Cuộc đấu tranh ngoại giao suốt 823 ngày đêm giữa sào huyệt địch

Thứ Tư, 14/04/2010, 19:45
Việt Nam ta có rất nhiều kinh nghiệm đúc rút được từ tổ chức và hoạt động của  Ủy ban Quốc tế (UBQT) từ Hiệp định Giơnevơ tháng 7/1954 trong cuộc kháng chiến chống Pháp nên rất coi trọng tổ chức và hoạt động của UBQT được tổ chức theo Hiệp định Paris về Việt Nam 27/1/1973 trong cuộc kháng chiến chống Mỹ.

Chung quanh vấn đề quốc tế quan trọng này ta và đối phương có 2 quan điểm chính và nhiều chủ trương cụ thể rất khác nhau, thậm chí đối lập nhau, phải qua đấu tranh không khoan nhượng, rất phức tạp, đôi khi rất quyết liệt mới đi đến những điều khoản thống nhất đã được ghi trong Hiệp định Pari về Việt Nam và Nghị định thư kèm theo.

Trước hết, hãy xem hai quan điểm chính giữa ta và Mỹ đối lập nhau thế nào?

Về phía Mỹ: Mỹ để cho vai trò của UBQT, coi đó là tổ chức có quyền lực cao nhất trong bộ máy thi hành Hiệp định Pari về Việt Nam, đứng trên Ban Liên hiệp quân sự (LHQS). Ý đồ đen tối của Mỹ là dùng tổ chức quốc tế này duy trì nguyên trạng chính trị ở miền Nam, củng cố thế lực cho chế độ Sài Gòn, kiềm chế lực lượng, thắng lợi và uy tín của cách mạng miền Nam, bảo vệ chế độ thực dân kiểu mới của Mỹ trong điều kiện Mỹ buộc phải chấm dứt hoàn toàn dính líu quân sự ở miền Nam Việt Nam.

Về phía ta: Ngược lại, ta đề cao vai trò Ban LHQS, coi việc thi hành hiệp định là trách nhiệm của các bên đã ký kết. 4 bên LHQS gồm đại diện của các bên có liên quan có vai trò quyết định nhất trong thi hành hiệp định, có nhiệm vụ, chức năng định ra thể thức thi hành hiệp định và trực tiếp thực thi các nhiệm vụ, chức năng, thể thức đó UBQT có vị trí, vai trò rất quan trọng là thể hiện sự công nhận của quốc tế đối với giá trị của hiệp định và bảo đảm sự đánh giá khách quan, trung lập trong việc thi hành nghiêm chỉnh hiệp định mà 4 bên đã ký kết.

UBQT có vai trò quan trọng kiểm soát và giám sát việc thi hành hiệp định trong mối quan hệ phối hợp chặt chẽ và dựa trên hoạt  động của Ban LHQS, không đứng ngoài lại càng không thể đứng trên Ban LHQS. Ta coi UBQT là một sách lược quan trọng trong giải pháp chính trị, tranh thủ dư luận quốc tế phục vụ cho cuộc đấu tranh của ta trên cả 3 mặt: chính trị, quân sự, ngoại giao.

Hai quan điểm đối lập nhau đó lại được thể hiện rất rõ trên từng chủ trương, từng vấn đề cụ thể về tổ chức bộ máy, về tài chính, về nhiệm vụ, quyền hạn... của UBQT.

Về tổ chức bộ máy của UBQT: Mỹ đòi lập bộ máy UBQT rất lớn từ Trung ương xuống địa phương rải khắp miền Nam có tổng số từ 7.000-12.000 người với 334 tổ công tác, có vũ trang, bố trí dày đặc nhiều tổ dọc khu phi quân sự và biên giới Việt Nam - Lào - Campuchia. Ngược lại, Mỹ rất coi nhẹ tổ chức Ban LHQS, chỉ cần ở cấp Trung ương, khu vực và tổ với 500 người. Ý đồ thâm độc của Mỹ là dưới danh nghĩa của UBQT, hợp pháp hóa đưa vào miền Nam Việt Nam một đội quân chiếm đóng nước ngoài làm nhiệm vụ cảnh bị quốc tế thay thế quân Mỹ buộc phải rút hết, nhằm ngăn chặn tấn công và nổi dậy của quân và dân miền Nam, bịt chặt các cửa khẩu ra vào dọc khu phi quân sự và biên giới, để triệt để cô lập cách mạng miền Nam Việt Nam, phục vụ cho âm mưu tăng cường chiến tranh, vi phạm và phá hoại hiệp định của Mỹ - ngụy.

Mỹ rút quân theo hiệp định Paris.

Trên đây là một trong những vấn đề mâu thuẫn rất gay cấn giữa ta và Mỹ. Ta chủ trương tổ chức bộ máy LHQS phải cao hơn với số người nhiều hơn UBQT. UBQT chỉ có bộ máy tổ chức hợp lý, số lượng nhân viên vừa phải, không có vũ trang, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, tối đa là 55 tổ với 600 người và con số này sẽ giảm dần trong quá trình hoàn thành nhiệm vụ từng bước.

Kết quả đàm phán cuối cùng được xem là thắng lợi của ta. Ta đã đạt được thỏa thuận theo hiệp định và nghị định thư là UBQT có 1.160 nhân viên với 59 tổ công tác các loại, trong khi đó, Ban LHQS có 3.300 người với 7 tổ khu vực và 26 tổ địa phương. Tỉ lệ thành viên UBQT và Ban LHQS là 1/3. Một tỉ lệ nói lên thắng lợi của ta, thất bại của Mỹ.

Về tài chính của UBQT: Mỹ cũng lợi dụng biến vấn đề tưởng chừng đơn thuần về tiền bạc này thành công cụ, phương tiện phục vụ mưu đồ chính trị đen tối của họ. Mỹ đòi UBQT có một ngân sách lớn do ủy ban tự quyết định nhằm bảo đảm cho UBQT không bị hạn chế về tài chính trong việc xây dựng bộ máy và trong hoạt động phục vụ mưu đồ chính trị của Mỹ - ngụy. Mỹ đưa ra cách đóng góp không bình đẳng của kẻ giàu, theo tỉ lệ Mỹ - ngụy mỗi bên đóng góp 28%, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam mỗi bên đóng góp 18%, nhằm dễ dàng dùng vấn đề tài chính lũng đoạn UBQT, đồng thời đề cao thiện chí của họ, hạ uy tín của ta.

Ngược lại, ta chủ trương khống chế ngân sách của UBQT một cách hợp lý theo tổ chức và chức năng của Ủy ban; ngân sách dự trù của UBQT phải được 4 bên ký kết hiệp định duyệt trên cơ sở hằng năm và giảm dần theo quá trình hoàn thành nhiệm vụ từng bước; việc đóng góp phải theo tỉ lệ bình đẳng giữa 4 bên ký kết nhằm thể hiện thiện chí của ta, đề cao uy tín của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, chống Mỹ - ngụy dùng tài chính thao túng UBQT.

Do đấu tranh của ta có cơ sở pháp lý và thực tế vững chắc buộc Mỹ phải đồng ý 4 bên đóng góp bình đẳng 23% và 4 bên ký kết hiệp định thông qua ngân sách UBQT hằng năm. Mỗi nước thành viên UBQT đóng góp 2%.

Về thành viên của UBQT: Hai bên đã đề cập trong cuộc gặp riêng giữa Lê Đức Thọ và Kissinger ngày 15/9/1972.

Ta đề nghị UBQT gồm 4 nước. Mỹ vẫn đưa đề nghị UBQT gồm 5 nước và nói rõ thêm là 4 nước do hai bên thỏa thuận, còn nước thứ 5 do Tổng thư ký LHQ chỉ định nhằm biến UBQT thành công cụ riêng của Mỹ. Mỹ lại giới thiệu Nhật Bản và Indonesia làm thành viên của UBQT. Mỹ còn yêu cầu đưa Nam Triều Tiên, một nước có quân tham chiến tại miền Nam Việt Nam tham gia UBQT. Cuộc mặc cả cứ thế kéo dài từ tháng 9/1972 đến ngày 19/1/1973 hai bên mới thỏa thuận trong Nghị định thư về UBQT. Ngày 27/1/1973 ký Hiệp định Pari về Việt Nam. Tất cả các bên chấp nhận UBQT gồm đại biểu 4 nước: Ba Lan, Hungari, CanadaIndonesia.--PageBreak--

Như vậy, cuối cùng ta đạt được yêu cầu UBQT 4 thành viên quốc gia có sự cân bằng lực lượng của đại diện mỗi bên trong UBQT.

Về nhiệm vụ, quyền hạn của UBQT: Mỹ đòi UBQT có vị trí, vai trò, quyền hạn cao hơn với nhiệm vụ và hoạt động rộng hơn cả Ban LHQS, hoạt động không hạn chế, hoạt động độc lập, tự do đi lại khắp miền Nam Việt Nam, thậm chí khắp Việt Nam; tự ý điều tra vi phạm ngăn ngừa, phát hiện vi phạm, giải quyết vi phạm, có quan hệ với UBQT Lào, Campuchia. Ngang ngược hơn Mỹ còn đòi UBQT chỉ trực thuộc Hội nghị Quốc tế, có đặc quyền bất khả xâm phạm cao hơn Đoàn ngoại giao, đứng trên Ban LHQS...

Ta kiên quyết bãi bỏ và đấu tranh không khoan nhượng quan điểm sai trái này của Mỹ. Do lập luận của ta vững chắc có cơ sở pháp lý nên buộc Mỹ phải chấp nhận quan điểm của ta về vấn đề quan trọng này. Ta chủ trương UBQT chỉ có chức năng kiểm soát và giám sát việc thi hành các điều khoản được quy định trong hiệp định, không lấn sang nhiệm vụ chủ yếu và quan trọng của Ban LHQS. UBQT trực thuộc 4 bên ký kết Hiệp định Paris.

Thực tế ở Việt Nam đã cho thấy rằng với Hiệp định Giơnevơ 1954, sự có mặt của UBQT đã chẳng không có hiệu lực phát hiện, ngăn chặn nguy cơ Mỹ - ngụy vi phạm trắng trợn hiệp định tăng cường chiến tranh xâm lược, phá hoại hiệp định đó sao? Trên cơ sở phân tích có lý với lập luận vững chắc đó ta khẳng định rằng: UBQT không thể đứng trên và hoạt động rộng hơn Ban LHQT được.

Qua 4 tháng (từ 15/9/1972 đến 19/1/1973) đấu tranh kiên quyết và lập luận vững chắc trên của ta, Mỹ buộc chấp nhận về cơ bản quan điểm của ta như đã ghi trong hiệp định và Nghị định thư: "Việc thi hành hiệp định là trách nhiệm của các bên ký kết. Nhiệm vụ UBQT là kiểm soát và giám sát các điều khoản nói trong "Điều 18 của hiệp định". UBQT điều tra các vi phạm theo yêu cầu của Ban LHQS và khi tiến hành nhiệm vụ này UBQT sẽ hành động với sự giúp đỡ và hợp tác của các bên có liên quan...

Nếu nói "Hiệp định Paris là thắng lợi ngoại giao tuyệt vời" (cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng), "là một thất bại lớn của Mỹ"  - (cố vấn đặc biệt Lê Đức Thọ) thì cũng có thể nói ta đấu tranh buộc Mỹ chấp nhận về tổ chức bộ máy và hoạt động của UBQT theo chủ trương của ta như đã ghi tại Điều 18 của hiệp định là thắng lợi quan trọng của ta, là thất bại của Mỹ - ngụy.

UBQT kiểm soát và giám sát được thành lập ngày 24/1/1973, hoạt động và tồn tại đến những ngày cuối tháng 4/1975.

Việc ta giành toàn thắng trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử giải phóng Sài Gòn và toàn miền Nam, đánh dấu sự kết thúc của UBQT. Các đoàn Ba Lan và Hungari còn ở lại Sài Gòn chứng kiến và chung vui mùa Xuân Đại thắng của dân tộc Việt Nam mà trong đó bạn đã có sự đóng góp to lớn (kể cả xương máu của mình và đã có 2 sĩ quan Hungari hy sinh trong khi làm nhiệm vụ; Phó đoàn Hungari Uranowich đã dũng cảm cởi áo chỉ cho quân cảnh ngụy bắn vào tim mình khi tên này dọa bắn để ngăn cản ông vào trụ sở Ban LHQS ở trại Davis.

Qua hơn 2 năm hoạt động UBQT có lúc thuận lợi, lúc gặp khó khăn nhưng kết quả đạt được đáng ghi nhận và có thể rút ra một số kết luận sau:

UBQT kiểm soát và giám sát có vị trí, vai trò quan trọng trong giải pháp về mặt quốc tế của Hiệp định Paris. Đó là sự bảo đảm quốc tế về giá trị pháp lý của hiệp định; sự công nhận quốc tế đối với các quyền dân tộc cơ bản của nhân dân Việt Nam, đặc biệt là vai trò, vị thế của Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Đài BBC ngày 25/9/1974 đã nói: "Chừng nào UBQT còn tồn tại thì Hiệp định Pari vẫn còn được cơ hội thực hiện. Một khi không còn UBQT thì chẳng khác gì đóng cả vào chiếc quan tài, đem chôn vùi Hiệp định Paris".

Mặc dù âm mưu Mỹ - ngụy rất thâm độc nhưng ta và các thành viên XHCN (Ba Lan, Hungari) đã phối hợp chặt chẽ, đấu tranh tốt, đem lại một số kết quả tích cực, nổi bật là:

+ UBQT đã thực hiện được nhiệm vụ kiểm soát và giám sát Mỹ và quân chư hầu rút hết quân ra khỏi miền Nam Việt Nam và một số đợt trao trả tù binh, tù chính trị.

+ Đáng chú ý là trong tổng số 390 cuộc điều tra của UBQT đã tiến hành, UBQT đã kết luận được 5 vụ ngụy quyền Sài Gòn vi phạm hiệp định như: lấn chiếm Cửa Việt (28/1/1973), hành hung Đoàn ta ở Huế (10/2/1973), bắn phá vào trụ sở UBQT ở Bảo Lộc (2/4/1973), bắn phá vào núi Giai ở Tri Tôn (3/4/1973).

Trong khi đó, UBQT đã không có bất cứ một kết luận vi phạm nào đối với phía ta, kể cả những vụ ngụy quyền Sài Gòn làm rùm beng vu cáo ta về việc máy bay UBQT bị rơi ở Ly Tôn, quân ngụy tháo chạy ở Tống Lê Chân (Tây Ninh), cái gọi là "tù binh Bắc Việt", bắn pháo vào Trường trung học Cai Lậy (Tiền Giang)...

+ Ta đã gửi đến UBQT một số lượng công hàm áp đảo đối phương để tố cáo, vạch mặt phá hoại hiệp định, đẩy mạnh chiến tranh. Qua đó góp phần vào cuộc đấu tranh dư luận chung, tạo thuận lợi cho hỗ trợ và phục vụ chiến trường, đặc biệt là trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, đánh cho ngụy nhào vào lúc 11h30 ngày 30/4/1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam.

Nói cách khác có thể khẳng định rằng: Mỹ đã thất bại trong âm mưu lợi dụng UBQT phục vụ mưu đồ phá hoại Hiệp định biến miền Nam Việt Nam thành thuộc địa kiểu mới của Mỹ, ta đã giành thắng lợi trong việc dựa vào UBQT, tổ chức quốc tế quan trọng này làm cơ sở pháp lý để tố cáo Mỹ - ngụy phá hoại hiệp định, tranh thủ được dư luận trong nước và quốc tế ủng hộ ta có lợi cho cuộc đấu tranh ngoại giao, quân sự của ta suốt 823 ngày đêm giữa sào huyệt địch.

* Nguyễn Hùng Đào - Nguyên sĩ quan báo chí Đoàn Đại biểu Quân sự Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam.
Nguyễn Hùng Đào
.
.