Cố Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn với công tác xây dựng Lực lượng Công an nhân dân

Thứ Tư, 15/06/2011, 20:50

Hơn 30 năm trên cương vị Ủy viên Trung ương Đảng, hơn 20 năm tham gia Bộ Chính trị, 28 năm là Bộ trưởng Bộ Công an, đồng chí Trần Quốc Hoàn đã có cống hiến to lớn đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc và sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc. Đặc biệt đồng chí luôn quan tâm, dày công xây dựng Lực lượng Công an nhân dân lớn mạnh.

Trong bài nói chuyện tại Hội nghị Công an Toàn quốc lần thứ 30, tháng 1/1976, Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn đã từng khẳng định: "Những thành tích công tác của ngành Công an trong thời gian qua chính là sự thể hiện cụ thể kết quả của việc xây dựng Lực lượng Công an theo đường lối của Đảng".

Hội nghị Công an Toàn quốc lần thứ 7 (tháng 8/1952), dưới sự chủ trì của đồng chí Trần Quốc Hoàn, đã rút ra được 7 kết luận mang tính lý luận là cơ sở để đẩy mạnh công tác xây dựng Lực lượng CAND. Liên tiếp các năm sau đó, hệ thống tổ chức, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của Lực lượng Công an được hoàn thiện. Năm 1957, Vụ Tổ chức cán bộ được thành lập có hệ thống xuống tận địa phương. Năm 1958, thành lập Lực lượng CAND vũ trang đủ mạnh để bảo vệ an ninh biên giới và nội bộ. Năm 1963, xây dựng Trường Công an Trung ương tiến lên chính quy và đào tạo đại học, và ngay sau đó một năm được Chính phủ công nhận là trường đại học và trung học chuyên nghiệp của ngành Công an. Từ năm 1989 trở đi, các khóa đào tạo sĩ quan, bồi dưỡng cán bộ nhằm chủ động đáp ứng yêu cầu trước mắt và lâu dài liên tiếp được mở ra…

Gắn liền với xây dựng Lực lượng Công an vững vàng về chính trị, đồng chí Trần Quốc Hoàn rất coi trọng xây dựng Công an về tổ chức bộ máy và đội ngũ cán bộ. Khái niệm chung xây dựng về tổ chức trong đó có cả cán bộ đã được đồng chí nhắc đi nhắc lại. Tổ chức và cán bộ có mối quan hệ khăng khít với nhau. Tổ chức nhân sức mạnh của cán bộ. Cán bộ là linh hồn của tổ chức. Đồng chí Trần Quốc Hoàn đã triển khai mô hình tổ chức bộ máy Công an nhân dân theo hướng từ thấp đến cao, dần dần từng bước từ chuyên sâu rộng đến chuyên sâu hẹp hơn, nhưng vẫn đảm bảo tinh gọn, nhanh nhạy, sắc bén, hiệu lực và hiệu quả.

Từ nhận thức sâu sắc về nhiệm vụ của lực lượng, về tính chất cuộc đấu tranh, để quán triệt yêu cầu và đường lối giai cấp trong việc xây dựng Lực lượng Công an, Bộ trưởng đã chỉ ra ba yêu cầu cơ bản trong xây dựng lực lượng, đó là phải đảm bảo có một đội ngũ cán bộ vững mạnh, có kỷ luật; phải có một tổ chức khoa học, hợp lý; phải đảm bảo trang bị cơ sở vật chất thích hợp phục vụ tốt cho chiến đấu.

Ngay từ những ngày ấy, Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn đã đánh giá việc xây dựng đội ngũ cán bộ Công an là hết sức quan trọng, vì nó quyết định chất lượng của tổ chức bộ máy. Cần thiết phải có một đội ngũ cán bộ tuyệt đối trung thành với Đảng, với giai cấp, có trình độ chính trị vững vàng, có trình độ nghiệp vụ giỏi, có kiến thức khoa học kỹ thuật cao, đủ về số lượng, vững về chất lượng để hoàn thành nhiệm vụ trong mọi tình hình… mãi làm tròn nhiệm vụ bảo vệ Đảng, bảo vệ Nhà nước xã hội chủ nghĩa, bảo vệ thành quả cách mạng, bảo vệ nhân dân, chống lại sự tấn công của bất cứ kẻ địch nào.

Trong đó, một vấn đề cần được chú ý trong chính sách cán bộ là phải không ngừng nâng cao trình độ cán bộ, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ để nâng cao chất lượng cán bộ, chất lượng của tổ chức, đáp ứng yêu cầu của nhiệm vụ. Ngay cả vấn đề xây dựng đội ngũ tinh thông để giảm nhẹ biên chế cũng đã được Bộ trưởng nêu ra từ thời điểm ấy. Bộ trưởng nêu rõ, phải thấy được vị trí quan trọng của đào tạo, bồi dưỡng, giáo dục cán bộ, phải biết giải quyết đúng đắn các mối quan hệ trong đào tạo, bồi dưỡng. Đó là quan hệ giữa giáo dục chính trị, nghiệp vụ, văn hóa, khoa học kỹ thuật; quan hệ giữa học tập nghiên cứu lý luận chung với kinh nghiệm của các nước anh em; quan hệ giữa đào tạo cơ bản có hệ thống với bồi dưỡng ngắn hạn; quan hệ giữa đào tạo, bồi dưỡng tại trường với tại chức.

Bộ trưởng cũng đặt ra yêu cầu cán bộ Công an phải có trình độ chính trị vững vàng, đấu tranh với quan điểm sai trái phi chính trị hóa Công an. Vì thế, bồi dưỡng cơ bản cho cán bộ Công an phải biết coi trọng bồi dưỡng về chính trị, phải lấy chính trị làm cơ sở, đồng thời nghiệp vụ, khoa học kỹ thuật phải giỏi mới đáp ứng được yêu cầu công tác. Chính vì thế, từ cuối năm 1959, đồng chí Trần Quốc Hoàn đã chỉ thị cho các vụ, cục, trường và Công an các địa phương lựa chọn cán bộ đưa đi đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ an ninh, cảnh sát, kỹ thuật hình sự, phòng cháy chữa cháy… tại các nước như Liên Xô (cũ), các nước Đông Âu, Trung Quốc và một số nước khác. Các hoạt động phối hợp, liên kết đào tạo trong và ngoài nước cũng được quan tâm nhằm nâng cao bản lĩnh của người cán bộ Công an trong mọi lĩnh vực.

Ít người biết rằng, năm 1953, khi mới thành lập Thứ bộ Công an, Trường đào tạo Công an đổi tên thành Trường Công an Trung ương thì đồng chí Trần Quốc Hoàn đã kiêm luôn chức Hiệu trưởng nhà trường đến năm 1962. Những năm tiếp sau đó, hệ thống trường Công an phát triển, đối tượng đào tạo được mở rộng, đồng chí Trần Quốc Hoàn cũng chính là người đặt nền móng xây dựng nội dung lý luận cơ bản của giáo trình nghiệp vụ về quan điểm, phương châm, nguyên tắc, biện pháp đối sách, về chiến thuật, kỹ thuật đấu tranh chống tội phạm trên lĩnh vực an ninh trật tự. Đến nay, về cơ bản các trường Công an vẫn tiếp tục tiếp thu kết quả đó, có vận dụng sáng tạo trong biên soạn giáo trình của mình.

Những việc làm ấy đã chứng minh cho tầm nhìn chiến lược của Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn để rồi cho đến nay, sau gần 40 năm, đã có một đội ngũ hàng chục nghìn cán bộ tốt nghiệp từ các hệ thống trường đào tạo của ngành, trở thành đội ngũ cốt cán trong Lực lượng Công an nhân dân.

Đồng chí Trần Quốc Hoàn cùng lãnh đạo Bộ Công an về thăm trường Đại học An ninh.
Đồng chí Trần Quốc Hoàn gặp gỡ thân mật với các đại biểu về dự Hội nghị tuyên dương Anh hùng các lực lượng an ninh miền Nam.

Trong bài nói chuyện tổng kết hội nghị Xây dựng lực lượng Công an, tháng 5/1962, Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn đã từng đánh giá rằng: "Nếu chúng ta xuất phát từ việc hoàn thành nhiệm vụ chính trị mà kiểm tra tổ chức bộ máy của ngành có tốt hay không, công tác xây dựng lực lượng có thành tích hay không, thì rõ ràng tổ chức bộ máy của ngành ta phát triển và có nhiều tiến bộ, đã phục vụ có kết quả cho các mặt công tác của ngành, và như vậy về cơ bản là hợp lý và công tác xây dựng lực lượng của chúng ta cũng có nhiều thành tích". Nhưng cũng không phải vì thế mà được bỏ qua những gì còn tồn tại.

"Nhưng trong quá trình phát triển các Lực lượng Công an, thì nhất định còn nảy ra những vấn đề cụ thể bất hợp lý mới, lúng túng mới trong tổ chức cụ thể. Tình hình đó đã và đang xảy ra, và sau này trong quá trình phát triển, nhất định còn tiếp tục xảy ra… Vấn đề cải tiến tổ chức không thể làm một đợt là xong!".

Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn đã thống nhất một số phương hướng chung trong công tác tổ chức để củng cố và tăng cường lực lượng của ngành. Theo đó, việc cải tiến tổ chức, hợp lý hóa tổ chức của ngành là phải nhằm không ngừng nâng cao tính chiến đấu, làm tăng thêm tính cơ động trong việc sử dụng lực lượng, làm cho công việc giải quyết được tốt hơn, mau chóng hơn, làm cho trên dưới thông suốt hơn, cấp trên nắm được tình hình của bên dưới một cách nhanh chóng, vững chắc hơn, cấp dưới thi hành mệnh lệnh cấp trên một cách nghiêm chỉnh và tích cực hơn.

Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn cũng cho rằng, trong việc cải tiến tổ chức, cần phải tăng cường các lực lượng chiến đấu, các đơn vị chiến đấu cơ sở, nhưng đồng thời phải tăng cường đúng mức các cơ quan chỉ đạo và các ngành bảo đảm để phục vụ tốt cho cuộc chiến đấu chung theo hướng tinh giản bộ máy.

Đồng chí Trần Quốc Hoàn cũng chỉ rõ, trong việc cải tiến tổ chức, trước hết phải chú trọng quy định nhiệm vụ chức trách của từng đơn vị, của từng cá nhân cho cụ thể, rõ ràng, theo tinh thần hợp tác xã hội chủ nghĩa, hợp đồng tác chiến, nghiên cứu phân công nhiệm vụ giữa cấp trên và cấp dưới cho thích đáng, tránh tình trạng trùng lặp nhiệm vụ, tránh ôm đồm bao biện, nhưng cũng tránh bản vị cục bộ.

Trong việc cải tiến tổ chức lại phải rất chú ý cải tiến biện pháp công tác, tăng cường các tổ chức bảo vệ của quần chúng và các lực lượng bảo vệ của các ngành. Đi đôi với cải tiến tổ chức, phải chú ý cải tiến lề lối làm việc, tránh bệnh giấy tờ quan liêu, làm cho công việc được giải quyết mau lẹ.

Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn nhấn mạnh, trong xây dựng lực lượng thì công tác chính trị tư tưởng có một vị trí rất quan trọng trong toàn bộ công tác lãnh đạo. Dưới sự lãnh đạo của Đảng nên bản chất cách mạng tốt đẹp của đội ngũ cán bộ công an luôn được bồi dưỡng và rèn luyện. Bản chất tốt đẹp của Lực lượng Công an là lòng trung thành tuyệt đối với Đảng, với nhân dân, với cách mạng, với Tổ quốc; là tính tổ chức kỷ luật cao, là tính hy sinh chiến đấu không mệt mỏi, tinh thần khắc phục khó khăn, chịu đựng gian khổ, là tác phong liên hệ mật thiết với quần chúng. Bản chất tốt đẹp đó luôn luôn là mặt chủ yếu của Lực lượng Công an, của người cán bộ, chiến sĩ công an. Bộ trưởng cho rằng cần phải khẳng định và nhận thức sâu sắc vấn đề này để luôn luôn chú ý phát huy bản chất cách mạng tốt đẹp đó lên.

Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn cũng đưa ra quan điểm: Muốn xây dựng lực lượng thì phải có tổ chức khoa học hợp lý. Tổ chức bộ máy phải thích hợp với từng giai đoạn, thích hợp với nhiệm vụ; phải bố trí lực lượng có tỷ lệ thích đáng giữa Trung ương và địa phương, giữa các lực lượng trong toàn ngành. Phải quy định rõ nhiệm vụ chức trách, chế độ công tác, lề lối làm việc của từng bộ phận, từng đội, từng phòng, từng vụ, cục và từng loại công tác. Đồng thời đảm bảo phối hợp chặt chẽ giữa các bộ phận, các đơn vị, đảm bảo dân chủ tập thể. Tổ chức phải đề cao được kỷ luật công tác, nhất là cơ cấu tổ chức Lực lượng Công an phải đảm bảo tính chất chiến đấu thường xuyên và xây dựng Lực lượng Công an nhân dân tiến lên chính quy và từng bước hiện đại…

Tiến tới kỷ niệm 30 năm ngày thành lập Tổng cục XDLL CAND (18/6/1981 - 18/6/2011), nhìn lại những quan điểm trong chỉ đạo của vị Bộ trưởng đầu tiên ấy mà sao thấy vẫn có sự xuyên suốt. 30 năm một chặng đường, cùng với sự lớn mạnh chung của toàn lực lượng, Tổng cục XDLL CAND đã có những bước trưởng thành vượt bậc. Nhất quán trong những quan điểm, những trưởng thành ấy, không gì khác ngoài một mục tiêu xây dựng người chiến sĩ Công an bản lĩnh vững vàng về chính trị, kiên quyết đấu tranh với mọi thế lực thù địch để bảo vệ Đảng, bảo vệ Tổ quốc, đem lại bình yên, ấm no cho nhân dân

Việt Ba
.
.