Cuộc hành quân thần tốc đánh chiếm Bộ Tổng Tham mưu Ngụy

Chủ Nhật, 30/04/2017, 10:15
Giữa tháng 4 năm 1975, trên tất cả các hướng chiến trường, quân ta bắt đầu đánh tạo thế và cài thế chiến lược. Ngày 18-4, Bộ Tư lệnh Quân đoàn 1 giao nhiệm vụ chính thức cho Sư đoàn 320B: Thần tốc, táo bạo, đánh thọc sâu vào Sài Gòn...


Ngay đêm đó, từ phía nam thị trấn Đồng Xoài, các chiến sĩ của Sư đoàn Đồng Bằng di chuyển đội hình vào khu vực sông Bé, chuẩn bị triển khai lực lượng tiến công.

Tạo yếu tố bí mật, bất ngờ  

Chọn tuyến đường hành quân tắt qua Chiến khu Đ để đảm bảo yếu tố bí mật, bất ngờ, Sư đoàn 320B lệnh cho các đơn vị: "Đúng ngày 21-4, toàn đơn vị phải có mặt ở Bến Bầu". Chặng đường luồn rừng chỉ dài 100km nhưng là một thử thách lớn vì mùa này cả cánh rừng khát nước. Mang vác nặng, hành quân xuyên đêm, mỗi ngày chỉ nấu được 1 bữa ăn vì thiếu nước… nhưng tất cả những bước chân đều dồn về phía trước để kịp ngày vào vị trí tập kết.

Ngày 26-4, tại Sở Chỉ huy, Tư lệnh Sư đoàn Lưu Bá Xảo chính thức giao nhiệm vụ cho các đơn vị và tổ chức hiệp đồng chiến đấu với quyết tâm giải phóng Sài Gòn trong thời gian ngắn nhất. Mục tiêu đánh chiếm cụ thể là Bộ Tổng tham mưu, tiểu khu Gia Định và khu Bộ tư lệnh các binh chủng của ngụy; Sư đoàn sẽ tiến công theo hướng thọc sâu vào Sài Gòn - Gia Định, tiến theo đường Bình Chuẩn, cắt ngang đường 8 xuống Lái Thiêu, vượt sông Sài Gòn… Ngay đêm đó, toàn bộ Sư đoàn vượt sang phía nam sông Bé, tiến vào vị trí xuất phát.

Người dân Sài Gòn đón chào Quân Giải phóng.

Ngày 27-4-1975, Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử bước sang ngày thứ 2; trong đêm, Tiểu đoàn 3 Trung đoàn 48 và Tiểu đoàn 5 Trung đoàn 27 thuộc Sư đoàn đã lên đường làm nhiệm vụ luồn sâu, lót sẵn vào các vị trí nằm sâu trong tuyến phòng thủ của địch. Theo phương án, Tiểu đoàn 5 sẽ vào Lái Thiêu phối hợp với mũi thọc sẵn bằng cơ giới của Trung đoàn tiến từ Tân Uyên vào, tiêu diệt tuyến "tử thủ" này, mở đường cho mũi chủ yếu của Sư đoàn phát triển vào phía trong.

Còn Tiểu đoàn 3 thì đánh chiếm cầu Bình Lợi, mở rộng bàn đạp, giữ vững cầu cho trung đoàn vượt sông Sài Gòn đánh Bộ Tổng tham mưu. Hai tiểu đoàn lặng lẽ hành quân trong đêm, mặc dù lúc này tiếng súng tiến công chưa nổ nhưng trận chiến đã thực sự bắt đầu…

Giải phóng Lái Thiêu

17h chiều ngày 28-4, trận đánh đầu tiên của Sư đoàn 320B trong chiến dịch Hồ Chí Minh bắt đầu. Các trận địa pháo của ta đồng loạt bắn vào trung tâm quận lỵ, đèn điện phụt tắt sau những loạt pháo đầu tiên, lửa khói bốc cao trên các trận địa. 17h30’, bộ binh nổ súng tiến công vào các chốt của địch.

Đại đội 3 có nhiệm vụ đánh vào các chốt phía bắc; Đại đội trưởng Mai Văn Dung lệnh cho các xạ thủ B40, B41 vượt lên tiêu diệt các ổ đề kháng… 21h, Tiểu đoàn 4 đã làm chủ hoàn toàn khu vực bắc chi khu Tân Uyên đến Bình Cơ. Cửa mở đã thông, đội hình cơ giới thọc sâu của sư đoàn ào qua đường 16 như một cơn lốc.

Tuyến "tử thủ" Lái Thiêu nằm trên đường 13, cách Sài Gòn 15km, chỉ trên diện tích chưa đầy 4km2, địch đã bố trí ở đây gần 2.000 binh lính trong trung tâm huấn luyện Huỳnh Văn Lương, 3 tiểu đoàn bảo an, 2 chi đoàn xe tăng, 1 tiểu đoàn pháo hỗn hợp… Có thể nói, những ngày cuối tháng Tư này ở Lái Thiêu, trên là trời dưới là lính. Lính từ Sài Gòn ra, từ Bình Dương, Phú Lợi đổ về… khiến không gian nơi đây đã chật chội lại càng thêm phần ngột ngạt.

Sau khi nghiên cứu tình hình, chỉ huy Trung đoàn 27 quyết định không đánh lần lượt từ ngoài vào trong mà tập hợp lực lượng, kết hợp luồn sâu, ém sẵn bằng cơ giới, tiến công Lái Thiêu từ 2 đầu. Tiểu đoàn 5 tiến công từ phía nam, đánh chiếm cầu Lái Thiêu, bao vây chia cắt và tiêu diệt Trung tâm huấn luyện Huỳnh Văn Lương. Tiểu đoàn 6 tiến đánh từ phía bắc làm tan rã lực lượng địch trên đường 13 đoạn từ Lái Thiêu đến cầu Vĩnh Bình, Bình Phước…

12h đêm, phương án tác chiến được phổ biến tới từng tổ chiến đấu. 3h sáng, các đơn vị báo cáo đã vào vị trí tập kết. Từ Sở Chỉ huy Trung đoàn 27, một phát pháo hiệu màu vàng vút lên, các trận địa pháo, cối nhất loạt nổ súng bắn sâu vào chi khu địch. Pháo cao xạ 37 ly, đại liên 12,7 ly hạ thấp nòng bắn chế áp các lô cốt vòng ngoài, chi viện cho bộ binh mở cửa.

4h15 ngày 30-4, trên hướng Tiểu đoàn 6, các chiến sĩ Đại đội 11 dùng bộc phá ống quét tung các lớp rào kẽm gai, mở cửa đánh vào chi khu. Địch hoàn toàn bị bất ngờ, không kịp nổ súng chống đỡ. Đại đội xe tăng 3 do Đại đội trưởng Hoàng Thọ Mạc chỉ huy tiến vào nhanh chóng bắn sập các lô cốt, trận địa của địch bị chia cắt thành từng mảng. Trên hướng tiến công của Tiểu đoàn 5, Tiểu đoàn trưởng Hoàng Đức Ký lệnh cho các mũi áp sát mục tiêu, bộ binh, xe tăng đánh theo đúng kế hoạch.

Chỉ vài phút sau, phía cổng trung tâm huấn luyện Huỳnh Văn Lương xuất hiện những lá cờ trắng. Bọn địch đi thành hàng, đi đầu là Chỉ huy trưởng trung tâm Nguyễn Văn Hinh. Gần 2.000 mảnh vải trắng nối nhau, kéo dài trông như dải băng tang lớn choàng qua cổng trại. Tại sở chỉ huy của địch, trung tá quận trưởng Nguyễn Thái Bình hoảng sợ rút xuống hầm cố thủ nhưng đã bị các chiến sĩ thuộc Tiểu đoàn 5 tóm gọn cùng toàn bộ sĩ quan.

Sau 2 giờ liên tục tiến công, Trung đoàn 27 đã hoàn toàn làm chủ Lái Thiêu, mở toang cánh cửa phía bắc Sài Gòn. Nhân dân nghe tin Lái Thiêu được giải phóng, từ khắp nơi ùa ra đường đổ về khu vực quận lỵ, nơi có lá cờ Giải phóng cắm trên tháp cao đang tung bay trong nắng sớm.

Tiến về Sài Gòn

Sau khi chiếm được Lái Thiêu, Sư đoàn 320B đưa Trung đoàn 48 thọc sâu phát triển theo đường 13 vào Sài Gòn. Con đường nhựa rộng 10 mét chạy thẳng vào thành phố trải ra trước mặt. Chỉ còn cách Sài Gòn 15km, các chiến sĩ phấn chấn nói như hét lên trong tiếng gió ù ù: "Đề nghị cho xe mở hết tốc lực". Đoàn xe tăng tốc độ, chạy như bay trên con đường tiến về Sài Gòn. Vào gần đến Sài Gòn, Trung đoàn 48 nhận được điện của Sư đoàn báo: "Cầu Bình Lợi vừa bị địch phá hủy"…

Tin này như gáo nước lạnh giội lên người Trung đoàn trưởng Đoàn Trưng. Mặc dù cũng đã tính đến phương án này nhưng cầu bị phá hủy giữa lúc trung đoàn chuẩn bị vượt qua những thước đất cuối cùng để tiến công mục tiêu chính đã khiến ông lo lắng. Và ông quyết định chuyển hướng tiến công đánh chiếm cầu Bình Triệu…

Sau khi phá hủy cầu Bình Lợi, địch tập trung lực lượng giữ cầu Bình Triệu, tạo nên một hàng rào trước cửa ngõ Sài Gòn. Trước tình hình đó, Tiểu đoàn 2 quyết định tập trung lực lượng xe tăng, thiết giáp, hỏa lực B40, B41 của bộ binh, tổ chức từng đợt xung phong đột kích thẳng vào đầu cầu. Mũi đột kích của Tiểu đoàn 2 vừa bắn vừa xông thẳng vào trận địa địch.

Các cỡ súng của địch cũng xối thẳng về phía quân giải phóng. Nhiều chiến sĩ đã ngã xuống nhưng những đợt xung phong phía sau lại ào lên khiến quân ngụy không dám rời công sự. Phát hiện chỗ yếu của địch, các chiến sĩ bộ binh bí mật luồn sâu vào gần trận địa, bắn cháy 2 chiếc M48 án ngữ ngay đầu cầu. Tiếng súng của địch lặng đi đột ngột, chớp thời cơ này, xe tăng và bộ binh ta vọt lên đánh chiếm cầu.

Điểm cố thủ cuối cùng của quân ngụy ở phía bắc Sài Gòn đã bị nhổ bật. Gần 150 xe M48, M41, M113 của địch được các chiến sĩ Trung đoàn 48 nhanh chóng dồn lại trên bãi cỏ gần cầu Bình Triệu. Sau đó, Trung đoàn dùng 16 xe tăng của địch, bắt chúng lái dẫn đường tiến vào đánh chiếm Bộ Tổng tham mưu.

Đánh chiếm Bộ Tổng tham mưu

Trên hướng bắc Sài Gòn, cả Sư đoàn Đồng Bằng ào ạt tiến quân. Trời Sài Gòn như vỡ ra bởi những tiếng nổ rung chuyển đất trời của đạn pháo các cỡ, tiếng động cơ, tiếng bánh xích xe tăng nghiến trên mặt đường. Bộ Tư lệnh chiến dịch chỉ thị cho cả 5 cánh quân tiến quân thần tốc vào Sài Gòn.

Sĩ quan Ngụy quyền tháo chạy khỏi Việt Nam.

8h sáng ngày 30-4, cả 2 mũi thọc sâu của Sư đoàn 320B đều đã vượt qua đoạn đường cuối cùng, tiến đánh mục tiêu. Trung đoàn 27 tiến công khu Bộ Tư lệnh Thiết giáp, Trung đoàn 48 tiến gấp về hướng Bộ Tổng tham mưu ngụy.

Bộ Tổng tham mưu ngụy nhìn bề ngoài như một căn cứ quân sự, bao quanh bởi lớp tường gạch cao quá đầu người, ngoài tường gạch là hàng rào dây thép gai, cách vài chục mét lại có lô cốt hoặc công sự chiến đấu. Nơi này có 5 cổng ra vào ăn thông với các trục đường chính, ở mỗi cổng đều có vài ba tổ canh gác, riêng cổng chính được tăng cường một đại đội quân cảnh, an ninh quân đội và lính đặc nhiệm. Ngoài ra còn có một lực lượng bảo vệ riêng gồm tiểu đoàn biệt kích dù, tiểu đoàn quân xa và 1 chi đoàn thiết giáp thường trực, có sân bay riêng và lực lượng tuần tra cơ động được trang bị vũ khí hiện đại sẵn sàng chống trả các cuộc tấn công.

Vào gần đến mục tiêu, Trung đoàn 48 dừng lại trên đường Võ Tánh để chỉnh trang đội hình. Từ đây, Đại đội 6 tách khỏi đội hình đi về phía bắc. Đến cổng số 3, Đại đội 6 gặp địch ngăn chặn,  súng máy, súng tiểu liên của chúng quét như "vãi đạn" từ các ô cửa xuống mặt đường. 5 chiến sĩ của ta bị thương nặng phải đưa về phía sau. "Phải chia cắt để tiêu diệt địch ta mới có thể vào sâu bên trong" - chính trị viên Trần Hạng trao đổi với Đại đội phó Nguyễn Đức Dương và lập tức Đại đội 6 tách thành 2 mũi. Chính trị viên Hạng chỉ huy mũi thứ nhất vượt qua làn đạn nhằm hướng Bộ Tổng tham mưu tiến vào. Mũi thứ 2 do Đại đội phó Dương chỉ huy sử dụng M48 bao vây địch ở khu tiếp liệu, tới tấp nã đạn về phía quân ngụy. Chỉ 10 phút sau, tiếng súng địch im bặt.

Ở cổng số 1, Đại đội 5 cùng Trung đội 2 Đại đội 7 dùng pháo cối chế áp cùng 2 chiếc K63, 4 chiếc M48 đột kích thẳng vào khu nhà 2 tầng. Nhưng bọn địch đã lập tức di chuyển về phía sân vận động và bắn như điên cuồng về phía quân giải phóng. Trận đánh tại cổng số 1 diễn ra gần 30 phút vẫn trong tình trạng giằng co giữa ta và địch. Tổ cắm cờ của Lại Đức Lưu phải vòng sang cổng số 2.

Tại cổng số 2, mũi tiến công của Đại đội 7 phát triển thuận lợi. Ngay đợt xung phong đầu tiên, quân giải phóng đã đánh bật bọn lính dù chốt ở cổng, hình thành nhiều mũi đánh sâu vào phía trong. Đại đội trưởng Nguyễn Như Minh chỉ huy một mũi tiến công đánh chiếm trận địa pháo 105 ly - hỏa lực mạnh nhất của địch ở cổng số 2.

Diệt xong trận địa pháo, ông lệnh cho bộ đội nhanh chóng vượt qua đường Nguyễn Văn Hoành đánh chiếm Phòng nhất, Phòng nhì và Tổng cục Tiếp vận. Cùng thời gian này, một mũi tiến công do Chính trị viên Mạnh chỉ huy và tổ cắm cờ của Lại Đức Lưu đánh chiếm Cục Huấn luyện quân vụ.

9h30 phút ngày 30-4, 3 mũi tiến công đã gặp nhau ở khu vực cột cờ trước sân trụ sở Bộ tổng Tham mưu. Lúc này binh lính địch quăng súng, lột áo chạy tháo thân, tiểu đoàn biệt kích dù, tiểu đoàn bảo vệ tổng hành dinh tan rã nhanh chóng… Vượt qua khu Trung tâm Hành quân, Lại Đức Lưu nhắc Hoàng Xuân Tiến và Nguyễn Văn Đông - 2 chiến sĩ trong tổ cắm cờ kiểm tra lại những  vật dụng cần thiết rồi xốc ba lô đựng lá cờ, quét 1 loạt đạn AK vào khu lô cốt dã chiến phía đầu nhà rồi tiến nhanh theo cầu thang lên nóc căn nhà đồ sộ.

Chỉ một lát sau, Lá cờ Giải phóng đã tung bay trên nóc nhà Bộ Tổng tham mưu ngụy trong tiếng reo hò của quân ta và nhân dân vùng phụ cận.

Ra đời ngày 16-1-1951, tại Nho Quan (Ninh Bình), Sư đoàn 320 với tên truyền thống là Đại đoàn Đồng Bằng đã tác chiến hầu hết các vùng lãnh thổ sông Hồng và giành nhiều chiến thắng. Ngày 23/8/1965, Sư đoàn 320 được tách làm 2 sư đoàn có phiên hiệu F320A và F320B. Trong chiến dịch Hồ Chí Minh, Sư đoàn 320B nằm trong đội hình của Quân đoàn 1, có nhiệm vụ đánh thọc sâu vào nội đô Sài Gòn, đánh chiếm Bộ tổng Tham mưu, tiểu khu Gia Định và khu Bộ tư lệnh các binh chủng của ngụy.

Khi chiến tranh ở biên giới Tây Nam nổ ra, Sư đoàn 320 tham gia bảo vệ biên giới và làm nghĩa vụ quốc tế trên đất bạn Cam-pu-chia. Từ năm 1988, Sư đoàn nằm trong đội hình của Quân đoàn 3, trở lại Tây Nguyên làm nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu.

Khôi Nguyên (theo Những trận đánh làm nên lịch sử - Nhà xuất bản QĐND)
.
.