Cống hiến âm thầm của Hạm đội Bắc Cực
- Nga phản đối khi Mỹ nói muốn giúp dọn dầu tràn gần Bắc Cực
- Lính dù Nga nhảy dù ở Bắc Cực với độ cao 10.000m
- Quân đội Nga đưa siêu "tăng phản lực" tới Bắc Cực tập trận giữa bão dịch COVID-19
Đoàn tàu hộ tống Bắc Cực – Hạm đội Bắc Cực hay Đoàn tàu phương Bắc, một trong ba tuyến đường then chốt đưa hàng viện trợ, là một trong những câu chuyện ít được biết đến trong Chiến tranh thế giới thứ hai. Lực lượng này đóng vai trò quan trọng trong các chiến sự, nhất là giai đoạn từ tháng 7 tới tháng 12/1941, khi quân đội Xôviết chịu nhiều thiệt hại trước sự tấn công ồ ạt của Đức Quốc xã.
Bản “hợp đồng” Lend-Lease
Ngày 22/6/1941, quân đội Đức Quốc xã gồm 4,3 triệu binh sỹ và 4.000 xe tăng, lực lượng bộ binh từng được triệu tập, xâm lược Liên bang Xôviết dọc chiến tuyến 1.800 dặm.
Tình báo Anh và Mỹ đều đã dự đoán trước về vụ tấn công. Thực tế việc tập hợp lượng lớn binh sỹ và vũ khí ở quy mô này là điều khó có thể che giấu. Và thực tế là Đức Quốc xã thậm chí còn chẳng có ý định che giấu toan tính của mình.
Các thủy thủ Anh tham gia hành trình. |
Lãnh đạo Liên Xô Josef Stalin ra lệnh tiến hành các cuộc tuần tra trên không dọc biên giới phía Tây Liên Xô từ ngày 18/6/1941. Các tài liệu ghi chép cho thấy “vùng biên giới phía Tây đầy rẫy quân lính (Đức)”.
Trong 3 tuần trước cuộc xâm lược, lực lượng biên giới Xôviết đã bắt giữ hơn 300 gián điệp đang có ý định xâm nhập lãnh thổ Liên bang. Thậm chí gián điệp người Nga tại Tokyo, Richard Sorge, người đã xâm nhập thành công đường dây ngoại giao Tokyo-Berlin, còn thông báo cho Lãnh tụ Stalin về thời gian chính xác của cuộc xâm lược.
Thủ tướng Anh Winston Churchill cũng đã gửi một bức thư cá nhân cho Lãnh tụ Stalin, khuyên ông cảnh giác về một cuộc xâm lược do Đức tiến hành. Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ State Sumner Wells cảnh báo những người đồng cấp Xôviết ngay từ đầu tháng 3 rằng Đức đang nhăm nhe xâm lược.
Tháng 7/1941, Tổng thống Roosevelt điều cố vấn chính sách đối ngoại Harry Hopkins tới Moscow để gặp Stalin và đề nghị hỗ trợ Liên Xô theo chương trình Cho vay - Cho thuê (Lend-Lease). Tháng 10/1941, các trang thiết bị và hàng viện trợ của Mỹ đã được chuyển tới Liên Xô.
Một trong những thiết bị quan trọng được đưa tới Liên Xô trong năm 1941 là các xe tăng hạng nặng. Tính tới mùa Hè năm 1941, lực lượng thiết giáp Liên Xô chủ yếu vận hành mẫu xe tăng T-26, mẫu xe tăng hạng nhẹ chủ yếu được triển khai hỗ trợ các đơn vị bộ binh.
Tuy nhiên T-26 là mẫu xe tăng đã lỗi thời ngay từ thời điểm ấy. Ngay cả khi được điều động với quân số đông đảo, loại vũ khí này cũng không thể sánh cùng các đơn vị thiết giáp Panzer của Đức. Trong giai đoạn từ tháng 6 đến tháng 12/1941, Xôviết đã mất khoảng 15.000 xe tăng, tương đương một nửa quân số.
Tàu hộ tống Avenger với máy bay Hurricane trên boong. |
Anh cung cấp cho Liên Xô khoảng 900 xe tăng bọc thép Matilda II cho tới khi mẫu T-34 được sản xuất đại trà vào năm 1942. Chiếc đầu tiên được chuyển tới Liên Xô và được sơn ngụy trang theo các mẫu vũ khí hoạt động trên sa mạc.
Tính tới tháng 12/1941, chiếc xe tăng hạng nặng thứ ba của Liên Xô được triển khai ở Mặt trận phía Đông cũng là chiếc Matilda của Anh. Trong giai đoạn từ 1941-1945, Anh đã điều tổng cộng 3.000 chiếc Hurricanes và 4.000 máy bay các loại khác cùng nhiều trang thiết bị và đồ hỗ trợ tới cho Liên Xô. Ngoài việc tham gia chương trình Lend-Lease, Anh đã cung cấp cho Moscow 4 triệu tấn thiết bị và vật tư trong chiến tranh, và tất cả đều “miễn phí”.
Trong khi đó, viện trợ Mỹ dành cho Liên Xô ước tính lên tới 11,3 tỷ USD, tương đương 23% chương trình (khoảng 158 tỷ USD ngày nay). Các khoản viện trợ bao gồm thực phẩm, dầu mỏ, thiết bị quân sự và vật tư. Sau Chiến tranh, Stalin đã đề xuất Mỹ viện trợ 170 triệu USD để thanh khoản các khoản nợ theo chương trình Cho vay-Cho thuê. Mỹ, yêu cầu Liên Xô trả 1,3 tỷ USD.
Những hành trình âm thầm
Về cơ bản, có 3 tuyến đường chính được sử dụng để vận chuyển hàng tiếp tế tới Liên Xô.
Hạm đội Bắc Cực đi từ Iceland tới các cảng biển tại Anh phía trên quần đảo Scandinavia để tới Archangel và Murmansk.
Hành lang Persia (Hành lang Ba Tư) bắt đầu từ vùng Barsa, Vịnh Ba Tư (ngày nay thuộc Iran), tới Biển Caspi, nơi tuyến đường được nối trực tiếp với hệ thống đường sắt của Liên Xô.
Tuyến đường thứ ba đi từ Mỹ và các cảng biển ở Bờ Tây Canada qua phía Bắc Thái Bình Dương và tới Vladivostok. Theo thỏa thuận trung lập giữa Liên Xô và Nhật Bản, các tàu Liên Xô chỉ có thể mang theo hàng hóa và vật tư phi quân sự.
Bản đồ tuyến đường hoạt động của hạm đội. |
Trong chiến tranh, các tàu hàng Liên Xô thường xuyên đi vào các cảng Bờ Tây để vận chuyển hàng hóa theo chương trình Lend-Lease. Quân đội Nhật Bản rất tôn trọng thỏa thuận và không hề tấn công các tàu Liên Xô băng qua Thái Bình Dương. Khoảng một nửa nguồn cung chương trình Lend-Lease, tương đương 8 triệu tấn hàng, đã được vận chuyển qua tuyến đường Thái Bình Dương.
Thực tế tuyến đường ngắn và an toàn nhất để đưa vũ khí từ Anh đến Liên Xô là đi vòng qua Bắc Cực. Tuy nhiên, khó khăn chờ đợi họ ở đó không chỉ là điều kiện thời tiết khắc nghiệt như băng giá, sương mù thường xuyên. Đoàn hộ tống đầu tiên của Anh là đoàn hộ tống duy nhất thực sự được đặt tên, Dervish. Một số nhà báo và cả một họa sỹ đã được cử tới để ghi lại các sự kiện trọng đại này. Đoàn hộ tống đi từ Vịnh Scapa từ ngày 17/8/1941 qua Iceland và vùng Bắc Cực để tới Arkhangelsk (Archangel) vào ngày 31/8/1941.
Người Đức hoàn toàn không hề biết về đoàn hộ tống cho tới khi Thủ tướng Churchill tuyên bố hành trình đã thành công trước Hạ viện. Hitler đã vô cùng tức giận và nhanh chóng ra lệnh cho các đơn vị Hải quân Đức triển khai tới Na Uy để đánh chặn các đoàn tàu khác.
Trong số này tiêu biểu nhất là Tirpitz, tàu chiến thứ hai trong lớp thiết giáp hạm Bismarck được đóng cho Hải quân Đức trong Chiến tranh Thế giới thứ hai. Nó được đặt tên theo đô đốc Alfred von Tirpitz, kiến trúc sư của Hải quân Đế chế Đức. Vào đầu năm 1942, con tàu khởi hành đi Na Uy để răn đe quân Đồng minh song sau đó bị máy bay ném bom của Anh đánh chìm.
Na Uy do sức ép từ Đức, buộc phải tăng cường kiểm soát vùng biển của nước này đến biên giới với Liên Xô để ngăn chặn hoạt động tiếp viện vũ khí cho Hồng quân, trong khi vùng biển Bắc cực đầy tàu ngầm, máy bay, chiến hạm của Đức tuần tiễu.
Thủ tướng Anh Winston Churchill lo ngại khó khăn sẽ phá vỡ mọi nỗ lực song Stalin sau đó vẫn thuyết phục nhà lãnh đạo này gửi các tàu hàng dưới sự hỗ trợ của tàu Hải quân Hoàng gia Anh tới Liên Xô. Đoàn tàu hộ tống của Hải quân Anh có một nhiệm vụ lớn là phải bảo vệ các tàu chở hàng khỏi các cuộc tấn công của máy bay ném bom và tàu ngầm đối phương. Mối nguy hiểm lớn nhất rình rập họ ở Bắc Âu - mũi Bắc.
Từ tháng 8/1941 đến tháng 5/1945, đã có tổng cộng 78 đoàn tàu di chuyển qua các tuyến đường này. Hoạt động bị gián đoạn trong khoảng thời gian từ tháng 7 đến tháng 9/1942; từ tháng 3 đến tháng 11/1943; và từ tháng 4 đến tháng 7/1944.
Đội tàu tập hợp chủ yếu tại Hvalfjorour, Iceland hoặc Loch Ewe ở Scotland. Các tàu Iceland mang ký hiệu PQ trên hành trình đi ra nước ngoài và QP trên hành trình ngược lại, trong khi các đoàn tàu của Anh gắn ký hiệu JW ở chặng đi và RA ở chặng về. Hạm đội có sự hộ tống của lực lượng Mỹ, Canada và Anh.
Để vượt qua Na Uy an toàn, đoàn tàu chở vũ khí phải di chuyển lặng lẽ để tránh bị phát hiện từ đất liền và trên không. Ngoài ra, Liên Xô cũng huy động bộ binh hỗ trợ đoàn tàu từ đất liền và tàu ngầm hỗ trợ từ dưới biển.
Trung bình, một chuyến chở vũ khí từ Anh tới Liên Xô kéo dài khoảng 10 ngày. Vào mùa Hè, nguy cơ dễ bị phát hiện bởi tàu và máy bay địch trong khi mùa Đông các đoàn tàu liên tục bị cản trở bởi nước đóng băng. Một chuyến vận chuyển vũ khí thường có sự tham gia của khoảng 30 tàu chở hàng và 10 tàu hộ tống. Lượng lớn các tàu được huy động để đảm bảo rằng ít nhất một nửa trong số chúng có thể đến đích an toàn.
Những hy sinh cao cả
Tổng cộng có 1.400 chuyến đi riêng lẻ được thực hiện bởi khoảng 400 tàu chở hàng, 85 trong số đó đã bị chìm.
Tính đến mùa xuân năm 1942, tuyến đường này tương đối an toàn. Tuy nhiên, Đức sau đó nhanh chóng nhận thấy những dấu hiệu bất thường của hoạt động qua lại và ra lệnh cho lực lượng Hải quân tăng cường tuần tra, kiểm soát.
Sự cố diễn ra vào mùa Hè năm 1942. Thủy thủ đoàn tàu PQ-17 rời cảng Reykjavik vào ngày 276 nhưng ngày 47 lại nhận được tin báo hủy chuyến đi vì lo ngại bị tấn công bởi quân Đức với sự tham gia của chiến hạm Tirpitz. Tin tình báo sai lệch và mục tiêu thực sự của Đức Quốc xã là một nhóm tàu khác. Những tàu này bị phục kích bởi máy bay của Không quân Đức và tàu chiến Hải quân Đức. Anh tổn thất hơn 20 tàu.
Để trả thù người Đức, ngày 31121942, Anh phát động một trận chiến ở biển Barents. Tàu hộ tống đoàn tàu vận tải JW-51B, lợi dụng bóng đêm và giá lạnh, đã đánh bại lực lượng Đức. Người Anh tiếp tục giành chiến thắng trong trận chiến ngày 26/12/1943, khi tàu hộ tống của đoàn tàu vận tải JW 55B đánh chìm chiến hạm "Scharnhorst" của Đức ở Bắc Cape.
Trong toàn bộ kế hoạch Hạm đội Bắc Cực, Anh đã tổn thất 85 tàu hàng và 16 tàu chiến, gồm 2 tàu tuần dương và 6 tàu khu trục. Người Đức mất ba tàu khu trục, 30 tàu ngầm và nhiều máy bay.
Điều đáng tiếc là những bất đồng giữa London và Moscow đã khiến Thủ tướng Anh Winston Churchill gọi những chuyến đi của "Hạm đội Bắc Cực" là "cuộc hành trình tồi tệ nhất trên thế giới" và một thời gian dài khiến sự đóng góp của những người lính đã tham gia vào hải trình hiểm nguy này bị rơi vào quên lãng.
Nước Nga sau này từng ngỏ ý muốn trao các huy chương Ushakov cho các thủy thủ Anh tham gia Hạm đội Bắc Cực, nhưng không được London chấp thuận. Mãi đến tháng 12/2012, những chiến công của Hạm đội Bắc Cực mới được làm sống lại lần nữa khi chính phủ của Thủ tướng David Cameron cuối cùng đã quyết định thành lập một giải thưởng dành riêng cho những người đã tham gia vào hoạt động này.
Tháng 2/2013, chính phủ Anh trao tặng huy chương “Sao Bắc Cực” cho 200 cựu chiến binh thuộc lực lượng này vẫn còn sống. Theo ước tính của Bộ Quốc phòng Anh, có hơn 65.000 thủy thủ và phi công đã tham gia hành trình gian nan vượt Bắc Cực này và số còn sống để được ghi dấu công lao thực sự khiến người ta phải xót xa.