Điều ít biết về Chúa Tiên Nguyễn Hoàng: Dựng nghiệp trên vùng đất mới

Thứ Năm, 24/10/2013, 14:25

Sau khi được người anh rể đầy mưu toan là Trịnh Kiểm đồng tình trong việc Nguyễn Hoàng xin đi trấn nhậm ở phương Nam và được vua Lê Anh Tông chấp thuận, Nguyễn Hoàng đã cùng với người cậu (em ruột mẹ) là Thái Phó Uy Quốc Công Nguyễn Ư Dĩ (có tài liệu nói là Nguyễn Ư Kỷ) bàn tính phương cách để sớm lên đường.
>> Cái chết bất thường của con trai một vị tướng

Sau này, nhiều tài liệu nghiên cứu lịch sử đã viết lại rằng, trong đoàn quân hùng hậu Nam tiến vào tháng 10 năm Mậu Ngọ (1558) ấy, Nguyễn Hoàng đã mang theo gia quyến cùng những tướng sĩ thân tín như: Thạch Xuyên, Văn Nham, Tường Trung, Tường Lộc… hai gia tướng của cha mình là Vũ Thì An, Vũ Thì Trung cùng với hàng nghìn đồng hương ở huyện Tống Sơn và đương nhiên là có cả gia quyến của Thái phó Nguyễn Ư Dĩ.

Điểm dừng chân đầu tiên của đoàn quân Nam tiến ấy là cửa Việt Yên (nay là Cửa Việt). Tại đó, Nguyễn Hoàng đã cho quân binh của mình đóng trại ở Gò Phù Sa, xã Ái Tử, huyện Đăng Xương (hay còn gọi là Vũ Xương) thuộc huyện Triệu Phong của tỉnh Quảng Trị ngày nay.

Lúc bấy giờ, Lưu thủ Thuận Hóa là Tống Phướng Trị người ở Tống Sơn, Thanh Hóa đã tìm đến để vái chào Nguyễn Hoàng đồng thời dâng lên cho Nguyễn Hoàng bản đồ và sổ sách trong xứ và xin được một lòng phò tá. Người dân địa phương cũng hết sức vui mừng khi hay tin triều đình nhà Lê đã cử một vị quan lớn vào trấn nhậm xứ sở của mình nên đã đón tiếp quan Trấn thủ vô cùng trọng thể, đồng thời tôn xưng Nguyễn Hoàng là nhà Chúa. Nhân dịp này, những bô lão trong xứ đã mang đến dâng lên nhà Chúa 7 vò nước tinh khiết.

Quan Thái phó Nguyễn Ư Dĩ nhìn thấy việc làm đó của nhân dân đã nói với Nguyễn Hoàng rằng: "Cháu mới đến trấm nhậm đất này mà được người dân dâng nước cho, ấy là điềm được nước vậy". Nguyễn Hoàng mừng vui khôn xiết và xem đó như là một điềm đại cát cho mình, đặc biệt là khi ông nhớ lại câu khuyên bảo của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm: "Hoành sơn nhất đái, vạn đại dung thân".

Cùng với những gì mà bản thân Nguyễn Hoàng đã nhìn thấy, ông chắc rằng lòng dân nơi đây đã thần phục, vì lẽ đó mà ngay từ những ngày đầu tiên đến dựng nghiệp ở vùng đất mới, Nguyễn Hoàng đã tự hứa với lòng mình là sẽ bằng mọi cách để biến vùng đất nghèo nàn, khắc khổ này thành một vùng đất trù phú để làm đất "dung thân" cho mình và con cháu về sau. Tuy nhiên, tận trong sâu thẳm lòng mình, Nguyễn Hoàng vẫn không khỏi e dè không những vì đây là một vùng đất chướng khí mà còn là vùng đất giặc giã như rươi. Ngoài việc quân nhà Mạc, Chiêm Thành, Chân Lạp thường xuyên đánh phá thì bên trong vẫn tồn tại bọn cướp biển, giặc cỏ nổi lên càn quấy…

Cũng xin được nói thêm rằng: Thuận Hóa là địa phận của hai châu Ô, Lý mà xưa kia là quận Ulik của Chiêm Thành. Mảnh đất rộng lớn này là quà sính lễ của Vua Chiêm Thành, Chế Mân Shimhavarman Đệ tam dâng lên Vua Trần Anh Tông để cưới Công chúa Huyền Trân về làm vợ. Ngày Chế Mân chết, theo tục lệ của Chiêm Thành thời ấy thì Hoàng hậu phải lên giàn hỏa thiêu theo xác vua. Nhưng Thượng tướng nhà Trần là Trần Khắc Chung vì si tình người đẹp mà đã âm thầm vượt biển vào đất Chiêm Thành để giải cứu Huyền Trân mang về nước. Từ đó, người Chiêm Thành nổi giận nên đã nhiều lần kéo quân ra đánh Bắc Hà. Mãi hơn một thế kỷ sau, Vua Lê Thái Tông mới đánh thắng Chiêm Thành để làm chủ hẳn đất Ulik. Tuy nhiên, vì mối hận xưa nên thỉnh thoảng quân Chiêm Thành cũng tràn sang đánh phá.

Hình tượng người dân Thuận Hóa dâng 7 vò nước cho Nguyễn Hoàng.

Có thể nói rằng, đất Thuận Hóa thời Nguyễn Hoàng mới đến trấn nhậm là một mảnh đất rộng lớn bao la, hầu như là chưa có bàn tay của con người đến khai phá. Dân tình lúc ấy chủ yếu kéo nhau đến lập làng ở những vùng gần sông suối, họ chỉ khai phá những vùng đất màu mỡ để trồng trọt lúa, ngô, khoai, đậu để phục vụ cuộc sống qua ngày. Vì vậy mà Nguyễn Hoàng đã cho dân tự do khai hoang lập hóa. Ai có sức khai hoang được bao nhiêu thì được quyền làm chủ đất ấy, và cũng chính nhờ vào chính sách khuyến khích cùng với sự giúp đỡ của chính quyền trong việc khai hóa đất đai mà lãnh thổ cứ ngày một được nới rộng.

Như một lẽ thường tình trong cuộc sống, cứ vùng đất nào màu mỡ, trù phú thì người dân lại kéo nhau về sinh sống, rồi họ lập nên chợ để giao thương, họ đào thêm kênh mương để tưới tiêu và rút ngắn hệ thống giao thông nội địa… Chẳng mấy chốc, vùng đất vốn được xem là "khỉ ho cò gáy" khi Nguyễn Hoàng mới đến để lập dinh trại nay đã là một miền đất hứa cho dân chúng ở vùng Thanh - Nghệ di cư vào định cư.

Những ngày đầu dựng nghiệp ở đất phương Nam, Nguyễn Hoàng đã rất quan tâm đến việc thu phục lòng người. Với sự giúp sức tận tình của Thái phó Nguyễn Ư Dĩ, Nguyễn Hoàng đã có rất nhiều việc làm khiến lòng dân hoan hỉ như việc ông cho bố cáo chiêu hiền đãi sĩ, ông ra lệnh giảm thuế cho dân, việc sai dịch cũng được giảm tối đa, chỉ trừ những trường hợp quá ư cần thiết… Ông lo cho dân chúng trong xứ sở ông trấn nhậm được an cư lạc nghiệp ngay sau khi di trú đến vùng đất mới, hành trình ấy đã phải trải qua không biết bao nhiêu gian khó, nhưng nhờ ông là một con người có đầu óc tổ chức tốt nên mọi khó khăn cũng được hóa giải.

Bên cạnh việc lo cho dân có một đời sống sung túc, ông còn cùng với những cận thần thân tín của mình tổ chức nên một lực lượng quân đội hùng mạnh. Có như vậy ông mới đủ sức để chống lại giặc ngoại xâm, đủ sức để đương đầu với quân nhà Mạc, với bọn cướp biển manh động quấy phá cả một vùng lãnh hải rộng lớn…--PageBreak--

Sách "Thời Nam Bắc Triều" của tác giả Việt Chương, do NXB Phụ Nữ ấn hành năm 2001 viết: Thời bấy giờ ở vùng biển Nam Hải và cả biển Đông, bọn hải tặc hung dữ xuất hiện rất nhiều. Lực lượng của chúng lại vô cùng hùng hậu, chúng có nhiều chiến thuyền cỡ lớn, binh sĩ lại giỏi nghề thủy chiến, súng ống tối tân, vì vậy mà trước đó quân đội của triều đình đã nhiều phen ra sức tiễu trừ nhưng vẫn không tiêu diệt được.

Nguy hiểm nhất trong bọn này là giặc Nụy Khấu, hay còn gọi là bọn cướp biển lùn, chúng vừa hung hãn, vừa có súng ống tàu bè. Kế đó là bọn cướp Lâm Phượng (Lima Hong), sử gia người Pháp gọi chúng là Pirate de Gesnie, vốn là bọn cướp biển lừng danh, bất cứ tàu biển nước nào xuôi ngược vùng này cũng phải đóng tiền mãi lộ cho chúng mới được yên thân. Đoàn hải hành nào thời đó dù có đông đảo đến đâu, khi nghe đến tên Lâm Phượng cũng đều kinh hồn bạt vía…

Kể thêm những câu chuyện trên đây để bạn đọc có thể thấy một cách rõ hơn sự "dữ dội" ở vùng đất Thuận Hóa. Thế nhưng, bằng một quyết tâm sắt đá, Nguyễn Hoàng đã từng bước vượt qua mọi khó khăn, khổ ải ở vùng đất mới này và bản thân ông được tất thảy những người dân trong vùng mến mộ, nhiều bậc hiền tài tìm đến giúp rất đông. Chỉ một thời gian ngắn kể từ khi ông đến, mảnh đất Ái Tử đã trở thành nơi đô hội, người dân được sinh sống trong ấm no hạnh phúc, họ xưng tụng ông là Chúa Tiên để biết ơn và kính trọng…

Trong phần mở đầu của tham luận "Quảng Trị - Địa bàn chiến lược tối ưu của Chúa Nguyễn Hoàng", nhà nghiên cứu Phan Thuận An đã viết: Người ta thường nói anh hùng tạo ra thời thế, nhưng cũng có khi thời thế tạo ra anh hùng. Nguyễn Hoàng là một nhân vật lịch sử do thời cuộc tạo ra. Ông sinh trưởng ở đất Bắc nhưng lại dựng nên nghiệp lớn và lưu danh muôn thuở ở phương Nam.

Rõ ràng, những ai am tường cổ sử đều biết rằng, khi dâng biểu lên vua Lê để xin cho người em vợ là Nguyễn Hoàng vào trấn nhậm ở mảnh đất Thuận Hóa thì người anh rể nhiều tham vọng là Trịnh Kiểm đã như mở cờ trong bụng với kế sách "bắn một mũi tên nhằm vào ba đích". Thứ nhất là ông ta đã làm vừa lòng vợ là Ngọc Bảo; thứ hai là ông có dịp để xưng công trạng với vua Lê khi tiến cử một tướng tài mới 34 tuổi vào trấn nhậm ở một vùng đất nhiều sóng gió; thứ ba và quan trọng hơn cả là ở miền đất ấy giặc giã liên miên, nên biết đâu vô tình mà mượn được tay của quân nhà Mạc hay Chiêm Thành… để tiêu diệt Nguyễn Hoàng đề phòng hậu họa…

Thế nhưng, sự đời khó ai lường được từ thâm ý của họ Trịnh là muốn tống khứ cái gai trước mắt mình (Nguyễn Hoàng) đi càng xa càng tốt thì ngược lại đó là hồng phúc cho họ Nguyễn vì như đã được biếu không một giang sơn dài rộng đến sau này.

Ở trên đất Quảng Trị, ngoài việc lập dinh cơ đầu tiên ở Ái Tử (1558), Chúa Tiên còn hai lần dịch chuyển dinh cơ nữa đó là vào năm 1570 (dời từ Ái Tử về Trà Bát) và năm 1600 (dời từ Trà Bát về Dinh Cát).

Về sau này, khi nghiên cứu về hành trình dựng nghiệp của nhà Nguyễn ở xứ Đàng trong, nhiều người đã từng đặt câu hỏi: "Vì sao khi mới được cử vào trấn nhậm ở Thuận Hóa, Nguyễn Hoàng đã không chọn thành Hóa Châu hay thành Thuận Châu để đặt dinh cơ như những triều đại trước?". Vấn đề này, trong tham luận "Ba lần lập dinh trấn ở Quảng Trị - Ba sách lược của Nguyễn Hoàng", nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa lý giải: Quốc sử quán triều Nguyễn đã hé lộ một thông tin quan trọng, "Bấy giờ xứ Thuận Hóa mới dẹp yên, tuy nhà Lê đã đặt tam ty (Đô ty, Thừa ty, Hiến ty) và phủ huyện để cai trị, nhưng nhân dân vẫn chưa một lòng" Có thể vì điều này mà Nguyễn Hoàng không theo thông lệ để chọn những trung tâm chính trị - kinh tế vốn đã tồn tại hàng trăm năm dưới các triều đại trước để đặt làm trị sở. Chọn Ái Tử, vùng đất nằm bên bờ sông Thạch Hãn, nối liền với Cửa Việt, có những bãi cát trống trải, thuận lợi cho việc phòng thủ theo quan điểm quân sự cổ điển thời bấy giờ có lẽ chỉ là một phần. Phần quan trọng hơn, có thể Nguyễn Hoàng muốn chọn một vùng đất mới, vùng đất chưa chịu ảnh hưởng sâu đậm của triều đại trước để dễ thực hiện sách lược thu phục nhân tâm của riêng mình…

Chính từ vùng đất mới này, Nguyễn Hoàng hoàn toàn thuận lợi để thực hiện sách lược đầu tiên của mình: Vừa làm tốt chức trách của một vị quan trấn thủ, mở mang vùng đất mới, vừa bắt tay xây dựng trên bãi đất trống một căn cứ địa, làm vùng đất khởi nghiệp; đồng thời thực hiện chính sách thu phục nhân tâm, dựa vào lòng dân ở vùng đất mới đang hướng vọng vào vị quan trấn thủ để xây dựng thực lực, chuẩn bị cho một kế sách lâu dài…

Trong bài viết "Chúa Tiên Nguyễn Hoàng, đấng minh quân sáng lập xứ đàng trong Đại Việt và triều Nguyễn với nước Việt Nam thống nhất", nhà nghiên cứu Nguyễn Phước Tương cho biết: Cũng trong năm Chúa Tiên dời dinh cơ của mình từ Ái Tử về Trà Bát thì Vua Lê Anh Tông đã chỉ dụ điều động Quận công Nguyễn Bá Quý, người đang trấn nhậm Xứ Quảng Nam về Xứ Nghệ An để cai quản xứ này, đồng thời phong cho Đoan Quận công Nguyễn Hoàng làm Tổng trấn Tướng quân kiêm quản cả Xứ Quảng Nam.

Như vậy đến lúc này, Đoan Quận công Nguyễn Hoàng quản lãnh cả Thuận Hóa và Quảng Nam, một vùng lãnh thổ rộng lớn kéo dài từ đất Quảng Bình cho đến đất Bình Định, vùng đất phên dậu cực Nam của Đại Việt giáp giới với nước Chiêm Thành…

Phan Bùi Bảo Thy
.
.