Có một Giáng sinh của mọi Giáng sinh…

Thứ Ba, 24/12/2019, 15:00
Noel đến gần. Các trận đánh vẫn tiếp tục. Song ở cả hai chiến tuyến, Pháp, Anh một bên và Đức một bên, người ta nghĩ nhiều đến gia đình, đến quà tặng cho trẻ, đến những cuộc tụ họp ấm lòng... giờ đây vì chiến tranh mà không được hưởng.

Bên này, quân Pháp uống rượu vang đỏ và sâm banh. Binh lính Anh thì thưởng thức rượu whisky và kèn núi. Bên kia, lính Đức uống bia và trưng ra một số cây thông Noel đã được trang hoàng.

Lính Đức được phép đón tiếp người yêu hay vợ. Một trong những người may mắn ấy là một ca sỹ lừng danh trước chiến tranh, Nikolus Sprint. Anh không ỷ vào quy chế nghệ sỹ để từ chối ra chiến trường, việc mà anh coi là một nghĩa vụ yêu nước. Vợ anh, Anna Sorensen, người Thụy Điển, cũng là một ngôi sao ca nhạc. Chiều 24-12, vợ chồng Nikolus Sprint được mời đến hát cho các sỹ quan cao cấp Đức nghe. Sau đó, hai người thống nhất ra chiến hào đón Noel cùng đồng đội.

Một áp phích phim tiếng Pháp.

Từ chiến hào Pháp - Anh, chợt vang lên tiếng kèn núi, tấu bài ca Noel Đêm yên bình. Nikolus Sprint liền hát theo bằng giọng nam cao của anh. Anh vừa hát vừa tiến ra "vùng đất không người" rải rác tử thi và vỏ đạn giữa hai phe đối địch. 

Không phát đạn nào vang lên như nhiều người lo sợ. Chí có tiếng vỗ tay, rụt rè rồi phấn khích. Viên sỹ quan phụ trách quân Pháp rời khỏi chiến hào. Rồi đến viên sỹ quan phụ trách quân Anh. Và viên sỹ quan chỉ huy quân Đức. Do dự giây lát, họ bắt tay nhau và trao đổi vài lời. Cuộc hưu chiến được loan báo. Ba sỹ quan "cụng ly".

Pháo hoa đã? Mấy phát súng cối được bắn lên trời. Binh lính từ các chiến hào ngập ngừng đi lên. Đương nhiên, không phải tất cả. Họ xiết tay, ôm hôn nhau, chúc nhau Noel vui vẻ. Họ mời nhau uống rượu, ăn sô cô la, nốc bia, hút thuốc. Họ đem khoe với nhau ảnh cha mẹ, vợ con hay người tình. Những cây thông Noel được mang đến. Rồi giữa bãi chiến trường lồng lộng ánh trăng, một linh mục người Scotland làm lễ cho mọi người. Nữ ca sĩ vợ lính Anna Sorensen hát bài Ave Maria bằng giọng nữ cao lanh lảnh của chị. Cả trận địa lặng đi... Tiếp theo, chiến binh các bên hòa vào nhau, chia thành hai đội, tiến hành một trận bóng đá tưng bừng... Tình huynh đệ của xã hội loài người là vậy đấy.

Về nguyên tắc, cuộc hưu chiến chấm dứt rạng sáng ngày 25-12. Nhưng hôm ấy, chiến trường im ắng suốt ngày. Thế là quá đủ thời gian để mỗi bên chôn cất đường hoàng bạn chiến đấu tử trận. Ngay hôm sau, các sỹ quan bị thuyên chuyển, các đơn vị đối địch đều bị điều đi nơi khác. Cuộc hưu chiến tưởng như nằm mơ tuy ngắn ngủi nhưng in đậm mãi trong tâm khảm những người đã trải. Nó là một cái gì thật con người, thật vĩnh cửu, thật thời sự. Nó đã và đang được nhìn nhận như linh hồn "bí mật" của chiến tranh, bởi lẽ chỉ nó mới giải thích được thắng lợi cuối cùng của chính nghĩa, của lòng nhân ái, của hòa bình.

Đạo diễn Christian Carion.

Chân lý này đã được thể hiện thuyết phục trong Nghệ sỹ dương cầm (2001) của Roman Polanski, một trong những phim thành công nhất của Điện ảnh thế giới. Nghệ sỹ dương cầm sống được qua chiến tranh không phải do anh mưu mẹo hay tài cán gì, mà do lòng tốt tự nhiên của nhiều người, kể cả kẻ địch.

Cái thiện vẫn là vô địch trong xung đột, trong đời thường. Nó là sợi dây vô hình ràng buộc mọi con người bất chấp sắc tộc, giai tầng, tôn giáo hay chính kiến.

Điều này được diễn tả chính xác và cảm động trong Im lặng của biển (1942) của nhà văn Pháp Vercors (1902 - 1991), một trong những truyện ngắn hay nhất thế kỷ XX, từng tiêu thụ được cả triệu bản trong Đại chiến II. Bên trên là tóm tắt truyện phim Noel vui vẻ của đạo diễn Pháp Christian Carion, ra mắt năm 2005, từng được ngưỡng mộ rất nhiều, giải thưởng cũng lắm, và được chiếu liên tục, ở nhiều nước, chủ yếu trên truyền hình, mỗi dịp Giáng sinh trở lại.

Chuyện Noel 1914 có thật ấy, xảy ra ở Frelinghien, miền bắc Pháp, trong Đại chiến I, được nhà sử học Pháp Yves Buffetaut ghi vắn tắt trong một tác phẩm của ông. Năm 1990, Christian Carion, bấy giờ là kỹ sư nông nghiệp, đọc được đoạn văn ấy và lập tức nghĩ đến việc phải làm một bộ phim về câu chuyện dường như khó tin này.

Rất xúc động, anh tìm cách gặp nhà sử học. Nhà sử học bèn kiên trì đưa anh đi giới thiệu với các địa chỉ lưu trữ quân sự. Anh cần cù và tỉ mỉ lục lọi, tra cứu hết hồ sơ này đến hồ sơ khác, cẩn thận ghi chép từng mẩu thông tin, lần lần phát hiện được từng chi tiết quý giá của câu chuyện bị nhiều bậc ký giả hay học giả khổng lồ bỏ qua.

Khi cảm thấy đã đủ, anh phác thảo kịch bản và mạnh dạn đến gặp Christophe Rossignon, nhà sản xuất phim tâm huyết và tài ba, phát hiện được các tài năng trẻ, như Mathieu Kassovits với Căm thù hay Trần Anh Hùng với Mùi đu đủ xanh.

Nhà sản xuất cho rằng không nên trình làng một phim hóc búa. Không cẩn thận, sẽ mất cả chì lẫn chài. Chi phí làm phim quá lớn. Bộ phim lại dễ nặng nề. Christian Carion buộc lòng phải quyết định dứt khoát hướng đời của anh. Quyết định này hẳn là quyết định sinh tử, không lảng tránh được nữa.

Hai người từng là thù địch châm lửa cho nhau.

Nói vậy là vì, Christian Carion ước mơ làm điện ảnh từ tuổi 14, tuy bố mẹ anh chuyên nghề nông với đặc sản rau diếp xoăn. Sinh năm 1963, anh học nội trú và thường được xem phim mỗi tháng một lần. Thích vài diễn viên rồi mê Nghệ thuật thứ bảy. Anh yêu thương đến sùng bái bố mẹ.

Bố mẹ lại muốn anh học hành đến nơi đến chốn. Vì vậy, để bố mẹ yên lòng, anh học Đại học Nông nghiệp, rồi vào công tác ở Bộ Nông nghiệp Pháp suốt mười lăm năm. Anh nỗ lực làm tốt công việc ở Bộ, song không từ bỏ tình yêu điện ảnh. Có dịp được nghỉ, anh đều tìm cách dàn dựng những bộ phim ngắn. Việc ấy khiến anh trải đời, trải người,…Một "ngộ ra" của anh, người ta dạy ngữ pháp cho trẻ, nhưng không dạy cuộc đời, việc tối quan trọng.

Điện ảnh có thể làm tốt công việc không đơn giản ấy. Để thực hiện được Noel vui vẻ, anh phải đạt được một thành công ngoạn mục. Năm 2001, anh xin nghỉ việc ở Bộ Nông nghiệp, tập trung đạo diễn Một cánh én đã làm nên mùa xuân, có thể coi là khúc dạo đầu cho Noel vui vẻ. Một cánh én đã làm nên mùa xuân kể về tình huynh đệ giữa thành thị và nông thôn qua hai nhân vật chính là cô gái thành thị Mathilder Seigner và chàng nông dân cục mịch Michel Serrault. Thành công to lớn của phim này, 2,4 triệu lượt xem ở rạp, mở đường cho Noel vui vẻ.

Nhờ thành công của Một cánh én…,Christian Carion được nhà sản xuất Christophe Rossignon khó tính ủng hộ. Kinh phí cho Noel vui vẻ là 18 triệu Euros, món tiền vượt xa tầm tay của một nhà sản xuất độc lập, mới vào nghề. Lần đầu tiên trong lịch sử điện ảnh, một kiểu gọi vốn lạ lùng được áp dụng.

Hậu duệ những kẻ thù hưu chiến xưa gặp nhau, 2008, ở điểm hưu chiến vừa tìm được.

Năm 2003, nhà sản xuất tổ chức một "hội nghị bàn tròn" lưu động qua hầu khắp hành tinh. Bàn tròn đó luận bàn về điện ảnh nghiêm túc nói chung và về ý tưởng Noel vui vẻ nói riêng. Sự tận tâm với điện ảnh đích thực, uy tín quốc tế sau Mùi đu đủ xanh và Căm thù của nhà sản xuất đã được đáp đền.

Người Nhật, không trực tiếp tham gia Đại chiến I, đồng ý rót tiền đầu tiên cho bộ phim tương lai. 25 hãng lớn khác thuộc nhiều quốc gia đồng ý tài trợ hay hùn vốn cho Noel vui vẻ, đồng thời khích lệ các nhà làm phim hiện thực hóa mỹ mãn một khám phá và định hướng đầy sức cổ vũ.

Đạo diễn Christian Carion chỉ còn việc lao tâm khổ tứ cho kịch bản, khâu khó nhất trong tiến trình làm phim này. Anh cũng phải đích thân xem rất nhiều phim nước ngoài để qua đó, chọn những diễn viên ưng ý. Nhiều rắc rối nảy sinh trong quá trình làm phim. Chúng đều được nhà sản xuất khôn khéo giải quyết ổn thỏa.

Ví như một vị tướng nhất định không cho quay phim trong một khu quân sự ở Angoulême, vì cho rằng binh lính Pháp trong phim là những kẻ phản bội... Để bày tỏ lòng cảm ơn với địa phương chính, khu Pas-de-Calais của Pháp, đã "hộ sinh" cho phim, đoàn làm phim cho trình chiếu ở đó một tuần Noel vui vẻ. Và phim lập tức được Cannes chú ý.

Ngày 5 tháng 12 năm 2005, nó ra mắt công chúng Jérusalem, một sự kiện văn hóa chính trị và xã hội đầy ý nghĩa. Ngay sau khi ra đời, nó đã đến với công chúng của trên hai mươi quốc gia từng dung dưỡng nó từ trong bào thai. Nó khiến lộ ra rằng thực tế, trong Đại chiến I, những cuộc hưu chiến "chui" có rất nhiều, ở nhiều mặt trận, không chỉ 1914, mà cả 1915, 1916… Gần tương tự cuộc hưu chiến kể trên là cuộc xảy ra ở thành phố Ypres của Bỉ.

Có lẽ không chợp mắt nổi trong đêm 24-12 (1914), quân Đức khẽ gọi quân Anh phía đối diện. Quân Anh khẽ đáp lời. Nhiều sỹ quan của hai chiến hào, Anh Pháp Bỉ và Đức, tiến ra khu đất trống. Họ thì thào đôi lời, rồi bắt tay nhau, mời nhau nước uống thức ăn, trò chuyện như bạn hữu hay người nhà.

Lúc ấy đã gần rạng sáng. Một ca sỹ Đức, giờ là sỹ quan tùy tùng, chợt cất giọng lanh lảnh một bài ca Noel thân thuộc. Sợ bị phạt, hát xong, chàng sỹ quan lui xuống chiến hào. Quân Pháp vỗ tay hoan hô mãi. Chàng đành tiến lên, hát lại. Giữa bốn bề lặng đi vì xúc động…

Ở một mặt trận khác, quân Đức đối đầu với quân Pháp. Mờ sáng ngày 24-12, quân Đức giơ lên một lá cờ trắng và hô to: Đồng đội! Đồng đội! Hàng đi! Hàng đi! Quân Pháp đáp trả: Đừng hòng! Đừng hòng!... Từ chiến hào, viên sỹ quan Đức nhô lên, tiếp theo là binh lính. Tất cả chỉ người không, không mũ, không vũ khí.

Đúng là đầu hàng. Đội quân tiến lên chầm chậm… Quân Pháp bèn làm theo, đúng như vậy. Đến khoảng đất trống, hai đội quân hòa vào nhau, tay bắt mặt mừng. Nhiều tiếng thốt lên, cảm động: "Chúng ta là anh em !" "Pháp - Đức là huynh đệ !"…

Rồi trò chuyện, ăn uống cùng nhau, thi đá bóng, cùng hát ca khúc Noel, suốt hai ngày… Có những cuộc hưu chiến cả tuần, chỉ để hai bên chôn cất cho hết đồng đội tử trận. Những cuộc khác, đại bác vẫn nổ rền trời, nhưng chỗ tưởng có quân địch, giờ trống trơn, vì địch được đối phương ngầm báo, đã lánh đi…

Noel vui vẻ mở đường cho nhiều phim truyền hình ở các nước về những cuộc hưu chiến có vẻ lạ lùng như thế. Bên cạnh đó là sách, bảo tàng, tượng đài. Không ít địa điểm hưu chiến xưa được nhận chân, tại đó, con cháu trồng cây, đúc tượng kỷ niệm, gặp nhau vào ngày hưu chiến…

Bộ phim xới lên nhiều vấn đề mới không chỉ cho điện ảnh. Vấn đề cốt tử là người muôn phương là anh em máu chảy ruột mềm, người dân ở đâu cũng muốn hòa bình chứ không muốn chiến tranh, tội ác mà những "ông chủ" của họ tìm mọi cách gây ra vì vị kỷ.

Giống những tác phẩm văn nghệ đích thực, Noel vui vẻ không lên gân hay ầm ĩ, mà cứ như chén trà thơm, ly cà phê ấm, lặng lẽ mang đến những cảm hứng tình người đầy sức mạnh. Christian Carion cũng vậy, ông làm 5 phim trong 19 năm, thu hút gần 20 triệu lượt người xem trong rạp, nguyên ở Pháp. Một kỷ lục thật đẹp !...

Phú Bình
.
.