Chuyện quanh một bản báo cáo được "giải mật"

Thứ Hai, 06/08/2007, 09:00

(Tiếp theo và hết)

... Khó khăn, trắc trở, trục trặc... có tất, nhưng cái khó ấy nó rơi vào tay những người thạo việc, nó nằm trong tầm của những người biết xoay xở, có quyền được trù tính định liệu và may mắn làm sao, mọi việc, mọi thứ lo lại được nằm trong một cơ chế thoáng...

Lê Đức Thắng, Ủy viên Thường vụ Đoàn của Liên hiệp Xí nghiệp 8 cùng tham gia tổ công tác chừng như không lạ tình cảnh của chị em bên Lào, đứng bên tôi cứ hổn hà hổn hển. Giọng Thắng lạc hẳn nhưng vẫn nghe được: “Khải... Khải... Mày nghe tao bảo... Dừng lại đi. Mày đứng lại rồi nhẹ nhàng ôm lấy nó, nhớ là ôm nhẹ thôi đấy... Rồi mày vuốt tóc nó và lẩm bẩm câu gì cũng được. Khải, làm ngay đi nhanh lên, không con bé phát điên thật đấy...”.

Khải ta vừa thở vừa oai oái: “Trời ơi, mày nói có thật không, tao mệt đứt cả hơi đây”. Kể thì lâu nhưng làm thì chóng. Một cảnh tượng khá bi hài diễn ra giữa trưa nắng ở rừng Lào nhưng không ai dám cười, đúng hơn không nỡ cười... là Khải ta thở như kéo bễ, mặt mày tím tái do vừa sợ vừa mệt nhưng đã diễn rất xuất sắc màn kịch hình như chỉ có một không hai trong đời là chỉ vài động thái vuốt ve, vài câu lẩm bẩm như an ủi, Khải đã đưa được bệnh nhân T trở lại trạng thái bình thường!

...Chiều sẩm, mặc dù sắc diện chưa trở lại như cũ, nhưng khi chúng tôi tới thăm, T đã cười nói bình thường, đã ăn được cơm. Đặc biệt cô không còn nhớ tẹo nào cái màn kịch mà buổi trưa Khải “diễn” ở sân bóng chuyền cả! Chao ôi, vầng ngực lép kẹp trên cơ thể đã sắp độ “băm” kia, lý ra phải phổng phao thiên chức làm mẹ lâu rồi mới phải (?!).

Bữa cơm tối, mặc dù có món thịt vịt cạn, một đặc sản của vùng Nậm Nơn, nhưng cũng chả rôm rả...

Giám đốc Bỉnh chép miệng mãi không thôi, về những chế độ chính sách đối với nữ công nhân đang làm việc bên Lào, rằng kiến nghị đề đạt dễ đến hàng trăm lần, hết báo cáo mồm, báo cáo giấy mà chả ăn thua, nhiều năm liền “có cảm tưởng như các cơ quan có trách nhiệm bên nhà đã quên mất chúng tôi rồi thì phải... Thương chúng nó lắm nhưng chả biết làm sao...”.

Hôm sau, ghé qua đội làm đá 12 của xí nghiệp, vòng ra phía sau lán, ở một góc khuất, tôi kinh hãi khi nhìn thấy những vuông giấy báo xếp thành hình như hình sôtina bây giờ quảng cáo trên tivi.

Chao ơi, kể lại những chuyện buồn, những chi tiết nhọc nhằn  24 năm trước, có lẽ trong số các em gái có ai phiền lòng không, nhưng có một năm như thế, nhiều năm như thế, lứa con gái trụ tuổi như các em đang mơn mởn giăng giăng ở thời đổi mới này, nên nhớ và phải nhớ rằng, ở một cung chặng tít tắp tại một tuyến đường trên nước bạn Lào đã phải dùng giấy báo thay cho vải màn làm băng vệ sinh!

Vâng, có lẽ lại phải nhắc thêm một đoạn cuối trong tập báo cáo đã ngả màu vàng xuộm nọ: "Tình hình nữ thanh niên rất đáng lo ngại, hầu hết đều ở độ tuổi 18-20, chị em hết thảy đều lo lắng tới tương lai hạnh phúc của mình. Điều kiện làm việc vất vả, quần áo, các nhu cầu vệ sinh không đủ. 12 chị em mới có một cái chậu, 2,5 năm mới được mua một mét vải màn. Nhiều chị em đã phải ngủ chung để dành màn làm băng vệ sinh như ở Đội 2, Đội 4, Xí nghiệp Cầu 75. Ở nhiều đội, chị em đã phải dùng giấy báo vò nát thay cho vải màn làm băng vệ sinh...". (Trích trang 7, 8 trong báo cáo).

“Đất có tuần, nhân có vận” nữa là tuần, vận của quốc gia, của dân tộc. Ta đổi mới bạn cũng đổi mới... Câu khẩu hiệu Tình đoàn kết hữu nghị đặc biệt Việt-Lào đã được nâng lên một chất lượng mới, tầm cấp mới. Có lẽ đã vĩnh viễn qua rồi cái thời dằng dặc những năm mà tuổi thanh xuân của bao chàng trai, cô gái chìm lút đi trong những cánh rừng Lào miên man bất tận. 

Nhớ lại cách đây ít năm, tấm giấy mời màu hồng của Tổng Công ty Xây dựng giao thông 8 đã đưa tôi trở lại con đường 6 huyền thoại hơn 20  năm trước vào dịp nó được nâng cấp bằng vốn vay và viện trợ của các tổ chức quốc tế cho nước bạn Lào. Bạn đã tổ chức đấu thầu cũng theo phương thức quốc tế để “chuốt” lại con đường 6.

“Chuốt” ở đây nghĩa là nâng cấp con đường theo tiêu chuẩn quốc tế, là dựa trên cái nền đường rộng 3,5m mà công sức mồ hôi, xương máu và cả tuổi trẻ nữa của hàng ngàn lượt người trong đội hình chuyên làm đường giúp bạn Lào của Ban 64, Liên hiệp Xí nghiệp 8 tiền thân của Tổng Công ty Xây dựng giao thông 8 (Cienco 8) bây giờ.

Còn hơn cả việc chọn mặt gửi vàng, và có tí na ná “luật” nhân quả (?) nữa, trong số hơn chục đơn vị dự thầu quốc tế gồm nhiều nước (có sự tham gia của Lào, Việt Nam) một đơn vị của Cienco 8, Công ty 838 vốn là “em út” bởi sinh sau đẻ muộn so với các đàn anh trong Tổng Công ty Xây dựng giao thông 8 đã thắng thầu phần việc trị giá hơn 12 triệu USD này! Quả là ở hiền thì gặp... đường!

Trên cái nền đường 3,5m mà dằng dặc từ năm 1965 ấy, lớp đàn anh, đàn chị và cả bậc cha chú của họ đã mở, đã tạo dựng nên, họ phải nới thành 6,7m... Nền đường đã được thi công bằng phương pháp tiên tiến nhất của thế giới với những thiết bị cũng thuộc loại hiện đại nhất.

Sự kiện ấy không thể nói là Công ty 838 gặp may được bởi họ phải lọt qua những vòng đấu loại những tiêu chuẩn quốc tế ngặt nghèo, thêm nữa phía Lào lại thuê cả một công ty tư vấn sành sỏi của Cộng hòa Liên bang Đức giám sát tỉ mỉ từng phần việc trong quá trình thi công!

Bắt đầu từ năm 1996, đội hình các loại thợ, các chủng loại xe máy của Công ty 838 đã giăng khắp tuyến đường 6 từ Na Mèo về Bản Ban dài 250 km. Hành trang họ mang sang chiến trường năm nào của lớp người trước không phải là choòng, cuốc, xẻng, xà beng và búa tạ quai đá nữa mà là các thiết bị máy móc các phương tiện thi công hiện đại, trị giá hàng chục tỉ đồng do công ty bỏ tiền ra sắm...

Tôi chẳng có cái may như một số bạn đồng nghiệp được thường xuyên qua lại trong thời gian 838 “chuốt” lại đường 6... Mãi cách đây ít năm, chớm mùa mưa rừng Lào, tôi mới tới được những địa danh rất gợi những là Viêng Xay, Sầm Nưa, Nậm Nơn, Mường Hiềm... thì "chợ" đã vãn...

Ấy là nói Công ty 838 đã hoàn thành dự án nâng cấp đường 6 qua mấy năm thi công. Tấm giấy màu hồng mà kiểu cách in cũng khá điệu của Tổng Công ty Xây dựng giao thông 8 (Cienco 8) mời khách dự lễ khánh thành “Dự án đường 6” tới tay khá sớm để tôi đủ cái độ, đầu tiên thì háo hức rồi sau đó thì bồi hồi lẫn rân rân về địa danh năm ấy, về những người năm ấy...

Xoải người trong lòng “con” Land-cruiser thênh thang, bánh xe vo vo lăn trên những khúc ngoặt đã hạ bớt độ cua, đã bạt bớt độ dốc, thương nhớ lẫn lộn về một thời rồi lẩn thẩn thương cả chiếc U-oát hai mươi mấy năm trước ì ạch leo lên Na Mèo rồi gập ghềnh, những là chồm lên chồm xuống Sầm Nưa như một gã hụt hơi...

Buổi lễ khánh thành việc nâng cấp con đường số 6 huyền thoại tổ chức ở Viêng Xay, trước là thủ đô kháng chiến của Lào.  Nơi đây có vô số hang đá, cái thì công binh khoét, cái thì thiên tạo dùng làm nơi ở và làm việc cho Mặt trận Lào yêu nước. Có cả hang, nhà làm việc và nơi ở của đồng chí Xupha Nuvông, Cayxỏn Phômvihản...

Ngó qua các di tích sơ sơ vì không đủ thời gian, chúng tôi tuốt thẳng về Sầm Nưa. Ngồi với Giám đốc 838 Hoàng Thanh Long tại cơ quan đại diện của công ty tại Sầm Nưa, mới “sơ kiến” mà đã khối chuyện.

Chuyện chưa phải Giám đốc Long quê ở Vụ Bản, nhà Long sát nách với nhà của hai anh em nhạc sĩ Văn Cao và nhà thơ Vũ Cao mà tôi hơi ngạc nhiên về cái tỉ lệ sốt rét qua 3 năm làm đường trên đất bạn của mấy trăm quân hầu như là con số không! Chao ôi, con số không, con số âm ấy thoắt gợi đau đến những số có, số dương khủng khiếp trong bản báo cáo in rôneô vàng xuộm kia...

Tất nhiên, nghe nói quân ông Long có uống thuốc phòng, có nằm màn nhưng tôi nghĩ có lẽ bây giờ rừng rú cũng bớt phần quạnh quẽ hoang vắng u tịch, và nữa là sự cố gắng ra tay của y tế bạn đã tích cực truy quét dập tắt kịp thời những ổ sốt rét.

Thêm điều lấy làm lạ nữa là đội hình của công ty làm việc bên Lào trên tuyến đường 6 này hầu như không có... nữ! Lạ không phải để buồn mà là mừng! Cung cách điều hành, tổ chức lao động bây giờ hẳn là khoa học và hợp lý...

Địa bàn thi công xa Tổ quốc lại ở vào khu vực khí hậu khắc nghiệt, có thể “điều” họ sang được nhưng lao động nữ rõ ra là không thích hợp. Trong lúc các đồng nghiệp “quay” Giám đốc Long bấn búi với những tiến độ thi công, những quy trình của công nghệ tiên tiến rải “bây” nền đường như thế nào v.v... tôi thẫn thờ ngó quanh khu đại diện cũng là nơi ở tạm của những “phu lục lộ” thời kinh tế thị trường.

Bàn ghế tuy là nhựa nhưng sáng choang, phòng ốc ngăn bằng loại ván hóa học trắng bóc, những tập hồ sơ xanh, đỏ, tím... từng ngăn, từng tệp chĩnh chệ. Bên cạnh là giàn máy tính trên màn hình đang nhấp nháy những thông số, hình vẽ mà người trong ngành, cùng ngạch mới hiểu được... Thấp thoáng đâu đây vài chai nước lọc bằng nhựa của Lào của Thái...

Không ai dám bảo những công nhân của Công ty 838 làm nhiệm vụ nâng cấp đường 6 công việc của họ suôn sẻ tinh những thứ gặp may gặp hên về đời sống lẫn điều kiện làm việc! Có lẽ tôi chẳng liệt kê ra đây những gian nan suốt thời gian hơn 3 năm của viêc nâng cấp đường 6 dưới sự giám sát của các cơ quan kiểm định quốc tế.

250 cây số như thế, cứ 20 km lại phải chuyển nhà tạm theo kiểu cuốn chiếu... Đêm ngày, anh muốn thi công nền đường như thế nào thì tùy nhưng nhớ phải đúng 150 thì mới được rải “bây” (một loại hỗn hợp vật liệu).

Chao ơi, giữa miên man rừng Lào khí hậu thất thường, mỗi vùng mỗi khoảnh rừng đâu như có những tiểu khí hậu khác nhau, chọn thời điểm nào, thời khắc nào để chớp được cái 150 ấy đây? Thế mà họ làm được thì kể cũng là một sự lạ!

Rồi nữa, vật tư, thiết bị, mọi thứ đâu có sẵn trong kho ở bên nước cứ cho xe về chở là được lại phải bám sát yêu cầu của anh giám định quốc tế... Có thứ phải “commăng” đặt hàng gấp mãi tận Nhật Bản, Băng Cốc... Khó khăn, trắc trở, trục trặc... có tất, nhưng cái khó ấy nó rơi vào tay những người thạo việc, nó nằm trong tầm của những người biết xoay xở, có quyền được trù tính định liệu và may mắn làm sao, mọi việc, mọi thứ lo lại được nằm trong một cơ chế thoáng...

Anh Bỉnh, Giám đốc 572 non 20 năm trước đây và anh Long, Giám đốc 838 bây giờ, cả hai đều là giám đốc đều là làm đường, so sánh thế này thì có lẽ chả phải mà dễ rơi vào khập khiễng lắm, nhưng đó là hai người của hai thời khác nhau, cách nghĩ, cung cách điều hành khác nhau...

Giám đốc Long chỉ khẽ rút “phone” cầm tay có thể điều hành được công việc, “khiển” được những chi tiết thiết bị vài chục vài trăm ngàn “đô” tận Hà Nội tận Băng Cốc về cánh rừng tít tắp này, nhưng cái thời ấy, anh Bỉnh ơi, xin vong linh anh thể tất cho, nghĩ mà thương anh lặn ngòi ngoi nước, bao năm kêu là thế, xin là thế mà không sao kiếm cho các em được mấy mét vải màn!

Buổi chiều ấy xuôi về Bản Ban để ra đường 7, xe chúng tôi dừng lại nghỉ khá lâu ở Nậm Nơn. Cây cầu quen thuộc đây rồi, và chỗ kia âm thanh chói và đanh của cái ống bơ bộc phá... Nhưng lộn ngược lội xuôi mãi mà tôi chẳng thể nào tìm ra vết tích “đại bản doanh” của Xí nghiệp 572 ngày trước...

Bây giờ, một khu chợ lẫn nhà chưa phải khang trang nhưng khá sầm uất đã hình thành từ trên cái dấu tích năm nào, dường như khu lán trại của Xí nghiệp 572 hơn 20 năm trước như một cái mốc, một tín hiệu để báo trước cho một sự quần cư, đất lành chim đậu, manh nha cho một thứ thị tứ khang trang của vùng Trung Lào sau này.

Cũng tại Nậm Nơn, tôi có gặp một bộ phận của Công ty 838 đang chuẩn bị thu quân về Sầm Nưa để cùng đơn vị nhận công việc mới theo phương thức chỉ định thầu của bạn Lào là thi công đường nội thị của thị xã Sầm Nưa, đâu như công trình trị giá khoảng 3 triệu USD.

Lúc xe sắp chạy, một chàng trai tóc xoăn, nét mặt sáng sủa, với một vẻ tự tin tới gặp tôi. Anh nhờ tôi mang hộ về tòa soạn một chùm thơ mới làm... Giám đốc Long mỉm cười: “Trần Tuấn Kiệm, một đội trưởng cứng của xí nghiệp chúng tôi đấy”.

Chùm thơ mới của Kiệm có 5 bài, đọc thoáng thấy thơ Kiệm không sa vào kể lể những việc nơi này gian khổ nhớ nhà, nhớ em thèm nhạt thứ này thứ nọ... như cái “típ” thơ vẫn thường “nhặt” được ở công trường. Kiệm hơi khác. Sông nhờ gió/ Hỏi bên lở bên bồi/ Thương nỗi mòn của đất/ Sông ôm phù sa trôi/ Sông nhờ trăng/ Trăng sang bên lở/ Nói hộ dòng vẫn trong... Đại khái thế...

Hai mấy năm trước,  cũng tại cây cầu Nậm Nơn này, tổ công tác chúng tôi khi sắp xuôi về Bản Ban để về nước qua cửa khẩu Nậm Cắn, người ít thì mươi, người nhiều thì trên hai chục lá thư  của anh chị em Xí nghiệp 572 hầu hết là của chị em nhờ mang về nước chứ đợi thì chưa biết bao giờ mới có xe sang...

Cầm tập thư dày cộp, tất cả đều chưa dán tem (bởi xứ này kiếm đâu ra tem) cánh chúng tôi chả ai thấy phiền lòng mà còn thấy nhẹ người vì đã góp phần chia sẻ cùng chị em một chút gì đó...

Hai thời điểm tiễn đưa, tạm biệt là hai phương tiện nhắn gửi trao đổi khác nhau? Đêm đó nằm ở khách sạn Phum Xa Vẳn, tôi cứ chập chờn... giấc ngủ chả chịu tới mặc dù bã cả người sau một chặng xe dài

Xuân Ba
.
.