Có một hòa thượng… biệt động Sài Gòn
- Cựu đặc công biệt động Sài Gòn và hơn 20 năm duy trì lò võ miễn phí
- Di tích biệt động Sài Gòn giữa lòng nhà dân
- Sẽ xây dựng bia tưởng niệm Biệt động Sài Gòn tại Hội trường Thống Nhất
Trong số những cựu tù chính trị trở về từ địa ngục trần gian Côn Đảo, Phú Quốc theo Hiệp định Paris và sau ngày miền Nam giải phóng, thống nhất đất nước tháng 4-1975, có hai người tù rất đặc biệt. Đó là Linh mục Nguyễn Văn Mầu và Hòa thượng Thích Viên Hảo.
Di ảnh Hòa thượng Thích Viên Hảo thờ tại chùa Thiện Hạnh. |
Hòa thượng Thích Viên Hảo, tên thật là Tô Thế Bình, sinh năm 1932 quê ở thị xã Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp. Từ nhỏ, Bình sống với ông nội, cho đến năm 11 tuổi. Người ta thường nói tu hành là do căn duyên, không phải ai trên đời xuất gia cũng thành hòa thượng. Mọi thứ không phải con người chọn lựa, mà do bổn tánh từng người thích hợp hay không thích hợp với căn tu. Vì thế mà nhà Phật khuyên con người, trước hãy lo tu tâm, sau mới nghĩ đến tu Phật. Có lời khuyên rằng: Buông hạ đồ đao, lập địa thành Phật. Bất luận làm nghề gì, việc gì, chỉ cần có tâm thiện, hướng Phật là có Phật trong lòng.
Sau khi ông nội của Bình qua đời, gia đình mai táng rồi gửi bài vị lên chùa thờ cúng để ông hưởng phần nhang khói và sớm chiều nghe chuông mõ công phu, siêu thoát. Cũng từ đó, Bình lên chùa thắp nhang cho ông mỗi ngày và nghe kinh kệ, quen dần với chuông mõ cửa Phật. Có nghiệp duyên với tu hành nên Bình trở thành chú tễu, không màng đến những việc của đám trẻ con khác như suốt ngày kéo nhau hái trái cây vườn, bắt ốc, mò cua, bắt chuột, bắt cá và tắm sông. Thời gian sau, Bình xin gia đình xuất gia đi tu.
Năm 21 tuổi, Bình được các sư thầy cho theo học kinh Phật ở chùa An Quang, Sài Gòn. 9 năm sau, nhà sư Thích Viên Hảo (pháp danh của Tô Thế Bình) làm trụ trì tại một ngôi chùa nhỏ có tên là Tam Bảo ở đường Dương Công Trường, quận 10, TP Hồ Chí Minh ngày nay.
Hằng ngày, sư Hảo đi đó đây hành phật sự, gặp các phật tử, đến các chùa… tụng kinh, niệm Phật và thuyết pháp nhưng đó chỉ là vỏ bọc bên ngoài. Thực chất ông đã trở thành chiến sĩ hoạt động cách mạng, có nhiệm vụ dò la địch tình, giao nhận tin tức tình báo thuộc Phân khu 6. Đơn vị do đồng chí Nguyễn Văn Tăng (Tư Tăng) làm Chỉ huy trưởng và đồng chí Nguyễn Đức Hùng (Tư Chu) làm Chỉ huy phó. Chùa Tam Bảo đã trở thành nơi đi về, hội họp bí mật của đội biệt động thành trong một thời gian dài.
Trại tù Phú Quốc, năm 1973. |
Thời gian nhàn rỗi, sư Hảo đào hầm trú ẩn và chứa vũ khí. Nhiều đêm, nhà sư thức trắng một mình cặm cụi đào hầm phía sau tượng Phật nơi chánh điện, rồi khuân từng thúng đất đổ nền, xóa lấp dấu vết để có một căn hầm rộng rãi, không ngột ngạt cho anh em biệt động khi bị địch truy đuổi có chỗ trú ẩn an toàn, bí mật và lâu dài. Sư Thích Viên Hảo còn có hai người em trai là Tô Chi Lư và Tô Ngọc Sử đều gia nhập biệt động Sài Gòn trong vỏ bọc viên chức, giáo viên.
Nhà sư nhớ lại trong một lần trò chuyện: “Nhà chùa khi ấy mới chỉ có 2 dãy nhà chạy xuôi tạm bợ và gian chính để thờ Phật đang trong giai đoạn xây dựng. Lợi dụng vận chuyển vật liệu, xe cộ ra vào thường xuyên nên tôi đào hầm trong chùa để che giấu cán bộ và chứa vũ khí, đạn dược. Sau này tôi còn mở rộng hầm để hội họp, có thể tạm lánh lâu dài”. Nơi đây, sư Hảo được giao nhiệm vụ đảm bảo cơ sở an toàn, hướng dẫn đường đi, vẽ sơ đồ, trinh sát các địa điểm mà người thường rất khó tiếp cận.
Một buổi sáng trước năm Mậu Thân 1968, trong dòng người xô bồ giữa các ngã đường hướng về nội đô, người ta thấy có bóng dáng một nhà sư với áo nâu sòng thong thả hành đạo. Khuôn mặt rất từ bi, điềm tĩnh chắp tay vái chào cảnh sát, mật thám với câu: A di đà Phật! Bọn địch dù kiểm tra gắt gao đến mấy vẫn không ngờ được rằng nhà sư trong áo cà sa kia lại là chiến sĩ biệt động thành đang vận chuyển vũ khí, đạn dược về cho cơ sở nội thành tập kết chuẩn bị cho cuộc tấn công và nổi dậy Tết Mậu Thân. Rất nhiều lần, nhà sư dùng xe gắn máy đi Củ Chi chở chất nổ, súng K54, súng và đạn cối 81 ly.
Hòa thượng kể lại: “Năm 1968, lúc này ta chủ trương cần nhiều thuốc nổ để gây rối loạn trong nội thành Sài Gòn làm hoang mang quân địch. Nhưng địch kiểm soát, lục lọi rất gắt gao các ngã đường ra vào thành phố. Đặc biệt là hướng Củ Chi, Hóc Môn. Tình thế rất bức bách, khẩn trương, bằng mọi cách phải vận chuyển thuốc nổ, súng đạn về nơi tập kết. Thấy vậy, tôi xung phong đi Củ Chi vận chuyển đạn dược, thuốc nổ…”.
Một buổi lễ cầu siêu nạn nhân của trận động đất ở Nhật Bản tại chùa Thiện Hạnh. |
Để vận chuyển an toàn súng cối 81 ly, sư Hảo phải dùng xe ba gác chở những ống cống xi măng để xây chùa, bên trong là súng cối. Gặp lính kiểm soát sư nói vận chuyển về xây dựng chùa… thế là chúng cho qua. Cứ như vậy, sư đã vận chuyển thuốc nổ, súng đạn vào nội thành và chuyển đi khắp nơi rất an toàn. Ban ngày nhà sư đi thực địa, vận chuyển vũ khí. Tối lên sơ đồ các trận đánh cho đơn vị. Chùa Tam Bảo đã trở thành nơi xuất phát của các chiến sĩ biệt động thành Sài Gòn “xuất quỷ nhập thần” khiến địch khiếp vía, mất ăn mất ngủ.
Chiến sĩ biệt động Tô Thế Bình đã tham gia cùng đồng đội đánh hàng chục trận tại cầu treo bến xe Sài Gòn, trạm điện ở Trường đua Phú Thọ, cabin điện Chợ Thiếc, đánh mìn Nhà Quốc hội khu vực bến Chương Dương… Cuối năm 1967, chuẩn bị vào chiến dịch Tổng tấn công và nổi dậy Tết Mậu Thân, Hòa thượng Thích Viên Hảo đã bị sa vào tay địch.
Hòa thượng từng kể lại: “Một lần đơn vị tôi đánh cư xá đường Nguyễn Văn Thoại (góc Ngã tư Bảy Hiền bây giờ), trận đánh diễn ra rất gay go ác liệt. Ta đẩy lui nhiều đợt tấn công và tiêu diệt nhiều tên địch. Hai chiến sĩ của ta rút ra sau cùng bảo vệ cho đồng đội nhưng xe bị hư, đạp mãi không nổ. Một anh ngồi sau xe thấy vậy, nhảy xuống lao vào hẻm... Do sơ hở đường thoát hiểm, đã để lộ cơ sở nên sau đó cảnh sát dã chiến, quân cảnh kéo đến bao vây toàn bộ khu vực chùa Tam Bảo. Tôi bị bắt tại chùa và bị kết án đày ra nhà tù Phú Quốc”.
Bọn địch điên cuồng cho xe ủi tung chùa Tam Bảo để tìm vũ khí, đạn dược. Nhưng chúng chỉ thấy căn hầm bí mật chứ không tìm thấy được gì. Chùa Tam Bảo - Căn cứ biệt động Sài Gòn đã bị xóa tên từ đó.
Trong nhà tù Phú Quốc, Hòa thượng sống rất mực điềm tĩnh và đem những điều hiểu biết về cách mạng của mình để giáo dục cho những người sai đường lạc lối do không chịu được cực hình tra tấn, hành hạ dã man của kẻ thù. Thà hy sinh, chứ nhất quyết không khai tổ chức, đồng chí, đồng đội, không chào cờ địch, không phản bội cách mạng. Mọi cực hình tra tấn của địch với những trận đòn tàn bạo nhất nơi tù ngục Phú Quốc vẫn không làm lung lay ý chí chiến đấu và tinh thần yêu nước, cách mạng của nhà sư - chiến sĩ biệt động thành Sài Gòn. Chính phong thái điềm tĩnh, hằng đêm vẫn niệm Phật, đọc kinh và chay tịnh của nhà sư đã làm khuất phục kẻ thù và làm tấm gương cho nhiều bạn tù noi theo.
Cổng vào chùa Thiện Hạnh ngày nay. |
Năm 1973, Hòa thượng Thích Viên Hảo được trao trả tù binh theo Hiệp định Paris cùng với hàng trăm chiến sĩ cộng sản từ Côn Đảo, Phú Quốc. Những tù binh chính trị đặc biệt trao trả lần này từ Côn Đảo có những người như: Lê Hồng Tư, Nguyễn Thị Châu, linh mục Nguyễn Văn Mầu, bà Trương Mỹ Hoa, Võ Thị Thắng, Nguyễn Thanh Xuân (Bảy Bê), Chín Nghĩa, Nguyễn Văn Mạnh (Ba Thọ), Nguyễn Thị Thu Trang…
Một sáng bên bờ sông Thạch Hãn, ranh giới chia cắt đất nước ở Vĩ tuyến 17, Hòa thượng Thích Viên Hảo được trở về với cách mạng, với nhân dân, trong vòng tay đồng đội, đồng chí và đồng bào, với cờ đỏ sao vàng bay trong bầu trời tự do. Được nghỉ dưỡng tại Sầm Sơn (Thanh Hóa), nhưng lòng Hòa thượng vẫn đau đáu hướng về miền Nam…
Ngày trở về miền Nam, việc làm đầu tiên của Hòa thượng Thích Viên Hảo là tìm về nơi có ngôi chùa Tam Bảo năm xưa. Hòa thượng đã đứng chết lặng hồi lâu chắp tay niệm Phật, lòng xúc động dâng trào khi không thể tìm ra bóng dáng ngôi chùa xưa và căn hầm bí mật. Bóng cà sa thấp thoáng trên con đường nhỏ liêu xiêu, ai biết được nỗi lòng đau buồn của nhà sư biệt động? Hai người em trai của Hòa thượng cùng chung đội biệt động thành năm xưa giờ một người đã là Trung tá nghỉ hưu, một người còn đang công tác.
Sau 30-4-1975, Hòa thượng tham gia công tác tại Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thành phố và trụ trì Chùa Thiện Hạnh, nằm trong con hẻm nhỏ trên đường Đinh Tiên Hoàng, quận 1, TP Hồ Chí Minh cho đến ngày viên tịch 15-7-2005.
Quá trình công tác, chiến đấu của chiến sĩ biệt động thành Tô Thế Bình được Nhà nước tặng thưởng nhiều huân, huy chương cao quý như: Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, Huân chương Quyết thắng hạng Nhất cùng nhiều Huy chương, Bằng khen…