Chuyện gia đình của nhà tình báo: Đồng đội của cha tôi

Thứ Tư, 28/01/2015, 17:30
Trong hành trình đi tìm tư liệu để dựng lại hình ảnh về người cha lừng lẫy của mình, người đọc cảm nhận được tác giả của cuốn sách "Không thể mồ côi" - chị Đào Thị Minh Vân - đã phải mất rất nhiều công sức, tìm kiếm, gặp gỡ nhiều người (theo chị là khoảng 400 nhân chứng) nhằm cố gắng đi đến ngọn ngành của sự việc.

Một trong những kỳ công ấy là các cuộc gặp với Trung tướng Hà Ngọc Tiếu, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát, từng là Phó ban Quân báo và Tình báo Nam Bộ, khi ấy do đồng chí Hoàng Minh Đạo làm Trưởng ban.

Tôi chỉ là một người con đi bên lề của hai cuộc chiến tranh giữ nước của dân tộc. Nhưng chính tôi cũng là người bị mất mát, chịu thiệt thòi quá lớn do hậu quả của chiến tranh tàn khốc để lại. Kháng chiến chống Pháp tôi mất mẹ.

Chiến tranh chống Mỹ - ngụy tôi mất cha. Lòng khao khát được biết về cha về mẹ của mình cứ thôi thúc tôi hàng ngày, hàng giờ và không bao giờ dừng lại. Để giải tỏa được sự thôi thúc đó tôi đã đi và đã tìm gặp những người đồng đội của cha và mẹ của tôi.

Qua tất cả những lần gặp gỡ, tôi mới hiểu dần dần từng câu chuyện. Từng mẩu, từng mẩu chuyện được tôi ráp nối lại. Tất cả những điều đó đã hình thành nên tư liệu cho gia đình làm sách, dựng thành phim. Nhưng quan trọng hơn, là tôi hiểu ra cặn kẽ, một thế hệ đã hy sinh xương máu cho dân tộc để giành độc lập.

Tự hiểu ra rằng ngoài lịch sử của bố mẹ để lại, còn có chính cuộc đời của những người đang sống, đang kể lại sự kiện mà họ từng tham gia. Tất cả đều lôi cuốn, hấp dẫn tôi, và tôi cũng trôi theo những dòng hồi tưởng ấy. Những cuộc đời đầy sóng gió với bao hiểm nguy luôn rình rập.

Những cuộc đời sẵn sàng hy sinh vì Tổ quốc nhưng lại dạt dào tình nghĩa yêu thương giữa con người với con người. Những cuộc đời đã chọn cho mình con đường đi duy nhất là đấu tranh, là giải phóng dân tộc, giành độc lập, tự do cho đất nước. Như cha mẹ tôi đã đi, đã sẵn sàng hy sinh cho con đường ấy.

Đồng chí Hoàng Minh Đạo và vợ Bùi Ngọc Hường chụp tại Nam Vang - ảnh do đồng chí Hà Ngọc Tiếu lưu giữ và tặng gia đình.

Tất cả những đồng đội của cha, mẹ đều là những anh hùng còn sống, là những nhân chứng của lịch sử mà tôi đã vinh dự được tiếp xúc, được học hỏi. Có những điều tưởng nhỏ, nhưng lại là những bài học giá trị cho chính đạo đức làm người.

Đa phần đồng đội cũ của cha mẹ tôi ai cũng có thân có phận. Ngược lại cũng có những con người sau giải phóng gặp hoàn cảnh đặc biệt, số phận trớ trêu hoặc mai danh ẩn tích.

Đối với tôi, đó cũng là một mảng cuộc đời đã qua của cha tôi, và cũng là một mảng hiện thực trong cuộc đời hiện tại mà nhiều khi mọi người cứ cố quên đi. Với tôi mỗi tấm huy chương đều có những mặt trái của nó.

Trong quá trình tìm hiểu lịch sử cuộc đời cha mẹ mình, có những lúc nghe tin người này người kia trước đây ở gần cha mẹ mình nhưng rồi vì biến cố, mất liên lạc hoặc có trường hợp giờ này không ở Việt Nam nữa…

Bản thân tôi không muốn hỏi nhiều về cuộc đời của họ, tôi chỉ tìm hiểu về những thời gian, khoảnh khắc có mặt cha mẹ tôi trong đó. Tôi chỉ là một đứa con đi tìm thêm tư liệu sự kiện lịch sử về cha mẹ mình. Tôi thực sự rất thoải mái khi đi tìm gặp những người như thế. Lý do thoải mái là vì nếu có gặp được thì sau đó tôi cũng chẳng ảnh hưởng gì đến ai.

Chú Bồng, chú Ba Thới, chú Sáu Trì giới thiệu tôi ra Hà Nội tìm chú Hà Ngọc Tiếu. Đó là một ông già to cao, trắng trẻo, đẹp lão, người cởi mở vui vẻ nói chuyện và trình bày hết sức mạch lạc mọi câu chuyện…

Có lẽ đến đây phải xin phép cắt ngang mạch suy tưởng của độc giả một chút: Trung tướng Hà Ngọc Tiếu (tức Nguyễn Văn Hoàn, 1921 - 2006), nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát, trong bài viết về thủ trưởng của ông, đồng chí Hoàng Minh Đạo, được in trong cuốn "Khúc bi tráng trên sông Vàm Cỏ" đã nói rằng nhiều bài học đầu tiên về công tác tình báo, quân báo của ông là từ thủ trưởng Hoàng Minh Đạo. Thời điểm ấy, năm 1949, đồng chí Hà Ngọc Tiếu đang là Trung đoàn trưởng Trung đoàn Phạm Hồng Thái, vừa hiển hách với đóng góp vào chiến thắng Láng Le - Bàu Cò, tiêu diệt gần 300 tên địch…

Nhớ về thủ trưởng của mình, Trung tướng Hà Ngọc Tiếu đã viết: Tôi đã hoạt động trong ngành Quân báo và Tình báo gần hết cả cuộc đời tham gia Cách mạng. Tôi gặp anh trong đoàn của anh Lê Đức Thọ vào Nam Bộ. Vừa đến Chiến khu D, anh giới thiệu tên là Minh Phụng. Anh rất vui, qua hàn huyên rủ tôi chuyển về Bộ Tư lệnh Nam Bộ công tác với anh.

Lúc đó ở Nam Bộ tình báo có cơ sở khắp nơi. Đoàn của anh Thọ đi Khu 7, Khu 8 và dừng lại ở Khu 9 làm căn cứ của Bộ Tư lệnh Nam Bộ. Ban Quân báo và Tình báo của Bộ Tư lệnh Nam Bộ do anh làm Trưởng ban… Vậy là tôi qua phụ trách quân báo và tình báo Khu 7. Thấy anh mang tên Minh Phụng, một số người hỏi sao tên giống con gái - anh nói "tên vợ tớ vừa mới mất ở chiến khu miền Bắc".

Đồng chí Hoàng Minh Đạo (người thứ 7 từ trái qua hàng đứng) cùng đồng đội tại căn cứ Trung ương cục Miền Nam (1968).

Một thời gian sau anh lại nói nửa đùa nửa thật: "Tớ đổi tên là Hoàng Minh Đạo cho khỏi tên con gái". Tôi ở Khu 7 thời gian ngắn, thì được thư anh Đạo từ Bộ Tham mưu Nam Bộ yêu cầu chuyển tôi qua Quân báo và Tình báo Nam Bộ.

Tôi thực thi lệnh anh Đạo từ miền Đông qua miền Tây bằng xuồng qua Vàm Cỏ Đông đến Vàm Cỏ Tây mất ba tháng trời, đường đi rất vất vả, gian khổ vì giặc chặn các ngả và tuần tiễu liên tục. Lâu lâu anh lại nói: "Làm nghề này buộc tập nói dối với địch và phải nói dối với địch mãi… mình sợ riết rồi nó thành quen, thành tật, lỡ gặp đồng chí mình cũng nói dối thì nguy to…". Sau này tôi mới hiểu đây là cách anh nhắc nhở nhẹ nhàng cán bộ của mình…

Trở lại với câu chuyện của Minh Vân, chị nhớ lại: Lần đầu gặp chú Hà Ngọc Tiếu, tôi tự giới thiệu tên và là con của ba Đạo. Chú trả lời ngay: Biết rồi! Cháu là con của chị lớn đã mất trên chiến khu Việt Bắc. Má Hường của cháu chú cũng biết rất rành. Bây giờ bay ngồi đây để chú đi tìm cho bay tấm hình của anh Đạo lúc còn ở Bộ Tư lệnh Nam Bộ. Tấm ảnh của anh chị Đạo chụp ở miền Đông Nam Bộ, lúc chị Hường có bầu thằng Ngọc, em cháu…

Một lát sau chú ra, cầm theo hai tấm ảnh, chú rơm rớm nước mắt rồi nói: Đây là bức ảnh anh Đạo mặc quân phục chính quy khi ở miền Bắc vào. Đa phần anh em trong Nam lúc đó có gì mặc nấy, thường chỉ có đồ bà ba…

Lúc cha cháu có thằng Ngọc - em cháu là lúc năm Thìn 1952 bão lụt, đói lắm thiếu đủ thứ. Thằng em cháu đẻ ra ở Bộ Tư lệnh, lúc đó nó trở thành con của Bộ Tư lệnh. Giặc càn liên miên mà miền Đông lại đói kém thiếu ăn, tội thằng nhỏ lắm, nó gầy còm, thèm đường không có mà ăn, chị Hường cứ lấy muối dụ nó là đường mà nó ăn ngon lành liếm mãi…

Ờ mà này, cũng kỳ thiệt! Số anh em làm phó của ba cháu như ông Ba Thới, ông Sáu Trì cả chú đều có quân hàm tướng… vậy mà thủ trưởng của mình chả có quân hàm gì cả. Vấn đề này chắc tổ chức lúc bấy giờ có sai sót gì đó?

Ba cháu được mọi người yêu thương kính phục vì anh sống đơn giản, không tỏ ra là người ở Trung ương vào, lại rất tâm lý. Cái chính là anh Đạo rất giỏi, rất sâu sắc, rất cụ thể khi phân công công việc nên ai cũng kính phục: Vừa phục tài năng, lại phục đức độ của anh đối với cấp dưới… Cháu có quyền hãnh diện về ba cháu!

Về hai lần Trung tướng Hà Ngọc Tiếu được đích thân đồng chí Hoàng Minh Đạo giao cầm tài liệu ra miền Bắc được chị Minh Vân thuật lại như sau: "Hai lần chú được ba cháu cử ra miền Bắc. Một lần họp, một lần khác là được cử đi học. Cả hai lần ba cháu đều trao chú 2 tập tài liệu dán tuyệt mật. Chú có nhiệm vụ phải trao tận tay cho Bác Hồ hoặc Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Cho tới giờ, chú cũng không biết rõ nội dung của những tập tài liệu đấy, vì ba cháu đã niêm phong rất kỹ, chỉ có trước giờ khởi hành anh mới trao cho kèm theo một câu mệnh lệnh: "Nếu đồng chí có hy sinh thì tài liệu cũng phải được hủy, không được lọt vào tay địch, không được vào tay của bất cứ ai. Và chú chỉ hoàn thành được có một lần là tài liệu được đưa vào tận tay Đại tướng Võ Nguyên Giáp, còn đợt sau trước ngày Hiệp định Genève chú bị phục kích, bị địch bắn trúng tới 5 viên đạn vào người. Nhớ lời anh dặn, trước khi ngất đi chú đã kịp hủy tài liệu bằng cách nhai và nuốt hết vì lúc ấy tài liệu được đánh bằng giấy pelure mỏng nên mới nhai được…".

Về câu chuyện hai lần ra Bắc, trong bài viết "Anh Hoàng Minh Đạo" được in trong tuyển tập "Khúc bi tráng trên sông Vàm Cỏ", Trung tướng Hà Ngọc Tiếu có nói đến: "Lần thứ nhất vào tháng 2/1952, anh Đạo cử tôi đi ra Bắc. Anh chuẩn bị đầy đủ hồ sơ báo cáo tình hình địch và yêu cầu tôi phải trao tận tay Bác Hồ. Tôi khởi hành trước một tháng so với một đoàn cán bộ cấp cao khác gồm hơn 20 người, hẹn ra Hà Nội gặp lại nhau. Trước lúc lên đường anh dặn đi dặn lại: "Tài liệu rất quan trọng. Phải trao tận tay Bác Hồ". Vì bảo vệ tài liệu đó mà trên đường đi tôi bị mười mấy viên đạn bắn vào người, có viên đến bây giờ vẫn ở trong cơ thể.

Lần thứ hai vào năm 1954 vừa từ miền Bắc đi bộ trở vào mấy tháng trời trèo đèo, trèo núi rất cực khổ thì lại đến ký hiệp định Genève. Tôi đã đề nghị được ở lại không đi tập kết nhưng anh Đạo không đồng ý… với yêu cầu tôi ra ngoài tạo điều kiện "đánh lại" ngay người đi ngược lại cho anh. Lúc này, đại đa số anh em quân báo, tình báo đã ở lại, rất ít đi tập kết.

Đó là một sự hy sinh rất lớn của anh Đạo và anh em trong lực lượng cho công cuộc giải phóng miền Nam. Một số anh em vào nội thành, một số đi về các quân khu, vài người trá hình vào hàng ngũ địch, một số không may bị địch bắt đi tù… và sau đó một số anh em đã ra đi mãi mãi, trong đó có đồng chí Hoàng Minh Đạo.

Tôi ra Bắc, đầu tiên về Bộ Quốc phòng, ở bộ phận tình báo biên giới, sau chuyển qua Bộ Công an, cũng ở tình báo biên phòng. Lâu lâu từ năm 1954 đến 1969, có trao đổi với anh bằng điện tín chiến trường, thỉnh thoảng kèm vài câu anh chào hỏi "thăm anh Tiếu", tôi vẫn mạnh giỏi, và tôi trả lời "thăm anh Mạnh". Đó là ám hiệu chào nhau từ hai miền Nam - Bắc. Trong nhiều năm, nói theo từ của ngành Tình báo, quân báo, tôi cho anh là quá giỏi vì bao lần, anh đã "trốn địch rất giỏi".

Năm 1970, tôi nghe tin anh đụng độ với thám báo Mỹ vào tháng 12/1969. Đến nay tôi vẫn còn một tấm hình của anh to chỉ bằng ngón tay từ thời chống Pháp và một tấm hình anh và chị Hường, tôi sẽ trao lại cho gia đình. Tôi nhớ mãi dáng anh gầy gầy xương xương, nét mặt rắn rỏi, tính cách ôn hòa, hiền lành nhưng lại rất gan lỳ và trầm tính, chân thành.

Anh đã ra đi mãi mãi. Những đồng đội cũ luôn nhớ về anh".

* Theo "Không thể mồ côi" của Minh Vân, NXB CAND - 2014 và "Khúc bi tráng trên sông Vàm Cỏ" - nhiều tác giả, NXB CAND - 2008.

M.V.
.
.