Đại dịch Antonine - Khởi đầu cho sự kết thúc của Đế chế La Mã

Thứ Hai, 04/05/2020, 09:17
Khoảng năm 166 sau Công nguyên, Đế chế La Mã đang ở đỉnh cao quyền lực. Các đội quân La Mã càn quét khắp nơi, dưới sự chỉ huy của Hoàng đế Lucius Verrus, đã trở về Rome sau khi đánh bại kẻ thù Parthia ở biên giới phía Đông của Đế chế La Mã.

Trên đường hành quân về Rome, họ mang theo bên mình chiến lợi phẩm từ những ngôi đền tại Parthia và cả một dịch bệnh khủng khiếp. Căn bệnh đã tàn phá Đế chế La Mã trong suốt hai thập niên tiếp theo đó, trở thành một sự kiện làm thay đổi hoàn toàn cục diện thế giới.

Đại dịch bí ẩn

Dịch bệnh bí ẩn đã xuất hiện và gần như đã đẩy La Mã cổ đại tới "địa ngục". Đế chế hùng mạnh nhất thời bấy giờ gần như đã bất lực trước kẻ sát nhân vô hình này.

Trong một cuộc vây hãm tại thành phố Seleucia, thuộc Iraq ngày nay, quân đội La Mã nhận thấy một dịch bệnh đang lây lan trong cư dân địa phương và cả binh lính của mình. Những người này đã mang dịch bệnh tới Gaul và nhiều khu vực khác dọc sông Rhine, từ đó khiến căn bệnh lạ lây lan ra toàn vương quốc.

Các nhà dịch tễ học hiện đại chưa thể xác định rõ nguồn gốc của dịch bệnh này, song người ta cho rằng nhiều khả năng nó bắt nguồn từ Trung Quốc, và sau đó được quân đội La Mã "mang theo" khắp khu vực Á-Âu.

Bức tranh khắc của danh họa người Pháp, Jules-Elie Delaunay, mô tả cảnh thiên thần báo chết bay trước cửa nhà người dân trong đại dịch Antonine.

Một trong số các truyền thuyết cho rằng Lucius Verus, một vị tướng La Mã, và sau là người cùng cai trị với Marcus Aurelius đã mở nắp một quan tài khi ông chỉ huy chiến dịch tại Seleucia, vô tình "giải phóng" loại dịch bệnh đáng sợ này. Người ta nói rằng những người La Mã bị Chúa trời trừng phạt vì vi phạm lời thề không cướp phá thành phố Seleucia.

Galen, một bác sỹ, một nhà vật lý học khá nổi tiếng tại Đế chế La Mã thời bấy giờ đã có mặt ở Rome khi dịch bệnh bùng phát. Sự tò mò về căn bệnh mới không thể ngăn ông cảm thấy cần phải tự bảo vệ mình trước nguy cơ lây nhiễm. Galen trở về thành phố quê nhà Pergamon song khi dịch bệnh càn quét nghiêm trọng hơn, Hoàng đế đã nhanh chóng triệu ông về Rome vào năm 168.

Galen sau đó đã viết một chuyên đề có tên Methodus Medendi, trong đó mô tả quy mô đại dịch Antonine là rất lớn, kéo dài và cực kỳ khủng khiếp. Theo những gì mà Galen để lại, ông quan sát thấy các nạn nhân có các triệu chứng như sốt, tiêu chảy, đau họng và xuất hiện các mảng mụn mủ trên da. Tỷ lệ tử vong của căn bệnh này là khoảng 25%, và những người sống sót có khả năng miễn dịch với bệnh. Một số người khác chết trong vòng 2 tuần kể từ khi xuất hiện những triệu chứng đầu tiên. Một số tài liệu ghi chép rằng các bệnh nhân thường gặp phải các triệu chứng như sốt cao, nôn mửa, khan cổ, ho và đau rát cổ họng. Một số người bị nổi mẩn đỏ, hoặc xuất hiện các đốm đen trên da, hơi thở có mùi và tiêu chảy. Khoảng 10% dân số La Mã đã nhiễm phải căn bệnh này.

Cũng có không ít tài liệu miêu tả bệnh nhân nhiễm bệnh có dấu hiệu như bị đậu mùa hoặc sởi, "ngoài những chỗ lở loét là các đốm màu thô ráp, bong tróc". Theo các nhà dịch tễ học hiện đại, căn cứ vào các mô tả này, rất có thể dịch Antonine là một dạng bệnh đậu mùa. Đến cuối đại dịch vào khoảng năm 180, gần 1/3 dân số La Mã, tương đương 5 triệu người, đã bị xóa sổ.

Sự suy tàn của Đế chế La Mã…

La Mã đã bị tê liệt bởi đại dịch Antonine đến nỗi nhiều học giả tin rằng nó đã đẩy nhanh sự sụp đổ của đế chế này.

Có những ghi chép rất kinh hoàng về dịch bệnh khi đó, "các thi thể do không có người mai táng ở trên đường nứt ra thối rữa, phần bụng trương lên, từ trong cái miệng há to ào ào phun ra từng trận từng trận nước mủ, con mắt toàn màu đỏ, tay giơ hướng lên cao. Thi thể chồng chất thi thể, ở trong ngõ hẻm, trên đường phố, hành lang của đình viện cho đến trong giáo đường đều thối rữa. Trong lớp sương mù trên biển, có con thuyền chỉ vì thuyền viên phạm tội ác, bị thần linh phẫn nộ trừng phạt mà trở thành phần mộ trôi nổi trên sóng biển. Bốn bề trắng xóa đầy những ngũ cốc đã chín, nhưng chẳng có ai thu hoạch cất trữ, gia súc mau chóng trở thành động vật hoang dã. Cừu, dê, bò và lợn, những súc vật này hầu như đã quên mất thanh âm của người chăn thả chúng….".

Bức tranh miêu tả các đường phố Rome khi dịch bệnh tràn qua.

Dịch bệnh đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới quân đội Rome, ở thời điểm đó ước tính gồm khoảng 150.000 người. Những người lính đã lây bệnh từ đồng đội trở về từ phương Đông và cái chết hàng loạt của họ gây ra sự thiếu hụt lớn về quân số. 

Trước thực tế này, Hoàng đế La Mã đành tuyển mộ bất cứ ai đủ sức khỏe để chiến đấu, nhưng ông không còn nhiều lựa chọn vì quá nhiều người đã chết vì dịch bệnh. Những nô lệ được tự do, các đấu sĩ và cả những kẻ tội phạm gia nhập quân đội. Đội quân không được huấn luyện này sau đó đã thất bại trước các tộc người German, những người lần đầu tiên vượt sông Rhines sau hơn 2 thế kỷ.

Trong số hàng triệu người mắc bệnh có cả Hoàng đế Lucius Verus, người đồng trị vì La Mã bên cạnh Hoàng đế Antoninus vào năm 169. Một số nhà dịch tễ học hiện đại cũng suy đoán rằng chính Hoàng đế Marcus Aurelius Antoninus đã chết vì căn bệnh này vào năm 180.

Nền kinh tế rơi vào khủng hoảng trong khi những thế lực bên ngoài nhòm ngó, Đế chế La Mã gần như không còn đủ sức tồn tại. Đại dịch Antonine đã khiến lực lượng lao động bị thiếu hụt nghiêm trọng, đẩy nền kinh tế tới chỗ trì trệ. Thương mại gián đoạn đồng nghĩa với nguồn thuế thu được để làm giàu cho đế chế bị thiệt hại nặng nề.    

Ảnh hưởng đối với dân số rõ ràng là không kém phần nghiêm trọng. Trong lá thư gửi Athens năm 175, Hoàng đế Marcus Aurelius đã nới lỏng các yêu cầu về tư cách thành viên của Areopagus (hội đồng cầm quyền của Athens), vì hiện tại có quá ít người Athen thuộc tầng lớp thượng lưu còn sống đáp ứng các yêu cầu mà ông đã đưa ra trước khi dịch bùng phát.

Tài liệu thuế của Ai Cập từ Oxyrhynchus và Fayum cho thấy quy mô dân số tại các thành phố Ai Cập cũng đã giảm mạnh. Những tài liệu đề tên tác giả Dio Cassius ghi nhận khoảng 2.000 người thiệt mạng mỗi ngày tại Rome. Người ta ước tính tỷ lệ tử vong trong giai đoạn 23 năm của dịch bệnh lây lan là khoảng từ 7-10% dân số, còn tại những thành phố đông dân hơn, tỷ lệ này có thể lên tới 13-15%.

Bên cạnh những hậu quả nghiêm trọng về sức khỏe con người, sự bất ổn của quân đội và nền kinh tế La Mã, tác động tâm lý dịch bệnh đối với các cộng đồng cũng là điều không thể không nhắc đến. Không khó để tưởng tượng ra cảm giác sợ hãi và bất lực của người La Mã cổ đại khi họ phải đối mặt với một căn bệnh kỳ lạ, tàn nhẫn và để lại những hậu quả tang thương đến như vậy.

Trớ trêu thay, chính sự phát triển bùng nổ của Đế chế La Mã với những trung tâm thương mại lớn đã khiến dịch bệnh càng lây lan mạnh mẽ. Những thành phố đông đúc với những kết nối chặt chẽ từng được ca ngợi là đỉnh cao của văn hóa nhanh chóng trở thành các "tâm dịch". Đại dịch Antonine có thể xem là khởi đầu cho sự suy thoái của đế chế lớn nhất mà thế giới từng chứng kiến.

… và sự trỗi dậy của Cơ đốc giáo

Xã hội La Mã đã có những thay đổi không thể phủ nhận sau đại dịch Antonine, đặc biệt là trên khía cạnh thực hành tôn giáo. Trong khi các dự án kiến trúc dân sự bị đình trệ, người ta lại dồn lực cho việc xây dựng các địa điểm linh thiêng và trang trọng hóa các nghi lễ.

Galen, vị bác sĩ La Mã cổ đại đã có những ghi chép về dịch Antonine.

Hoàng đế Marcus Aurelius được cho là đã đầu tư rất nhiều vào việc khôi phục các đền thờ và đền thờ của các vị thần La Mã, và nhiều người cho rằng điều này rất có thể bắt nguồn từ dịch bệnh. Con người, dù ở thời cổ đại và hiện đại, đều có xu hướng nghĩ về các đức tin và các thế lực siêu nhiên khi họ tuyệt vọng, và đặc biệt là khi phải đối mặt với cái chết. Với người La Mã cổ đại, trước một dịch bệnh không thể giải thích và không thể ngăn chặn, họ đã tìm đến các vị thần.

Tuy nhiên, khi dịch Antonine bùng phát, Hoàng đế La Mã đã đổ lỗi cho người Cơ đốc giáo, chỉ trích họ vì không ca ngợi các vị thần, khiến các vị thần nổi giận và trừng phạt bằng dịch bệnh. Dù vậy, chính những người Cơ đốc giáo mới là những người lôi kéo được sự ủng hộ mạnh mẽ nhất trong giai đoạn này.

Những người La Mã cổ đại vốn tín ngưỡng đa thần đã sớm nhận ra rằng cho dù họ có thành kính cầu nguyện những thần mà họ sùng bái thế nào đi nữa, thì cũng đều vô dụng. Họ kéo những người thân bị bệnh ra ngoài cửa hoặc vứt ra ngoài đường, lo sợ bản thân bị nhiễm bệnh. 

Trong khi đó, những tín đồ Cơ Đốc giáo vốn bị giới cầm quyền La Mã đàn áp lại sẵn sàng tiếp nhận các bệnh nhân kiệt quệ hoặc bị bỏ rơi, truyền bá phúc âm và cầu nguyện cho họ, hoặc giúp đỡ mai táng, thực hiện một nghi thức nhập táng đủ để an ủi những người chết.

Tàn tích của đế quốc La Mã.

Cơ Đốc giáo từ đó bắt đầu trỗi dậy, trở thành đức tin lớn nhất và duy nhất của Đế chế hậu đại dịch. Những tín đồ Cơ Đốc tin rằng hành động thiện nguyện của họ có thể phá tan lời dối trá của Đế chế La Mã về đức tin của họ và kinh phúc âm mà họ truyền bá có thể cứu vớt những linh hồn của những người bị hại.

Không ít người La Mã đã cảm động trước sự thiện chí của các tín đồ Cơ Đốc giáo, và cũng bởi thực tế đáng ngạc nhiên khi đó là dường như số lượng người Cơ Đốc giáo chết vì dịch Antonine không lớn như những người La Mã cổ đại. Kể từ thời điểm đó, một lượng lớn người La Mã cổ đại bắt đầu cải đạo theo Cơ Đốc giáo.

Cùng với dịch hạch (540-542), cúm Tây Ban Nha (1918-1920), Cái chết Đen (1347 - 1353), và HIV/AIDS (đỉnh điểm giai đoạn 2005-2012), đại dịch Antonine đầy bí ẩn tại Đế chế La Mã cho đến nay vẫn là những dịch bệnh kinh hoàng và có số người thiệt mạng cao nhất thế giới hiện đại.

Thái Hân (tổng hợp)
.
.