Kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930 - 3/2/2010):

"Đảng ta không phải từ trên trời sa xuống..."

Thứ Sáu, 05/02/2010, 12:35

Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, chúng tôi xin trích trong tác phẩm "Sửa đổi lối làm việc" mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết xong vào tháng 10/1947.

Thời gian đã lùi xa, nhiệm vụ cách mạng cúa Đảng, của dân tộc đã thay đổi…nhưng những điều Chủ Tịch Hồ Chí Minh nói về công tác xây dựng Đảng từ năm 1947 trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” thì vẫn nguyên giá trị. Bây giờ, đọc “Sửa đổi lối làm việc” mà Người đã viết trong giai đoạn cuối kháng chiến chống thực dân Pháp đang cực kỳ gay go, quyết liệt và đối chiếu với những vấn đề trong công tác xây dựng Đảng của ngày hôm nay, thì càng thấy Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhìn thấy tất cả những "căn bệnh" mà một bộ phận đảng viên đang mắc phải, và Người cũng đã "kê đơn" chữa trị những "căn bệnh" này.

Sau khi thẳng thắn nêu ra những khuyết điểm mà không ít đảng viên mắc phải như bệnh tham lam, bệnh lười biếng, bệnh kiêu ngạo, bệnh thiếu kỷ luật, óc hẹp hòi, óc địa phương, óc lãnh tụ, bệnh "hữu danh vô thực", bệnh cá nhân, bệnh tị nạnh, bệnh xu nịnh a dua, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết:

Những khuyết điểm sai lầm vì sao mà có và tự đâu mà đến?

Khuyết điểm đâu mà nhiều thế?

Đảng ta là một đảng rất to lớn, bao gồm đủ các tầng lớp trong xã hội. Vì vậy có nhiều tính cách rất trung thành, rất kiên quyết, rất vĩ đại. Song, cũng không tránh khỏi những tập tục, những tính nết, những khuyết điểm của xã hội bên ngoài, nó lây, ngấm vào trong Đảng.

Nhưng không vì thế mà kinh sợ. Ta đã thấy rõ những bệnh ấy thì ta tìm được cách chữa.

Mỗi đảng viên, mỗi cán bộ, cần phải thật thà tự xét và xét đồng chí mình, ai có khuyết điểm nào, thì phải thật thà cố gắng tự sửa chữa và giúp sửa chữa lẫn nhau. Thang thuốc hay nhất là thiết thực phê bình và tự phê bình.

Đá đi lâu cũng mòn. Sắt mài lâu cũng sắc. Ta cố gắng sửa chữa thì khuyết điểm ngày càng bớt, ưu điểm ngày càng thêm. Đảng viên và cán bộ ngày càng trở nên người chân chính cách mạng. Đảng ngày càng phát triển.

Mong ai nấy đều phải thiết thực sửa đổi.

Đảng ta là một tổ chức rất tiến bộ, đã có những thành tích rất vẻ vang.

Trong Đảng ta, gồm có những người có tài, có đức. Phần đông những người hăng hái nhất, thông minh nhất, yêu nước nhất, kiên quyết, dũng cảm nhất đều ở trong Đảng ta. Chúng ta chắc chắn đi đến thắng lợi và thành công.

Tuy vậy, không phải là người người đều tốt, việc việc đều hay. Trong Đảng ta chưa hoàn toàn tránh khỏi một vài kẻ vu vơ, những việc không chính đáng, như vừa kể trên.

Hồ Chủ Tịch trong phòng làm việc của Người ở căn cứ Việt Bắc.

Cũng như một nhà có rể khờ, dâu dại, không thể cấm họ gặp gỡ bà con. Đảng ta dù muốn giấu những người và những việc không tốt kia, cũng không thể giấu. Quần chúng luôn luôn liên lạc với Đảng ta. Những người hăng hái đồng tình với Đảng ta, hoặc tham gia Đảng ta. Họ chẳng những trông thấy những người tốt, việc tốt, mà họ cũng trông thấy những người xấu, việc xấu trong Đảng. Họ sẽ ngơ ngác mà hỏi "Đảng này là Đảng tốt, đảng viên đều là người tốt, vì sao lại có những người vu vơ, những việc mờ tối như thế nhỉ?".

Câu hỏi đó làm cho chúng ta càng thêm chú ý, làm cho đảng viên và cán bộ phải cẩn thận giữ mình, và cẩn thận săn sóc, dắt dìu những người cảm tình, những đảng viên mới, chớ để họ bị ảnh hưởng xấu. Đồng thời, chúng ta phải trả lời cho câu hỏi đó cho đúng. Nếu không thì người ta sẽ thất vọng và bi quan.

Trả lời thế nào?

Rất là giản đơn, dễ hiểu:

Đảng ta không phải trên trời sa xuống. Nó ở trong xã hội mà ra. Vì vậy, tuy nói chung, thì đảng viên phần nhiều là những phần tử tốt, nhưng vẫn có một số chưa bỏ hết những thói xấu tự tư tự lợi, kiêu ngạo, xa hoa, v.v... Những thói xấu đó có đã lâu, nhất là trong 80 năm nô lệ. Những thói xấu đó, họ mang từ xã hội vào Đảng.

Cũng như những người hàng ngày lội bùn, mà trên mình họ có hơi bùn, có vết bùn. Như thế thì có gì là kỳ quái? Vì lội bùn thì nhất định có hơi bùn. Cần phải tắm rửa lâu mới sạch. Trái lại, nếu lội bùn mà không có hơi bùn, mới thật là kỳ quái. Nếu trong Đảng ta, một đảng mới từ trong xã hội cũ bước ra, nếu nó hoàn toàn không có những người xấu, việc xấu như thế mới là kỳ quái chứ! Cố nhiên nói thế không phải là để tự bào chữa.

Đảng một mặt phải làm công việc giải phóng dân tộc, một mặt phải giáo dục đảng viên và cán bộ, kiên quyết cảm hóa những phần tử xấu, sửa chữa những thói xấu còn lại. Phải cố sửa chữa cho tiệt nọc các chứng bệnh, khiến cho Đảng càng mạnh khỏe, bình an.

Cách đối với các khuyết điểm:

Vì Đảng rất to, người rất đông; mỗi hạng người lại có thói quen, tính nết, trình độ, tư tưởng, nhận xét khác nhau. Nhất là khi phong trào cách mạng càng sôi nổi, hoàn cảnh càng khó khăn, thì sự khác nhau đó càng rõ rệt, càng trở nên gay go.

Nên giải quyết những mối mâu thuẫn đó thế nào?

Có người thì cho rằng: trong Đảng việc gì cũng tốt, không có khuyết điểm gì đáng lo. Có người lại cho rằng: trong Đảng cái gì cũng kém, đầy những khuyết điểm, vì vậy mà họ bi quan, thất vọng. Hai cách nhận xét đó đều không đúng.

Sự thật là: Đảng ta rất tiền tiến, rất vẻ vang. Nhưng nội bộ vẫn còn những sự sai lầm và khuyết điểm. Đồng thời, chúng ta thấy cái nguồn gốc của những sai lầm khuyết điểm đó, và chắc tìm được cách sửa chữa. Chúng ta quyết tâm công tác thêm, để làm cho Đảng tiến bộ thêm mãi.

Thái độ mỗi người đối với những khuyết điểm của Đảng ta cũng khác nhau.

Bọn phản động thì lợi dụng những khuyết điểm đó và tô vẽ thêm để phá hoại Đảng ta.

Lợi dụng những sai lầm và khuyết điểm đó, để đạt mục đích tự tư tự lợi của họ. Đó là thái độ của đảng viên và cán bộ đầu cơ.

Bọn thứ ba thì sao cũng mặc kệ, sao xong chuyện thì thôi. Không phê bình, không tự phê bình. Đó là thái độ của những đảng viên và cán bộ ươn hèn yếu ớt.

Bọn thứ tư thì đối với những người có khuyết điểm và sai lầm đó, như đối với hổ mang, thuồng luồng. Họ đòi phải đuổi bọn kia ra khỏi Đảng ngay. Nếu Đảng không làm như thế thì họ cho rằng: Thôi, hỏng hết rồi! Do đó, họ đâm ra chán nản, thất vọng. Hoặc họ không làm gì nữa hết. Thậm chí họ bỏ Đảng. Đó là thái độ những người máy móc quá. Đó cũng là bệnh "chủ quan".

Thái độ thứ năm, là thái độ đúng. Tức là:

a) Phân tách rõ ràng, cái gì đúng, cái gì là sai.

b) Không chịu nổi ảnh hưởng của những chủ trương sai lầm, những phần tử không tốt. Ra sức học tập và nâng cao những kiểu mẫu tốt.

c) Không để mặc kệ. Mà ra sức tranh đấu sửa chữa những khuyết điểm, không để nó phát triển ra, không để nó có hại cho Đảng.

d) Không làm cách máy móc. Nhưng khéo dùng cách phê bình và tự phê bình để giúp đồng chí khác sửa đổi những sai lầm và khuyết điểm, giúp họ tiến bộ.

đ) Đoàn kết Đảng bằng sự tranh đấu nội bộ. Nâng cao kỷ luật và uy tín của Đảng.

Bọn phản động và bọn đầu cơ là địch nhân lọt vào trong Đảng để phá hoại. Vì vậy chúng ta phải ra sức đề phòng. Mỗi khi trong Đảng có khuyết điểm thì chúng ta phải tìm cách chớ để cho ai lợi dụng. Đó là phận sự của mỗi một đảng viên chân chính.

Thái độ thứ ba, ai mặc kệ ai, cố nhiên cũng không đúng. Tuy vậy, trong Đảng, còn có nhiều người giữ thái độ đó, nhất là khi cấp dưới đối với cấp trên. Thái độ đó thường sinh ra thói "không nói trước mặt, hục hặc sau lưng". Nó gây nên sự uất ức và không đoàn kết trong Đảng. Nó để cho bọn vu vơ có thể chui vào hoạt động trong Đảng. Nó để cho khuyết điểm ngày càng chồng chất lại và phát triển ra.

Nếu theo thái độ thứ tư thì Đảng chỉ còn một nhóm cỏn con, vì số đông sẽ bị khai trừ hết. Mà chính những người có thái độ đó cũng bị khai trừ, vì họ đã phạm cái khuyết điểm hẹp hòi.

Kết luận - Trong công tác, trong tranh đấu, trong huấn luyện, các đảng viên, các cán bộ, cần phải luôn luôn tự hỏi mình, tự kiểm điểm mình và đồng chí mình. Luôn luôn dùng và khéo dùng cách phê bình và tự phê bình, thì khuyết điểm nhất định hết dần, ưu điểm nhất định thêm lên và Đảng ta nhất định thắng lợi

* Trích "Sửa đổi lối làm việc" trong "Hồ Chí Minh toàn tập" tập 5, 1947-1949-NXB Chính trị Quốc gia - 1995, (T261 đến T265)
BBT ANTG
.
.