Công an Nhân dân trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước:

Cuộc đấu tranh chống gián điệp biệt kích ở miền Bắc

Thứ Sáu, 23/04/2010, 11:30

Đấu tranh chống gián điệp biệt kích (GĐBK) của Mỹ - ngụy đánh ra miền Bắc trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ  là cuộc đấu tranh khó khăn, gian khổ, phức tạp nhưng ta đã giành thắng lợi vẻ vang. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân ta đã phát huy cao độ tinh thần yêu nước và ý thức cảnh giác cách mạng, chung sức chung lòng cùng Lực lượng CAND phòng, chống có hiệu quả, đánh bại mọi âm mưu, kế hoạch thâm độc của kẻ thù, góp những chiến công ngời sáng vào sự nghiệp thống nhất Tổ quốc.

Đế quốc Mỹ ráo riết tiến hành chiến tranh GĐBK đối với miền Bắc

Ngay khi Hiệp định Giơnevơ được ký kết, đế quốc Mỹ đã nhanh chóng dựng lên chính quyền tay sai Ngô Đình Diệm, hỗ trợ Diệm thôn tính các phe phái, thiết lập quyền thống trị ở miền Nam với bộ máy ngụy quyền, lực lượng ngụy quân cùng các đảng phái chính trị phản động hòng biến chúng thành công cụ cho tham vọng xâm lược. Thực hiện âm mưu này, Mỹ lập kế hoạch mở rộng chiến tranh ra miền Bắc, thôn tính miền Bắc và sau đó là các nước Đông Dương mà mở đầu là phát động cuộc chiến tranh GĐBK với âm mưu cơ bản là "đánh Cộng sản trong lòng Cộng sản", hòng không chỉ ngăn chặn nguồn chi viện của các nước XHCN cho Việt Nam, ngăn chặn nguồn chi viện của miền Bắc cho miền Nam mà còn làm cho miền Bắc suy yếu và rối loạn đi đến tự sụp đổ.

Năm 1956, Mỹ tiếp quản căn cứ GCMA (Gián điệp biệt kích hỗn hợp nhảy dù) của Pháp tại Nha Trang, thành lập trung tâm huấn luyện và chỉ huy GĐBK đặt tên là "Liên đội biệt động", ngụy danh là "Liên đội quan sát số I". Mỹ cử những chuyên gia CIA dày dạn kinh nghiệm từng hoạt động ở chiến trường Triều Tiên sang Việt Nam nghiên cứu tình hình và hoạch định kế hoạch xâm lược, trong đó có Lansdale.

Trong báo cáo trình Tổng thống Mỹ, Lansdale nhấn mạnh: "Việc vô hiệu hóa và đánh bại thách thức của Việt Cộng ở Nam Việt Nam là một nhiệm vụ sẽ đơn giản hơn nhiều nếu sự giúp đỡ của miền Bắc Việt Nam bị loại trừ". Lúc này, Giám đốc Cơ quan Tình báo trung ương Mỹ (CIA) báo cáo tình hình hoạt động của "Cộng sản" ở miền Nam với Tổng thống Mỹ Kennedy và Kennedy khẳng định: Mỹ "cần có du kích hoạt động ở miền Bắc". Có thể xem đây là điểm khởi đầu của âm mưu lớn với những chiến dịch hoạt động ngầm lớn nhất và phức tạp nhất mà chính quyền Mỹ thực hiện trong thời kỳ Chiến tranh lạnh - đó là cuộc "chiến tranh gián điệp biệt kích" đối với miền Bắc Việt Nam.

Cùng với nhịp độ của cuộc chiến tranh xâm lược, từ năm 1956 đến 1975 chiến tranh GĐBK phát triển với quy mô, cường độ, mục tiêu khác nhau nhưng có thể chia làm 2 giai đoạn:

- Giai đoạn thứ nhất, từ năm 1956 đến cuối 1963

Cuối năm 1956 đến đầu 1957, Lansdale tổ chức tuyển trong hàng trăm sĩ quan từ lực lượng tình báo và quân sự của chính quyền Diệm, chọn được 65 tên đưa đi huấn luyện tại Philippines và bổ túc nghiệp vụ tại Mỹ (School Ranger) rồi đưa về Nha Trang làm hạt nhân xây dựng lực lượng biệt kích. Khóa đầu tiên gồm 18 toán do cố vấn Mỹ trực tiếp huấn luyện. Đến giữa năm 1957, Mỹ phát triển Liên đội biệt động thành "Sở kỹ thuật" với lực lượng biệt kích gồm hàng trăm tên, do cố vấn Mỹ trực tiếp quản lý, điều hành và huấn luyện. Trong năm 1958, cố vấn Mỹ chỉ huy nhiều toán GĐBK xâm nhập ra miền Bắc qua tuyến biên giới Việt - Lào để thăm dò tình hình cũng như đáp ứng yêu cầu diễn tập rút kinh nghiệm trước khi phát động cuộc chiến tranh.

Ngày 1/1/1959, CIA và chính quyền Diệm ký thỏa thuận chung, cùng tiến hành các điệp vụ ngầm chống Hà Nội và lần lượt thành lập 3 trung tâm huấn luyện GĐBK tại Long Thành (Biên Hòa), Mỹ Khê (Đà Nẵng) và Phú Bài (Huế) do Đại tá Lê Quang Tung, Trung tá Trần Khắc Kính chỉ huy (Trần Khắc Kính bị bắt, tập trung cải tạo sau ngày 30/4/1975), nhưng thực chất do Đại tá Smith và Đại tá Bell chỉ đạo và điều hành.

Đơn vị dân quân xã Phú Hải, Hà Cối, Quảng Ninh tham gia truy bắt toán GĐBK xâm nhập bờ biển Hà Cối ngày 28/7/1963.

Đầu năm 1961, Mỹ - Diệm tung toán GĐBK đầu tiên bằng đường không vào địa bàn Quảng Bình, ta bắt gọn; sau đó chúng tung toán Castor vào địa bàn tỉnh Sơn La, tung điệp viên ARES bằng đường biển vào Hồng Quảng (Quảng Ninh), ta bắt gọn; lập chuyên án mang bí số PY27 tại Sơn La và BK63 tại Hồng Quảng, đấu tranh bằng chiến thuật "trò chơi nghiệp vụ" thành công. Hai chuyên án này được xem như chuyên án tạo nguồn, giúp Cơ quan Công an nắm địch khá toàn diện để điều khiển trung tâm chỉ huy của chúng tại Sài Gòn phải hoạt động theo sự sắp đặt của ta.

Từ  năm 1961 đến 1963, Mỹ - ngụy đã tung ra miền Bắc hàng chục toán GĐBK bằng đường không, qua biên giới Việt - Lào, đường biển và vượt giới tuyến nhưng đều không có hiệu quả. Chúng không hề biết rằng tất cả các toán xâm nhập đều nằm trong sự kiểm soát của Công an Việt Nam hoặc bị truy lùng, đánh đuổi ngay khi vừa vào đất ta.

- Giai đoạn thứ hai, từ năm 1964 đến 1975

Mặc dù tập trung tối đa cho cuộc chiến tranh GĐBK nhưng tình hình chiến sự ở miền Nam ngày càng xấu đi, những chiến lược chiến tranh Mỹ - ngụy triển khai với nhiều kỳ vọng đều thất bại. Viện trợ của phe XHCN cho Việt Nam vẫn không gián đoạn, miền Bắc ngày càng được củng cố vững chắc. Lực lượng quân sự, vũ khí, khí tài từ miền Bắc được chuyển vào Nam ngày càng nhiều. Bộ chỉ huy quân sự Thái Bình Dương của Mỹ (MACV) buộc phải xem xét lại kế hoạch tác chiến và đi đến kết luận "gây sức ép đối với miền Bắc" bằng việc "gia tăng hoạt động bí mật đối với Bắc Việt Nam".

Ngày 15/1/1964, Tổng thống Johnson phê chuẩn bản kế hoạch OPLAN34A (Kế hoạch 34 ALFA), chọn ra những loại hình hoạt động có hiệu quả nhất để triển khai và giao cho MACV thực hiện với sự trợ giúp của CIA. MACV thành lập đơn vị chuyên trách nghiên cứu và điều hành cuộc chiến tranh GĐBK mang mật danh "Nhóm nghiên cứu và quan sát - SOG", thành lập 3 bộ phận riêng biệt đảm trách từng lĩnh vực hoạt động mang mật danh OP34, OP37, OP39. Từ đây cuộc chiến tranh GĐBK phát triển với quy mô mới, cường độ ngày càng quyết liệt. Đặc biệt, SOG chú trọng hoạt động của Biệt hải, trọng tâm nhằm vào địa bàn các tỉnh duyên hải Khu IV, phá hoại các công trình ven biển, thả hàng tâm lý chiến, bắt cóc ngư dân đưa về "làng miền Bắc" trên đảo Cù Lao Chàm khai thác, giao nhiệm vụ đánh trở lại.--PageBreak--

Như vậy, từ đầu năm 1964, cuộc chiến tranh GĐBK của Mỹ đối với miền Bắc được đặt dưới sự điều hành trực tiếp của Bộ Chỉ huy quân sự Thái Bình Dương với sự cộng tác của các cơ quan tình báo của Mỹ và ngụy. Do đó, cuộc chiến tranh GĐBK được xem là bộ phận trọng yếu trong chiến lược của Mỹ, giữ vai trò mở đường cũng như duy trì các bước phiêu lưu quân sự bằng việc huy động tối đa lực lượng tình báo, quân sự tham gia với tham vọng sẽ thực hiện được các mục tiêu "đánh Cộng sản trong lòng Cộng sản", phá hoại miền Bắc bằng không quân và hải quân hòng "đưa miền Bắc Việt Nam trở lại thời kỳ đồ đá", ngăn chặn chi viện của quốc tế cho Việt Nam, chi viện của miền Bắc cho miền Nam, làm xoay chuyển được tình thế bất lợi của Mỹ trên chiến trường.

Đấu tranh chuyên án theo chiến thuật "trò chơi nghiệp vụ"

Ngày 27/5/1961, Mỹ-ngụy tung toán gián điệp biệt kích bí danh "Castor" bằng đường không xuống địa bàn tỉnh Sơn La. Sau khi bắt gọn cả toán, ta lập Chuyên án PY27, đấu tranh bằng chiến thuật "trò chơi nghiệp vụ" đến tháng 5/1965 thì chủ động kết thúc chuyên án. Từ  PY27, ta dụ địch tăng cường người, tiếp tế phương tiện hoạt động đã bắt và diệt 65 tên, thu 140 kiện hàng hóa. Đặc biệt từ quá trình đấu tranh Chuyên án PY27, lực lượng Công an mở tiếp 5 chuyên án khác đấu tranh song song nhưng trung tâm địch không hay biết.

Tháng 6/1961, Mỹ - ngụy tổ chức cho điệp viên "ARES" xâm nhập bằng đường biển vào địa bàn tỉnh Hồng Quảng (Quảng Ninh). Ta bắt "ARES", lập Chuyên án BK63 đấu tranh hơn 10 năm, dụ trung tâm địch thực hiện 6 chuyến tiếp tế hàng hóa và tăng cường biệt kích. Từ BK63, ta mở tiếp 2 chuyên án Eagle (Đại bàng) và Red Dragon (Rồng xanh) trên địa bàn tỉnh Bắc Giang và Hà Giang. Đặc biệt, ta dụ địch bộc lộ đầu mối gián điệp cài cắm trên địa bàn Hải Phòng, Quảng Ninh, dụ địch điều nhân viên tình báo vào Hải Phòng hoạt động để tổ chức đấu tranh. BK63 là một trong những chuyên án thành công nhất, ta không chỉ mở rộng hướng đấu tranh với các phương thức gián điệp khác mà qua đó cung cấp cho địch tin tức sai lệch, góp phần hạn chế thiệt hại  do không quân và hải quân Mỹ đánh phá vào vùng đông bắc Tổ quốc.

Hơn 10 năm đấu trí, Lực lượng CAND đấu tranh hàng chục chuyên án trên các vùng miền khác nhau, điều kiện khác nhau nhưng vẫn giữ được bí mật. Quá trình đấu tranh, ta cung cấp cho địch tin giả, khai thác từ trung tâm địch tin thật. Hơn thế, ta điều khiển được trung tâm chỉ huy của địch hoạt động theo sự sắp đặt của mình, buộc địch tiết lộ lực lượng biệt kích đang huấn luyện, toán biệt kích chuẩn bị thâm nhập, địa điểm sẽ xâm nhập. Có những toán ta còn biết trước được họ tên, quê quán của từng điệp viên nên khi chúng xâm nhập đã giúp cho công tác bao vây, truy lùng nhanh gọn.

Từ năm 1961 đến 1973, Lực lượng Công an trên miền Bắc đã tổ chức đấu tranh 33 chuyên án GĐBK theo chiến thuật "trò chơi nghiệp vụ" và đều thành công (Cục 61 chủ trì đấu tranh và hướng dẫn Công an địa phương đấu tranh 27 chuyên án, Công an các tỉnh tổ chức đấu tranh 6 chuyên án).

Tổng hợp từ năm 1961 đến 1975, chúng ta đã bắt, diệt, truy lùng, đánh đuổi 166 toán GĐBK xâm nhập bằng đường không, đường bộ, vượt giới tuyến và đường biển, bắt và diệt 1.027 tên, thu hơn 100 tấn vũ khí và phương tiện hoạt động. Địch phá hoại 4 mục tiêu là bắn hỏa tiễn vào tháp nước và Bệnh viện Đồng Hới, đặt chất nổ tại cầu Vĩnh Linh và cầu Hang, Thanh Hóa. Cả 4 mục tiêu bị phá hoại chỉ hư hỏng nhẹ. Biệt hải bắt cóc hơn 6.000 ngư dân khai thác, giao nhiệm vụ và đánh trở lại, có 1.058 ngư dân phải nhận nhiệm vụ và tự nguyện khai báo ngay khi trở về.

Có thể nói, Lực lượng CAND đã chủ động nắm thế trận ngay từ những chuyên án đầu tiên. Quá trình đấu tranh các chuyên án xuất hiện hàng trăm tình huống nghiệp vụ khác nhau, nhiều tình huống tưởng như bế tắc nhưng các chiến sĩ Công an đã hóa giải thành công, củng cố được lòng tin của trung tâm địch, buộc chúng tiếp tục theo đuổi "trò chơi nghiệp vụ". Hầu hết các chuyên án khi trung tâm địch yêu cầu rút về hoặc do ta chủ động kết thúc đều được thiết kế các tình huống hợp lý, đảm bảo không để bị lộ mà vẫn có thể đưa ra xét xử, tuyên truyền công khai để tố cáo tội ác của Mỹ - ngụy. Vừa đấu mưu, đọ trí, vừa đúc rút kinh nghiệm, triển khai nhuần nhuyễn chiến thuật "trò chơi nghiệp vụ", chuyên án sau hoàn hảo hơn chuyên án trước và ngày càng nâng tầm nghệ thuật là những đặc điểm nổi bật nhất của các thế hệ CAND tham gia đấu tranh chống GĐBK.

Đến nay, chúng ta được biết thêm một điều lý thú là sau nhiều năm kết thúc chiến tranh, người Mỹ đã thừa nhận thất bại dưới các góc độ khác nhau và đều có chung một kết luận "không nên có thêm Việt Nam". Nhưng đối với cuộc chiến tranh GĐBK, thú nhận của người Mỹ gồm những nhân chứng và cả những nhà nghiên cứu còn cụ thể hơn, cay đắng hơn.

Sedgwick Tourison - một sĩ quan CIA cao cấp làm việc tại chi nhánh Sài Gòn, trực tiếp chỉ huy cuộc chiến này đã viết cuốn sách "Đội quân bí mật, cuộc chiến bí mật" thú nhận: "Hình như các điệp viên của chúng ta đã bị đón lõng trước khi họ được tung vào miền Bắc. Bất cứ bằng đường không, đường bộ, đường biển, ở nơi hẻo lánh hoặc những khu vực dân cư, dù vào ban đêm hay ban ngày... họ luôn được những người trên đất liền chờ đón. Nếu có điệp viên nào đó may mắn trót lọt, thì có thể đặt câu hỏi là: Liệu đó có phải là họ thả lỏng do không cần phải làm gì nữa vì họ đã biết tất cả rồi".

Đó là thú nhận của nhân chứng lịch sử của phía bên kia, và có lẽ, lịch sử các cuộc chiến tranh bí mật trên thế giới cho đến nay, chưa có bên nào dám thừa nhận thất bại như người Mỹ thừa nhận về cuộc chiến tranh GĐBK ở miền Bắc Việt Nam

Trần Quang Đạo
.
.