Chuyện về người Việt làm thư ký cho Tổng Bí thư Lào Cay-xỏn Phôm-vi-hản

Thứ Năm, 11/06/2015, 20:45
Ông từng học Trường Võ bị Trần Quốc Tuấn rồi tham gia chiến đấu ở mặt trận miền Tây Thanh Hóa. Được biệt phái qua Lào hoạt động, ông cùng làm việc với người dẫn đường cho Hồ Chủ tịch hoạt động cách mạng ở Thái Lan và Lào, rồi làm thư ký cho Tổng bí thư Đảng Nhân dân cách mạng Lào Cay-xỏn Phôm-vi-hản, sau này làm Chủ tịch nước Lào. Ông còn là bạn chiến đấu với Xổm-xa-vạt Lênh-xa-vắt (Phó thủ tướng Lào hiện nay). Ông là Đào Văn Tiến.

Sau một thời gian theo học Trường Võ bị Trần Quốc Tuấn, các học sinh của trường này bước vào cuộc thi tốt nghiệp. Trong cuộc thi, chàng học viên trẻ Đào Văn Tiến suýt bị đánh rớt vì phương án trả lời nằm ngoài đáp án. Nhưng lúc đó Tướng Nguyễn Sơn xuất hiện và câu chuyện chuyển sang một bước ngoặt…

Theo Cách mạng từ thuở còn thơ

Ông Đào Văn Tiến sinh năm 1930, quê ở huyện Đô Lương, Nghệ An, hiện ông sống ở Hà Nội. Chúng tôi được luật sư Hoàng Xuân Sơn giới thiệu về ông Đào Văn Tiến (ông Tiến là chú vợ ông Sơn) mới biết ông vào TP HCM chơi với gia đình con trai nhân thể gặp lại bạn chiến đấu cũ là Phó thủ tướng Lào Xổm-xa-vạt.

Sau cuộc trò chuyện ở nhà ông Hoàng Xuân Sơn, ông hẹn chúng tôi đến nhà con trai ông trên đường Cách Mạng Tháng Tám, quận Tân Bình, để tiện trò chuyện. Đúng hẹn, một buổi chiều, chúng tôi đến nhà con trai ông. Bằng giọng nói điềm đạm, hiền lành đôi lúc xen vào nụ cười, ông dần kể cho chúng tôi nghe những dòng ký ức về những tháng ngày chiến đấu cùng các bạn Lào dù gian khổ nhưng đáng tự hào.

Ông Đào Văn Tiến cho hay cuộc gặp mặt giữa ông và ông Xổm-xa-vạt vừa là để ôn chuyện cũ vừa là để bàn về việc ông Tiến chấp bút viết cuốn hồi ký cho ông Xổm-xa-vạt. "Chúng tôi thỉnh thoảng cũng gặp nhau khi thì ông Xổm-xa-vạt qua Việt Nam ghé thăm gia đình tôi ở Hà Nội, khi thì ông ấy mời tôi qua Lào thăm gia đình ông ấy. Dù không thề thốt, nhưng qua bao gian khổ trong đấu tranh, chúng tôi xem nhau như anh em. Ông Xổm-xa-vạt rất ủng hộ tôi viết sách về văn hóa của nước Lào… Nhưng chuyện viết hồi ký thì sau này ông ấy mới đề nghị tôi viết cho ông. Chúng tôi gặp nhau nhiều lần để bàn thảo nhưng chưa xong" - ông Đào Văn Tiến cho biết.

Ông Đào Văn Tiến.

Sinh ra trong một gia đình khá giả, Đào Văn Tiến và anh trai là Đào Văn Vinh (ông Vinh là bố vợ ông Hoàng Xuân Sơn) được bố mẹ mời thầy về dạy ở nhà. Sau đó, họ theo học tiểu học ở Đô Lương, rồi ông Tiến đậu Sơ học yếu lược. Năm 1945, Nhật đảo chính Pháp, diệt đồn binh Pháp ở Đô Lương. Lúc này, cậu bé Tiến nghe thầy Nguyễn Trung Lục hoạt động trong phong trào Việt Minh ở Trường tư thục Chung Anh.

Thầy Lục là người khởi xướng phong trào truyền bá chữ quốc ngữ cho người dân trong vùng. Cùng một nhóm bạn, cậu bé Tiến tham gia phong trào này. Khi quân Nhật chiếm trường làm chỗ đóng quân, không có chỗ học, lúc đó thầy Lục cho biết ở các địa phương phong trào Việt Minh đang lên mạnh, thầy khuyên ai về quê người đó, tìm cách hoạt động trong phong trào Việt Minh.

Nghe lời thầy, cậu bé Tiến về quê. Lúc này, anh Đào Văn Vinh học ở Vinh cũng về quê và tham gia phong trào Thanh niên Phan Anh (tức luật sư Phan Anh, người Đức Thọ, Hà Tĩnh làm việc trong chính phủ Trần Trọng Kim) với vai trò là thủ lĩnh. Tiến giúp anh tham gia rải truyền đơn.

Tháng 6/1945, phong trào này tổ chức một tiểu đội thiếu niên có vũ trang có nhiệm vụ đưa thư, đưa tin cho Việt Minh. Lúc đi cướp chính quyền, họ là những người dẫn đường cho đoàn của xã Phương Nghi của huyện Đô Lương. Sau một đoàn tách ra đi cướp chính quyền ở phủ Anh Sơn.

Anh trai ông Tiến là Đào Văn Vinh tham gia lãnh đạo cướp chính quyền ở làng Lễ Nghĩa rồi được bầu làm Chủ tịch lâm thời của chính quyền cách mạng làng Lễ Nghĩa.

Những phong trào diệt giặc đói, giặc dốt, giặc xâm lăng được đẩy mạnh, Đào Văn Tiến tham gia dạy bình dân học vụ. Năm 1946, Đào Văn Vinh được cử đi học tình báo, rồi tham gia bộ đội, tháng 3-1946, Đào Văn Tiến (lúc đó 16 tuổi) vào Vệ quốc đoàn làm liên lạc.

Nhập học trường Võ bị

Tháng 7/1947, Đào Văn Tiến được nghỉ phép về quê. Lúc đó ở làng Lễ Nghĩa, Trường Võ bị Trần Quốc Tuấn khóa 2 đóng quân ở làng này. Lúc này Tướng Nguyễn Sơn đang làm hiệu trưởng của trường. Nhà bố mẹ ông có đại đội 3 của Vũ Kỳ Lân (cháu của Tướng Nguyễn Sơn) đóng quân. Nhận thấy tư chất của Đào Văn Tiến, ông Vũ Kỳ Lân đã nói với ông Nguyễn Sơn để cho Tiến đi học dự bị khóa 3 Trường Võ bị Trần Quốc Tuấn.

Cùng học với Tiến có người em họ con cô ruột. "Để theo học trường Võ bị, chúng tôi phải làm đơn xin học dự bị. Học sinh của lớp khóa 3 này toàn là học sinh học bậc Thành chung, tú tài… ra cả", ông Tiến kể.

Từng là học trò, gặp gỡ với Tướng Nguyễn Sơn, ông Đào Văn Tiến có nhiều ký ức thú vị về vị tướng lừng danh này.

Nguyễn Sơn tên thật là Vũ Nguyên Bác, sinh ngày 1/10/1908, mất ngày 21/10/1956 quê tại làng Kiêu Kỵ, huyện Gia Lâm, Hà Nội. Ông là con cụ Vũ Trường Xương, một nhà đại tư sản ở Hà Nội. Khi mới lên 5 tuổi ông đã bắt đầu học tiếng Pháp tại một trường dòng ở Hà Nội. 14 tuổi ông thi đậu vào Trường Sư phạm Hà Nội.

Ông Tiến và vợ thời trẻ.

Tướng Nguyễn Sơn rất hoạt bát, kiến thức rộng, khi giảng bài, ông thường vận Truyện Kiều, chẳng hạn như nói về chuyện Từ Hải. Khi làm Tư lệnh Liên khu 4 đóng quân ở Thanh Hóa, dân tản cư ở Hà Nội tản cư vào nhiều, Nguyễn Sơn thường tổ chức nói chuyện. Người dân kéo đến rất đông để nghe ông nói. Họ nói đùa là "đi nghe Nguyễn Sơn chửi", vì ông hay phê phán những người không rõ tư tưởng, tinh thần chống Pháp yếu. Bị phê nhưng họ rất thích nghe ông Nguyễn Sơn nói chuyện.

Khi làm Tư lệnh Quân chính Liên khu 4, Nguyễn Sơn được phong Thiếu tướng nhưng ông không nhận. Cũng chính trong giai đoạn này, người ta mới thấy được tài năng về văn hóa quân sự của Tướng Nguyễn Sơn. Nguyễn Sơn đã cho phục hồi lại tuồng, chèo, dân ca và đưa trò Xuân Phả (một trò múa, hát dân gian cổ của huyện Xuân Phả, Thanh Hóa thấm đượm tinh thần tự chủ, lòng kiêu hãnh của người dân đất Việt) lên diễn.

Cũng năm 1947, Pháp chuẩn bị tấn công Bắc Kạn, Tướng Nguyễn Sơn được cử làm Tư lệnh Quân chính Liên khu 4, Trường Võ bị Trần Quốc Tuấn đổi tên thành Trường Quân chính Liên khu 4, do Nguyễn Sơn làm hiệu trưởng. Các học viên của trường được lệnh phải tốt nghiệp trước thời hạn để nhận lệnh chiến đấu. Toàn trường được lệnh vào quân trường của Quân chính Liên khu 4 đóng quân ở đồn Rạng (thuộc huyện Thanh Chương, Nghệ An).

Lúc hành quân, mỗi học viên được phát một thanh đại đao (giống mã tấu), 2 quả lựu đạn điếc, một cái bảng, một cái ghế xếp và một chiếc chiếu. Quần áo thì ai có gì mặc đó. Sau 2 tháng, họ ra đến xã Cổ Định, huyện  Nông Cống, Thanh Hóa, gần núi Nưa (là nơi Bà Triệu khởi binh đánh quân Ngô - NV).

Các nhà sư đi khất thực, một hình ảnh quen thuộc ở nước Lào, đạo Phật ăn sâu vào tâm hồn, tính cách người Lào. Ảnh tư liệu.

Ở Trường Quân chính lúc này có 3 giáo sư người Nhật Bản (2 người mang cấp hàm đại tá, 1 người là đại úy) tham gia giảng dạy. Họ dạy bắn súng, đánh kiếm cho học viên. Sau 4 tháng học, trường mở phong trào luyện quân lập công lần đầu tiên.

Tướng Nguyễn Sơn mở đại hội tập hợp, tập trung đại diện của 4 trung đoàn lúc đó là Trung đoàn 95 ở Quảng Trị, Trung đoàn Phan Đình Phùng, Trung đoàn Đội Cung ở Nghệ An và Trung đoàn Đinh Công Tráng ở Thanh Hóa cùng lực lượng của trường Quân chính. Lúc đó cũng có một trung đội do Việt kiều của ta ở Thái Lan đưa quân về, họ mang theo vũ khí tối tân của thời đó về theo.

Đến ngày thi tốt nghiệp, Đào Văn Tiến bắt được câu hỏi tình huống giả định là: "Đơn vị anh đang chuẩn bị tấn công đồn, anh ở cương vị là trung đội trưởng. Trước khi tấn công thì anh bị thương, anh sẽ làm gì?".

"Trong giáo trình của trường dạy thì nếu bị thương thì giao cho trung đội phó chỉ huy tấn công. Nhưng lúc đó, tôi suy nghĩ  tình huống là tôi bị thương nhưng vẫn chỉ huy được. Tôi cho anh em ném lựu đạn và tấn công. Lúc đó thì nghe tiếng còi ra hiệu tôi dừng lại, tôi nghĩ có lẽ mình bị rớt.

Lúc đó, hội đồng chấm thi cho tôi trả lời sai. Đang ồn ào thì Tướng Nguyễn Sơn xuất hiện. Ông chấm cho tôi đậu và nói thêm là do hội đồng đưa ra tình huống giả định chưa chính xác nên việc tôi trả lời như thế là không sai mà còn có tinh thần chiến đấu cao" - ông Tiến kể lại. Năm đó, Đào Văn Tiến mới 17 tuổi. Sau đó, Đào Văn Tiến được giao chức vụ trung đội phó, bổ sung vào Mặt trận miền Tây Thanh Hóa.

Làm con nuôi của phìa

Mặt trận miền Tây Thanh Hóa là vùng của đồng bào dân tộc thiểu số như người Thái, người Mường, người Mông, người Mán sinh sống. Đến vùng đất này, Đào Văn Tiến rất bỡ ngỡ vì không biết tiếng của đồng bào, không am hiểu vùng đất, phong tục của họ.

Lúc đó ở đây có 3 đồn của địch đóng giữ là đồn Vạm Mai ở thượng nguồn sông Mã, đồn Poọng Nưa ở biên giới thượng Lào, đồn Mường Xia ở thượng nguồn sông Luồng (một chi lưu của sông Mã). Ông Tiến đưa đơn vị lên đóng ở xã Hồi Xuân, huyện Quan Hóa, Thanh Hóa. Với cương vị là Chính trị viên, kiêm Trung đội phó, Đào Văn Tiến cho anh em và cả bản thân thâm nhập vào đồng bào, sống trong nhà dân để học tiếng của họ. Ông Tiến may mắn được ở trong nhà ông chủ tịch xã Nam Động rất giỏi tiếng Kinh.

Ông chủ tịch xã này trước làm phìa (một chức quan nhỏ chỉ huy 4-5 bản của người Thái) nên rất có uy tín với dân bản. Ông phìa này rất quý ông Tiến, nhà ông có một người con út kém ông Tiến vài tuổi cũng rất thích ông Tiến. Thế là ông Tiến được phìa nhận làm con nuôi, đỡ đầu cho.

Ngày nhận ông Tiến làm con nuôi, ông phìa làm thịt hai con bò, mấy con lợn, mời dân bản đến ăn uống hai ngày. Người con trai của ông dạy tiếng Thái cho ông Tiến. Nhờ đó, ông có thuận lợi đặc biệt trong khi hoạt động. Từ đó, ông Tiến phát triển hoạt động của đơn vị ra hai xã là xã Thiên Phụ và Hiền Kiệt nằm trong đồn Poọng Nưa. Năm sau, ông vạch kế hoạch cùng đơn vị tấn công địch, tiêu diệt đồn Poọng Nưa.

(Còn nữa)

Phạm Huy Văn
.
.