"Công chúa đỏ" của Trung Nam Hải và sự trả thù của Giang Thanh

Thứ Tư, 31/12/2008, 15:30

Cuối năm 1965 đầu năm 1966,  Cách mạng văn hóa (CMVH) nổ ra, quyền lực của Giang bành trướng nhanh đến chóng mặt. Câu kết chặt chẽ với vợ chồng Lâm Bưu - Diệp Quần,  Giang Thanh đã lợi dụng chức Tổ phó Tiểu tổ CMVH Trung ương (TW) tiến hành hàng loạt các vụ trả thù tàn bạo. Giang Thanh đã từng nói với Diệp Quần: "Nhân khi thiên hạ đại loạn, cô giúp tôi trừng trị những kẻ từng khiến tôi ôm hận bấy lâu. Còn những kẻ nào khiến cô phải ôm hận, thì cô cứ bảo tôi". Bản thân Diệp Quần cũng "ghen" với Duy Thế vì cho rằng thời ở Diên An,  Lâm Bưu và Duy Thế đã từng yêu nhau.

Có hai đối tượng chủ yếu  mà Giang Thanh nhằm vào: thứ nhất là các vị "khai quốc công thần" thời ở Diên An đã "dám" ngăn việc kết hôn giữa Giang Thanh với Mao Trạch Đông như Lưu Thiếu Kỳ, Hạ Long, Bành Đức Hoài... Và  đối tượng thứ hai là "đám văn nghệ sĩ", nhất là "đám văn nghệ sĩ xuất thân từ Thượng Hải". Sở dĩ như vậy vì "đám Thượng Hải" vốn biết thừa "tài năng" của Giang Thanh, nên trong mắt họ, Giang Thanh chỉ là "diễn viên hạng hai", khiến Giang rất cay cú. Nhưng còn  nguyên nhân sâu xa mà Giang Thanh cực kỳ lo sợ,  là "trong đám Thượng Hải" có nhiều người biết "phần lý lịch đen tối" khi Giang Thanh là diễn viên kịch tại Thượng Hải vào những năm 30 của thế kỷ XX dưới cái  tên Lâm Bình.

Năm 1931, Vương Thế Anh, một đảng viên Cộng sản (CS) được TW bố trí cài cắm vào cơ quan đầu não của Quốc dân đảng ở Thượng Hải. Tháng 3-1935, Vương trở thành người phụ trách mạng lưới tình báo của TW  tại đây. Năm 1938, trong một lần trở về Diên An, Vương nghe tin Mao Trạch Đông kết hôn cùng với Giang Thanh, chính là  nữ diễn viên Lâm Bình từ Thượng Hải tới, thì vô cùng kinh ngạc. Bởi vào năm 1934, trong lần  Lâm Bình gặp gỡ với một giao liên của TW Đoàn Thanh niên Cộng sản TQ tại Công viên Triệu Phong (Thượng Hải) thì bị mật vụ Quốc dân đảng bắt. Chính Vương Thế Anh là người đã tổ chức và lên kế hoạch giải cứu cho Lâm Bình và một vài người khác. Trong  quá trình thực hiện, Vương được "nội tuyến" báo cho biết Lâm Bình có  biểu hiện đầu hàng  khai báo. Một số những địa điểm  bí mật của Đảng  ở Thượng Hải  và những người hoạt động có liên quan với Lâm Bình đã bị đặc vụ Quốc dân đảng bắt bớ.

Mặc dù sau đó Lâm Bình được giải cứu rồi tự lần đến Diên An, nhưng đã để lại một ấn tượng xấu, nhất là đối với giới văn nghệ sĩ Thượng Hải. Vì vậy, Vương Thế Anh đã viết một lá thư dài, trong đó có nhiều chữ ký của những người đã từng biết vụ việc xảy ra với Lâm Bình ở Thượng Hải,  và đề nghị TW ngăn cản cuộc hôn nhân. Bức thư được gửi cho Trương Văn Thiên, Tổng Bí thư  ĐCS TQ khi đó. Đây chính là nguyên nhân vì sao một số cán bộ cao cấp của Đảng phản đối cuộc hôn nhân của Giang. Rất tiếc sau đó  bức thư  đã rơi vào tay Khang Sinh, người phụ trách an ninh nội bộ của TW.  Khang Sinh  chiếm bức thư "làm của riêng", và nửa kín nửa hở cho Giang Thanh biết điều đó. Vì vậy Giang vừa mang ơn vừa sợ Khang.  Đó cũng là lý do vì sao trong suốt 10 năm CMVH, mặc dù Khang Sinh chỉ là cố vấn Tiểu tổ CMVH, là kẻ dưới quyền, nhưng  Giang Thanh vẫn sợ Khang Sinh một phép.

Để tạo cớ hãm hại Duy Thế, tháng 9/1967, Giang Thanh nhờ Diệp Quần lu loa trong  lần "tiếp kiến các tiểu tướng Hồng vệ binh" ở Trường đại học Nhân dân TQ,  rằng:  Tôn Ương, đương kim  Phó hiệu trưởng của trường là "gián điệp của Nhật, đặc vụ Quốc dân đảng, là phần tử xét lại". Thế là chỉ mấy ngày sau Tôn đã chết thảm một cách bí hiểm dưới tầng hầm của trường.

Tôn Ương chính là anh ruột của Duy Thế, vì vậy cái chết đầy khuất tất  của Tôn Ương khiến Duy Thế vô cùng  phẫn nộ. Duy Thế đã lập tức viết thư cho Giang Thanh đề nghị TW phái người xuống điều tra. Nhưng Giang Thanh không những phớt lờ đề nghị của Duy Thế, mà ngược lại, tháng 12-1967 Giang Thanh đã vu cho Kim Sơn, chồng của Duy Thế là "gián điệp hai mang", rồi bắt bỏ tù Kim Sơn. Độc ác hơn, Giang Thanh còn mượn cớ "Kim Sơn là kẻ thù giai cấp", mang quân đến tịch thu gia sản của vợ chồng Duy Thế, cướp đi rất nhiều tài liệu,  bản thảo, tranh ảnh... Trong  đó có cả bức thư Duy Thế viết gửi Chủ tịch Mao Trạch Đông và Thủ tướng Chu Ân Lai đề nghị điều tra làm rõ cái chết của Tôn Ương và "tội" của Kim Sơn, nhưng chưa kịp gửi đi. Vớ được bức thư,  Giang  đã cho bắt giam ngay Tôn Duy Thế, sau đó đến tận Văn phòng Thủ tướng Chu Ân Lai và làm ầm lên rằng Thủ tướng "đã dung túng cho con gái của mình chống lại cuộc đại CMVH của giai cấp vô sản do Mao Chủ tịch đích thân phát động".

Hành động láo xược này của Giang được những kẻ cùng  phe ca ngợi Giang Thanh đã "đả liễu  Chu Ân Lai đích nhĩ quang" (đánh cho Chu Ân Lai một cái bạt tai).

Sở dĩ Giang dám ngông cuồng  như vậy, vì lúc này Thủ tướng Chu Ân Lai cũng đang gặp phải sự tấn công từ nhiều phía  của  phái Lâm - Giang. Chúng tạo ra vô số các tài liệu giả mạo,  vu cáo rằng: "Chu Ân Lai là đại quản gia của giai cấp tư sản" và xúi Hồng vệ binh tổ chức vô số các cuộc biểu tình,  viết hàng loạt báo chữ to đòi "Cách cái mạng của Chu công".

Sau đó vài ngày, Giang Thanh mang tới một bản cáo trạng của  Tổ chuyên án TW (do Khang Sinh cầm đầu), kết tội vợ chồng Kim Sơn - Duy Thế là "gián điệp của Nhật, đặc vụ Quốc dân đảng, thành viên cốt cán của tổ chức xét lại bí mật do Vương Minh cầm đầu" (Vương Minh là Tổng Bí thư ĐCS TQ vào những năm 30 của thế kỷ XX, khi đó đang sống lưu vong tại Liên Xô), rồi ép Thủ tướng Chu Ân Lai phải ký lệnh bắt giam Duy Thế “để phục vụ công tác điều tra”, vì "Duy Thế là cán bộ do TW quản lý”.

Thủ tướng Chu  biết quá rõ việc vợ chồng Tôn Duy Thế bị bắt  là do sự thù tức Duy Thế  và muốn triệt tất cả "nhóm văn nghệ sĩ Thượng Hải" của Giang Thanh. Nhưng với bản "cáo trạng" của Tổ chuyên án TW, Giang Thanh đã đẩy Chu Ân Lai vào tình thế không thể can thiệp. Mặt khác Chu Ân Lai cũng biết đây chính là sự  cấu kết giữa Diệp Quần và Giang Thanh cộng với sự hỗ trợ từ phía quân đội do Lâm Bưu đứng đầu nấp dưới chiêu bài "thực hiện chỉ thị của Mao Chủ tịch". Với "sức mạnh tổng hợp" này thì bản thân Thủ tướng Chu Ân Lai cũng có thể gặp nguy hiểm bất kỳ lúc nào.

Sau đó Duy Thế bị biệt giam tại nhà tù Cục Công an Bắc Kinh. Bọn cai ngục nhận được chỉ thị mật của Giang Thanh đã dùng đủ mọi cực hình tra tấn dã man để buộc Duy Thế phải "nhận tội", nhưng thất bại.

Sau gần một năm bị đối xử  tàn bạo, ngày 12/10/1968 Tôn Duy Thế đã chết ngay trong một lần bị tra tấn bằng cực hình tại phòng khẩu cung số 5 nhà tù Cục Công an Bắc Kinh, chân tay vẫn bị đeo cùm. Khi đó Duy Thế 47 tuổi.

Biết tin Duy Thế chết, Giang Thanh hớn hở ra mặt,  đã ra lệnh cho tay chân lập tức đem di hài Duy Thế đi hỏa thiêu. Sau đó Giang Thanh giao cho Tổ chuyên án TW lập một hồ sơ giả về cái chết của Duy Thế.

Buổi tối ngày 15/10/1968, Thủ tướng Chu Ân Lai nhận được bản báo cáo do Bộ Công an chuyển tới,  với nội dung: "Hồi 11 giờ tối ngày 12/10/1968, nữ can phạm Tôn Duy Thế được đưa từ nhà lao Tân Thành (Bắc Kinh) tới Bệnh viện Bộ Công an. Theo chẩn đoán của bác sĩ,  can phạm bị xuất huyết não. Mặc dù đã được chữa trị nhưng không có kết quả. Đến 3 giờ 30 phút chiều ngày 14/10 can phạm đã tử vong".  Dưới bản báo cáo đề: "Tổ chuyên án điều tra tổ chức gián điệp của bọn xét lại đứng đầu là Vương Minh".

Nhận thấy cái chết của Tôn Duy Thế có nhiều uẩn khúc,  Thủ tướng Chu Ân Lai vô cùng đau đớn,  lập tức ra lệnh cho viên thư ký riêng: "Hãy liên lạc khẩn cấp với Bộ Công an, lệnh cho họ phải bảo quản  tốt di hài  của Tôn Duy Thế để tiến hành xác định pháp y". Nhưng chỉ ít phút sau viên thư ký đã buồn rầu báo với Chu Ân Lai: "Thưa Thủ tướng, di thể của đồng chí Tôn Duy Thế đã bị người ta mang đi hỏa táng rồi. Họ còn nói rằng, với một kẻ phản cách mạng thì phải xử lý như vậy. Ngay cả tro họ cũng bảo họ không lưu lại".

Thủ tướng Chu Ân Lai đập bàn, giận dữ: "Thật đúng là bọn nói bậy làm càn. Tại sao lại dám đối xử với con của một liệt sĩ như vậy được? Tội ác của chúng trời sẽ không dung, đất cũng không tha". Rồi Thủ tướng đau đớn  ngồi lặng đi...

Ngày 20/11/1980, Tối cao Pháp viện nước CHND Trung Hoa đã mở phiên tòa đặc biệt công khai xét xử tập đoàn phản cách mạng Lâm Bưu -Giang Thanh. Vì vợ chồng Lâm Bưu - Diệp Quần đã chết do máy bay bị rơi trong khi chạy  trốn ra nước ngoài ngày 13/9/1971, nên Tòa tuyên bố tước đoạt vĩnh viễn quyền lợi chính trị của chúng. Còn Giang Thanh bị tuyên án tử hình. Cùng năm đó, Pháp viện Tối cao đã ra quyết định xóa án oan và phục hồi danh dự cho Tôn Duy Thế, cô “công chúa đỏ” của Trung Nam Hải

Nguyễn Tiến Cử (theo tạp chí "Đảng sử bác lãm")
.
.