Những kỷ vật kháng chiến của lực lượng Công an:

Đánh thức quá khứ hào sảng và thiêng liêng

Thứ Tư, 13/07/2016, 11:25
Thấm thoắt, cuộc vận động “Sưu tầm và tuyên truyền kỷ vật CAND” do Bộ Công an phát động đã được ba năm. Ba năm qua, có hàng ngàn kỷ vật đã được đánh thức sau gần nửa thế kỷ ngủ yên kể từ ngày chiến tranh kết thúc, để rồi cất lên tiếng nói sống động về một chặng đường đấu tranh vô cùng gian khổ nhưng hết sức vinh quang của cả dân tộc.

Những kỷ vật bình thường ngày ấy đã trở thành vô giá khi mang trong mình một phần lịch sử đất nước, lịch sử của lực lượng Công an, là minh chứng cho sự đóng góp và hy sinh thầm lặng, cao cả của biết bao chiến sĩ Công an trong cuộc chiến vì độc lập, tự do cho đất nước.

Những kỷ vật xưa đưa ta ngược dòng thời gian, về với ký ức của một thời khói lửa, để niềm tự hào dâng trào khi bất chợt đối diện với quá khứ. Những kỷ vật bình dị mà như có phép màu, đưa ta ngược dòng thời gian, ngược rừng Trường Sơn, ngược con đường mòn Hồ Chí Minh lịch sử, để chứng kiến bao sự hy sinh, bao chiến công của những người con ưu tú đầy quả cảm, đã hiến dâng cả tuổi xuân, thậm chí cả cuộc đời cho đài hoa chiến thắng hôm nay của dân tộc.

Trung tướng Nguyễn Xuân Mười, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Chính trị CAND tiếp nhận kỷ vật hiến tặng.

Một trong những kỷ vật không chỉ in màu thời gian mà còn mang đậm dấu ấn của một thời khói lửa trong cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc là khẩu súng ngắn của Đại tá Trần Phi Hùng (nguyên Phó Cục trưởng Cục Hồ sơ an ninh, Bộ Công an, quê ở ấp Mỹ Hòa, xã Hiệp Hưng, huyện Phụng Hiệp, Hậu Giang), người từng trực tiếp bảo vệ nhiều đồng chí lãnh đạo cao cấp của lực lượng Công an, góp phần không nhỏ cho ngày toàn thắng của dân tộc.

Những dấu vết trên kỷ vật đặc biệt này như tái hiện được một phần về sự khốc liệt của chiến tranh, của những ngày các đồng chí lãnh đạo nằm hầm bí mật, những đêm xuyên rừng, vượt sông, đi sâu vào lòng địch bất chấp hiểm nguy, để chỉ đạo đấu tranh với kẻ thù.

Không thể không nhắc đến người đã sở hữu và gìn giữ kỷ vật này - một trong những người con tiêu biểu của mảnh đất Nam Bộ, người mà mới 11 tuổi đã làm liên lạc cho Khu ủy Tây Nam bộ và đơn vị bảo vệ Khu ủy Khu 9 và 14 tuổi đã là Tổ trưởng An ninh vũ trang. 17 tuổi, công tác tại Đội cận vệ thuộc đơn vị An ninh vũ trang bảo vệ lãnh đạo Trung ương Cục.

Chính tinh thần “thép”, sự thông minh, nhanh nhạy và tuyệt đối trung thành đã khiến ông Trần Phi Hùng vinh dự được giao bảo vệ các đồng chí Phạm Hùng, Bí thư Trung ương Cục; đồng chí Phan Văn Đáng, Phó Bí thư Trung ương Cục; đồng chí Nguyễn Văn Linh, Phó Bí thư kiêm phụ trách Ban Tuyên huấn Trung ương Cục; đồng chí Phạm Thái Bường, Thường vụ Thường trực kiêm Trưởng Ban An ninh Trung ương Cục.

Các kỷ vật kháng chiến của lực lượng Công an.

Với khẩu súng ngắn được trang bị để thực hiện nhiệm vụ đặc biệt này, ông vượt qua bao thời khắc sinh tử mong manh, bảo vệ an toàn cho các đồng chí lãnh đạo, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao và còn trở về với gia đình và đồng đội.

Sau chiến tranh, ông Trần Phi Hùng vẫn giữ gìn khẩu súng, bởi với ông nó đã là một phần quá khứ gắn bó mật thiết với đồng đội mà ông không thể nào quên. Trong những phần thưởng cao quý mà ông được nhận như Huân chương kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất, Huân chương Chiến sĩ giải phóng hạng Nhất, Nhì, Ba, ông thấy dường như không thể thiếu sự đóng góp của kỷ vật này.

Giữa rất nhiều kỷ vật vừa được chuyển về Bảo tàng CAND, tôi chú ý tới chiếc la bàn nhỏ màu xanh cũ kỹ, đặt trong chiếc bao da màu nâu sờn rách, hỏng khuy đeo với những vết chỉ khâu lại vụng về nhưng chắc chắn.

Đại úy Nguyễn Hùng Sơn, người trực tiếp đón nhận kỷ vật này cho biết: Đây là chiếc la bàn của đồng chí Huỳnh Công Oai (quê xã Tân Phú Trung, huyện Củ Chi, TP Hồ Chí Minh), từng dùng để phối hợp với đồng đội xác định vị trí khi di chuyển, bảo vệ các đồng chí lãnh đạo Thành ủy Sài Gòn – Gia Định. Nhờ đó, trong những chuyến công tác hay các trận địch đổ quân bao vây căn cứ, ông đã cùng đồng đội mưu trí đưa các đồng chí lãnh đạo và toàn bộ hồ sơ tài liệu vượt vòng vây an toàn.

Các sĩ quan Công an hưu trí và những kỷ vật kháng chiến.

Ông Huỳnh Công Oai vốn là chiến sĩ của lực lượng An ninh khu Sài Gòn – Gia Định. Với bản lĩnh, sự thông minh, mưu trí trong chiến đấu, năm 1966, ông vinh dự được giao nhiệm vụ bảo vệ đồng chí Mai Chí Thọ, Phó Bí thư kiêm Chính ủy Bộ Tư lệnh Khu Sài Gòn – Gia Định. Năm 1967, trên đường đưa đồng chí Mai Chí Thọ về Trung ương Cục, máy bay trực thăng của địch đã phát hiện và bắn vào đoàn bảo vệ. Ông Huỳnh Công Oai cùng đồng đội đã chiến đấu kiên cường, bắn cháy một máy bay, buộc địch phải rút lui, bảo vệ an toàn đồng chí Mai Chí Thọ.

Năm 1972, ông Huỳnh Công Oai lại được điều về đơn vị An ninh vũ trang bảo vệ Thành ủy Sài Gòn – Gia Định, phụ trách Đại đội bảo vệ căn cứ. Trong chiến dịch Hồ Chí Minh 1975, ông đã sử dụng chiếc la bàn để phối hợp với đồng đội tiến đánh Lữ đoàn thiết giáp Quân đội và Ty cảnh sát Hàng Keo của chính quyền Sài Gòn.

Chiếc la bàn nhỏ xinh nhưng đã mang trong lòng nó bao nhiêu ký ức đáng tự hào. Một chút nôn nao khi được cầm trên tay kỷ vật đã gắn với những chiến công lừng lẫy, những con người là một phần của lịch sử dân tộc. Chiếc la bàn này hẳn đã góp một phần vào thành tích mà ông Huỳnh Công Oai được ghi nhận, trong những tấm Huân chương kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất, hạng Nhì và đặc biệt là danh hiệu Anh hùng LLVTND.

Trong những kỷ vật kháng chiến được hiến tặng, còn có một chiếc ca nhôm, kỷ vật của  Đại tá Hồ Xuân Nhân, nguyên Phó Cục trưởng Cục Trinh sát thám không, Tổng cục An ninh, Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an), phụ trách đơn vị Cục trinh sát thám không phía Nam, người đã được tặng thưởng nhiều huân, huy chương vì những thành tích xuất sắc trong chiến đấu và công tác, mang từ rừng Trường Sơn về.

Dường như không có dấu ấn gì đặc biệt, nếu không biết về lịch sử của chiếc ca đã được gìn giữ hơn 40 năm này. Cuối năm 1972, ông Hồ Xuân Nhân lên đường chi viện cho chiến trường miền Nam. Trên đường hành quân vào Nam, ông đã tự tạo chiếc ca từ một phần của xác máy bay Mỹ bị quân ta bắn rơi. Vốn là người khéo tay nên ông Hồ Xuân Nhân đã khắc cảnh núi rừng và dòng chữ “Hồ Xuân Nhân. Kỷ niệm Trường Sơn. Ngày 08/02/1973” bên thành ca.

Chiếc la bàn, chiếc ca và chiếc rút dép của ông Huỳnh Công Oai.

Ông còn lấy một mảnh nhôm từ xác chiếc máy bay địch để làm một chiếc rút dép cao su. Chiếc kẹp có khóa chốt phần dây đeo bằng dù và đai chốt khắc chữ “Nhân”. Cả 2 thứ này là những “vật bất ly thân” của ông suốt những năm sau đó ở chiến trường. Chiến tranh kết thúc, dù cuộc sống trải qua nhiều thay đổi, ông vẫn gìn giữ cả 2 kỷ vật như gìn giữ một phần ký ức của chính mình và đồng đội.

Một kỷ vật nữa cũng mang đến nhiều cảm xúc về một thời gian khó, là tấm võng dù của Thiếu tướng Nguyễn Quang Phòng, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục An ninh, Bộ Công an. Đây là chiếc võng dù mà ông Nguyễn Quang Phòng được Bộ Công an trang bị trước khi ông lên đường chi viện cho chiến trường Khu V vào năm 1972. Chiếc võng dù đã được Thiếu tướng Nguyễn Quang Phòng sử dụng trong suốt thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cho đến ngày đất nước thống nhất, ông vẫn giữ làm kỷ niệm. 

Ngắm nhìn những kỷ vật của Đại tá Hồ Xuân Nhân, Thiếu tướng Nguyễn Quang Phòng, không khỏi cảm giác bồi hồi như gặp lại những ngày đất nước còn trong khói lửa, cảm nhận được từng hơi thở của những chiến sĩ Công an hành quân giữa rừng Trường Sơn, giữa tiếng bom đạn vang rền, hy sinh cận kề mà luôn lạc quan vào ngày toàn thắng. Để thấy được nhiều hơn sự vất vả, hy sinh của thế hệ đi trước.

Truyền thống của lực lượng Công an còn được ghi nhận ở khoảng thời gian lùi về trước, khi tìm về những kỷ vật của các bậc tiền bối trong thời kháng Pháp. Không khỏi bâng khuâng trước kỷ vật đã gắn với quá khứ hào sảng của một trong những vị lãnh đạo cao cấp đã được gìn giữ suốt hơn nửa thế kỷ.

Theo Đại tá Nguyễn Thị Bích Thuận, nguyên Phó cục Trưởng Cục Cảnh vệ, Bộ Công an (phu nhân đồng chí Lê Văn Lương, nguyên Trưởng Ban Tổ chức Trung ương), đây là chiếc ống nhòm của đồng chí Lê Văn Lương, được đồng chí Trần Quốc Hoàn – nguyên Bộ trưởng Bộ Công an tặng năm 1952. Chiếc ống nhòm này đã phục vụ rất đắc lực cho đồng chí Lê Văn Lương trong công tác tại chiến khu Việt Bắc trong suốt thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Hòa bình, đồng chí Lê Văn Lương vẫn giữ món quà tặng vô giá này và sau này, chiếc ống nhóm đã trở thành kỷ vật thiêng liêng của gia đình.

Một góc nhìn về Đại tá, Anh hùng LLVTND Đào Đình Bảng, nguyên Giám đốc Công an các tỉnh Cao Bằng, Yên Bái, Lạng Sơn, một con người như huyền thoại của lực lượng Công an cũng được nhắc gợi qua hơn 20 kỷ vật, trong đó khẩu súng ngắn từng được chính ông sử dụng khi trực tiếp chỉ huy chuyên án bắt biệt kích tại Yên Bái những năm 1960, chiếc máy chữ cổ “Hermes - Baby” do Bộ Công an trang bị khi ông làm Trưởng Ty Công an tỉnh Yên Bái, năm 1958.

Chiếc máy chữ này đặc biệt ở chỗ được đích thân ông Đào Đình Bảng sử dụng trong suốt quá trình công tác, để soạn thảo những tài liệu mật, chứng minh CAND những năm 1955, 1960 do Bộ Trưởng Trần Quốc Hoàn ký và khi nghỉ hưu ông vẫn dùng để đánh máy những bản kiến nghị, hồi ký. Những kỷ vật như một tấm gương nhỏ phản ánh phần nào về cuộc đời giản dị của một chiến sĩ Công an, vừa như hiện thân của chất lý tưởng, nghĩa hiệp, vừa là kho báu của những kinh nghiệm nghiệp vụ và nhân văn được đúc kết, có giá trị to lớn trong sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia và chủ quyền đất nước.

Những kỷ vật cũng như những cánh cửa hé mở cho công chúng hiểu thêm công việc thầm lặng, đầy hy sinh của người chiến sĩ Công an mà không phải ai cũng hiểu. Đó là công việc bảo vệ yếu nhân không hề đơn giản, qua hình ảnh còn ghi lại việc Đại tá Nguyễn Minh Thi (nguyên Trưởng phòng, Cục A21, Tổng cục An ninh, Bộ Công an) trực tiếp hóa trang cho Thủ tướng Võ Văn Kiệt vào dịp Tết Nguyên đán năm 1997, để Thủ tướng “vi hành” kiểm tra tình hình tại Thủ đô Hà Nội.

Cuộc vận động “Sưu tầm và tuyên truyền kỷ vật CAND” đã rất thành công, khi không chỉ sưu tầm được một số lượng lớn các kỷ vật quý giá, mà có ý nghĩa đặc biệt khi rất nhiều kỷ vật đã gắn liền với một hay nhiều sự kiện đặc biệt, những chuyên án nổi bật của lực lượng Công an; hay chuyện đời, số phận của một hay nhiều nhân vật nổi tiếng, để trở thành chứng tích lặng lẽ về một giai đoạn lịch sử.

Dẫu chỉ là một lá thư, một bức hình, một hiện vật bình dị và úa màu thời gian, nhưng chúng đều chứa đựng một phần lịch sử dân tộc, lịch sử của lực lượng Công an và góp phần khắc họa đậm nét hình ảnh những người chiến sĩ Công an trên từng chặng đường cách mạng, trong kháng chiến cũng như trong hòa bình, để thấy được sự hy sinh thầm lặng mà cao cả của họ xứng đáng để được tôn vinh.

Với chiều dài lịch sử của dân tộc, những kỷ vật thật bé nhỏ, nhưng với một đời người, lại là cả câu chuyện. Sự thức dậy của ký ức qua những kỷ vật đã kể cho hôm nay bao câu chuyện thầm lặng, góp phần làm sáng thêm tinh thần yêu nước, lòng tự hào về sự hy sinh của thế hệ cha anh, để nhắc nhớ rằng, quá khứ hào sảng ấy mãi mãi không được phép lãng quên.

Thanh Hằng
.
.