Điệp viên Xô Viết hóa thân nghệ thuật và những nguyên mẫu

Chủ Nhật, 30/12/2018, 08:39
Phim ảnh về đề tài tình báo luôn là những sản phẩm thu hút được sự chú ý đặc biệt của công chúng bởi sự gay cấn, táo bạo và cả tính trí tuệ cao. Tất nhiên, các nhân vật tình báo viên trong điện ảnh Xôviết cũng không phải là ngoại lệ. Trên thực tế, mỗi nhân vật tình báo viên Xôviết trong phim ảnh đều có những khuôn mẫu ngoài đời thực, đôi khi những số phận thực tế của họ còn hấp dẫn và thú vị hơn cả trong phim. Hãy cùng điểm qua một số bộ phim đáng chú ý…

“Chiến công của tình báo viên”

Bộ phim của đạo diễn Boris Barnet quay vào năm 1947 kể về tình báo viên Aleksey Fedotov (diễn viên Pavel Kadochnikov), người hoạt động dưới vỏ bọc của nhân vật Heinrich Eckert. Nhân vật chính trong phim đã khai thác được nhiều tài liệu mật và lập được nhiều chiến công quan trọng tại thành phố Vinnytsia (Ukraine) khi đó đang bị quân Đức chiếm đóng. Nguyên mẫu ngoài đời thực của Fedotov chính là điệp viên hoạt động trong vùng địch hậu nổi tiếng Nikolai Kuznesov.

Cảnh trong phim “Chiến công của tình báo viên”.

Cũng như Fedotov, Kuznesov đã bắt giữ được viên tướng Max Iigen, chỉ huy lực lượng đặc nhiệm Osttruppen của phát xít Đức tại mặt trận phía Đông. Có điều khác với trong phim, Kuznesov đã không thể đưa được viên tướng tù binh này về hậu phương mà xử bắn hắn sau khi thẩm vấn. Số phận của Kuznesov cũng bi kịch hơn nhân vật hóa thân trong điện ảnh của ông. Nếu như điệp viên Fedotov bình an quay trở về nhà thì Kuznesov đã hy sinh trong một trận đánh tại Lvov vào mùa xuân năm 1944.

“Thiếu tá gió lốc”

Đến năm 1967, điện ảnh Xôviết ra mắt một bộ phim đáng chú ý của đạo diễn Yevgeny Tashkov về hoạt động của nhóm tình báo với nhiệm vụ chính là ngăn cản quân Đức phá hủy thành phố Krakow (Ba Lan), một di tích nổi tiếng của văn hóa nhân loại. Nhân vật “Thiếu tá gió lốc” trong phim có tới 2 nguyên mẫu ngoài đời là Engeny Berezniak và Aleksey Botian.

Trên thực tế, nhiệm vụ ngăn chặn âm mưu phá hoại của phát xít Đức được giao cho 2 nhóm tình báo khác nhau. Còn cảnh điệp viên Xôviết chạy trốn khỏi sự truy đuổi của quân Đức trong khu chợ của thành phố hoàn toàn giống với thực tế ngoài đời của Berezniak. Berezniak sau khi chạy thoát khỏi sự truy lùng của quân Đức đã phải trải qua một thời gian dài bị nghi ngờ từ phía cơ quan an ninh. Phải đến khi bắt giữ được một nhân viên Gestapo tại Krakow, thực tế về cuộc chạy trốn của ông mới được làm sáng tỏ, giúp ông khôi phục lại lòng tin của cấp trên.

Áp phích của bộ phim “Thiếu tá gió lốc”.

Khác với “Thiếu tá gió lốc” trong phim, về sau đã hy sinh trong chiến đấu – cả Berezniak và Botian đều sống sót. Botian có một thời gian dài tiếp tục làm việc trong cơ quan mật vụ, có đóng góp đáng kể trong việc thành lập ra lực lượng đặc nhiệm “Vympel”. Mọi chi tiết về chiến dịch đặc biệt tại Krakow chỉ được công luận biết đến nhiều vào đầu thế kỷ XXI, khi các nhân vật chính được chính thức khen thưởng vì công lao bảo vệ thành phố cổ kính của Ba Lan.

“Sỹ quan tùy tùng của tướng quân”

Đây là một bộ phim đáng chú ý ra đời vào năm 1969, kể về hoạt động của tình báo Xôviết trong cuộc nội chiến. Theo đó, điệp viên Pavel Kolsov thâm nhập vào hàng ngũ của quân Bạch vệ, trở thành sỹ quan tùy tùng của tướng Kovalevski. Nguyên mẫu của nhân vật Kolsov là Pavel Makarov có một số phận phức tạp hơn nhiều hóa thân của ông trong điện ảnh. Từng là một cựu chiến binh có quân hàm chuẩn úy, Makarov ban đầu gia nhập Hồng quân.

Sau khi bị quân Bạch vệ bắt giữ tại Melitopol (Ukraine), Makarov không những an toàn mà còn được sung vào đơn vị tình nguyện của lực lượng này. Nhờ biệt tài biết thu hút lòng người, Makarov trở thành sĩ quan tùy tùng của viên tướng tư lệnh May-Mayevsky. Về sau, khi bị nghi ngờ có quan hệ với tình báo của Bolshevik, Makarov buộc phải chạy trốn. Ông tham gia tích cực vào cuộc chiến trong hậu phương quân Bạch vệ và được Hồng quân khen thưởng.

Cảnh trong phim “Sỹ quan tùy tùng của tướng quân”.

Sau khi Krym được giải phóng, Makarov vào làm việc tại Cơ quan An ninh Cheka, cho công bố cuốn sách “Sỹ quan tùy tùng của tướng quân” kể về quãng thời gian hoạt động tình báo trong hàng ngũ Bạch vệ của mình. Cuốn sách chính là cơ sở để hai tác giả Igor Bolgarin và Georgie Severski xây dựng kịch bản cho bộ phim nói trên. Trong những năm Chiến tranh vệ quốc vĩ đại, Pavel Makarov là một trong những chỉ huy của phong trào du kích tại Krym. Ông qua đời vào năm 1970.

“Mười bảy khoảnh khắc mùa xuân”

Điệp viên nổi tiếng nhất trong bộ phim này – đại tá lực lượng SS Max Otto von Stierlitz – lại không có một nguyên mẫu rõ ràng, cho dù nhiều phần trong tiểu sử và các chiến dịch đã tham gia của ông trong phim đều có trong thực tế. Cụ thể một phần tiểu sử của Stierlitz lấy từ tiểu sử của nhân viên Gestapo – đại úy SS Willi Lehmann, người được tình báo Xôviết tuyển mộ từ năm 1929.

Diễn viên Viacheslav Tikhonov trong vai đại tá Max Otto von Stierlitz.

Ông đã từng chuyển giao cho Liên Xô những thông tin quan trọng nhất về chương trình quân sự của Hitler, về những thiết kế kỹ thuật mới nhất của Đức. Ba ngày trước khi nổ ra cuộc chiến, Lehmann là người đã báo trước về việc những hành động quân sự của Hitler chống Liên Xô sẽ bắt đầu vào ngày 22-6-1941. Lehmann bị phát xít Đức phát hiện và thủ tiêu vào năm 1942.

Còn một nguyên bản nữa của Stierlitz là thượng úy không quân Đức Harro Schulze-Boysen, một người có tư tưởng chống phát xít và là thành viên của tổ chức chống phát xít “Dàn nhạc đỏ”. Từ năm 1936, ông đã hợp tác tích cực với tình báo Xôviết bằng việc chuyển giao nhiều thông tin có giá trị. Năm 1942, phản gián Đức đã may mắn giải mã được một bức điện vô tuyến từ Moskva và phát hiện ra Schulze-Boysen. Hậu quả là ông bị xử tử tại Berlin vào tháng 12-1942.

“Mùa chết”

Bộ phim được sản xuất vào năm 1968 được coi là sản phẩm điện ảnh đầu tiên kể về hoạt động của các chiến sĩ tình báo Xôviết trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Nguyên mẫu của điệp viên Ladeynikov trong phim chính là một trong những ngôi sao của Cơ quan Tình báo Xôviết – Konan Molody, người từng hoạt động rất thành công tại nước Anh trong những năm 1950-1960. Molody, ngoài việc thu thập thông tin tình báo, còn thể hiện là một thương gia rất thành đạt, kiếm khá nhiều tiền phục vụ cho nhu cầu hoạt động của tình báo Xôviết.

Một cảnh trong bộ phim “Mùa chết”.

Hơn nữa, Molody – nổi tiếng tại Anh với cái tên thương gia Gordon Lonsdale – không lâu trước khi bị phát hiện và bắt giữ từng được Nữ hoàng Anh phong tước hiệp sĩ nhờ những “thành công trong việc phát triển hoạt động thương mại”. Cũng như phần lớn các điệp viên khác trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, Molody bị lộ do một kẻ đào tẩu khai báo. Vào năm 1961, điệp viên này bị bắt giữ vào thời điểm đang chuyển giao các tài liệu mật và bị kết án 25 năm tù. Ba năm sau, ông được trao đổi với điệp viên Greville Wynne của Anh trước đó bị bắt giữ tại Liên Xô.

Điều thú vị là chính Molody cũng tham gia vào quá trình sản xuất bộ phim, khi ông được mời làm cố vấn cho êkíp dàn dựng phim. Tham gia vào lời dạo đầu của bộ phim còn có một huyền thoại khác của tình báo Xôviết là Rudolf Abel, tên thật là Vilyam Fisher. Abel từng hoạt động tại Mỹ và bị các nhân viên Cục điều tra liên bang (FBI) bắt giữ, sau này được trao đổi với Francis Powers, viên phi công lái chiếc máy bay do thám U-2 bị bắn rơi trên bầu trời Liên Xô.

“TASS được quyền tuyên bố”

Khác với phần nhiều bộ phim khác, tác phẩm “TASS được quyền tuyên bố” ra đời năm 1984 không nói về đề tài tình báo, mà về hoạt động phản gián. Chính vì vậy, nhân vật phản diện chính của bộ phim là tay điệp viên “Trianon” của Mỹ. Nguyên mẫu của Trianon cũng có trong đời thực – đó là Alexander Ogorodnik, nhân viên Ban phụ trách nước Mỹ thuộc Cục Kế hoạch chính sách đối ngoại – Bộ Ngoại giao Liên Xô.

Một cảnh trong phim “Tass được quyền tuyên bố”.

Bộ phim đã mô tả khá chi tiết về chiến dịch phát hiện và vô hiệu hóa tên gián điệp này. Ogorodnik trên thực tế đã được Cục Tình báo trung ương Mỹ (CIA) tuyển mộ nhờ trò mỹ nhân kế. Hắn thậm chí còn đầu độc cô người yêu Olga khi bị nghi ngờ và cuối cùng đã tự vẫn cũng bằng một chiếc bút có chứa chất độc.

Các nhân viên phản gián Xôviết đã thành công trong việc che giấu CIA về cái chết của tên gián điệp, nhờ đó trong quá trình theo dõi hộp thư bí mật đã bắt quả tang một nam nhân viên của đại sứ quán Mỹ. Còn trên thực tế, người bị bắt giữ không phải là nam, mà là một nữ nhân viên có tên Martha Peterson.

Cần nói thêm là nhân vật chính diện trong phim, tình báo viên Slavina cũng có một nguyên mẫu. Yulian Semenov, tác giả cuốn tiểu thuyết cùng tên, cũng như là của kịch bản bộ phim đã chọn nguyên mẫu trên là thiếu tướng KGB Viatreslav Kevorkov.

Hồng Sơn (tổng hợp)
.
.