việt Nam phụng sự xã hội do Nguyễn Thị Mai Anh, vợ của Nguyễn Văn Thiệu làm chủ tịch.

Bệnh viện Vì Dân khi còn đang xây dựng.

Trong một "mật văn" của Hội đua ngựa Sài Gòn, gửi cho Chánh Văn phòng Phủ Tổng thống đại tá Võ Văn Cầm, ngày 28-8-1972, nói về số tiền 16% thu được từ các buổi đua đặc biệt đã "chuyển hết cho bà phu nhân tổng thống để làm quỹ xây cất và điều hành Bệnh viện Vì Dân"? (Sau 1975 đổi tên thành Bệnh viện Thống Nhất.

Ngoài việc chia chác tiền cá cược, tiền vé vào cửa trường đua cũng mang về nguồn thu khổng lồ cho "nhà cái". Giá vé lúc bấy giờ là 20 đồng, Hội đua ngựa đóng thuế hí cuộc 48%, còn lại 10,40 đồng. Tính trung bình mỗi buổi đua có 5.000 người vô cửa, mỗi tháng 9 buổi, "nhà cái" hốt 468.000 đồng!

Thấy ngon ăn, ngày 2-2- 1974, Hội đua ngựa Sài Gòn xin Chính phủ VNCH cho phép tổ chức thêm một buổi đua trong tuần để lấy tiền giúp đỡ chủ ngựa gặp khó khăn. Qua khảo sát các Bộ Canh nông, Xã Hội và Bộ Tư lệnh cảnh sát quốc gia, cho rằng không thấy chi trở ngại.

Riêng Bộ Tài chánh, nhận xét: việc tổ chức đua ngựa vào thứ năm không được thuận lợi. Do, phái đoàn kiểm soát ngân khố gồm 42 người, khó có thể rời công vụ để đến trường đua. Ngoài ra, các công chức thuộc Bộ Tài chánh, và có lẽ các công chức khác, quân nhân… sẽ không được phép nghỉ một buổi trong giờ hành chánh để đến trường đua. Thế là không được.

Thú chơi đen đỏ

Năm 1975, khi tiếp quản khu nhà mát của Tổng thống Thiệu ở Thủ Đức, người ta thấy có rất nhiều loại thú nuôi, trong số đó có một con voi độ 4 tuổi và 3 con ngựa dùng để cưỡi. Một thú vui quý tộc của Tổng thống Thiệu trước khi Sài Gòn thất thủ. Sau đó không còn ai để ý đến đường đi của những con thú cưng này về đâu. Những thông tin ít ỏi liên quan đến những con thú này có thể vẫn còn lưu ở Thảo cầm viên Sài Gòn.

 Chúng tôi đã "lục soát" nhiều nơi và có trong tay Công văn số 245/ PTT/ VP/ ND, do trung tá Phạm Thành Gia, Chánh Sở Nội dịch (Phủ Tổng Thống) ký gởi cho bác sĩ - Giám đốc Thảo cầm viên Sài Gòn, ngày 27-4-1970, đề nghị "Ông Giám đốc Thảo cầm viên cho bác sĩ đến điều trị dùm con voi nhỏ của Tổng thống nuôi bị bệnh nơi dạ dưới". Và, rất có thể con voi này người ta đã nhìn thấy khi tiếp quản khu nhà mát của Tổng thống Thiệu.

Song, hồ sơ về 3 con ngựa dùng để cưỡi của Tổng thống Thiệu có tên: Bạch Mã (ngựa cái), Hồng Mã và Thi Thi (ngựa đực) vẫn còn lưu giữ khá đầy đủ về nguồn gốc của chúng.

Trong một bức thư viết tay của Tổng lãnh sự VNCH ở Hồng Công Vương Hòa Đức phúc đáp cho Chánh văn phòng Phủ tổng thống Võ Văn Cầm đề ngày 29-11-1969, nói về việc tìm mua một con ngựa trắng để làm quà cho Tổng thống Thiệu nhân ngày sinh nhật thứ 47 (ngày 05-4-1970). Theo thư này, hiện tại ở Joc Key Club của Hồng Công có một con ngựa trắng 2 tuổi, gốc Australia, giá 2.000 đôla Úc. Con ngựa này ngay sau đó được ông Cầm chê là còn "quá non".

Đến ngày 20-2-1970, ông Đức gởi thư cho ông Cầm, thông báo là đã tìm được con ngựa trắng và khẳng định Tổng thống sẽ yêu thích. Theo đó, con ngựa này vừa tròn 6 tuổi, giống Ả Rập được Sở nuôi ngựa Arundel Fram Pty Limited (Australia) nuôi dưỡng, đúng theo tiêu chuẩn chiều cao và nhảy rào giỏi, đã được huấn luyện thuần thục. Giá con ngựa này là 3.000 đôla Úc.

Nếu trường hợp nhờ được cơ quan quân sự Úc cho "quá giang" bằng không vận chở thẳng về Sài Gòn thì rất tiện lợi. Bằng không, sẽ phải gởi con ngựa này sang Hồng Công. Việc này có phần phức tạp, vì phải nhờ các nhà nuôi ngựa ở Hồng Công chăm sóc ít nhất một tuần lễ để tìm phương tiện chở về nước. Cũng nhân dịp này, tiện thể sẽ chở luôn 2 con ngựa trước đây đã mua còn gửi chăm sóc ở Joc Key Club về nước luôn.

Sau nhiều lần thư từ qua lại giữa Chánh văn phòng Phủ tổng thống với Tổng lãnh sự Vương Hòa Đức, số phận 3 con ngựa mãi đến ngày 22-10-1973, từ Hồng Công mới về đến Sài Gòn bằng hàng không Air Việt Nam. Với phí tổn chuyên chở 2.000 Mỹ kim, nhưng được quy trả bằng đồng bạc Việt Nam.

Ngay sau khi 3 con ngựa về đến Sài Gòn, ông Cầm giao chúng cho Tổng thư ký Hội kỵ mã Sài Gòn là Giáo sư Nguyễn Duy Thu Lương chăm sóc đúng một tháng, sau đó chuyển lên khu nhà mát. Trễ hơn ngày dự định mừng sinh nhật lần thứ 47 của Tổng thống Thiệu đến 3 năm.

Nói về câu chuyện trường đua ngựa, ít ai biết trước năm 1975, đua ngựa đã mang về cho chế độ cũ mỗi năm hơn 500 triệu đồng. Tuy vậy, trường đua Phú Thọ cũng từng bị ra lệnh đóng cửa, dù rằng Tổng thống VNCH Nguyễn Văn Thiệu là một người thích chơi ngựa!

Dưới chế độ VNCH, đua ngựa là môn thể thao giải trí được đặt ngang hàng với xổ số kiến thiết, lấy nguồn thu để cứu tế và phát triển gia cư.

Kỳ Phương
.
.