Cuộc gặp giữa Đặng Tiểu Bình và nhà văn Kim Dung, năm 1981

Thứ Năm, 27/03/2008, 09:30
...Đây là lần đầu tiên Đặng Tiểu Bình chính thức một mình tiếp người Hồng Công tại Đại lễ đường Nhân Dân, gây sự chú ý của dư luận TQ và cũng làm tăng uy tín đối với "Đại hiệp" Kim Dung...

Sáng 18/7/1981, với tư cách là Phó Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc (TQ), Đặng Tiểu Bình đã tiếp Giám đốc Tòa soạn Minh báo của Hồng Công Tra Lương Dung, tức là nhà tiểu thuyết võ hiệp Kim Dung.

Năm 1959, Kim Dung sáng lập tờ Minh báo tại Hồng Công. Trong thời gian “Đại cách mạng Văn hóa”, Đặng Tiểu Bình bị lưu đày về nông thôn Giang Tây. Trên tờ Minh báo, Kim Dung đã lên tiếng ủng hộ Đặng Tiểu Bình, phê phán kịch liệt sự vô lý của “Cách mạng Văn hóa", đồng thời liên tục ủng hộ Bành Đức Hoài, tán dương “Bốn hiện đại hóa” do Chu Ân Lai đề xướng.

Vì vậy, ông đã trở thành "Văn nhân phản động" đầu sỏ tại Hồng Công trong con mắt của “Bè lũ bốn tên”.

Mùa xuân năm 1976, Đặng Tiểu Bình một lần nữa bị "nghỉ công tác...". Trong một bài xã luận, Kim Dung đã dự đoán: Không lâu sau, Đặng Tiểu Bình sẽ trở lại.

Dự đoán đó một năm sau đã được chứng minh.

Đối với việc này, Kim Dung đã nói với các nhà báo: “Óc tưởng tượng của tôi thực tế đã tiêu biểu cho nguyện vọng của đại đa số người TQ, đã là nguyện vọng của đại chúng thì sự tình có thể làm được!”. Theo Kim Dung, Đặng Tiểu Bình là nhân vật như Quách Tĩnh. Khi Đặng Tiểu Bình bị “Bè lũ bốn tên” phê đấu kịch liệt nhất, Kim Dung nghe nói ông không hề nao núng khiến cho đối phương tức tối đến tột độ.

Cuối những năm 70 (của thế kỷ XX), Đặng Tiểu Bình trở lại chính trường, chủ trương đẩy mạnh xây dựng kinh tế. Trên Minh báo, Kim Dung ủng hộ Đặng Tiểu Bình có khí phách, có tầm nhìn xa. Tại TQ, thực hành cải cách mở cửa, bãi bỏ những chế độ bất hợp lý trước đó, khiến người ta kính phục.

Sau khi TQ đập tan “Bè lũ bốn tên”, Đặng Tiểu Bình lần thứ ba trở lại chính trường, khiến cho Kim Dung tràn đầy niềm tin vào tương lai của đại lục. Ông cảm khái nói: “Mấy chục năm rồi, người tôi rất muốn gặp chính là ông Đặng Tiểu Bình. Tôi vô cùng khâm phục phong cách của ông ấy. Ông ấy thật sự giống những nhân vật anh hùng trong tiểu thuyết võ hiệp của tôi”.

Đặng Tiểu Bình đã từng nhờ người từ bên ngoài đại lục mua hộ một loạt tiểu thuyết của Kim Dung và say mê đọc. Đối với những bài bình luận, xã luận trên Minh báo, ông cũng biết đến.

Năm 1981, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản TQ lần thứ 6 (khóa XI) đã thông qua “Nghị quyết về một số vấn đề lịch sử từ khi dựng nước đến nay”, chuyển trọng tâm công tác của Đảng vào xây dựng kinh tế, đồng thời, dùng phương thức hòa bình thống nhất Tổ quốc cũng trở thành một vấn đề thảo luận chính thức. Đặng Tiểu Bình quyết định tiếp Kim Dung là để thông qua đó giới thiệu về TQ đại lục đối với Đài Loan và thế giới.

Theo Đặng Tiểu Bình, Kim Dung là người thông tin rất tốt giữa hai bờ eo biển. Bởi vì, ông ta có gốc văn hóa truyền thống rất sâu đậm, có sức hiệu triệu lớn đối với thế giới người Hoa; đồng thời, Kim Dung trong nhiều năm trước đã bút chiến với Lâm Bưu, “Bè lũ bốn tên”, có thanh danh tốt là người trung hậu chính trực ở hải ngoại, phía Đài Loan cũng có thiện cảm.

Mùa xuân năm 1973, Kim Dung đã nhận lời mời qua thăm Đài Loan, mặc dầu Tưởng Giới Thạch ốm nặng không gặp ông, nhưng Tưởng Kinh Quốc đã tiếp và trao đổi sâu sắc tình hình quốc sự với ông. Khi đi thăm “tiền tuyến” Kim Môn đối diện với tuyến duyên hải hùng vĩ của Đại lục, Kim Dung cảm thán: “Trong đời này, nếu như tôi có thể tận mắt nhìn thấy một Chính phủ TQ thống nhất thì thực sự là một sự phấn khởi lớn nhất suốt đời!”.

Tiếng nói yêu nước của Kim Dung được đáp lại. Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản TQ mời Kim Dung về thăm Đại lục. Kim Dung đề xuất nguyện vọng muốn gặp ông Đặng Tiểu Bình. Đặng Tiểu Bình đồng ý.

Bắc Kinh vào tháng 7/1981, thời tiết vô cùng nóng nực. Trước giờ được gặp Đặng Tiểu Bình, Kim Dung thức dậy rất sớm, mặc comple, dẫn theo vợ và con gái lên ôtô, chạy thẳng về hướng Thiên An Môn.

Khi ấy, Đặng Tiểu Bình mặc áo sơ mi cộc tay, đã sẵn sàng chào đón ở cửa sảnh Phúc Kiến, trong Hội trường lớn Nhân Dân. Vừa nhìn thấy Kim Dung, Đặng Tiểu Bình lập tức bước lên, bắt tay ông, nói: “Xin chào Tra tiên sinh! Chúng ta là bạn từ lâu rồi. Tiểu thuyết của ông tôi đã đọc. Lần này, tôi tái xuất giang hồ lần thứ ba đấy! Những nhân vật chính trong sách của ông đại đa số kinh qua vô vàn gian nan mới hoàn thành đại sự, đó là quy luật của nhân sinh mà!”.

Năm 1981, Đặng Tiểu Bình khi ấy là Phó Chủ tịch BCHTƯ Đảng cộng sản Trung Quốc gặp mặt nhà văn Kim Dung tại hội trường lớn Nhân Dân

Kim Dung tươi cười hớn hở, hơi cúi người chào, bắt tay Đặng Tiểu Bình, nói: “Tôi luôn luôn ngưỡng mộ ngài. Hôm nay trông thấy ngài, tôi cảm thấy vô cùng vinh hạnh!”.

Sau một hồi hàn huyên, Kim Dung giới thiệu từng người trong gia đình với Đặng Tiểu Bình. Đặng Tiểu Bình liền nói: “Xin chào! Xin chào!”.

Đặng Tiểu Bình chụp ảnh lưu niệm chung với gia đình Kim Dung ngay dưới bức tranh lớn “Nghênh khách tùng” (Cây tùng chào khách). Sau đó, hai người đi vào sảnh Phúc Kiến nói chuyện.

Nhìn thấy Kim Dung mặc âu phục, Đặng Tiểu Bình bèn nói: “Hôm nay tiết trời Bắc Kinh rất nóng, ông cởi áo ngoài ra. Chúng ta không cần câu nệ lễ nghi!”.

Một vị là người lãnh đạo của Đảng Cộng sản TQ trải qua trăm cay nghìn đắng, một vị là nhà văn, nhà viết chính luận trên 20 năm trời, thẳng thắn trao đổi mạn đàm, về không ít vấn đề gai góc, nhạy cảm.

Đặng Tiểu Bình hút thuốc lá, nói với Kim Dung: “Sau Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 6 (khóa XI), vẫn còn ba việc lớn: Một là trên trường quốc tế, phải chống chủ nghĩa bá quyền, bảo vệ hòa bình thế giới; hai là hoàn thành đại nghiệp thống nhất Tổ quốc; ba là tiến hành tốt xây dựng kinh tế”.

Kim Dung nói: “Tôi cảm thấy về sự kiện quốc gia thống nhất này, việc nâng cao trình độ phát triển kinh tế và mức sống của nhân dân ở Đại lục là nhân tố cơ bản nhất!”.

Đặng Tiểu Bình biểu lộ tán đồng: “Trong ba việc lớn, thì xây dựng kinh tế nhà nước là trọng yếu nhất, sự nghiệp xây dựng kinh tế của chúng ta phát triển tốt, hai việc khác sẽ có cơ sở, xây dựng kinh tế là căn bản, kinh tế trước mắt cần phải điều chỉnh”.

Hai người tiến thêm một bước, bàn về biến động nhân sự trong Hội nghị toàn thể Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 6 (khóa XI). Nhà văn Kim Dung nói: “Đặng Phó chủ tịch có thể làm Chủ tịch, nhưng ngài kiên trì không làm. Chuyện không coi trọng danh vị cá nhân như vậy, trong lịch sử TQ và lịch sử thế giới đều vô cùng hãn hữu, khiến mọi người kính phục”.

Sau khi nghe nói vậy, Đặng Tiểu Bình mỉm cười, nói: “Danh khí ư, đã có rồi, còn muốn danh tiếng lớn hơn thế nào nữa? Tất cả cần phải nhìn xa hơn. Tôi sức khỏe tuy còn tốt, nhưng xét cho cùng tuổi đã cao rồi, hiện tại mỗi ngày chỉ có thể làm việc 8 giờ, dài hơn nữa thì bị mệt mỏi...”.

- Minh báo chúng tôi muốn ngài làm Chủ tịch nước!

- Làm Chủ tịch nước, tư cách  a, đâu phải không có. Nhưng, tôi còn muốn sống thêm mấy năm nữa, làm thêm chút việc cho đất nước, cho nhân dân. Hiện tại, có trên 120 nước kiến lập quan hệ ngoại giao với TQ, mỗi năm có rất nhiều nguyên thủ quốc gia đến thăm, Chủ tịch nước thì phải đón đưa, tiếp đãi, mở tiệc, những chuyện xã giao tiệc tùng nhiều như vậy ngốn mất rất nhiều thời gian và tinh thần sức lực”.

Đặng Tiểu Bình nói: “Thời gian triệu tập Hội nghị toàn thể Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 6 chậm lại so với thời gian đã định là do nghị quyết chưa viết xong. Viết nghị quyết trải qua thảo luận nhiều lần, hội nghị thảo luận lần cuối cùng có 4.000 người tham gia. Mục đích viết nghị quyết là tổng kết kinh nghiệm, thống nhất nhận thức, đoàn kết nhất trí, nhìn về phía trước, đối với những vấn đề lịch sử phải tổng kết thực sự cầu thị, xác đáng đúng người đúng việc, sau đó một lòng một dạ tiến hành xây dựng bốn hiện đại hóa”.

Đặng Tiểu Bình khi ấy nghĩ nhiều đến tiến hành xây dựng kinh tế, nhất định phải thoát ra khỏi những ràng buộc của khuynh hướng cực “tả” và giáo điều chủ nghĩa về “chủ nghĩa xã hội” thuần túy hơn nữa, theo cái gọi là “xây vô sản, diệt tư sản”.

Ông rút ra một điếu thuốc mời Kim Dung, tự mình lại châm một điếu, hỏi: “Tra tiên sinh! Trên thế giới có bao nhiêu thứ chủ nghĩa xã hội?”.

Kim Dung nói: “Tôi nghĩ từ khi Phuriê, Xanhximông (Pháp), Ôoen (Anh)... nêu ra lý luận chủ nghĩa xã hội đến nay, trên thế giới, đã có rất nhiều loại chủ nghĩa xã hội. Đặng Phó chủ tịch, xin ngài chỉ giáo”.

Đặng Tiểu Bình cười:  "Tôi thấy chủ nghĩa xã hội trên thế giới, có nhiều mô hình đấy! Thôi, hút một điếu thuốc nữa đi!”.

Nói vậy, Đặng Tiểu Bình lại đưa cho Kim Dung một điếu thuốc nữa, rất thân tình, nói: “Không có quy định cứng nhắc mà, TQ phải đi theo con đường xã hội chủ nghĩa mang đặc sắc TQ”.

Kim Dung  nói: “Hội nghị toàn thể Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 6, kết quả tốt  hơn nhiều so với mong muốn của mọi người, dư luận trong và ngoài nước đều rất tốt. “Nghị quyết về một số  vấn đề lịch sử...” do Hội nghị thông qua rất tốt”.

Trong cuộc tiếp, Đặng Tiểu Bình còn nói đến chuyện phụ thân của Kim Dung bị sát hại khi hoạt động “trấn phản” (trấn áp phản động) cực đoan hồi trước.

Kim Dung gật đầu: “Mọi người ở dưới suối vàng không thể sống lại được, coi như chuyện đã rồi!”, đồng thời cũng nói rằng: Số mệnh của phụ thân chỉ là bi kịch xảy ra trong buổi giao thời thay đổi triều đại, bản thân hầu như đã không còn ghi nhớ “chuyện cũ” nữa.

“Nghị quyết về một số vấn đề lịch sử của Đảng từ khi dựng nước đến nay” là một văn kiện lịch sử rất quan trọng, đánh dấu Đảng Cộng sản TQ về tư tưởng chỉ đạo, đã hoàn thành một cách thắng lợi nhiệm vụ xóa bỏ tình trạng hỗn loạn, ổn định chính trị đất nước.

Khi ấy, Đặng Tiểu Bình thông qua Kim Dung, làm cho đồng bào Hồng Công, Ma Cao, Đài Loan và đồng bào ở hải ngoại, hiểu được tường tận bối cảnh lịch sử của nghị quyết..., càng có lợi cho sự nghiệp đại đoàn kết, càng có lợi cho việc phát huy nhiệt tình của đồng bào hải ngoại vào xây dựng kinh tế đất nước. Trong lần tiếp này, Đặng Tiểu Bình còn chú trọng nói về chủ trương thực hiện Đài Loan trở về với Tổ quốc, hoàn thành sự nghiệp to lớn thống nhất Tổ quốc.

Cuộc tiếp kéo dài một tiếng đồng hồ, Kim Dung đứng lên chào từ biệt, Đặng Tiểu Bình tiễn ông ra về. Hai người vừa đi vừa nói chuyện. Ra đến tận ngoài đại sảnh, hai người còn đứng lại nói chuyện một lát nữa.

Đặng Tiểu Bình nắm tay Kim Dung, nói: “Tra tiên sinh sau này có thể thường xuyên trở về, đi đến mọi nơi xem sao, tốt nhất mỗi năm nên về một lần”.

Tối hôm ấy, trong chương trình thời sự, Đài Truyền hình Trung ương TQ đã phát tin Đặng Tiểu Bình tiếp Kim Dung. Các cơ quan truyền thông của Hồng Công, Ma Cao và các nơi trên thế giới đều đưa tin, gây được sự chú ý của nhiều người.

Tháng 9 năm đó (1981), nguyệt  san Minh báo đăng bài ghi chép về cuộc tiếp của Đặng Tiểu Bình với Kim Dung và tác phẩm “Chuyến thăm TQ: Phỏng vấn Tra Lương Dung tiên sinh” được xuất bản chỉ sau 3 ngày đã tiêu thụ hết veo, phải in nối bản hai lần.

Nhà văn Kim Dung còn nói: “Đi thăm Đại lục trở về, trong lòng tôi rất lạc quan, lạc quan với Đại lục, lạc quan với Đài Loan, lạc quan với Hồng Công, cũng chính là lạc quan với cả TQ!”

Vũ Phong Tạo (Theo Xinhuanet)
.
.