Đỗ Mười, một phong cách

Thứ Tư, 03/10/2018, 10:25
Với những yếu nhân của một quốc gia, lâu nay, người ta hay đặt cho họ những biệt danh cao quý về tư tưởng hoặc tác phong, nhưng riêng với nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười, tôi được biết nhiều người nhớ đến ông ở góc độ phong cách.

Đó là một phong cách bình dân ấm áp mà ở ông luôn được toát ra đậm nét ở bất cứ chỗ nào. Có lẽ ông là một trong số rất ít người có thể nói vo cả 3-4 tiếng đồng hồ, mà lại toàn là những vấn đề lớn lao, vĩ mô. Ông luôn biết biến những điều phức tạp thành ra đơn giản, biết biến cái "trúc trắc" trong chính trị, trong các phạm trù văn hóa, triết học thành những từ dân gian, ông ví Liên Xô sau chính biến năm 1991 như con voi bị bệnh hiểm nghèo.

Ông nói văn nghệ sĩ là hoa của đất, mà đã là hoa thì phải tỏa hương thơm và làm đẹp cho đời. Có cảm giác hết thảy những điều ông nói ra đều xuất phát từ trong trái tim người cộng sản chỉ biết một lòng một dạ vì cuộc sống của nhân dân, vì sự đi lên của xã hội. Có lần ông rủ rỉ: "Tôi biết ngồi đây vẫn có những anh chị chưa hoàn toàn đồng ý với tôi về bản chất của chủ nghĩa xã hội, bản chất của Đảng ta. Vậy tôi xin mời các anh các chị đến phòng tôi, chúng ta uống trà, trao đổi, kể cả tranh luận để tìm ra chân lý".

Nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười.

Tất nhiên, sau đó những người này có đến, có ngồi cả buổi với ông. Nhưng rồi liệu họ có thấu hiểu mọi điều, mọi nhẽ hơn không, nhưng rõ ràng là họ, vốn dị ứng với quyền lực vô sản chắc cũng thấu hiểu hơn một tấm lòng lãnh tụ.

Lại nhớ trong những trang sử hào hùng chống phong tỏa thủy lôi Mỹ ở khu cảng chiến lược Hải Phòng năm 1972, khi ông là Phó Thủ tướng kiêm đặc trách mặt trận xung yếu này. Người ta kể, có đêm đã khuya lắm rồi, ông vừa bế cháu vừa quát vào điện thoại hỏi xem mật độ thủy lôi Mỹ thả dày đến đâu, ở những cửa biển cửa sông nào, ta có ai hy sinh không và các nhà khoa học, bên hải quân, bên hàng hải đã chế ra thiết bị rà phá được con thủy quái đó chưa... Tiếng ra lệnh cùng với tiếng trẻ thơ khóc ngằn ngặt trong điện thoại đã vang trên sóng nước chiến tranh một thời và có lẽ còn vang tiếp nhiều thời.

Phó Thủ tướng trong chiến tranh khốc liệt, Thủ tướng trong thời kỳ hậu chiến ngổn ngang và Tổng Bí thư trong giai đoạn bắt đầu đổi mới, dường như số phận dân tộc, lịch sử non sông luôn đặt lên đôi vai ông những trọng trách bản lề mà không phải ai cũng có thể dễ dàng vượt qua. Những năm tháng đó, ai cũng hiểu rằng, ông đã bám chắc vào dân, thở hơi thở của nhân dân, vui buồn cùng nỗi niềm với nhân dân nên phải chăng, từ chiều sâu nhân văn thăm thẳm đó, cùng với bộ tham mưu dày dạn của đất nước, các phát kiến, đường lối, chủ trương táo bạo nhằm thay đổi cơ bản cục diện kinh tế được ra đời. Lịch sử tạo nên cá nhân và cá nhân cũng làm nên lịch sử có lẽ nằm ở ý nghĩa này.

Tổng Bí thư Đỗ Mười nói chuyện thân mật với nhân dân xã Lê Lợi, huyện Thường Tín (Hà Tây cũ), ngày 1-11-1992. Ảnh: Xuân Lâm/TTXVN.

Là một nhân cách quyết đoán trong những thời khắc quan trọng và nhạy cảm của đất nước, trong đời thường ông lại là một con người duy cảm. Tôi đã đôi lần nhìn thấy ông nghẹn lời khi nói về những mất mát, những nỗi đau da cam, những vấn nạn xã hội đang hoành hành, những hiểm họa thiên tai khắc nghiệt mà người dân ở những vùng bão lũ phải gánh chịu. Như thể ông đang nhận lỗi về tất cả trước quốc dân đồng bào, ông là một nhân cách thủy chung với những con người, với thế hệ cùng thời với mình mà sự đóng góp, công lao của họ với cách mạng không bao giờ ông xao nhãng, bỏ quên.

Ông là một con người tình nghĩa, một phong cách sống chân thành, đằm thắm, hết lòng với con người, với cuộc đời. Vì thế mà hình ảnh ông Đỗ Mười, chắc chắn sẽ còn cháy sáng bền bỉ thật lâu trong tâm khảm nhân dân.

Nhà văn Chu Lai
.
.