Điệp viên 14 tuổi trong Cơ quan Tình báo Xô Viết

Thứ Bảy, 15/11/2014, 22:45

Trong cuốn kỷ yếu của Ủy ban An ninh Nhà nước Liên Xô (KGB), Trung tướng Pavel Sudoplatov (1907-1996) được ghi nhận như là thành viên nhỏ tuổi nhất. Tên tuổi của ông gắn liền với những chiến công hiển hách, góp phần tô điểm bảng vàng thành tích của cơ quan tình báo lừng lẫy từ những ngày mới thành lập.

Tài không đợi tuổi

Sinh ngày 7/7/1907 tại thành phố Melitopol, trong vùng Taurida nằm dưới sự cai quản của Đế chế Nga Sa hoàng (nay là tỉnh Zaporizhia, Ukraina),  mẹ ông là người Nga và cha là người Ukraina bản địa. Học xong tiểu học vào năm 1919, cậu bé Pavel liền đăng ký tình nguyện gia nhập Hồng quân bất chấp ý nguyện của gia đình muốn cậu học cao lên nữa. Rồi "chàng lính Hồng quân nhí" Pavel hăng hái sát cánh cùng các đồng đội ở Trung đoàn Cận vệ Melitopol, chiến đấu chống lại quân Bạch vệ phản cách mạng trong cuộc nội chiến do các thế lực thù địch chủ mưu, hòng lật đổ những thành quả của cuộc Cách mạng Tháng Mười­.

Nhờ bản tính can đảm cùng lòng nhiệt thành hiếm có với lý tưởng Bolshevik, Pavel Sudoplatov đã được Ủy ban Đặc biệt toàn quốc về đấu tranh chống phản cách mạng, tung tin đồn nhảm và phá hoại (Cheka), tiền thân của KGB đặc cách tuyển dụng vào năm 1921 khi mới tròn 14 tuổi, trở thành thành viên trẻ tuổi nhất trong toàn bộ lịch sử các cơ quan mật vụ Xôviết. Chỉ 6 năm sau, P. Sudoplatov được tín nhiệm giao trọng trách là một trong những nhà lãnh đạo phân ban Tổng cục Chính trị và Cận vệ (OGPU), một bộ phận vũ trang trực thuộc Bộ Dân ủy Quốc phòng Xôviết ở Ukraina.

Đến năm 1933, ông được điều về cơ quan trung ương của OGPU đóng tại thủ đô Moskva. Theo đề nghị của P. Sudoplatov, lãnh tụ Stalin đã nhất trí cho sáp nhập OGPU vào Bộ Dân ủy Nội vụ (NKVD). Rồi Dân ủy viên Nội vụ (Bộ trưởng) Genrikh Yagoda điều động P. Sudoplatov ra nước ngoài hoạt động bí mật, bảo đảm công tác an ninh và tình báo của Liên Xô bên ngoài lãnh thổ đất nước.

Trước đó vào năm 1928,  P. Sudoplatov đã tổ chức kết hôn với Emma Kaganova, một cô gái gốc Do Thái sinh trưởng ở Belarus đang làm việc ở OGPU. E. Kaganova cũng được điều động theo chồng ra nước ngoài, tạo vỏ bọc hoàn hảo giúp cả hai có thêm điều kiện thực thi các nhiệm vụ được giao.

Thành tích đầu tiên của  Sudoplatov trong thời gian hoạt động ở hải ngoại là vụ thủ tiêu Yevhen Konovalets, thủ lĩnh tổ chức phản động Quốc dân đảng Ukraina (OUN) chủ trương vũ trang chống lại chính thể Xôviết, đang sống lưu vong tại Tây Âu. Ngày 23/5/1938, một trái bom bí mật giấu trong hộp kẹo sôcôla, cũng là món quà gửi tới Y. Konovalets đã phát nổ trên bàn tiệc ở Rotterdam (Hà Lan). Người gửi quà trong vai bạn thân của Y. Konovalets do P. Sudoplatov cài cắm từ lâu, với mục đích leo cao luồn sâu vào tổ chức OUN để bóc trần các mưu mô thâm độc của chúng.

Trước khi giao nhiệm vụ cho P. Sudoplatov, Chủ tịch Stalin đã huấn thị: "Đây không phải là một hành động trả thù cá nhân. Mục tiêu của chúng ta là chặn đứng phong trào dân tộc chủ nghĩa quá khích ở Ukraina, bởi chúng sẵn sàng hợp tác với phát xít Đức một khi chiến tranh bùng nổ".

Quyển sách "Special Tasks" của tác giả P. Sudoplatov.

Kế đến là vụ ám sát Leon Trotsky, kẻ đã bị trục xuất khỏi Liên Xô năm 1929 vì rắp tâm phá hoại khối đoàn kết toàn dân. Tuy sống lưu vong tại Mexico, nhưng L. Trotsky vẫn đứng ra thành lập Quốc tế đệ tứ, với mục đích lôi kéo các phong trào cộng sản ở Tây bán cầu chống lại Quốc tế đệ tam do Stalin lãnh đạo. Việc phải thủ tiêu L. Trotsky bằng bất cứ giá nào được Bộ trưởng NKVD Lavrentiy Beria giao cho P. Sudoplatov, lúc này đã đảm nhiệm chức vụ Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Ngoại vụ trực thuộc NKVD với quân hàm Đại tá.

Ông liền cử Ramon Mercader, một điệp viên tài giỏi cũng là đảng viên Đảng Cộng sản Tây Ban Nha, thực hiện nhiệm vụ vào ngày 21/8/1940 tại nhà riêng của Trotsky ở quận Coyoacan, thủ đô Mexico City. Tuy nhiệm vụ hoàn thành, nhưng R. Mercader đã bị chính quyền Mexico bắt giữ rồi kết án 20 năm tù giam. Sau khi ra tù, điệp viên R. Mercader đã được Đoàn chủ tịch Xôviết tối cao Liên Xô phong tặng danh hiệu Anh hùng Liên Xô và Huân chương Lênin.

Trong cuộc Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại, P. Sudoplatov đã đích thân thành lập nhiều tổ chức phản gián, hoạt động bí mật trong vùng hậu phương của quân Đức Quốc xã, thu thập thông tin trọng yếu gửi về tổng hành dinh Hồng quân.

Đến tháng 2/1944, Bộ trưởng L. Beria bổ nhiệm nhà tình báo kỳ cựu P. Sudoplatov đứng đầu Tổng cục S mới hình thành, quy tụ các thành phần ưu tú nhất thuộc Cơ quan Tình báo Quốc phòng (GRU) và NKVD, với nhiệm vụ thu thập những tin tức tuyệt mật liên quan đến kỹ thuật chế tạo vũ khí nguyên tử, chuẩn bị cho nguy cơ đối đầu Đông - Tây sau khi Thế chiến II kết thúc. Đồng thời ông cũng được thăng quân hàm lên cấp Thiếu tướng.

15 năm tù oan khuất

Các điệp viên Xôviết do tướng P. Sudoplatov cài cắm từ lâu ở phương Tây, đã tiếp cận được với các bí mật nguyên tử nhờ sự "trợ giúp" của nhà khoa học Mỹ hàng đầu là Julius R. Oppenheimer, Giám đốc Phòng Thí nghiệm quốc gia thuộc Dự án Manhattan chế tạo quả bom nguyên tử đầu tiên trên thế giới, hay 3 nhà vật lý khác trong nhóm được tôn vinh là "cha đẻ" của bom nguyên tử là Niels Bohr người Đan Mạch, Enrico Fermi người Italia và Leo Szilard người Mỹ gốc Hungary. Sau kỳ tích này, nhà chỉ huy tình báo cự phách P. Sudoplatov được lãnh tụ Stalin quyết định phong quân hàm vượt cấp trước thời hạn lên Trung tướng.

Vợ chồng điệp viên huyền thoại E. Kaganova và P. Sudoplatov.

Nhưng sau cái chết của Stalin vào đầu tháng 3/1953, trong cuộc thanh trừng của Nikita Khrushchev nhằm triệt hạ vây cánh của L. Beria, tướng P. Sudoplatov đã bị bắt giữ cùng với Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng kiêm bộ trưởng Bộ Nội vụ L. Beria và nhiều nhân vật quan trọng khác. Trong khi Nguyên soái L. Beria bị kết án về tội "phản quốc" và bị xử bắn, thì tướng P. Sudoplatov bị cáo buộc liên quan đến Phòng Thí nghiệm số 1 của NKVD. Tòa án Đặc khu Moskva đã tuyên phạt ông 15 năm tù giam.

Sau khi mãn hạn tù vào cuối tháng 8/1968, P. Sudoplatov chuyển sang làm phiên dịch tiếng Đức và tiếng Ukraina cho một công ty lữ hành ở Moskva. Trong thời gian này ông cũng kiếm sống thêm bằng cách viết 3 cuốn sách dưới bút danh Anatoliy Andreev, đề cập đến các hoạt động phản gián trong Thế chiến II theo thị hiếu độc giả với khoản nhuận bút đáng kể.

Đầu năm 1992, sau khi Liên Xô tan rã, Tổng thống Nga Boris Yeltsin đã ký sắc lệnh phục hồi danh dự cho tướng P. Sudoplatov, khôi phục lại các phần thưởng cao quý mà ông từng được trao tặng như Huân chương Lênin, Huân chương Sao Đỏ, Huy chương Chiến thắng phát xít Đức trong Cuộc Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại (1941-1945), Huy chương Du kích Vệ quốc hạng nhất, Kỷ niệm chương 30 năm Quân đội và Hải quân Liên Xô (1917-1947), Kỷ niệm chương Công dân Danh dự nhân 800 năm thành lập thành phố Moskva (1147-1947)...

Mộ của nhà tình báo huyền thoại P. Sudoplatov tại nghĩa trang Novie Donskoy.

Năm 1994, khi đã 87 tuổi, nhà tình báo hiển hách P. Sudoplatov cho xuất bản cuốn sách "Special Tasks" (Những nhiệm vụ đặc biệt), kể về các điệp vụ lừng lẫy mà ông từng gián tiếp chỉ đạo, hay trực tiếp tham gia trong hơn 30 năm hoạt động bí mật của mình. Đầu sách do người con trai độc nhất của ông là Anatoli Sudoplatov hệ thống lại qua lời kể từ người cha, rồi được hai vợ chồng nhà báo Mỹ Jerrold L. Schecter và Leona J. Schecter chấp bút. Ký giả nổi tiếng J. Schecter từng đảm nhiệm chức Trưởng Văn phòng thường trú của tạp chí Time ở Moskva. Cuốn sách do Nhà xuất bản Little, Brown & Company ở New York phát hành.

Trong cuốn sách, tướng P. Sudoplatov tái khẳng định: Nhà khoa học Mỹ J. Oppenheimer cũng như các nhà khoa học nguyên tử hàng đầu mang các quốc tịch khác, thừa biết những người mà họ tiếp xúc là điệp viên của tình báo Xôviết. "Họ làm như vậy trước hết vì muốn giúp đỡ Liên Xô đánh bại quân phát xít Hitler bạo tàn. Thứ đến họ tin rằng, việc truyền bá những kiến thức bí mật về chế tạo bom nguyên tử sẽ thúc đẩy nền hòa bình trên thế giới, bởi không một siêu cường nào sau Thế chiến II có thể độc quyền sở hữu thứ vũ khí đáng sợ nhất hòng hủy diệt nhân loại", tướng P. Sudoplatov nhớ lại.

Sau một thời gian lâm bệnh mạch vành kéo dài, ngày 26/9/1996, tướng P. Sudoplatov bất ngờ lên cơn đột quị rồi từ trần, thọ 89 tuổi. Ông được an táng tại nghĩa trang Novie Donskoy phía nam Moskva, bên cạnh nơi yên nghỉ của người vợ E. Kaganova mất trước đó 8 năm. Khu nghĩa trang này vốn nổi tiếng là nơi an táng cũng như tiến hành hỏa táng các danh nhân Xôviết, trước khi hộp tro cốt của họ được chôn bên chân tường thành Điện Kremlin

Kim Dung (tổng hợp)
.
.