Chuyện nữ du kích bắt sống Chuẩn tướng Lý Tòng Bá
- Nữ du kích 60 năm làm tròn trách nhiệm Đảng viên
- Gặp người nữ du kích từng mưu sát Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu
- Gặp lại người nữ du kích năm xưa
Đối diện viên tư lệnh sư đoàn 25 bộ binh
Có nguồn dư luận cho rằng, ngày 30/4/1975, viên Chuẩn tướng Tư lệnh Sư đoàn "tia chớp nhiệt đới" (biệt danh của Sư đoàn 25 Bộ binh Việt Nam Cộng hòa - VNCH) đã cải trang thành một nhà thầu dân sự xây dựng doanh trại để lẩn ra đường cái bắt xe khách trốn về Sài Gòn. Dù vậy, ông ta vẫn bị một nữ du kích Củ Chi bắt sống khi đang nép người dưới ruộng lúa?
Bà Năm Sương (người thứ ba từ phải qua) cùng đồng đội cũ. |
Chúng tôi đã tìm gặp và trò chuyện cùng bà Lê Thị Sương, nguyên là Chính trị viên của Đội nữ du kích Củ Chi. Bà thường được gọi là "dì Năm Sương" hoặc "dì Năm du kích". Bà Sương sống trong một ngôi nhà cấp bốn nằm phía sau ngôi chợ nhỏ có tên gọi là chợ Lô Sáu (xã An Nhơn Tây, huyện Củ Chi, TP HCM).
Ngay sau câu hỏi về sự kiện "bắt sống Tư lệnh Sư đoàn 25", bà trả lời rất nhanh: "Không đúng như vậy. Tôi là người tiếp nhận sự đầu hàng của ông Lý Tòng Bá chứ không bắt sống".
Bằng giọng nói chậm rãi, chân chất và thân thiện, bà bày tỏ: "Lịch sử là phải chính xác, có sao nói vậy chứ không nên nói oan. Dù đã 40 năm nhưng tôi vẫn nhớ như in từng chi tiết những ngày lịch sử đó...".
Thời điểm giải phóng Sài Gòn, Huyện đội Củ Chi yêu cầu Đội nữ du kích Củ Chi chia thành 2 đội. Đội 1 do Đội trưởng Võ Thị Trong chỉ huy, tháp tùng Trung đoàn Đất Thép tiến vào giải phóng Sài Gòn. Đội 2 chia thành 2 toán thọc 2 cánh vòng cung vào giải phóng huyện lị Củ Chi. Một toán do bà Năm Hường phối hợp với Huyện đội. Bà Năm Sương (lúc đó là Chính trị viên Đội nữ du kích) được lệnh chỉ huy một toán tháp tùng lực lượng Huyện đội Củ Chi và lực lượng bộ đội Trung đoàn 48 (Sư 320) tiến đánh đầu não chỉ huy Sư đoàn 25 VNCH tại căn cứ Đồng Dù rồi giải phóng thị xã.
Sáng sớm ngày 29/4/1975, lực lượng Trung đoàn 48 của ta đánh thốc vào sở chỉ huy của Chuẩn tướng Lý Tòng Bá. Lý Tòng Bá lệnh cho thuộc hạ phản công quyết liệt. Tuy nhiên, đến trưa, không chịu nổi sức mạnh áp đảo của quân ta, Lý Tòng Bá cùng thuộc hạ bỏ chạy khỏi sở chỉ huy.
Chiều 29/4/1975, bà Năm Sương cùng đồng đội đã vào đến trung tâm huyện lị Củ Chi tiếp quản trụ sở hành chính của địch. Lúc này, địch đã tháo chạy bỏ trụ sở trống không. Theo sự chỉ đạo từ trước, bà Năm Sương dùng xe jeep tịch thu của địch đi phát loa kêu gọi ngụy quân, ngụy quyền ra trình diện chính quyền cách mạng tại Rạp hát Củ Chi (nay là trụ sở Công an huyện Củ Chi).
Khoảng 9 giờ sáng ngày 30/4/1975, hàng trăm binh sỹ VNCH lục tục kéo vào rạp hát. Bà Năm Sương yêu cầu các sĩ quan ngồi riêng một bên và các hạ sĩ quan ngồi một bên. Lần lượt từng người tiến lên chiếc bàn giấy để bà ghi "phiếu trình diện". Những hạ sĩ quan và binh sĩ được ghi phiếu trước. Sĩ quan được ghi phiếu sau. Người cuối cùng có vẻ phốp pháp nhất khai nhận mình là Chuẩn tướng Lý Tòng Bá - Tư lệnh Sư đoàn 25.
Ghi "phiếu trình diện" xong, bà câu lưu những sĩ quan cấp tá tại Rạp hát Củ Chi để đề phòng bất trắc. Sau đó, bà đi vận động người dân trong Hội Mẹ chiến sĩ (lực lượng dân nguyện tiếp tế lương thực cho cách mạng) nấu cơm đưa vào cho Lý Tòng Bá và các thuộc hạ ăn. Nhớ đến chi tiết này, bà Năm Sương cười: "Có lẽ mấy ổng sợ tụi tôi đầu độc nên không ai chịu ăn mặc dù ai cũng có vẻ đói meo. Thấy vậy, tôi ăn mỗi món một chút để chứng minh thức ăn không có độc. Tôi còn nói, chính sách của chính quyền cách mạng là không đánh người ngã ngựa, mấy ông cứ yên tâm ăn đi. Thấy tôi ăn, mấy ổng mới chịu ăn".
Lý Tòng Bá thời điểm năm 1975. |
Sau khi ăn xong, Lý Tòng Bá rụt rè hỏi: "Thưa bà, liệu sĩ quan như tụi tôi có bị giết?". Bà Năm Sương nói: "Nếu ai biết ăn năn hối cải sẽ được chúng tôi đối xử tốt". Lý Tòng Bá lại nói: "Thưa bà, chúng tôi là quân nhân chỉ biết cầm súng đánh giặc". Bà Năm Sương đối đáp ngay: "Anh bảo là anh cầm súng đánh giặc nhưng bây giờ anh đã biết giặc là ai chưa? Nếu chưa, tôi sẽ chỉ cho anh biết". Lý Tòng Bá trả lời: "Chưa". Bà Năm Sương nói tiếp: "Anh là sĩ quan cấp tướng mà không nhận biết được ai là giặc thì quá dở. Tôi chỉ cho anh biết nè. Giặc là kẻ cầm súng đi xâm lược nước khác. Giặc là kẻ hùa theo kẻ xâm lược bắn giết đồng bào mình". Lý Tòng Bá lặng người.
Thấy vậy, thuộc cấp của Lý Tòng Bá khều y bảo: "Thôi, ông đuối lý rồi, xuống đây ngồi với tụi tôi". Lý Tòng Bá không biết nói gì thêm, trở về chỗ ngồi rồi im lặng suy nghĩ đến suốt buổi.
Chiều hôm đó, bà Năm Sương trưng dụng xe quân sự vừa tịch thu của địch chở hết số sĩ quan chỉ huy Sư đoàn 25 ngụy vào căn cứ Đồng Dù bàn giao cho Cục Chính trị Sư đoàn 320 của ta.
Kết thúc câu chuyện này, bà Năm Sương nhấn mạnh: "Chúng ta chiến thắng bằng sức mạnh chính nghĩa, vì vậy ta phải ghi nhận lịch sử đúng và chính xác. Đúng là Lý Tòng Bá đã tháo chạy khỏi căn cứ trước áp lực quân sự của ta nhưng đích thân ông ta dẫn các sĩ quan thuộc quyền ra trình diện chứ không phải bị tôi bắt lúc lẩn trốn. Khi ra trình diện, ông ta vẫn mặc bộ quân phục nhưng đã tháo bỏ quân hàm. Khi tôi bàn giao ông ta cho bộ đội, ông ta vẫn mặc bộ đồ đó".
Ký ức hào hùng
Bà Năm Sương là 1 trong 3 nhân tố đầu tiên của Đội nữ du kích Củ Chi. Khi tham gia, bà mới 18 tuổi và đang là du kích xã Trung Lập Thượng, Củ Chi.
Bà Năm Sương thời điểm năm 1975… và hiện tại. |
Đầu năm 1965, Mỹ ồ ạt đưa quân vào Việt Nam. Sư đoàn 25 Mỹ được điều đến đóng căn cứ ở Đồng Dù để che chắn mạn tây bắc bảo vệ đầu não Sài Gòn. Trước tình hình đó, lãnh đạo Huyện ủy Củ Chi ra quyết định tinh tuyển những nữ du kích giỏi của các xã để thành lập Đội nữ du kích. Nhiệm vụ của đội là "làm cho Sư đoàn 25 Mỹ khiếp sợ". Ngày thành lập chính thức được ấn định là ngày 10/11/1965.
Người đầu tiên được chọn là bà Nguyễn Thị Nê, tức Bảy Nê, sinh năm 1947, lúc ấy là Xã đội trưởng xã Phú Hòa Đông, được chỉ định làm Đội trưởng. Người thứ hai là bà Trần Thị Nhỡ, tức Út Nhỡ, Xã đội phó xã Nhuận Đức làm Chính trị viên và người thứ ba là đội viên Lê Thị Sương, tức Năm Sương.
Ngay sau khi thành lập, bà Năm Sương cùng bà Bảy Nê và Út Nhỡ chia nhau đi khắp nơi để vận động phụ nữ tham gia đội. Lần hồi, đội tuyển được hơn 20 người. Người "già" nhất cũng chỉ 25 tuổi. Tất cả đều chưa lập gia đình. Sau khi tham gia khóa huấn luyện quân sự do Huyện đội tổ chức, được chia thành nhiều tổ, cư trú trong các nhà dân bao quanh căn cứ Đồng Dù (Căn cứ Sư đoàn 25 Mỹ - ngụy). Từ đó, Đội nữ du kích Củ Chi trở thành nỗi ám ảnh, mất ăn mất ngủ đối với Sư đoàn 25 của địch.
Khi thì phục kích chặn đường hành quân, khi thì đặt bẫy chông, thậm chí đột kích vào tận sào huyệt Tư lệnh Sư đoàn 25. Trận đánh đột kích đó diễn ra vào tháng 5-1967 do bà Bảy Nê trực tiếp chỉ huy 2 đội viên. Nửa đêm, cả ba người vượt qua 26 lớp kẽm gai và bãi mìn dày đặc để đột nhập vào tận kho bãi quân cụ, khí tài rồi cài trận địa thuốc nổ. Trận đánh này, 3 đội viên đã tiêu diệt hàng chục lính Mỹ, phá hủy 7 xe tăng và 5 khẩu pháo 105 ly. Sau trận đánh, tất cả đều rút lui về căn cứ an toàn.
Những năm 1967-1968, Đội nữ du kích Củ Chi bắt đầu thường xuyên tổ chức phản công chống càn, hóa trang trinh sát, xây dựng cơ sở trong lòng địch… Bà Năm Sương nhớ lại, vào đầu năm 1966, bà Út Nhỡ, bà Nga và bà Năm Sương nhận nhiệm vụ đánh địch đi càn ở ngã ba Nhuận Đức, cách trung tâm huyện lị bây giờ hơn 10km. Trong trận này, ba chị em "giăng lưới" một loạt các hầm chông, hố đinh, mìn tự tạo rồi câu nhử địch đi vào. Trận phục kích này, họ đã tiêu diệt tại chỗ nhiều tên địch và một xe tăng.
Sau chiến dịch Mậu Thân 1968, các đội viên Đội nữ du kích được phân công "nằm" trong ấp chiến lược của địch để xây dựng cơ sở, tổ chức diệt ác.
Bà Nguyễn Thị Trong bị thương mất cánh tay trái đã trở thành biểu tượng. Tòa án nhân dân kết án tử viên đồn trưởng Đồn Bàu Giang ở xã Trung An vì giết hại thường dân. Tiểu đoàn đặc công Gia Định, rồi du kích xã nhiều lần tổ chức thi hành án nhưng hắn vẫn thoát. Bà Trong nhận nhiệm vụ vào tận đồn xử tử hình rồi rút ra an toàn. Kể từ đó, hình ảnh người "phụ nữ một tay" dẫn đầu đội nữ mặc áo bà ba đen quấn khăn rằn là nỗi ám ảnh kinh hoàng đối với địch.
Bà Cao Thị Hương dùng bá đỏ bắn chết phi công lái trực thăng rơi ở ấp Cây Sộp, xã Tân An Hội vào tháng 12/1965. Đại hội Anh hùng lần thứ 2 toàn Miền (tháng 9/1967), bà được phân công viết thư báo cáo thành tích của Đội nữ du kích Củ Chi với Bác Hồ.
Trong suốt 10 năm đánh trận, đã có 24 người hy sinh oanh liệt. Trong đó có bà Dung (bà Năm Sương không nhớ họ), vào năm 1969 chỉ mới 17 tuổi, rất xinh đẹp đã hy sinh trong đau đớn. Lần đó, bà Dung bị địch phục kích bắn gãy chân. Bà đã chiến đấu đến viên đạn cuối cùng rồi rơi vào tay địch. Bà bị chúng thay nhau hãm hiếp đến chết rồi ném thi thể xuống giếng ở Trung Lập Thượng.
Ngày 27/10/1969, bà Nguyễn Thị Nê, Đội trưởng đã anh dũng hy sinh khi mới 22 tuổi đời. Lúc này, bà giữ chức Huyện đội phó kiêm Đội trưởng Đội nữ du kích. Đêm đó, trên đường đi công tác cùng đồng đội, bà lọt vào ổ phục kích của địch. Dù bị thương, bà vẫn kiên cường bắn trả hòng kiềm chân quân địch, tạo cơ hội cho đồng đội rút về nơi an toàn.
Dù mới 22 tuổi nhưng bà Nguyễn Thị Nê đã chỉ huy đồng đội đánh hơn 100 trận, diệt gần 500 tên địch, phá hủy 70 xe tăng, xe bọc thép, 5 khẩu pháo và bắn hạ 15 trực thăng. Bà được truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND vào ngày 30/8/1995.
Nghĩa tình đồng đội
Sau khi đất nước hòa bình, nhiệm vụ lịch sử đã hoàn thành, Đội nữ du kích Củ Chi giải tán. Mỗi người đi một hướng. Riêng bà Năm Sương được tăng cường về tỉnh Minh Hải. Khi Minh Hải tách tỉnh, bà được điều về Bạc Liêu làm công tác tổ chức nội bộ lần lượt cho nhiều công ty kinh tế. Năm 1986, bà Năm Sương nghỉ hưu và trở về vùng đất gắn với máu thịt bà thời kháng chiến.
Khi trở về, bà bắt đầu quy tựu các cựu binh của Đội nữ du kích Củ Chi. Hằng năm, bà và đồng đội cũ chọn ngày hy sinh của người Đội trưởng Nguyễn Thị Nê làm ngày giỗ chung cho 24 liệt nữ (tức mùng 10/10 âm lịch) tại nhà bà Trần Thị Nhỡ ở ấp Gót Chàng (xã An Nhơn Tây). Ngày giỗ cũng là dịp để các cựu đội viên gặp gỡ, chia sẻ, giúp đỡ những người lúc khốn khó, hoạn nạn.
Sau này, bà Sương và đồng đội cũ thống nhất chọn ngày thành lập Trung đội Nữ du kích 10/11 hằng năm để làm đám giỗ chung tại nhà bà Năm Sương.
Năm 2010, nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải gửi 3 triệu đồng để các bà làm đám giỗ, đồng thời đề nghị Ban quản lý Đền Bến Dược Củ Chi đứng ra tổ chức đám giỗ hằng năm cho 24 liệt sĩ Nữ du kích Củ Chi.
Bà Năm Sương cũng cho biết, hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND cho Đội nữ du kích Củ Chi đã được Cục Chính trị Quân khu 7 tiếp nhận và đang làm thủ tục đề nghị. Ngoài ra, Bộ Chỉ huy Quân sự TP HCM cũng đang thực hiện sưu tầm sử liệu để hoàn tất bộ sách lịch sử về Đội nữ du kích Củ Chi.