Cuộc gặp thượng đỉnh Việt - Trung - Xô 60 năm trước tại Mátxcơva

Thứ Năm, 07/01/2010, 10:25
Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám 1945, sự ra đời của Bản Tuyên ngôn Độc lập đã khẳng định tính hợp pháp, hợp công lý của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Thắng lợi của Tổng tuyển cử 1946, sự ra đời của Bản Hiến pháp đầu tiên và Chính phủ chính thức của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu được Quốc hội bầu ra thực sự là đại diện của toàn dân, thực sự là chính phủ dân cử hợp pháp.

Tuy nhiên, cho tới cuối năm 1949, nước Việt Nam mới vẫn trong vòng vây của chủ nghĩa đế quốc và các thế lực phản động quốc tế. Cuộc kháng chiến của nhân dân ta chống thực dân Pháp xâm lược vẫn trong hoàn cảnh cực kỳ bất lợi bị bao vây, bị cô lập. Trên thế giới vẫn chưa có quốc gia nào công nhận và đặt quan hệ ngoại giao với nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Thắng lợi của Cách mạng Trung Quốc và sự thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa ngày 1/10/1949 đã làm thay đổi cục diện ở châu Á và thế giới, đã chứng tỏ sự lớn mạnh vượt bậc của phong trào dân chủ và tiến bộ trên thế giới. Đó cũng là điều kiện vô cùng thuận lợi cho Cách mạng Việt Nam phá thế bị bao vây để tiếp xúc với thế giới bên ngoài.

Trong bối cảnh đó, đầu năm 1950, Bác Hồ sang thăm Liên Xô và Trung Quốc nhằm phát triển quan hệ ngoại giao, tranh thủ sự giúp đỡ đồng tình ủng hộ của bạn bè quốc tế đối với cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân Việt Nam. Đây là chuyến đi bí mật nên việc tiễn đưa không tổ chức công khai.

Chủ tịch Hồ Chí Minh sang Liên Xô tháng 2/1950.

Chiều ngày 2/1/1950, Bác rời Tân Trào - Sơn Dương (Tuyên Quang) lên đường.

Ngày 14/1/1950, Bác ra lời tuyên bố của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cùng chính phủ các nước trên thế giới. Người khẳng định: "Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là Chính phủ hợp pháp duy nhất của toàn thể nhân dân Việt Nam. Căn cứ trên quyền lợi chung, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sẵn sàng đặt quan hệ ngoại giao với chính phủ nước nào trọng quyền bình đẳng, chủ quyền lãnh thổ và chủ quyền quốc gia của nước Việt Nam, để cùng nhau bảo vệ hòa bình và xây đắp dân chủ thế giới" (1). 

Khi đó, Bác đang trên đường đến Long Châu (Trung Quốc).

Ngày 20/1/1950, Người đến Nam Ninh. Ngày 21/1, Bác rời Nam Ninh đi ôtô đến Lai Tân và lên tàu hỏa đi Bắc Kinh. Các đồng chí Lưu Thiếu Kỳ, Chu Đức, Nhiếp Vinh Trăn nồng nhiệt đón tiếp Người. Thời gian đó Chủ tịch Mao Trạch Đông, Thủ tướng Chu Ân Lai đã sang Mátxcơva để đàm phán và ký kết hiệp định hợp tác với Liên Xô.

Ngày 3/2/1950, Bác rời Bắc Kinh đi Liên Xô.

Giữa tháng 2/1950, tại Mátxcơva, lần đầu tiên đã diễn ra cuộc gặp thượng đỉnh Việt Nam - Trung Quốc - Liên Xô. Đại nguyên soái Xtalin, Tổng bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng ủy viên nhân dân Liên bang Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Xôviết đã gặp gỡ và trao đổi với Chủ tịch Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch Chính phủ Nhân dân Trung ương nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa Mao Trạch Đông, Thủ tướng kiêm ngoại trưởng Chính phủ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa Chu Ân Lai và Chủ tịch Đảng Cộng sản Đông Dương, Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Hồ Chí Minh.

Tại cuộc gặp thượng đỉnh Việt - Trung - Xô lần đầu tiên này, Hồ Chí Minh đã trình bày rõ ràng vừa thân tình vừa thẳng thắn về tình hình Cách mạng Việt Nam, về đường lối chiến lược, sách lược của Đảng Cộng sản Đông Dương.

Trước đây, do thiếu thông tin hoặc thông tin không chính xác nên Liên Xô chưa hiểu đầy đủ thậm chí có những sự hiểu lầm về thực trạng nội tình Cách mạng Việt Nam. Tại cuộc họp này, sau khi nghe Hồ Chí Minh trao đổi, Đại nguyên soái Xtalin đồng tình, chia sẻ và tin tưởng vào sự nghiệp cách mạng của những người cộng sản và nhân dân Đông Dương dưới sự lãnh đạo của Hồ Chí Minh.

Xtalin cho rằng, lúc này do Đảng Cộng sản Đông Dương chưa ra hoạt động công khai nên tạm thời chưa công khai mối quan hệ giữa 2 đảng nhưng cần nhấn mạnh đến quan hệ chính thức giữa 2 nhà nước, sớm thiết lập quan hệ ngoại giao, lập đại sứ quán của 2 nước. Xtalin cũng đề nghị Việt Nam nên mở các chiến dịch lớn, mở rộng vùng giải phóng nhất là khu vực tiếp giáp với Trung Quốc để tạo điều kiện thuận lợi cho mối quan hệ với các nước.

Xtalin nói: "Yêu cầu của Việt Nam không lớn. Nên có sự phân công giữa Trung Quốc và Liên Xô. Liên Xô hiện đang phải lo nhiều cho các nước Đông Âu. Trung Quốc sẽ giúp Việt Nam những thứ đang cần. Những thứ gì Trung Quốc chưa có, thì hãy lấy trong số hàng Liên Xô đã viện trợ cho Trung Quốc chuyển sang Việt Nam và sẽ được Liên Xô hoàn trả" (2). Trước mắt, Liên Xô đồng ý giúp Việt Nam một trung đoàn pháo cao xạ 37 ly, một số xe vận tải Môlôtôva và thuốc quân y.

Cũng tại cuộc gặp này, Chủ tịch Mao Trạch Đông đồng ý trang bị vũ khí cho một số đại đoàn bộ binh và một đơn vị pháo binh của Việt Nam, đồng ý vận chuyển hàng viện trợ của Liên Xô cho Việt Nam, đồng ý cử cố vấn sang giúp Việt Nam. Đồng thời, Trung Quốc tán thành để Việt Nam đưa Trường Lục quân sang đất Vân Nam đào tạo và bổ túc cán bộ. Chủ tịch Mao đề nghị "Việt Nam cần trang bị 10 đại đoàn để đánh thắng Pháp, trước mắt hãy trang bị cho 6 đại đoàn có mặt ở miền Bắc. Việt Nam có thể đưa ngay một số đơn vị sang nhận vũ khí trên đất Trung Quốc. Tỉnh Quảng Tây sẽ là hậu phương trực tiếp của Việt Nam" (3).

Kết quả cuộc gặp thượng đỉnh lần đầu tiên giữa Việt Nam - Trung Quốc - Liên Xô đã tạo điều kiện vô cùng thuận lợi cho sự phát triển của cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam chống thực dân Pháp xâm lược. Song do điều kiện lịch sử cụ thể lúc đó, cuộc gặp thượng đỉnh Việt - Trung - Xô không được công bố.

Từ sau đó, trong nửa đầu năm 1950 Trung Quốc, Liên Xô và lần lượt các nước dân chủ nhân dân công nhận và đặt quan hệ ngoại giao với Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Đầu tháng 3/1950, Bác rời Mátxcơva.

Từ ngày 4/3, tại Bắc Kinh, Người hội đàm với Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai. Ngày 11/3. Bác rời Bắc Kinh, 12/3 qua Hồ Bắc. Ngày 13/3, Bác qua Trường Sa - Thủ phủ tỉnh Hồ Nam. Ngày 19/3, Người về gần tới Long Châu (Quảng Tây). Ngày 31/3/1950, Bác về đến xã Bằng Đức, huyện Ngân Sơn (Bắc Kạn).

Thượng tuần tháng 4/1950, tại khu vực Hang Bòng xã Tân Trào - Sơn Dương (Tuyên Quang) Người chủ trì phiên họp Hội đồng chính phủ bàn việc bổ nhiệm đại sứ, chuẩn bị phương tiện chuyên chở hàng viện trợ. Tại phiên họp, Bác nói: "Tổng phản công của ta sẽ là một giai đoạn lâu dài. Rồi đây, có sự viện trợ của Liên Xô và Trung Quốc về vật chất, vũ khí, trang bị... ta sẽ đỡ khó khăn hơn, nhưng giành được thắng lợi là phải do sự nỗ lực của chính bản thân ta quyết định" (4).

Tháng 6/1950, Bác chủ trì Hội nghị Thường vụ Trung ương Đảng quyết định mở Chiến dịch Biên giới. Tháng 9/1950, Người lên đường ra mặt trận.

Chống gậy lên non xem trận địa
Vạn trùng núi đỡ vạn trùng mây
Quân ta khí mạnh nuốt Ngưu Đẩu
Thề diệt xâm lăng lũ sói cầy (5).

Hạ tuần tháng 10/1950, Chiến dịch Biên giới đại thắng. Quân ta đã tiêu diệt một bộ phận quan trọng sinh lực địch, giải phóng cả một dải biên giới dài 750km, mở rộng và củng cố căn cứ địa Việt Bắc. Cách mạng Việt Nam lần đầu tiên đã phá tan vòng vây của chủ nghĩa đế quốc.

Cuộc kháng chiến thần thánh của nhân dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng và Bác Hồ từ đó bước sang giai đoạn mới.

(1), (5) Hồ Chí Minh. Toàn tập, tập 6, CTQG. 1995. Tr:7-8, 142
(2), (3), (4) Dẫn theo Đỗ Hoàng Linh: Chủ tịch Hồ Chí Minh, Hành trình kháng chiến. CAND. 2007, Tr:102-103, 106
Trần Thuỳ
.
.